Ủy quyền kháng cáo trong BLTTDS 2015

Điều 272 BLTTDS 2015 quy định về đơn kháng cáo với nhiều sửa đổi, bổ sung so với Điều 244 BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Trong đó, quy định về ủy quyền kháng cáo còn có cách hiểu khác nhau.

Nội dung khoản 6 Điều 272 BLTTDS 2015 là quy định hoàn toàn mới, có nội dung như sau: Việc ủy quyền quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.”

Như vậy, trong trường hợp văn bản ủy quyền có nội dung ủy quyền cho người được ủy quyền được toàn quyền giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp thì bên được ủy quyền có được quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm hay không và khi thực hiện quyền kháng cáo có phải lập văn bản ủy quyền theo nội dung quy định tại khoản 6 Điều 272 BLTTDS nêu trên hay không?

Về vấn đề này, hiện nay đang có có quan điểm khác nhau:

– Quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc ủy quyền giữa các bên là ủy quyền toàn quyền quyết định việc giải quyết vụ án ở Tòa án nhân dân các cấp với thời hạn thỏa thuận là cho đến khi giải quyết xong vụ án. Do đó, giữa các bên không phải làm lại văn bản ủy quyền kháng cáo.

– Quan điểm thứ hai cho rằng: Với quy định tại khoản 6 Điều 272 BLTTDS 2015 thì đương sự muốn ủy quyền kháng cáo phải làm văn bản ủy quyền kháng cáo vì người được ủy quyền chỉ được quyền kháng cáo khi trong văn bản ủy quyền ghi rõ nội dung người ủy quyền ủy quyền cho người được ủy quyền kháng cáo.

Qua nghiên cứu, tác giả thấy về vấn đề đại diện theo ủy quyền, Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định khá rõ ràng tại Chương IX về đại diện và Chương XVI về một số hợp đồng thông dụng, trong đó hợp đồng ủy quyền được quy định tại Mục 13. Cụ thể như sau:

– Theo quy định tại Điều 134 và Điều 135 BLDS năm 2015[2] thì đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện; cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

BLDS 2015 cũng quy định quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện; cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác cũng như hậu quả của hành vi đại diện, thời hạn đại diện và phạm vi đại diện tại các điều 139, 140 và 141. Theo các quy định này thì người đại diện thực hiện hành vi đại diện trong thời hạn đại diện và phù hợp phạm vi đại diện sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người được đại diện.

– Mục 13 Chương XVI BLDS 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền (từ Điều 562 đến Điều 569).

Điều 562 BLDS 2015 quy định: Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”. Với quy định này của BLDS 2015, bên được ủy quyền đại diện cho bên ủy quyền thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

BLTTDS 2015 quy định về người đại diện tại Điều 85, theo đó người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền; người đại diện theo pháp luật theo quy định của BLDS là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của BLDS là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng; trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện[3].

Như vậy, trong tố tụng dân sự, trường hợp các bên thỏa thuận bên được ủy quyền đại diện cho bên ủy quyền toàn quyền quyết định việc giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp cho đến khi vụ án được giải quyết xong thì thời hạn ủy quyền trong trường hợp này được hiểu là do các bên thỏa thuận[4], theo đó bên được ủy quyền có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Khi bên ủy quyền ủy quyền cho bên được ủy quyền toàn quyền quyết định việc giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp cho đến khi giải quyết xong vụ án, về nguyên tắc, bên được ủy quyền sẽ là người đại diện hợp pháp của bên ủy quyền trong tố tụng. Điều đó có nghĩa là, bên được ủy quyền sẽ đại diện cho bên ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền trong tố tụng, trong đó có quyền sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập hay kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm, khiếu nại bản án phúc thẩm… theo quy định của pháp luật.

Tác giả hoàn toàn đồng ý với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ, “toàn quyền giải quyết vụ án tại Tòa án nhân dân các cấp” nội hàm của nó đã bao gồm cả quyền kháng cáo. Bên cạnh đó, Điều 271 BLTTDS 2015 về người có quyền kháng cáo cũng quy định: Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm” mà như đã nêu ở trên, đại diện hợp pháp bao gồm đại diện theo pháp luật và theo ủy quyền. Cách hiểu theo quan điểm thứ hai là “máy móc”. Và như vậy, quy định tại khoản 6 Điều 272 BLTTDS được áp dụng cho trường hợp chưa có ủy quyền hoặc có ủy quyền nhưng phạm vi ủy quyền không bao gồm quyền kháng cáo hoặc tại thời hạn ủy quyền đã hết. Do đó, đối với trường hợp đương sự đã ủy quyền cho người khác đại diện cho mình toàn quyền giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp thì không cần làm văn bản ủy quyền kháng cáo.

 

[2] Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Điều 134. Đại diện

Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

Điều 135. Căn cứ xác lập quyền đại diện

Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).”

[3] Điều 85 BLTTDS 2015 quy định:

Điều 85. Người đại diện  

Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự. 

Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ. 

Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.

Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án. 

Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.

[4] Điều 563 BLDS quy định:

“Điều 563. Thời hạn ủy quyền

Thời hạn ủy quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.”

 

KIM QUỲNH