Xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là con chung trong vụ án tranh chấp ly hôn/chia tài sản khi ly hôn

Qua đọc bài nghiên cứu của tác giả Trương Minh Tấn về “Xem xét nguyện vọng của người con khi cha mẹ ly hôn” đăng ngày 24 /6 / 2020 và bài “Xác định tư cách tố tụng của “con chung” chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trong vụ án ly hôn” của tác giả Trần Thanh Bình đăng ngày 27 /6 /2020 chúng tôi muốn trao đổi mở rộng về việc xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là con chung trong vụ án tranh chấp ly hôn/chia tài sản khi ly hôn.

1.Quy định của pháp luật tố tụng dân sự và hôn nhân & gia đình

Khoản 4 Điều 68 BLTTDS năm 2015 quy định để trở thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự nói chung cần đáp ứng các điều kiện sau: (i) người không khởi kiện, không bị kiện; (ii) việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; (iii) tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận. Tuy nhiên, các văn bản hiện hành chưa có quy định hướng dẫn cụ thể cách thức xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự.

Mặt khác, khoản 1 Điều 28 BLTTDS năm 2015 quy định: Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: 1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn…”. Như vậy, trong vụ án ly hôn, Tòa án có thể giải quyết ba vấn đề: (i) quan hệ vợ chồng; (ii) con chung; (iii) tài sản chung. Theo đó, việc giải quyết vụ án ly hôn không những chỉ ảnh hưởng đến hai bên vợ chồng mà còn ảnh hưởng đến một số chủ thể khác, đặc biệt là “con chung” của họ. Cụ thể, con chung sẽ phát sinh hai mối quan hệ với vợ chồng (là nguyên đơn và bị đơn trong vụ án ly hôn), bao gồm: Một là, quan hệ nhân thân đối với yêu cầu về nuôi con, cấp dưỡng (chỉ phát sinh đối với con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự); Hai là, quan hệ tài sản đối với yêu cầu về chia tài sản chung. Riêng đối với vụ án tranh chấp về chia tài sản sau khi ly hôn, Tòa án chỉ đơn thuần giải quyết tranh chấp về tài sản của vợ chồng vì vấn đề “con chung” đã được giải quyết trong vụ án ly hôn trước đó.

Từ đây, vấn đề phát sinh trong thực tiễn xét xử cần được xác định là “con chung” có phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc giải quyết yêu cầu nuôi con hoặc/và chia tài sản chung của vợ chồng hay không?

2.Thực tiễn xét xử

2.1.Vụ án 1[1]

Năm 2017, chị Lâm Thị Th khởi kiện yêu cầu ly hôn với anh Nguyễn Xuân N, yêu cầu được quyền nuôi con chung là Nguyễn Lâm Như T, sinh ngày 17-4-2008 hiện đang sống chung với chị.

Về tài sản chung: Có 1.008m2 đất chuyên trồng lúa nước […] được UBND huyện C cấp cho hộ anh Nguyễn Xuân N đứng tên quyền sử dụng đất vào năm 2013; một căn nhà bán cơ bản, diện tích khoảng 60m2 (gắn liền trên thửa đất 1452), vật dụng sinh hoạt trong gia đình như tủ, bàn, ghế. Ngoài ra không còn tài sản chung nào khác. Chị Th yêu cầu chia đôi nhà và đất.

Về nợ chung: yêu cầu giải quyết các khoản nợ chung với bà Đỗ Ngọc K; ông Nguyễn Văn H1; chị Nguyễn Thị Tú T; anh Dương Văn H; chị Nguyễn Thị Như Y; Anh Bùi Phú K (Bản án sơ thẩm xác định các những người này là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Tuy nhiên, Tòa án sơ thẩm không đưa con chung của vợ chồng là Như T (9 tuổi) vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mặc dù trong bản án sơ thẩm, Tòa án đã giải quyết vấn đề con chung.

Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: “[…] Về con chung: Thời gian chị Th và anh N chung sống hạnh phúc có một người con chung tên Nguyễn Lâm Như T, sinh ngày 17-4-2008 hiện đang sống chung với chị Th. Nguyện vọng của cháu T được tiếp tục sống chung với chị Th, chị Th cũng có nguyện vọng nuôi con và anh N cũng thống nhất theo nguyện vọng của con. Để đảm bảo mọi mặt về quyền và lợi ích của con, Hội đồng xét xử giao cháu Nguyễn Lâm Như T cho chị Th tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng là phù hợp với quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình. Về cấp dưỡng nuôi con chị Th chưa có yêu cầu nên không xem xét […]”.

Như vậy, Tòa án sơ thẩm dường như cho rằng đối với yêu cầu nuôi con của vợ chồng thì con chung sẽ không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Mặt khác, Tòa án xác định con chung không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong yêu cầu chia tài sản chung của cha mẹ.

2.2.Vụ án 2[2]

Theo hồ sơ vụ án hôn nhân sơ thẩm số 481/2016/TLST-HNGĐ ngày 8 – 10 -2015, do miếng đất bố mẹ chị D (là nguyên đơn và bị đơn trong vụ án tranh chấp về ly hôn) đang sinh sống là đất cấp cho hộ gia đình, vào thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chị Nguyễn Thùy D (sinh năm 1990) là con chung cũng có tên trong sổ hộ khẩu. Nay bố mẹ chị D ly hôn nên chị D được Tòa án nhân dân huyện L xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Do chị D sinh năm 1990 là người đã thành niên vào thời điểm xét xử (2015) nên không đặt ra vấn đề giải quyết yêu cầu nuôi con liên quan đến chị D.

2.3.Vụ án 3[3]

Năm 2017, ông Lại Văn N và bà Nguyễn Thị T1 đã ly hôn theo Bản án dân sự sơ thẩm số: 1311/2017/HNGĐ-ST ngày 31 – 8  – 2017 của Tòa án nhân dân quận B, Thành phố H và Bản án dân sự phúc thẩm số: 1045/2017/HNGĐ-PT ngày 23 – 11 – 2017 của Tòa án nhân dân Thành phố H. Hai bên đã chấm dứt quan hệ hôn nhân và giải quyết vấn đề con chung. Về tài sản chung không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Ngày 18-5-2018, ông N khởi kiện bà T1 yêu cầu xác định tài sản riêng.

Nhận định của Tòa án phúc thẩm: “[…] Về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, […], Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: Nguyên đơn khởi kiện về việc yêu cầu xác định tài sản riêng; Bị đơn có yêu cầu phản tố về việc chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn. Cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn là chưa đầy đủ. Cần xác định quan hệ tranh chấp là yêu cầu xác định tài sản riêng và chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn […] Ngoài ra, cấp sơ thẩm không đưa người ký hợp đồng thuê và người kinh doanh Nhà hàng N tại số đường NC, phường A, quận B, Thành phố H và 02 con chung của ông N bà T1 vào tham gia tố tụng là có thiết sót […] Với những vi phạm tố tụng và thiết sót trên, ông Nguyễn Ngọc C cũng không có ý kiến gì, 02 con chung của ông N, bà T1 còn nhỏ hiện cũng do ông N, bà T1 là đại diện hợp pháp. Hội đồng xét xử nhận thấy tuy có vi phạm tố tụng nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự nên không thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng để hủy án theo quy định khoản 2 Điều 310 của Bộ luật Tố tụng dân sự, cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm […]”. 

Như vậy, Tòa án trong trường hợp này cho rằng con chung là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong yêu cầu chia tài sản của cha mẹ, cho dù “02 con chung của ông N, bà T1 còn nhỏ hiện cũng do ông N, bà T1 là đại diện hợp pháp”.

3.Bình luận

3.1. Thống nhất quan điểm “Con chung chưa thành niên” là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án ly hôn

Đây cũng chính là quan điểm của tác giả Trần Thanh Bình.

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng con chung chưa thành niên trên 07 tuổi dù không phải là người khởi kiện, cũng không là người bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình phát biểu ý kiến nguyện vọng muốn ở với ai, và chắc chắn được Tòa án triệu tập vào tham gia. Trên thực tế, các Tòa án thường kết hợp lấy ý kiến của con trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm – tại phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải[4] hoặc trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ[5]; việc lấy ý kiến thường được thực hiện tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở của Tòa.

Do đó, người con sẽ không thể là nguyên đơn, bị đơn, cũng không thể là một trong những người trong nhóm chủ thể tham gia tố tụng khác (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người đại diện, người phiên dịch, người giám định) nên để tránh việc giải quyết bỏ sót quyền và lợi ích cho người con trong vụ án ly hôn, tốt nhất nên xác định người con chung chưa thành niên từ 07 tuổi trở lên phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về ly hôn.

Vì vậy, vụ án 1 Tòa án cần thiết phải đưa con chung (9 tuổi) vào tham gia vụ án tranh chấp về ly hôn của cha mẹ. Đối với vụ án 3, không phải là vụ án tranh chấp về ly hôn mà là vụ án tranh chấp tài sản sau khi ly hôn nên có xác định tư cách của con chung là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn có quan điểm trái chiều.

  • Xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của con chung trong yêu cầu về chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn

Quan điểm thứ nhất: Con chung phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng

Trong vụ án 3, nguyên đơn và bị đơn tranh chấp về việc xác định tài sản riêng, chia tài sản chung sau khi ly hôn[6]. Đối tượng tranh chấp là căn nhà và quyền sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận đứng tên ông N và bà T1. Tuy nhiên, trong trường hợp này dù con chung của vợ chồng còn nhỏ và không phải là đồng sở hữu trong tài sản chung (giấy chứng nhận chỉ cấp cho ông N và bà T1) nhưng Tòa án phúc thẩm vẫn cho rằng con chung là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Có lẽ, Tòa án cấp phúc thẩm đã căn cứ vào những luận giải sau:

Khoản 1 Điều 212 BLDS năm 2015 quy định: Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Mặt khác, theo khoản 3 Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: “[] Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.” Khoản 4 Điều luật này cũng ghi nhận: “Con đã thành niên […] Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình”. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: “Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập”.

Do đó, khi vợ chồng chia tài sản chung, việc đưa con chung vào với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cần thiết để xác định liệu rằng họ có đóng góp vào khối tài sản chung của vợ chồng hay không.

Quan điểm thứ hai: Con chung chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong trường hợp là đồng sở hữu trong khối tài sản chung của vợ chồng

Trong vụ án 2, Tòa án đã xác định chị D (con chung) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xuất phát từ việc miếng đất hai vợ chồng đang sinh sống và có yêu cầu chia tài sản chung là đất cấp cho hộ gia đình. Vào thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chị D là con chung cũng có tên trong sổ hộ khẩu. Do đó, chị D (con chung) là đồng sở hữu trong khối tài sản chung của vợ chồng nên phải được tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Thứ nhất, Điều 212 BLDS năm 2015 quy định như sau:

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.

Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này”.

Như vậy, nguồn gốc tài sản chung của các thành viên trong gia đình hình thành trên cơ sở đóng góp, cùng tạo lập theo các căn cứ xác lập quyền sở hữu khác được pháp luật thừa nhận; cơ chế thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung giữa các thành viên gia đình là cơ chế thỏa thuận, các thành viên gia đình thống nhất ý chí về các trường hợp chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản; sự thỏa thuận của các thành viên trong hộ gia đình đối với chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung khi tài sản này là động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên trong gia đình; trường hợp các bên không thỏa thuận, pháp luật không quy định thì buộc các thành viên trong gia đình thực hiện quyền sở hữu theo nguyên tắc chung theo phần, trừ trường hợp sở hữu chung của vợ chồng.[7]

Thứ hai, tư cách người con trong trường hợp này khác với người con chưa thành niên trên 07 tuổi khi được hỏi nguyện vọng ở chung với cha hay mẹ sau ly hôn và không có tài sản chung với cha mẹ. Tài sản chung là chính là “đối tượng tranh chấp” và liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của con khi chia tài sản chung vợ chồng. Nếu không xác định tư cách đương sự cho con chung sẽ dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi, nghĩa vụ của con chung và cha mẹ.

Cũng theo quan điểm này, nếu người con không phải là đồng sở hữu trong tài sản chung mà vợ chồng có yêu cầu chia thì sẽ không tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.

  • Hậu quả của việc xác định sai tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của con chung trong vụ án ly hôn

Theo điểm b khoản 2 Điều 203 BLTTDS 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác. Do đó, nếu Tòa án không xác định đúng tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của con chung khi giải quyết yêu cầu ly hôn, đồng nghĩa với việc Tòa án đã vi phạm thủ tục tố tụng.

Trong vụ án 3, theo quan điểm của Hội đồng xét xử thì mặc dù có vi phạm tố tụng trong việc xác định tư cách đương sự của con chung, nhưng vi phạm này không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể này nên không thuộc trường hợp hủy án.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng trong thực tiễn sẽ có trường hợp Tòa án cấp trên hủy án vì cho rằng đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Chúng tôi cho rằng, điều này chỉ thuyết phục khi và chỉ khi pháp luật tố tụng dân sự có quy định hướng dẫn minh thị xác định con chung là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

KẾT LUẬN

Quy định thống nhất việc xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của con chung trong vụ án ly hôn hoặc vụ án chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn một mặt giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể này, mặt khác giúp việc giải quyết vụ án được chính xác, tuân thủ quy định pháp luật tố tụng dân sự, tránh trường hợp bị hủy án. BLTTDS năm 2015 hiện nay mặc dù đã có quy định về khái niệm của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc xác định các đương sự này nói chung và đối với con chung trong vụ án ly hôn và vụ án chia tài sản sau khi ly hôn nói riêng. Do đó, để thống nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật, cần thiết: có hướng dẫn con chung có phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong yêu cầu nuôi con hoặc/và trong yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng hay không, nếu có thì trong những trường hợp nào./.

Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM  xét xử vụ án ly hôn – Ảnh: Việt Dũng / ĐT online

 

[1] Bản án số: 44/2017/HNGĐ-ST ngày 28-9-2017 “V/v Tranh chấp ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, đòi lại tài sản và tranh chấp hợp đồng vay tài sản” của TAND huyện C tỉnh T.

[2] Quyết định chuyển vụ án số 04/2006/QĐ-CVA của Tòa án nhân dân huyện L tỉnh V.

[3] Bản án 775/2019/HNGĐ-PT ngày 03-09-2019 của Tòa án nhân dân thành phố H.

[4] Đối với vụ án ly hôn, theo Điều 208 BLTTDS năm 2015.

[5] Đối với việc thuận tình ly hôn, theo Điều 397 BLTTDS năm 2015.

[6] Mặc dù là tranh chấp về chia tài sản sau khi ly hôn nhưng bản chất không khác so với việc giải quyết chung trong yêu cầu ly hôn của đương sự.

[7] Thanh Huyền (2017), “Tài sản chung của các thành viên trong gia đình là gì?”, nguồn: https://kiemsat.vn/tai-san-chung-cua-cac-thanh-vien-trong-gia-dinh-la-gi-47001.html.

TS. ĐẶNG THANH HOA & ThS. PHAN NGUYỄN BẢO NGỌC (Giảng viên Trường Đại học Luật Tp.HCM)