Trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi do sử dụng ma túy

Trong những năm gần đây tình trạng sử dụng các loại ma túy nhất là ma túy đá diễn ra rất phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ và hệ lụy đó là gây ra các vụ thảm án đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng tình trạng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mặc dù các quy định của BLHS năm 2015 rất nghiêm khắc, song trong thực tiễn vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự với các tội phạm này vẫn còn khó khăn do thiếu văn bản hướng dẫn thi hành.

1. Quy định của pháp luật

Theo quy định tại Điều 13 BLHS năm 2015 Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác
“Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự gây ra và mọi hành vi phạm tội đều bị xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, BLHS cũng có các quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đó là tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự có nguyên nhân từ việc mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Trong thực tiễn tồn tại hai dạng mất khả nang nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi tồn tại dưới hai dạng:

Dạng thứ nhất: Bệnh tâm thần hoặc bệnh khác hay còn gọi là chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, đề cập đến một loạt tình trạng sức khỏe tâm thần — các chứng rối loạn ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của bạn. Đặc điểm chung của dạng này có nguyên nhân khách quan, tức là người bệnh hoàn toàn không mong muốn và nó diễn ra một cách tự nhiên có thể do sự tác động từ yếu tố di truyền hoặc do môi trường. BLHS quy định những trường hợp mặc bệnh do các yếu tố này là những người mất năng lực hành vi do đó họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mà học gây ra.

Dạng thứ hai: Do tác động của yếu tố chủ quan dẫn đến hình thành bệnh tâm thần hoặc bệnh khác. Nguyên nhân hình thành nên tình trạng này đó là do sử dụng các chất cấm trong đó có ma túy. Dưới góc độ y học, có thể nhận thấy ma túy và các chất ma túy gồm nhiều loại khác nhau, nhưng nói chung được xếp vào 2 nhóm là ức chế và kích thích thần kinh trung ương (não bộ). Heroin thuộc nhóm ức chế thần kinh trong khi hầu hết các ma túy còn lại thuộc nhóm kích thích (đá, lắc, cỏ Mỹ, tem giấy, cocain…).

Và thực tế đa số người nghiện heroin khi lên cơn thường dùng rượu để khỏa lấp sự khó chịu này bằng cách uống thật say. Và sẽ là rất nguy hiểm khi lái xe mà sử dụng 1 trong 2 chất này, sự nguy hiểm tăng lên gấp bội phần nếu sử dụng đồng thời cả 2 loại.

Như vậy, nguyên nhân hình thành “Ảo giác” sau khi sử dụng ma túy hoàn toàn không phải là hình thành một cách tự nhiên mà nhờ sự tác động của một chất bị Nhà nước cấm nhưng người phạm tội vẫn sử dụng đó là hành vi cố ý, vì vậy, xác định việc sử dụng ma túy gây ra ảo giác, ảnh hưởng hệ thần kinh không phải là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự.

Việc sử dụng ma túy dẫn đến “Ảo giác” tồn tại hai thời điểm:

Thứ nhất: Gây ra mất khả năng nhận thức ngay tức thì, tình trạng này chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian và sau đó thì người sử dụng trở lại trạng thái bình thường. Ví dụ: Vụ án của bị cáo Nguyễn Việt Cường (SN 1978, tức ca sĩ Châu Việt Cường) bị xét xử về tội giết người. Nội dung vụ án: sáng 5/3/2018, sau khi đi biểu diễn ở khu công nghiệp tại tỉnh Hà Nam về, Châu Việt Cường đón ca sĩ Nam Khang, sau đó cả hai đến nhà của Thế tại Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội. Tại đây, Cường bỏ ma túy tổng hợp ketamin ra cho cả ba cùng sử dụng.
Sau khi bị phê ma túy, Cường và chị Huyền đều có biểu hiện gặp ảo giác, họ quỳ xuống vái lậy nhau. Cường nghĩ chị Huyền bị ma nhập nên đã nhét 30 nhánh tỏi vào miệng cô gái khiến nạn nhân bị tắc đường khí quản và tử vong sau đó. Sau khi gây án xong, Cường mời hai thầy bói đến để “trừ tà” và hai thầy bói đã phát hiện ra sự việc và báo công an.

Ngày 13/3/2018, cơ quan Điều tra Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Châu Việt Cường về tội “Vô ý làm chết người” vì liên quan đến cái chết của Trần Mỹ Huyền.
Ngày 16/11/2018, công an quận Ba Đình, Hà Nội đã ra quyết định chuyển tội danh và truy tố Châu Việt Cường từ tội “Vô ý làm chết người” thành tội “Giết người” theo điều 123 Bộ Luật hình sự 2015.

Chiều 7/3/2019, TAND Hà Nội tuyên án Châu Việt Cường 13 năm tù về tội giết người. Ngày 8/8/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án Châu Việt Cường. Sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo và gia đình bị hại, tuyên phạt Châu Việt Cường 11 năm tù.

Thứ hai: Người phạm tội sử dụng ma túy trong một thời gian dài sau đó chuyển thành bệnh lý tâm thần hoặc bệnh khác (Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội ngoài thời gian sử dụng chất ma túy). Ví dụ: Nguyễn Văn A thường xuyên sử dụng ma túy đá, trong thời gian 04 tháng từ ngày 01/02/2019 đến tháng 01/4/2019 thì không sử dụng nữa, tuy nhiên sau đó A vẫn có các biểu hiện của ảo giác và sau đó A đã thực hiện hành vi giết người nhưng khi A thực hiện hành vi này thì đã không còn sử dụng ma túy nữa.

2. Kiến nghị hoàn thiện

Để xử lý trách nhiệm đối với việc sử dụng ma túy gây ra ảo giác, ngày 23/2/2018 Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Công văn số 522/C44-P2 hướng dẫn về xử lý trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi do sử dụng chất ma túy, theo đó xác định các nội dung sau đây:

+ Mọi trường hợp người có hành vi phạm tội trong tình trạng rối loạn tâm thần gây ảnh hưởng (mất hoặc hạn chế) khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi mà xác định được nguyên nhân trực tiếp tại thời điểm phạm tội là do sử dụng ma túy gây kích thích “Ảo giác” (tức là khi người thực hiện hành vi phạm tội không thuộc trường hợp mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi do bệnh lý tự phát từ cơ thể của họ), thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 của BLHS.

+ Nếu thời gian sử dụng ma túy gây kích thích “Ảo giác” lâu dài gây ra các rối loạn tâm thần và hành vi ảnh hưởng đến khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi (các rối loạn tâm thần này tồn tại ngoài thời gian do tác động trực tiếp của chất ma túy gây kích thích ảo giác gây ra) thì phải xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội gây ra.

Tinh thần của hướng dẫn trên của Bộ Công an đó xử lý trách nhiệm hình sự đối với những người thực hiện hành vi phạm tội do rối loạn tâm thần gây ra do ma túy là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, đối với quy định trường hợp các rối loạn tâm thần này tồn tại ngoài thời gian do tác động trực tiếp của chất ma túy gây kích thích ảo giác gây ra thì phải xem xét trách nhiệm hình sự là không phù hợp, bởi theo y học thì thời gian tồn tại trong cơ thể của ma túy như ma túy đá là 90 ngày. Ma túy đá kích thích mạnh mẽ lên hệ thần kinh trung ương khi hít trực tiếp vào phổi. Khi mới dùng những lần đầu, người sử dụng sẽ thấy hưng phấn, có cảm giác sung sức. Khi sử dụng lâu ngày, cơ thể đòi hỏi tăng liều dùng.

Biểu hiện cụ thể: Gây rối loạn, kích thích ham muốn tình dục, nếu không được thỏa mãn, dễ phát sinh hành vi tấn công tình dục. Không những thế còn bị ảnh hưởng tâm thần phân liệt: bồn chồn, lo lắng, sợ sệt, cảm giác mệt mỏi kéo dài, ảo giác luôn nghi ngờ có những người theo dõi hay hại mình.

Khoảng 45 ngày kể từ sau lần sử dụng ma túy đá cuối cùng, người bệnh rơi vào trạng thái “mất khoái cảm” (anhedonia), tức là mất khả năng cảm nhận bất cứ niềm vui bình thường nào của cuộc sống và các biểu hiện của quá trình ảo giác vẫn còn tồn tại nếu không được điều trị. Nếu các cơ quan chuyên môn kết luận các rối loạn tâm thần này tồn tại ngoài thời gian do tác động trực tiếp của chất ma túy gây kích thích ảo giác gây ra là bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì thuộc trường hợp theo Điều 21 BLHS là không phải chịu trách nhiệm hình sự, như vậy, hướng dẫn nêu trên là trái với quy định của Điều 21 BLHS đây là một điều bất hợp lý cần được hướng dẫn?

Đồng thời trong thực tiễn đối với những hành vi do ảo giác do sử dụng ma túy gây ra đủ yếu tố cấu thành các tội như gây rối trật tự công công, chống người thi hành công vụ…thì có xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi này không? thì vẫn còn thiếu văn bản hướng dẫn thi hành.

Từ những nội dung trên kiến nghị một số nội dung sau đây:

Thứ nhất: Theo chúng tôi cần hướng dẫn đối với trường hợp các rối loạn tâm thần này tồn tại ngoài thời gian do tác động trực tiếp của chất ma túy gây kích thích ảo giác gây ra nếu có kết luận của các cơ quan chuyên môn là đã chuyển sang mắc bệnh tâm thần, hoặc bệnh khác làm người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi do sử dụng ma túy thì không xử lý trách nhiệm hình sự. Vì xét về mặt bản chất trong quy định tại Điều 21 BLHS về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình không quy định là nguyên nhân mắc bệnh từ đâu mà điều kiện cần và đủ đó là có kết luận của cơ quan chuyên môn là mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh lý khác là đủ điều kiện để xác định người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai: Chỉ xử lý trách nhiệm hình sự khi mà người sử dụng ma túy gây ra ảo giác đối với nhóm tội xâm phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

Theo https://moj.gov.vn

TRẦN VĂN HÙNG ( TAQS Khu vực 1 QK 4)