Việt Nam với việc thực thi các cam kết Hiệp định CPTPP về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh

Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích và làm rõ những các quy định bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam; đánh giá sự tương thích với Hiệp định CPTPP; tham khảo kinh nghiệm thực thi bảo hộ nhãn hiệu âm thanh một số quốc gia thành viên CPTPP. Từ đó kiến nghị thực thi hiệu quả các quy định bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam .

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022) vừa được thông qua đã có những sửa đổi, bổ sung nội dung về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh phù hợp với các cam kết quốc tế, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP). Tuy nhiên những quy định này vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định trong việc thực thi bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trên thực tế.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ nhận được nhiều sự quan tâm trên thế giới và Việt Nam. Sự quan tâm đặc biệt đó đến từ nhãn hiệu – là một trong các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp giúp kết nối giữa doanh nghiệp là các cá nhân, tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ với sản phẩm trên thị trường. Tầm quan trọng của nhãn hiệu cũng được ghi nhận tại một trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, đó là Hiệp định CPTPP. Hiệp định CPTPP cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ bao gồm 11 nghĩa vụ liên quan đến Sở hữu trí tuệ để các nước chậm và đang phát triển có thời gian chuẩn bị các điều kiện để nội luật hóa các quy định này. Tuy nhiên, với việc đồng ý tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam đã chấp nhận những tiêu chuẩn bảo hộ trong lĩnh vực SHTT cao hơn những tiêu chuẩn đang được áp dụng hiện nay, mà nhãn hiệu âm thanh là một trong số đó. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã được thông qua và bổ sung thêm “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” là một dấu hiệu có đủ điều kiện để bảo hộ là nhãn hiệu. Đây được xem một bước tiến trong việc nội luật hóa quy định pháp luật quốc gia về việc mở rộng điều kiện để bảo hộ nhãn hiệu theo pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Bài viết này với mong muốn đưa ra một cái nhìn tổng quan nhất trong quy định về Sở hữu trí tuệ trong hiệp định CPTPP, và nêu lên sự thay đổi của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 trong chế định bảo hộ nhãn hiệu âm thanh.

2. Tổng quan về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh

2.1. Khái niệm bảo hộ nhãn hiệu âm thanh

Nhãn hiệu là một đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó nhãn hiệu âm thanh giúp lôi cuốn, hấp dẫn người dùng không chỉ thông qua thị giác mà còn bằng thính giác nhằm gia tăng cường độ nhận diện sản phẩm giữa khách hàng và các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau.

Theo chú thích 3 Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS): “bảo hộ bao gồm các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng đạt được, việc đạt được, phạm vi, việc duy trì hiệu lực và việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp, cũng như các vấn đề ảnh hưởng đến việc sử dụng các quyền sở hữu công nghiệp được quy định rõ trong Hiệp định”.

Bên cạnh đó, Ủy ban pháp luật về nhãn hiệu, kiểu dáng và chỉ dẫn địa lý (SCT) của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại hội nghị năm 2006 đã đưa ra văn kiện SCT 16-2 về các loại nhãn hiệu mới: “New types of marks”, theo đó nhãn hiệu âm thanh được hiểu là: “Âm thanh có thể là âm nhạc và không phải âm nhạc. Âm thanh âm nhạc có thể được tạo ra có chủ đích hoặc được lấy từ phạm vi của các bản nhạc hiện có. Các âm thanh không phải âm nhạc cũng có thể được tạo ra hoặc chỉ đơn giản là tái tạo các âm thanh có trong tự nhiên”.

Dưới góc độ khách quan, bảo hộ nhãn hiệu là hệ thống các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác lập, công nhận, thực hiện quyền đối với nhãn hiệu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền chống lại các hành vi xâm phạm. Pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu bao gồm tổng hợp các quy định về điều kiện bảo hộ, thủ tục xác lập quyền, công nhận quyền đối với nhãn hiệu và bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu chống lại các hành vi xâm phạm.

Dưới góc độ chủ quan, bảo hộ nhãn hiệu là các hoạt động thực tế liên quan đến việc xác lập, công nhận quyền đối với nhãn hiệu và bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu chống lại các hành vi xâm phạm.

Như vậy, có thể hiểu bảo hộ nhãn hiệu âm thanh là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ thể có quyền và các bên liên quan về xác lập, đăng ký quyền đối với nhãn hiệu, khai thác và sử dụng nhãn hiệu, bảo vệ nhãn hiệu chống lại các hành vi xâm phạm.

2.2. Đặc điểm về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh

Thứ nhất, tính phân biệt.

Tính phân biệt của nhãn hiệu âm thanh thể qua sự độc đáo của dấu hiệu âm thanh giúp người tiêu dùng ngay lập tức xác định được nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Khác với nhãn hiệu truyền thống thường tạo ấn tượng trực quan và lâu dài với người tiêu dùng khi mua sắm hay bắt gặp nhãn hiệu trên thị trường. Nhãn hiệu âm thanh phụ thuộc vào nhận thức về âm thanh của người nghe, có khi âm thanh chỉ thoáng qua không đọng lại trong tiềm thức, trừ những âm thanh độc đáo hoặc khác biệt đến mức ghi dấu trong tâm trí người nghe rằng âm thanh đó gắn liền với một nguồn hoặc sự kiện mà họ nghe thấy âm thanh đó[1].

Tính phân biệt của nhãn hiệu âm thanh được đánh giá dựa vào khả năng phân biệt vốn có (inherently distinctive) hoặc khả năng phân biệt đạt được qua quá trình sử dụng để có ý nghĩa phái sinh (secondary meaning)[2]. Chẳng hạn như, nhãn hiệu âm thanh đầu tiên được bảo hộ là nhãn hiệu “3 hồi chuông” của Đài NBC cho dịch vụ phát thanh tại Hoa Kỳ, hay đối với dịch vụ bảo hiểm đã được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (được gọi tắt là USPTO) bảo hộ dưới hình thức là nhãn hiệu âm thanh vào năm 2018 đối với tập hợp giọng nói những từ “nationwide is on your side”[3] (được dịch sang nghĩa Tiếng Việt là toàn quốc là đứng về phía bạn) kèm theo 7 nốt nhạc E, G, G, G, A, C, C, của Công ty Bảo hiểm tương hỗ toàn quốc.

Thứ hai, dấu hiệu âm thanh không mang tính chức năng

Dấu hiệu được xác định là mang tính chức năng “nếu nó là yếu tố cần thiết trong việc sử dụng hoặc trong mục đích của sản phẩm hoặc nếu nó có tác động đến giá hoặc chất lượng của sản phẩm”[4]. Gần đây, Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (gọi tắt là USPTO) đã ra quyết định từ chối bảo hộ đối với đơn đăng ký dấu hiệu âm thanh số 76681788, bởi vì dấu hiệu âm thanh của đơn là tiếng kêu “chit chit” của chuột, nên khiến thú cưng như chó hoặc mèo thích sử dụng sản phẩm, bởi bản năng tự nhiên của chó, mèo thường thích săn đuổi chuột hoặc những loài gặm nhấm. Điều này khiến người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm bởi chức năng và lợi ích sử dụng do tiếng chuột kêu mang lại thay vì bởi âm thanh đó chỉ dẫn họ về nguồn gốc của sản phẩm[5]. Như vậy, đối với yêu cầu về mặt nội dung của đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh, dấu hiệu âm thanh được nêu trong đơn không thể được bảo hộ nếu nó  mang tính chức năng, ngay cả khi dấu hiệu đó đã đạt được tính phân biệt qua quá trình sử dụng. Yêu cầu về tính chức năng là tiêu chuẩn bảo hộ khá đặc thù trong việc xem xét khả năng trở thành nhãn hiệu của các dấu hiệu phi truyền thống nói chung và dấu hiệu âm thanh nói riêng.

3. Việt Nam trong việc thực thi cam kết về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Hiệp định CPTPP được ký kết bởi 11 quốc gia thành viên gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14 tháng 1 năm 2019, trong đó Hiệp định có dành riêng một phần quy định về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và có điều khoản liên quan đến nhãn hiệu âm thanh. Theo đó, Hiệp định CPTPP yêu cầu “Không bên nào được yêu cầu, như một điều kiện để được đăng ký, là dấu hiệu phải nhìn thấy được, cũng như không bên nào được từ chối đăng ký một nhãn hiệu chỉ với lý do rằng dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu đó là âm thanh. Thêm vào đó, mỗi bên phải nỗ lực hết sức để đăng ký nhãn hiệu mùi. Một bên có thể yêu cầu phải có bản mô tả ngắn gọn và chính xác, hoặc bản thể hiện dưới dạng đồ họa, hoặc cả hai nếu phù hợp, của nhãn hiệu”[6].  Đối chiếu với quy định về nhãn hiệu, đã được đưa vào quy định trong khoảng thời gian gần đây tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022[7] đã mở rộng thêm dấu hiệu âm thanh trong điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ, ngoài dấu hiệu nhìn thấy được còn có dấu hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng đồ họa[8]. Hay tại khoản 2, Điều 105 Luật Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 quy định thêm về “…nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó”. Mặc dù, từ các điều luật có sự sửa đổi, bổ sung cho thấy Việt Nam đã nổ lực hoàn thiện luật Sở hữu trí để đảm bảo thực hiện cam kết trong Hiệp định CPTPP. Nhưng theo tác giả, hai quy định trên mới chỉ mang tính liệt kê dấu hiệu âm thanh, chưa xác định rõ loại hình âm thanh sẽ chấp nhận bảo hộ bao gồm những loại hình âm thanh gì, chỉ là âm nhạc hay tất cả các loại âm thanh nghe thấy được bao gồm cả âm nhạc, hay âm thanh của các loại tiếng động.

Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ trong cam kết thực hiện Hiệp định CPTPP, mặc dù pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã không ngừng thay đổi, phù hợp sự chuyển hóa của xã hội hiện đại ngày nay nhưng về chế định bảo hộ nhãn hiệu âm thanh vẫn còn là quy định mới đối với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam nên vấn đề bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong quá trình thực thi vẫn còn gặp một số rào cản trong quá trình thực thi tại Việt Nam:

Thứ nhất, thiếu các quy định về xác định dấu hiệu tồn tại âm thanh được đăng ký. Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 đã mở rộng phạm vi bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích về khái niệm “dấu hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng đồ họa”, nên còn gây bở ngỡ cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định cũng như chủ sở hữu có nhu cầu. Trên thực tế, âm thanh có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau như: âm thanh có thể là âm nhạc (cả nhạc có lời và nhạc không lời); âm thanh từ tiếng con người phát ra hay phát ra từ động cơ, máy móc; âm thanh là tiếng kêu của động vật; hay âm thanh là tiếng động tự nhiên. Mặt khác, qua khảo sát thì không phải quốc gia nào cũng bảo hộ dấu hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng đồ họa. Cụ thể tại pháp luật Hoa Kỳ, điều kiện để một đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh sẽ được cấp văn bằng bảo hộ không nhất thiết là dấu hiệu âm thanh đó phải thể hiện bằng đồ họa mà có thể thông qua âm thanh[9] hay yêu cầu bản mô tả dấu hiệu âm thanh dưới dạng từ tượng thanh, liệt kê các nốt nhạc (nếu có thể) cùng bản mô tả bằng lời nói để diễn đạt nội dung va hình thức thể hiện của dấu hiệu âm thanh.

Thứ hai, năng lực công nghệ trong việc đăng ký, thẩm định nhãn hiệu còn yếu.

Việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh cũng đặt ra thách thức trong việc đào tạo chuyên gia đánh giá, thẩm định. Bởi lẽ để đánh giá yếu tố trùng hoặc gây nhầm lẫn đã gặp khó khăn ngay cả đối với nhãn hiệu thông thường, chính vì thế, đội ngũ chuyên gia đỏi hỏi phải khách quan trong đánh giá khả năng được bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và kỹ năng sử dụng các ứng dụng, phần mềm có khả năng xác định các nhãn hiệu tương tự bằng cách nhưng việc xác định thế nào là “sử dụng” nhãn hiệu cũng còn chưa thống nhất. Việc quy định rõ thế nào là sử dụng nhãn hiệu cũng cần thiết để xử lý hành vi xâm phạm trong hoạt động thực thi quyền đối với nhãn hiệu âm thanh. Do tính vô hình của âm thanh nên trong rất nhiều trường hợp nhãn hiệu âm thanh không gắn liền trên sản phẩm[10]. Mặc dù âm thanh có thể thông qua những hình thức đặc biệt để gắn lên sản phẩm, dịch vụ nhưng do tính chất của dấu hiệu âm thanh nên các phương thức này không có tính thực tế, giả sử khi gắn một âm thanh kèm với sản phẩm như một bình hoa hay một chai nước rất khó thực hiện cũng như khó tưởng tượng khi có hình thức đó.

Thực tiễn qua khảo sát của tác giả kể từ thời điểm Luật ghi nhận dấu hiệu âm thanh là điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu, vẫn chưa có bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào được bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong thời gian ngắn. Nhưng tín hiệu đáng mừng đó là nhãn hiệu âm thanh vẫn được quan tâm và manh nha bảo hộ đến từ các doanh nghiệp, cụ thể doanh nghiệp Mastercard là doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh là thực hiện nghiệp vụ thanh toán giữa các ngân hàng của người mua và người bán sử dụng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng “MasterCard” để mua sắm. Doanh nghiệp đã tạo ra âm thanh riêng[11] dành cho thị trường Việt Nam. Âm thanh Mastercard đã được ghi nhận trong nghiên cứu do GFK[12] thực hiện tháng 8-2019 đến tháng 5 – 2020 cho thấy rằng: 65% người tiêu dùng cảm thấy trang web của cửa hàng trở nên đáng tin cậy hơn khi được lồng thêm âm thanh; 78% thích mua sắm tại cửa hàng hoặc trang web có giai điệu và hình ảnh thanh toán; 80% thậm chí có nhiều khả năng quay lại cửa hàng nhờ âm thanh hấp dẫn của Mastercard[13]. Theo tác giả, âm thanh của Mastercard về nguyên tắc đáp ứng về điều kiện có khả năng phân biệt (âm thanh độc đáo qua các nhạc cụ dân tộc Việt Nam) và dấu hiệu âm thanh không mang tính chức năng. Mặc dù, chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, nhưng ví dụ trên cũng là tín hiệu đáng mừng đối với chế định nhãn hiệu âm thanh được quan tâm trên thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, tại Úc trong vòng 10 năm kể từ thực thi Luật Nhãn hiệu năm 1995, khoảng 50% số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh được cấp văn bằng bảo hộ, các nhãn âm thanh thường được đăng ký cho sản phẩm dịch vụ như: thảm trải, dịch vụ cung cấp rau quả đông lạnh, mỳ, dịch vụ máy tính, an toàn giao thông, điện ảnh,…[14]

4. Kinh nghiệm mốt số quốc gia thành viên CPTPP trong việc thực thi các cam kết về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh

4.1. Kinh nghiệm của Úc trong việc thực thi các cam kết và bảo hộ nhãn hiệu âm thanh

Trong pháp luật Úc, khái niệm nhãn hiệu được hiểu theo nghĩa rộng trong pháp luật về sở hữu trí tuệ của Úc. Cụ thể, tại Điều 17 của Luật thương hiệu Úc, “nhãn hiệu là một dấu hiệu được sử dụng hoặc dự định sử dụng để phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ được xử lý hoặc cung cấp trong quá trình giao dịch của một người với hàng hóa hoặc dịch vụ được xử lý hoặc được cung cấp bởi bất kỳ người nào khác”. Không chỉ các dấu hiệu không trực quan như âm thanh hoặc mùi hương được cung cấp rõ ràng trong định nghĩa mà còn có thể đăng ký nhãn hiệu kết hợp các loại nhãn hiệu mới hoặc kết hợp bất kỳ nhãn hiệu truyền thống nào với bất kỳ nhãn hiệu mới vào, miễn là người nộp đơn cung cấp mô tả về những kết hợp đó. Đối với nhãn hiệu âm thanh, Văn phòng quản lý nhãn hiệu Úc cho phép việc mô tả nhãn hiệu bằng từ ngữ. Khi nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, bên cạnh biểu thị bằng đồ họa, người nộp đơn phải mô tả chi tiết bằng văn bản cho các nhãn hiệu này. Phần giải thích ngắn gọn và rõ ràng này được gọi là West Endorsement và được sử dụng sau khi đăng ký, nhằm góp phần tìm kiếm nhãn hiệu dễ dàng hơn. Hơn nữa, người nộp đơn được yêu cầu mô tả loại nhãn hiệu. Trong quá trình kiểm tra, có thể cần phải giải thích thêm hoặc sửa đổi, điều này cũng góp phần vào việc xác định nhãn hiệu[15].

4.2. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thực thi các cam kết về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh

Quy định về chế định nhãn hiệu âm thanh được quy định lần đầu tại Luật nhãn hiệu sửa đổi, bổ sung năm 2015 (gọi tắt là Luật nhãn hiệu năm 2015) thì dấu hiệu âm thanh mới được nhắc đến trong khái niệm nhãn hiệu. Trong Luật Nhãn hiệu năm 2015, với mục đích xác định đầy đủ bản chất và phạm vi bảo hộ, đơn đăng ký sau phải có mục đích cho biết đó là loại nhãn hiệu gì[16]. Để các loại nhãn hiệu mới được thể hiện trong một đơn đăng ký, Văn phòng Sáng chế Nhật Bản yêu cầu đưa ra mô tả chi tiết về đối tượng muốn bảo hộ làm nhãn hiệu. Đối với các loại nhãn hiệu mới, cần phải có mô tả chi tiết về nhãn hiệu cần đăng ký để xác định phạm vi bảo hộ nhãn hiệu[17]. Thông tin chi tiết về yêu cầu cho các mô tả đó sẽ được cung cấp trong Pháp lệnh của Bộ Kinh tế. Ngoài ra, liên quan đến dấu hiệu âm thanh, việc gửi đối tượng (ví dụ: tệp âm thanh được ghi âm) sẽ được yêu cầu, điều này cũng sẽ được quy định trong Phép lệnh. Để xác định phạm vi của nhãn hiệu đã đăng ký, bản mô tả chi tiết về đối tượng đó là bắt buộc với ý nghĩa nhằm giải thích chi tiết cho nhãn hiệu được thể hiện trong đơn[18].

5. Một số kiến nghị nhằm thực thi các quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam

Từ một số khó khăn trong thực thi đối với nhãn hiệu âm thanh và học hỏi kinh nghiệm từ một số quốc gia thành viên của hiệp định CPTPP, tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật như sau:

Thứ nhất, cần làm rõ định nghĩa “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” trong thông tư số 01/2017/TT- BKHCN và Quy chế thẩm định nhãn hiệu do Cục sở hữu trí tuệ ban hành. Mặc dù theo nguyên tắc có thể thể hiện dấu hiệu âm thanh từ biểu thị đồ họa nhưng tại các nước có bảo hộ nhãn hiệu âm thanh hiện nay, việc giải thích những dấu hiệu âm thanh có thể thể hiện dưới dạng đồ họa không thống nhất, từ đó dẫn đến hệ quả là các dấu hiệu có thể bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong pháp luật các nước là khác nhau. Với tính chất của Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, chúng ta sửa đổi Luật không chỉ để giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt mà còn dự liệu được các vấn đề phát sinh trong tương lai, do đó tránh tình trạng thu hẹp phạm vi điều kiện bảo hộ nhãn hiệu âm thanh.

Thứ hai, nâng cao năng lực công nghệ trong việc đăng ký, thẩm định nhãn hiệu âm thanh bằng cách thay đổi trong cách thức lưu trữ nhãn hiệu trên Sổ đăng ký có thể khắc phục được vấn đề trong năng lực công nghệ, nếu công nghệ máy tính được sử dụng để ghi lại ‘dấu âm thanh một cách trung thực và cung cấp chúng ở dạng kỹ thuật số’ thì hoạt động đăng ký và thẩm định có thể minh bạch hơn.

Thứ ba, cách thức thể hiện dấu hiệu âm thanh, mẫu nhãn hiệu âm thanh khi tiến hành đăng ký là một vấn đề phức tạp. Mặc dù tại Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 ngoài việc đưa ra yêu cầu chung đối với đơn đăng ký nhãn hiệu, còn có các quy định riêng cho các dấu hiệu đặc thù như yêu cầu mẫu nhãn hiệu âm thanh là hợp lý. Nhưng về quy trình đăng ký nhãn hiệu, đối với nhãn hiệu âm thanh, do được quy định bởi tính đặc biệt của loại dấu hiệu này, nên hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cần phải được đầu tư chuẩn bị, pháp luật cần có những hướng dẫn cụ thể về quy trình đăng ký (chẳng hạn, file âm thanh được định dạng như thế nào, dung lượng tối đa là bao nhiêu, bản đồ họa yêu cầu thể hiện các nốt nhạc ra sao, có cần thiết được mô phỏng cụ thể bằng một văn bản hay không…). Đồng thời, hình thức nộp đơn trực tuyến cũng nên được mở rộng và phát triển, tạo điều kiện cho quá trình nộp cũng như thẩm định được nhanh và chính xác hơn.

 

Một siêu thị điện máy - Ảnh minh họa CTV


[1] K. Mc. Cormick, “Ding you are now free to register that sound”, INTA, the trademark reporter, Vol 96, 2006

[2] Vũ Thị Hải Yến (2022), Hoàn thiện quy định pháp luật sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu hình ba chiều và nhãn hiệu âm thanh, Tạp chí khoa học, số 3 năm 2022.

[3] Xem thêm mô tả nhãn hiệu chi tiết tại https://tsdr.uspto.gov/#caseNumber=5394152&caseSearchType=US_APPLICATION&caseType=DEFAULT&searchType=statusSearch, truy cập ngày 1/10/2022

[4]Trong vụ việc này, nguyên đơn Traffix Devices, Inc đã yêu cầu được hưởng quyền đối với “trade dress” (tạm dịch là “bao bì thương mại” ) cho thiết kế đặc biệt giúp sản phẩm của họ có thể đứng vững trước những cơn gió mạnh. Thiết kế này trước đó đã được bảo hộ sáng chế. Sau khi hết thời hạn bảo hộ, Makerting Displays, Inc đã sản xuất sản phẩm mang thiết kế này và bị Traffix Devices, Inc kiện với lý do xâm phạm quyền đối với “trade dress”. Nguồn :

https://en.wikipedia.org/wiki/TrafFix_Devices,_Inc._v._Marketing_Displays,_Inc, truy cập ngày 1/10/2022

[5] Xem: Wipo, “Submission of the United Atates of America - Grounds for refusal of trademark registration”. Nguồn: http://www.wipo.int/export/sites/www/sct/en/comments/pdf/sct23/ref_usa.pdf truy cập ngày 04 tháng 10 năm 2022

[6] Điều 18.18. Loại dấu hiệu có thể đăng ký làm nhãn hiệu, mục C, chương 18 Hiệp định CPTPP

[7] Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, nhưng đối với quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ 14 tháng 01 năm 2022..

[8] Xem thêm tại khoản 1, Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022

[9] Bộ quy tắc thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của Hoa Kỳ (the U.S Trademark Manual of Examining Procedure – TMEP) định nghĩa một dấu hiệu âm thanh là dấu hiệu “chỉ dẫn và phân biệt một sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua âm thanh thay vì thông qua hình ảnh”.

[10] Bài giảng của Cục sở hữu trí tuệ về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, tham khảo tại link: https://ipvietnam.gov.vn/documents/20182/834910/B%C3%A0i+3.2_B%E1%BA%A3o+h%E1%BB%99+NH+%C3%A2m+thanh_%C4%90i%E1%BB%81u+ki%E1%BB%87n+b%E1%BA%A3o+h%E1%BB%99.pdf/6bfe59b1-3242-4fb3-97a6-704677a006be, truy cập ngày 8/10/2022

[11] Âm thanh riêng này là sự kết hợp của các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như sáo, đàn tranh, đàn bầu.

[12] GFK là công ty nghiên cứu thị trường lớn nhất ở Đức. Chuyên nghiên cứu các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng, dược phẩm, bán lẻ, truyền thông.

[13] Báo tuổi trẻ, Mastercard ra mắt âm thanh nhận diện thương hiệu tại Việt Nam, tham khảo nguồn tại: https://tuoitre.vn/mastercard-ra-mat-am-thanh-nhan-dien-thuong-hieu-tai-viet-nam-20220824185503298.htm?fbclid=IwAR1Z0rVTLYZ8LzdKm7LOoBQMcwLLYxsV0gQPxt__Yo9Or8gviOIkULPu3cA, truy cập ngày  15/10/2022

[14] Helen Dawson. Non-convention Trademark in Australia. [EB/OL][2009-10-25], tham khảo nguồn tại link: http://www.china.embassy.gov.au/bingchinese/Dawson.html, truy cập ngày 15/10/2022

[15] Roberto Carapeto (2016), “A Reflection About the Introduction of Non-Traditional Trademarks”, Waseda   Bulletin   of   Comparative   Law   Vol.34, tham khảo nguồn tại https://www.waseda.jp/folaw/icl/assets/uploads/2016/02/c35688e10d1c61201172065546b98301.pdf, truy cập ngày 1/10/2022

[16] Trần Cao Thành (2020), Quy định về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn.

[17] Đọc thêm tại Khoản 4, Điều 5 Luật Nhãn hiệu Nhật Bản năm 2015

[18] Khoản 1, Điều 27 Luật Nhãn hiệu Nhật Bản năm 2015

LÊ THỊ DIỆU CHI (Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế)