Vấn đề thực thi phán quyết của Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế - Những vướng mắc và kiến nghị

Thực thi phán quyết trọng tài nước ngoài hiệu quả có nhiều ý nghĩa về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài ở Việt Nam hiện nay còn đang đặt ra nhiều vấn đề. Nội dung bài viết tập trung phân tích cơ sở pháp lý, thực tiễn và đề xuất một số kiến nghị nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi phán quyết của trung tâm trọng tài quốc tế ở Việt Nam hiện nay.

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một phương thức ngày càng trở nên phổ biến đối với các tranh chấp thương mại bởi các đặc tính ưu việt của phương thức này như nhanh chóng, bảo mật, linh hoạt.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, trọng tài phải ban hành các loại quyết định liên quan đến vụ việc và phán quyết. Các quyết định của trọng tài bao gồm quyết định về ngày tổ chức phiên họp xét xử, quyết định đình chỉ vụ kiện, quyết định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… còn phán quyết giải quyết tranh chấp của trọng tài là quyết định cuối cùng, giải quyết thực chất vụ kiện (toàn bộ hoặc một phần).

Tuy nhiên, hiệu quả giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài phụ thuộc vào sự thừa nhận giá trị pháp lý và đảm bảo thi hành của quyền lực quốc gia. Sự thừa nhận và đảm bảo này đặc biệt có ý nghĩa đối với các phán quyết trọng tài liên quan đến tranh chấp thương mại quốc tế bởi các bên tranh chấp, địa điểm giải quyết tranh chấp, tài sản thực hiện phán quyết trọng tài… ở các quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, do bản chất của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là dựa trên sự thỏa thuận của các bên trong đó có luật thủ tục và luật nội dung giải quyết tranh chấp nên luôn tồn tại khả năng xảy ra xung đột pháp luật ở quốc gia mà phán quyết cần được thi hành. Mặt khác, việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài ở một quốc gia khác cũng đặt ra các thách thức đối với thẩm quyền tài phán quốc gia nên phán quyết của trọng tài nước ngoài không mặc nhiên có hiệu lực tại một quốc gia khác mà cần phải được tòa án quốc gia đó thừa nhận hiệu lực thông qua việc công nhận và cho thi hành phán quyết.

Công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài có ý nghĩa trên nhiều phương diện: chính trị và kinh tế. Công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài được tuyên tại lãnh thổ quốc gia khác trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại sẽ là tiền đề đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và pháp nhân quốc gia mình trong trường hợp ngược lại. Công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài cũng thúc đẩy các quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là trong điều kiện hội nhập hiện nay.

1. Cơ sở pháp lý về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

1.1. Nguồn luật trong nước

Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài là một thủ tục tố tụng đặc biệt do tòa án tiến hành nhằm xem xét để công nhận tính hiệu lực của phán quyết trọng tài nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam[1]. Theo đó thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài được quy định tại phần thứ bảy của BLTTDS năm 2015. Điều 424 BLTTDS năm 2015 xác định hai cơ sở pháp lý là điều ước quốc tế và nguyên tắc có đi có lại. Bài viết tập trung phân tích thực tiễn công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam theo Công Ước New York năm 1958.

Theo Điều 459 BLTTDS năm 2015, các căn cứ để Tòa án không công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài gồm hai nhóm sau:

- Nhóm 1: Chứng cứ do bên phải thi hành cung cấp cho Tòa án để phản đối yêu cầu công nhận là có căn cứ, hợp pháp và: (i) a) Các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên; (ii) Thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi phán quyết đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thỏa thuận đó; (iii) Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình; (iv) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá yêu cầu của các bên ký kết thỏa thuận trọng tài; (v) Thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài không phù hợp với thỏa thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được tuyên, nếu thỏa thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó; (vi) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài chưa có hiệu lực bắt buộc đối với các bên; (vii) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi phán quyết đã được tuyên hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành.

- Nhóm 2: Khi Tòa án Việt Nam xét thấy: (i) Theo pháp luật Việt Nam, vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài; (ii) Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1.2. Nguồn luật quốc tế

Công ước New York năm 1958 quy định các nguyên tắc về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài đối với các quốc gia thành viên. Việt Nam tham gia Công ước này vào ngày 28/7/1995 thông qua Quyết định số 553/QĐ-CTN do Chủ tịch nước ban hành với những giới hạn sau: (i) Công ước chỉ áp dụng đối với việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài được tuyên tại lãnh thổ của các quốc gia thành viên của Công ước; đối với quyết định trọng tài nước ngoài được tuyên tại lãnh thổ quốc gia chưa ký kết hoặc tham gia Công ước, Công ước áp dụng tại Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại; (ii) Chỉ áp dụng Công ước đối với tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật thương mại; (iii) Mọi sự giải thích Công ước trước tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam phải tuân thủ các quy định hoặc Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ký kết 14 Hiệp định về tương trợ tư pháp đề cập đến công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài bao gồm các hiệp định với Liên bang Nga, Séc, Slovakia, Ba Lan, Hungari, Cu Ba, CHDCND Lào, Trung Quốc, CHCDND Triều Tiên, Ucraina, Belarut, Pháp, Mông Cổ.

2. Thực tiễn thực thi phán quyết của trọng tài quốc tế ở Việt Nam và các vấn đề đặt ra

Từ 2015- 2022, số lượng yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài thương mại ngày càng tăng (năm 2016 có 05 việc; năm 2016 có 09 việc; năm 2017 có 07 việc; năm 2018 có 20 việc; năm 2019 có 64 việc; năm 2020 có 74 việc; năm 2021 có 53 việc; năm 2022 có 52 việc)[2]. Thực tiễn cho thấy tỷ lệ phán quyết trọng tài bị từ chối công nhận và cho thi hành ở Việt Nam tập trung ở một số căn cứ: (i) các bên tham gia thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký thỏa thuận; (ii) cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ thi hành không được thông báo kịp thời các thông tin hoặc không thể tham gia thực hiện quyền tố tụng của mình với lý do chính đáng; (iii) việc công nhận và cho thi hành là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

2.1. Về việc xác định các bên tham gia thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký thỏa thuận

Điều V(1)(a) quy định về căn cứ từ chối này như sau: “Các bên tham gia thỏa thuận được quy định tại điều II, theo luật áp dụng đối với các bên, không có đủ năng lực, hoặc thỏa thuận nói trên vô hiệu theo luật mà các bên chịu sự điều chỉnh hoặc nếu không có chỉ dẫn về điều này, theo luật của Quốc gia nơi ban hành phán quyết”.

Tại Quyết định sơ thẩm số 01/2017/QĐKDTM-ST ngày 29/12/2017, TAND thành phố CT đã quyết định không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Tổ chức trọng tài Thụy Sỹ giữa người được thi hành là C. LTD với người phải thi hành là Công ty P, Quyết định phúc thẩm số 25/2018/QĐKDTM-PT ngày 28/6/2018, TANDCC tại Tp. H giữ nguyên Quyết định sơ thẩm dựa trên nhận định người ký kết hợp đồng có thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền ký kết.

Vấn đề đặt ra là tại thời điểm ký kết, người tham gia ký hợp đồng không phải là người đại diện của công ty P và cũng không được Công ty P ủy quyền. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, giữa các bên đã có việc giao nhận hàng hóa và thanh toán tiền cho các lô hàng trên và các bên cũng đã có sự xác nhận về các giao dịch đó nên việc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 459 BLTTDS năm 2015 để không công nhận phán quyết trọng tài của tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm là “chưa đầy đủ cơ sở, không thuyết phục”[3].

Trong trường hợp này, hội đồng xét đơn cần phải xem xét trường hợp “thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối thì thỏa thuận trọng tài không vô hiệu” theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại.

2.2. Về việc cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ thi hành không được thông báo kịp thời các thông tin hoặc không thể tham gia thực hiện quyền tố tụng với lý do chính đáng

Đây là một trong những căn cứ nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công lý của các bên, theo đó, các bên phải được trao cơ hội một cách công bằng để tham gia tranh tụng nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của mình.

Cũng trong vụ việc nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng không có căn cứ để xác định công ty P nhận được thông báo về việc chỉ định trọng tài viên và thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại trọng tài nước ngoài mặc dù Công ty C đã cung cấp một số xác nhận của đơn vị dịch vụ vận chuyển có chữ ký của người nhận phù hợp với thời gian gửi các văn bản tố tụng.

Trong một vụ việc khác, TAND thành phố H trong quyết định sơ thẩm đã công nhận và cho thi hành phán quyết của Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Quốc tế Thượng H (SHIAC) cho người được thi hành là Công ty W (Trung Quốc) và người phải thi hành là Công ty Nhật H. 

Vào ngày 12/4/2019, SHIAC đã mở phiên điều trần lần thứ nhất tại địa điểm của SHIAC nhưng người phải thi hành không xuất hiện hoặc chỉ định người đại diện tham dự phiên điều trần nên SHIAC quyết định mở phiên điều trần thứ hai vào ngày 21/4/2019.

Trong vụ việc này, Tòa án cấp phúc thẩm nhận định rằng xét về trình tự thời gian, việc bắt đầu chuyển tài liệu cho Công ty Nhật H. từ ngày 18/4/2019 như trình bày của Công ty W. là không đảm bảo cho Công ty Nhật H. có đủ thời gian hợp lý để chuẩn bị cho việc tham gia phiên điều trần ngày 21/4/2019. Mặt khác, căn cứ vào các tài liệu do Công ty Nhật H. xuất trình thì Ban Thư ký của SHIAC gửi cho người phải thi hành vào ngày 24/4/2019 thông báo về phiên điều trần lần thứ hai và yêu cầu Công ty Nhật H phải trả lời trong thời hạn 5 ngày. Xét bìa của bưu phẩm cho thấy đến ngày 29/4/2019, Ban Thư ký của SHIAC mới gửi cho DHL và Hồ sơ chuyển phát nhanh của DHL đã thể hiện giao thành công cho người phải thi hành là Công ty Nhật H cũng vào ngày 29/4/2019. Do đó, Tòa án nhận định rằng ý kiến trình bày của người phải thi hành tại phiên họp phúc thẩm xét đơn yêu cầu cho rằng chưa được tống đạt hợp lệ hồ sơ khiếu nại, bằng chứng của bên yêu cầu nộp cho SHIAC cũng như các văn bản của Ủy ban Trọng tài là có cơ sở[4].

Cũng trong vụ việc này, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định rằng “thực tế người phải thi hành là Công ty Nhật H đã không cung cấp được chứng cứ nào để chứng minh phán quyết... thuộc vào một trong các trường hợp quy định tại Điều V Công ước New York”, từ đó không chấp nhận quan điểm của Công ty Nhật H…là có thiếu sót, không đánh giá đúng các tình tiết…[5].

2.3. Về việc công nhận và cho thi hành là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam

Điều V(2)(b) Công ước cho phép Tòa án nơi được yêu cầu công nhận và cho thi hành từ chối nếu việc công nhận hoặc cho thi hành phán quyết sẽ trái với trật tự công cộng của quốc gia đó. Tuy nhiên, khác với các căn cứ khác, Công ước không xác định nội hàm của khái niệm “trật tự công” mà để các quốc gia thành viên tự quyết định.

Trong khoa học pháp lý, thuật ngữ “public policy”, “chính sách công” hay “trật tự công” không có một nội hàm cụ thể nhưng có thể được phân loại là trật tự công quốc tế và trật tự công quốc gia. Khuyến nghị của Hiệp hội Luật Quốc tế ban hành năm 2002 khoản 1(d) về trật tự công quốc tế của bất kỳ quốc gia nào bao gồm: (i) Các nguyên tắc cơ bản, gắn liền với công lý hoặc đạo đức mà quốc gia mong muốn bảo vệ thậm chí khi quốc gia đó không trực tiếp liên quan; (ii) quy tắc được thiết kế để phục vụ lợi ích thiết yếu về chính trị, xã hội hoặc kinh tế của Quốc gia; (iii) trách nhiệm của Quốc gia phải tôn trọng nghĩa vụ của mình đối với các quốc gia khác hoặc các tổ chức quốc tế. Trật tự công quốc gia là pháp luật hoặc lợi ích của quốc gia liên quan, có thể bao gồm cả lợi ích kinh tế địa phương.[6]

Về vấn đề này các quốc gia có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Luật pháp Trung Quốc quy định về “lợi ích công cộng và xã hội với nội hàm là các tiêu chuẩn trong nước, luôn có nghĩa là lợi ích công cộng và xã hội cơ bản ở Trung Quốc, tức là quy tắc pháp lý và đạo đức cơ bản của Trung Quốc[7] và được hiểu rất rộng mà không có định nghĩa thống nhất về chính sách công[8]. Trong trường hợp Dongfeng và HK và Henan năm 1992, Tòa án cho rằng việc thực thi phán quyết trọng tài yêu cầu bên phải thi hành trong nước trả bồi thường thiệt hại sẽ mang lại tác động tiêu cực đến kinh tế địa phương. Tương tự, Hàn Quốc không công nhận các yêu cầu bồi thường thiệt hại vì có thể đi ngược lại chính sách công.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng giải thích chính sách công theo nghĩa hẹp. Theo đó, Tòa án sẽ công nhận và cho thi hành trừ khi chính sách công quốc tế bị vi phạm[9]. Ở Ấn Độ, khái niệm chính sách công được giải thích khá hẹp, như trường hợp General Electric Co và Renausagar Power Co, Tòa án tối cao Ấn Độ nhận định rằng phán quyết của Trọng tài ICC bao gồm lãi kép là không trái với chính sách công của Ấn Độ. Quyết định này trái ngược với quyết định của Tòa án Thụy Sỹ trong vụ Inter Maritime Management SA v. Russin & Vecchi (1997)[10] chấp nhận phán quyết trọng tài liên quan đến các khoản phí và lãi gộp với lý do không vi phạm chính sách công theo Công ước New York. Tòa án lập luận rằng “Chính sách công phản đối việc thực thi các phán quyết của trọng tài nước ngoài vi phạm cơ bản các nguyên tắc của hệ thống pháp luật Thụy Sĩ, nhưng chính sách công không nhất thiết bị vi phạm khi điều khoản nước ngoài trái với một điều khoản bắt buộc của luật pháp Thụy Sĩ.”[11]

Như vậy, có thể thấy, mặc dù ngoại lệ chính sách công được để ngỏ cho các quốc gia tự xác định nhưng để đảm bảo cân bằng giữa việc bảo vệ các quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức và các giá trị quốc gia khác với việc đảm bảo khả năng thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế mà một quốc gia sẽ xác định phạm vi của chính sách công rộng hay hẹp.

Pháp luật Việt Nam khi nội luật hóa Công ước này không quy định về khái niệm “trật tự công cộng” mà sử dụng thuật ngữ “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Thuật ngữ này được xác định trong điểm đ Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định luật trọng tài thương mại, là “các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam.”

Trong các quyết định của tòa án, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam được áp dụng với các lý do (i) người ký kết thỏa thuận không có thẩm quyền; (ii) người phải thi hành không được tống đạt hợp lệ (cấp sơ thẩm - Tòa án nhân dân thành phố CT, Quyết định số 01/2017/TLST-KDTM ngày 12/10/2017 xem xét lại Phán quyết Trọng tài số 300367-2016 Thụy Sỹ theo đề nghị của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh PT), (iii) trọng tài ra phán quyết đối với phần hợp đồng mà các bên đã từ bỏ quyền và nghĩa vụ của mình một cách tự nguyện (Tòa án nhân dân tỉnh NĐ, Quyết định số 02/2016/TLST-KDTM ngày 28/3/2016 xem xét lại Phán quyết Trọng tài ngày 15/11/2013 của Hội đồng trọng tài Hiệp hội bông quốc tế giữa Công ty Hà Lan với Công ty Công ty TNHH  N); “không xem xét cụ thể thỏa thuận tự nguyện của các bên tại hợp đồng kinh tế được ký kết giữa các bên” và không áp dụng bất kỳ văn bản pháp luật cụ thể nào của nước Việt Nam khi ra phán quyết để giải quyết các trường hợp bắt buộc theo quy định tại Điều 11 BLDS (Quyết định số 07/2014/QĐST-KDTM ngày 26/09/2014 của TAND Thành phố H (theo đề nghị của Công ty cổ phần SD); (iv) người ký thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền, người nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài không có căn cứ chứng minh là có thẩm quyền đại diện cho người được thi hành, vi phạm quy định tại Điều 73 BLTTDS năm 2005 (Ecom Agroindustrial Corp. Ltd và Dong Quang Spinning Corporation, Tòa phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 31/2014/QĐPT-KDTM ngày 10/06/2014 (Dong Quang Spinning Corporation).

Có thể thấy trong các quyết định trên, căn cứ về người ký kết không có thẩm quyền là thuộc căn cứ tại Điều V(1)(a) Công ước hay căn cứ người phải thi hành không được tống đạt hợp lệ là thuộc căn cứ Điều V(1)(b) không được thông báo đầy đủ về quá trình trọng tài.

Ngoài ra, việc xác định căn cứ vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam để từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài trong các quyết định cần phải đảm bảo tính minh bạch.

Ví dụ: Ngày 28/02/2017, Công ty C có đơn gửi TAND thành phố C yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài số 300367-2016 ngày 08/12/2016 của Tổ chức Trọng tài Thụy Sỹ, người phải thi hành theo phán quyết của Trọng tài nước ngoài là Công ty P. Đơn yêu cầu của Công ty C được Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ hợp pháp hóa lãnh sự ngày 17/3/2017; kèm theo đơn yêu cầu gồm Bản sao phán quyết trọng tài bằng tiếng Anh, Hợp đồng mua bán hàng hóa số CE-PTT/190914 ngày 19/9/2014 đều đã được hợp pháp hóa lãnh sự, các tài liệu tiếng Anh dịch ra tiếng Việt đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng thực hợp pháp; bản Quy tắc Trọng tài quốc tế Thụy Sỹ bằng tiếng Anh được Hội nghiên cứu dịch thuật Thành phố Hồ Chí Minh dịch ra tiếng Việt là phù hợp, đầy đủ theo quy định tại Điều 452, Điều 453 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 4 của Công ước New York 1985. Tại khoản 2 Điều 32 của Quy tắc Trọng tài quốc tế Thụy Sỹ quy định: “Phán quyết phải được lập thành văn bản, có giá trị chung thẩm, và ràng buộc giữa các bên”.Sau khi có phán quyết của Trọng tài nước ngoài số 300367-2016 nêu trên các bên không yêu cầu Tòa án xem xét việc hủy phán quyết Trọng tài và không có quyết định của Tòa án hủy phán quyết Trọng tài này, nên phán quyết của Trọng tài nước ngoài số 300367-2016 ngày 08/12/2016 của Tổ chức Trọng tài Thụy Sỹ có hiệu lực và được thi hành. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm nhận định cho rằng không có tài liệu nào xác định tính hiệu lực của phán quyết Trọng tài nước ngoài, không có cơ quan có thẩm quyền của Thụy Sỹ xác nhận phán quyết Trọng tài là trái với nguyên tắc của pháp luật Việt Nam là thiếu cơ sở, không có căn cứ[12]. Do đó, Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử chấp nhận kháng nghị của Chánhán Tòaán nhân dân tối cao hủy quyết định phúc thẩm và quyết định sơ thẩm, giao hồ sơ vụ việc cho Tòa án cấp sơ thẩmquyết lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, việc không công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài ở Việt Nam hiện nay cho thấy có nhiềuvấn đề như xác định năng lực ký kết thỏa thuận trọng tài, xác định tính đúng đắn trong việc thực hiện tố tụng trọng tài… Bên cạnh đó, căn cứ vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam cũng cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện nhằm đảm bảo tính minh bạch, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn.

Các quyết định của Việt Nam về chính sách công còn mâu thuẫn khi một số bản án xác định vi phạm các thủ tục trọng tài là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Mặc dù trong Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có quy định trường hợp phán quyết trọng tài vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì vẫn chưa rõ ràng về phạm vi áp dụng. Vì vậy, cần xác định các nguyên tắc cơ bản là gì? Có thể hiểu là hệ thống các nguyên tắc được quy định trong từng ngành luật hay là các quy định cụ thể, các điều cấm…hay có thể hiểu theo quy định tại Công ước New York là “trật tự công cộng” (public policy). Trường hợp chưa có Nghị quyết hướng dẫn thì TANDTC cần có  án lệ để làm rõ ràng và minh bạch hơn thế nào là việc công nhận và cho thi hành là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật./.

 

 

TANDCC tại Hà Nội xét xử vụ tranh chấp kinh doanh thương mại - Ảnh: PV

 


[1] Tòa án nhân dân tối cao (2018), Chuyên đề công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, Tài liệu tập huấn trực tuyến ngày 25/6/2018, truy cập tại http://toaan.gov.vn.

[2] Vụ Thống kê tổng hợp TANDTC

[3] Quyết định giám đốc thẩm số 14/2021/KDTM-GĐT ngày 21/9/2021 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[4] Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh (2021), Quyết định phúc thẩm số 39/2021/QĐ-PT ngày 27/5/2021.

[5] Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh (2021), Quyết định phúc thẩm số 39/2021/QĐ-PT ngày 27/5/2021.

[6]Randall Peerenboom (2001), The Evolving Regulatory Framework for Enforcement of Arbitral Awards in the
People’s Republic of China, Asian-Pacific Law & Policy Journal 1, tr.65.

[7]Radjagukguk Erman (2011), “Implementation of the 1958 New York Convention in Several Asian Countries: the Refusal of Foreign Arbitral Awards Enforcement on the Grounds of Public Policy”, Tạp chí Indonesia Law Review, số 1 mục 1, tr.5.

[8]tlđđ, tr.14.

[9]Tlđđ, tr.16.

[10]Inter Maritime Management SA v. Russin & Vecchi, [1997] TRIBUNAL FÉDÉRAL, YEARBOOK XXII, 789-799.

[11]Inter Maritime Management SA v. Russin & Vecchi, [1997] TRIBUNAL FÉDÉRAL, YEARBOOK XXII, 797.

[12] Quyết định giám đốc thẩm số 14/2021/KDTM-GĐT ngày 21/9/2021 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

TS. ĐẶNG THỊ THƠM (Phó Chánh Văn phòng TANDCC tại Hà Nội) TS. NGUYỄN THU THỦY (Viện Nhà nước - Pháp luật)