Xác định tư cách đương sự trong vụ án hành chính – Đề xuất và kiến nghị

Để đảm bảo giải quyết một vụ án hành chính tại cấp sơ thẩm đúng pháp luật, ngoài việc có đường lối đúng đắn, thì việc xác định tư cách các đương sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết, bắt đầu từ giai đoạn tiếp nhận đơn khởi kiện và có ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình giải quyết vụ án

1.Đặt vấn đề

Đương sự là một khái niệm cơ bản khi tiếp cận luật tố tụng. Việc xác định không đúng tư cách đương sự sẽ là một trong những căn cứ để hủy các bản án, quyết định của Tòa án. Việc xác định đúng tư cách đương sự sẽ không chỉ giúp xác định đúng quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự mà còn giúp Thẩm phán định hướng  quá trình giải quyết vụ án trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ và tìm ra được sự thật khách quan của vụ án.

Việc giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án xuất phát từ yêu cầu khởi kiện của các đương sự. Vì đương sự là chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung được Tòa án giải quyết trong vụ án nên đương sự có quyền bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia tố tụng tại Tòa. Hoạt động tố tụng của các đương sự có thể dẫn đến việc làm phát sinh, thay đổi hay đình chỉ tố tụng. Do đó, nghiên cứu thực trạng xác định tư cách đương sự trong khi giải quyết các vụ án hành chính, đồng thời đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các quy định về xác định tư cách đương sự là cần thiết.

2. Quy định pháp luật về tư cách đương sự

Đương sự trong vụ án hành chính bao gồm: Người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.[1]

Đương sự có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức. Để tham gia vào các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ hành chính nói riêng, cá nhân phải có năng lực chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hành chính. Năng lực chủ thể được tạo thành bởi năng lực pháp luật và năng hành vi.[2]

Đối với đương sự là cá nhân, phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính, trừ trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì họ thực hiện quyền và nghĩa vụ thông qua người đại diện.[3]

Đối với đương sự là cơ quan, tổ chức, thì phải đáp ứng yêu cầu là pháp nhân hợp pháp[4]; cơ quan được hiểu cụ thể là: các cơ quan quản lý Nhà nước trong từng lĩnh vực, ví dụ: Cơ quan Thuế, Hải quan, cơ quan Công an, Công ty cổ phần,…

Các bộ phận, đơn vị phụ thuộc, Văn phòng đại diện của cơ quan Nhà nước không có tư cách pháp nhân nên không thể là đương sự trong vụ án hành chính.

Cơ quan, tổ chức khi tham gia tố tụng trong vụ án hành chính phải thông qua người đại diện theo pháp luật. Nếu cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể thì cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức cũ.

Đối với hộ gia đình, tổ hợp tác, dòng họ khi quyền lợi ích bị xâm hại thì họ tham gia tố tụng với tư cách cá nhân. Theo quy định của pháp luật thì hộ gia đình, tổ hợp tác, dòng họ, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng hành chính nên họ tham gia tố tụng với tư cách cá nhân để bảo vệ quyền và lợi ích cho mình/của cả hộ hộ gia đình, tổ hợp tác, dòng họ.[5]

Việc xác định khái niệm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên trên cơ sở các quy định pháp luật tố tụng hành chính như sau:

Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân.[6]

Như vậy, người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính về các quyết định hành chính, hành vi hành chính mà họ cho rằng các quyết định hành chính, hành vi hành chính đó không đúng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ nên họnộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết và những người đó được gọi là “người khởi kiện” trong vụ án hành chính.

Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện.[7]

Theo quy định trên thì người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị khiếu kiện. Thực tế hiện nay việc xác định cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính là người bị kiện có nhiều ý kiến khác nhau. Hơn nữa, trong một vụ án hành chính cụ thể, việc xác định một cách chính xác người bị kiện là cá nhân hay cơ quan, tổ chức không phải là điều dễ dàng. Người bị kiện là cá nhân hay tập thể không chỉ có ý nghĩa đảm bảo pháp chế mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với việc thi hành bản án hành chính cũng như việc đề cao trách nhiệm của cá nhân trong hoạt động công vụ. Điều này góp phần xoá bỏ tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể, cũng như việc phân chia trách nhiệm theo nguyên tắc bìnhquân chủ nghĩa. Vì vậy việc nghiên cứu nguyên tắc xác định người bị kiện trong vụ án hành chính không chỉ có ý nghĩa về lý luận mà còn trong thực tiễn xét xử.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.[8]

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người tham gia vào vụ án hành chính đã phát sinh giữa người khởi kiện và người bị kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể phụ thuộc vào người khởi kiện, người bị kiện hoặc có yêu cầu độc lập. Tùy vào vị trí tố tụng khác nhau mà người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền và nghĩa vụ khác nhau.

3. Xác định tư cách đương sự khi giải quyết vụ án hành chính

Quá trình giải quyết vụ án, việc xác định tư cách đương sự tham gia tố tụng trong vụ án hành chính là bước cơ bản khi xem xét hồ sơ khởi kiện vụ án hành chính và được Tòa án thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án, kể cả tại phiên tòa, trước khi Hội đồng xét xử tuyên án.

Trước hết, trên cơ sở Tòa án xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án hành chính, có căn cứ xác định tòa án có thẩm quyền (dựa trên xác định người bị kiện), làm thủ tục thông báo thụ lý vụ án. Từ việc xác định đủ tư cách các đương sự, sẽ đảm bảo cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại các Điều 55, 56, 57 và 58 LTTHC 2015. Từ đó, Tòa án có căn cứ để tiến hành các thủ tục tố tụng cần thiết đối với từng đương sự và xem xét các nội dung trình bày, các yêu cầu của đương sự phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án.

Tố tụng hành chính là một khoa học pháp lý đặc thù so với tố tụng hình sự và tố tụng dân sự. Bởi lẽ, việc xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự trong vụ án hành chính không xuất phát từ ý chí của người khởi kiện hoặc từ quan hệ tranh chấp hoặc nơi sự việc xảy ra, có yếu tố nước ngoài, mà tư cách đương sự được xác định bắt đầu từ đối tượng khởi kiện, phạm vi giải quyết trong vụ án hành chính. Do đó, khi nghiên cứu một vụ án hành chính, cơ sở đầu tiên là phải xác định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, từ đó xác định người bị kiện, Tòa án có thẩm quyền giải quyết của Tòa án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có). Khi vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì mới có căn cứ để xác định người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Như vậy, để xác định đúng tư cách đương sự thì Thẩm phán căn cứ vào đối tượng khởi kiện để xác định người khởi kiện, người bị kiện; căn cứ vào phạm vi giải quyết (thẩm quyền HĐXX) để xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

3.1.Căn cứ vào đối tượng khởi kiện

Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện.

Quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác như thông báo, kết luận, công văn... do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khởi kiện cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (trừ những văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức bổ sung, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết, xử lý vụ việc cụ thể theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó)[9].

Quyết định hành chính bị kiện là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính phải là quyết định hành chính làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính bao gồm: Quyết định hành chính lần đầu, quyết định giải quyết khiếu nại bị khởi kiện[10].

Hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật và hành vi đó bị kiện.[11]

Hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Việc xác định hành vi hành chính khi nào là của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, khi nào là của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác và khi nào là không thực hiện nhiệm vụ, công vụ phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền, thời hạn thực hiện đối với nhiệm vụ, công vụ đó và phân biệt:

- Trường hợp theo quy định của pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, nhưng do người trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác đó thực hiện theo sự phân công hoặc uỷ quyền, uỷ nhiệm thì hành vi đó là hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác mà không phải là hành vi hành chính của người đã thực hiện hành vi hành chính đó;

- Trường hợp theo quy định của pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác thì việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể đó là hành vi hành chính của người có thẩm quyền, không phụ thuộc vào việc họ trực tiếp thực hiện hay phân công, uỷ quyền, uỷ nhiệm cho người khác thực hiện;

- Trường hợp theo quy định của pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác không thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó là hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, không phụ thuộc vào việc nhiệm vụ, công vụ đó được phân công, uỷ quyền, uỷ nhiệm cho người cụ thể nào trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác đó thực hiện;

- Trường hợp theo quy định của pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác không thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó là hành vi hành chính của người có thẩm quyền, không phụ thuộc vào việc họ đã phân công, uỷ quyền, uỷ nhiệm.

Như vậy, xác định hành vi hành chính bị kiện là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính thì phải đảm bảo các tiêu chí nêu trên và hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi hành chính gồm hai dạng:

- Thứ nhất, hành vi hành động: Dạng hành vi này được tiến hành khi thực hiện các quyết định hành chính hoặc các công việc khác mà pháp luật quy định.

- Thứ hai, hành vi không hành động: Được thể hiện dưới dạng cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó không thực hiện nhiệm vụ mà họ phải thực hiện theo quy định pháp luật (được gọi là hành vi không hành động). Thông thường dạng hành vi này được thể hiện qua các hành vi người bị kiện từ chối cấp hoặc không thực hiện các thủ tục để cấp các loại giấy chứng nhận cho cá nhận, cơ quan, tổ chức khi họ thực hiện việc xin cấp giấy chứng nhận đó.

Ngoài ra, người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri gây ra.[12]

Như vậy, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định buộc thôi việc, gây ra mà quyết định hành chính, hành vi hành chính này đang bị khiếu kiện tại Tòa án không là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, nhưng là căn cứ xem xét xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tròn vụ án hành chính.

3.2.Căn cứ vào phạm vi giải quyết của Tòa án/ Thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm

Trong tố tụng hành chính, Tòa án thực hiện quyền lực của mình căn cứ theo đơn khởi kiện của người có quyền khởi kiện, hay nói cách khác nếu không xác định được phạm vi yêu cầu của người khởi kiện, không xác định cụ thể đối tượng mà chủ thể có quyền yêu cầu giải quyết, hoàn toàn có khả năng dẫn đến sự sai lầm về nội dung lẫn tố tụng trong việc xem xét, đánh giá và đưa ra phán quyết.

Do vậy, việc đầu tiên để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa phải căn cứ vào đơn khởi kiện, căn cứ vào các yêu cầu khởi kiện và căn cứ vào đối tượng khởi kiện cần xem xét có thuộc thẩm quyền giải quyết của pháp luật tố tụng hành chính hay không. Ngoài yêu cầu hủy quyết định hành chính, tuyên bố hành vi hành chính trái pháp luật thì có yêu cầu về bồi thường thiệt hại hay không.

Thứ hai, do yếu tố đặc thù của pháp luật tố tụng hành chính nên chỉ trong những trường hợp đối tượng khởi kiện được quy định theo LTTHC hiện hành mới phát sinh thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Thứ ba, căn cứ vào nội dung của quy định pháp luật chuyên ngành về thẩm quyền ban hành (thực hiện) đối tượng khởi kiện đó là gì để xác định người bị kiện. Cụ thể, đối với quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần căn cứ vào nội dung của Luật đất đai hoặc đối với quyết định xử phạt hành chính căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính,...

Thẩm quyền của Hội đồng xét xử được quy định cụ thể tại Điều 193 LTTHC năm 2015, theo đó:

Thứ nhất, Hội đồng xét xử xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.[13] Trên cơ sở xem xét, đánh giá tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện thì Hội đồng xét xử sẽ đồng thời xác định phạm vi giải quyết vụ án hành chính, bảo đảm vụ án được giải quyết toàn diện, triệt để.

Thứ hai, tùy thuộc vào đối tượng khởi kiện cụ thể mà phạm vi giải quyết của Hội đồng xét xử có sự khác nhau. Thông thường, phạm vi giải quyết vụ án hành chính sẽ bao gồm:

Phạm vi giải quyết = Đối tượng khởi kiện + Quyết định hành chính liên quan + Biện pháp quản lý hành chính nhà nước (nếu cần) + Bồi thường thiệt hại (nếu có).

Trong đó, đối tượng khởi kiện gồm Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện. Quyết định hành chính liên quan: Quyết định hành chính lần đầu, quyết định giải quyết khiếu nại mà không bị kiện; hoặc quyết định hành chính liên quan mật thiết với quyết định hành chính lần đầu (chẳng hạn: quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay quyết định giải quyết tranh chấp đất đai là căn cứ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định thu hồi đất trong trường hợp yêu cầu hủy quyết định phê duyệt phương án bồi thường do sai sót về diện tích đất thu hồi...)

Việc xác định rõ các quyết định hành chính liên quan, hay yêu cầu bồi thường thiệt hại là cơ sở xác định đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng, bảo đảm quyền lợi hoặc xác định nghĩa vụ cho họ; bên cạnh đó họ thực hiện các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.[14]

3.3.Cách xác định người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính

Xác định người khởi kiện trong vụ án hành chính

Trên cơ sở xác định đối tượng khởi kiện, thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong vụ án hành chính, việc xác định người khởi kiện phải dựa vàochủ thể chịu tác động trực tiếp của hành vi, quyết định bị khiếu kiện; quyết định, hành vi đó xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân hay của cơ quan, tổ chức nào trong vụ án hành chính. Nếu quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm đến quyền lợi của cá nhân và cá nhân thực hiện hành vi khởi kiện và được Tòa án thụ lý thì trở thành người khởi kiện trong vụ án còn nếu ngược lại thì người khởi kiện là tổ chức.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức là người khởi kiện trong vụ án hành chính khi thỏa mãn đủ 2 điều kiện:

- Một là người khởi kiện phải có năng lực chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hành chính theo quy định lại Điều 54 Luật tố tụng hành chính năm 2015.

- Hai là người khởi kiện phải là người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Đối với cơ quan, tổ chức có tên trong quyết định hành chính, bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính thì việc xác định quyền khởi kiện của họ để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình tương đối dễ dàng. Nhưng quyền khởi kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tên trong quyết định hành chính, hành vi hành chính thì khó xác định, trường hợp này Tòa án cần phải xem xét tài liệu, chứng cứ chứng minh người khởi kiện có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm trực tiếp từ quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện hay không.

Xác định người bị kiện trong vụ án hành chính.

Từ đối tượng khởi kiện và quy phạm pháp luật nội dung điều chỉnh, xác định người bị kiện là cơ quan, tổ chức hay người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức.

Người bị kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện. Để xác định đúng người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết vụ việc đó. Trường hợp có nhiều luật cùng quy định thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính về một lĩnh vực quản lý thì việc xác định thẩm quyền của người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức phải căn cứ vào luật chuyên ngành.

Xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là những người mà việc giải quyết khiếu kiện có thể làm phát sinh nghĩa vụ hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì họ phải thực hiện thủ tục khởi kiện như người khởi kiện. Nếu đương sự xác định những vấn đề trên trong đơn khởi kiện chưa đúng thì thẩm phán cần thông báo yêu cầu đương sự sửa chữa, bổ sung đơn khởi kiện cho đúng quy định pháp luật. 

Trong quá trình giải quyết vụ án, tại phiên tòa đương sự xuất trình quyết định hsnhf chính mới liên quan đến nội dung vụ án, cần phải xem xét toàn diện mà người ban hành chưa tham gia tố tụng thì phải đưa họ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định.

4. Đề xuất, kiến nghị

Để tiếp tục hoàn thiện pháp luật tố tụng hành chính[15] nói chung, vấn đề xác định tư cách đương sự trong vụ án hành chính nói riêng, ngoài việc làm rõ các khái niệm, nội hàm về người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì cần thiết phải có quy định rõ về đối tượng khởi kiện, quyết định hành chính liên quan (quyết định hành chính cá biệt liên quan đến quyết định bị kiện, quyết định giải quyết khiếu nại liên quan); quyết định giải quyết khiếu nại phải có nội dung giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế mới là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính; các văn bản trả lời đã nhận đơn, trả lời đơn vì hết thời hiệu hay quyết định đình chỉ/tạm đình chỉ việc giải quyết khiếu nại không thuộc đối tượng khởi kiện.

Do đó, Hội đồng thẩm phán TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Bên cạnh đó, cũng đặt ra vấn đề xác định rõ hơn đầy đủ hơn về phạm vi giải quyết, thẩm quyền Hội đồng xé xử để có căn cứ xác định người tham gia tố tụng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Từ đó, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung LTTHC  với một số nội dung sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ (bổ sung khái niệm về đối tượng khởi kiện)

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

“… Đối tượng khởi kiện bao gồm: Quyết định hành chính hành vi hành chính bị khởi kiện theo quy định tại khoản 1,2,3,4 và 5 của Điều này…”

Điều 165. Tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án tại phiên tòa

“…3. Trường hợp đương sự xuất trình quyết định hành chính mới mà quyết định hành chính đó liên quan đến quyết định bị khởi kiện và không thuộc thẩm quyền của Tòa án đang xét xử sơ thẩm vụ án thì Hội đồng xét xử đình chỉ việc xét xử và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền.

Trường hợp đương sự xuất trình quyết định hành chính mới mà quyết định hành chính đó liên quan đến quyết định bị khởi kiện và thuộc thẩm quyền của Tòa án đang xét xử sơ thẩm vụ án thì Hội đồng xét xử tiếp tục xem xét giải quyết, trừ trường hợp tạm ngừng phiên tòa do phải thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ, bổ sung đương sự tham gia theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 187 Luật này.”

Điều 187. Tạm ngừng phiên tòa (bổ sung đương sự tham gia tố tụng)

1. Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây:

“…c) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ, bổ sung đương sự tham gia tố tụng mà không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa;…”

Điều 193. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử (sửa đổi quyết định giải quyết khiếu nại thành quyết định hành chính liên quan)

“…1. Hội đồng xét xử xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện, quyết định hành chính liên quan và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan…”

5. Kết luận

Tóm lại, việc xác định tư cách của đương sự trong vụ án hành chính là vấn đề hết sức quan trọng, cần thiết. Bởi lẽ, khi các đương sự được biết mình tham gia tố tụng với tư cách nào thì sẽ tương ứng với việc họ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà LTTHC đã quy định đối với tư cách đó. Việc xác định đúng và đủ tư cách đương sự tham gia tố tụng trong vụ án hành chính còn là một trong các biện pháp nâng cao chất lượng giải quyết án, đảm bảo cho việc thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án, hạn chế hủy, sửa án của Tòa án cấp trên do lỗi chủ quan của thẩm phán.

Việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án đã góp phần nâng cao chất lượng xét xử vụ án hành chính nói riêng và nâng cao vai trò của Tòa án, Thẩm phán trong cải cách tư pháp, tác động hiệu quả đến hoạt động hành pháp, xây dựng nền hành chính mạnh và trong sạch, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

 

Tòa án tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” - Ảnh: Trương Thị Lan Anh

 


[1] Khoản 7 Điều 3 Luât tố tụng hành chính năm 2015

[2] Khoản 1, 2 Điều 54 Luật tố tụng hành chính năm 2015

[3]  Khoản 3,4 Điều 54 Luật tố tụng hành chính năm 2015

[4] Điều 115 của Luật tố tụng hành chính 2015; Điều 74, 76 Bộ luật dân sự năm 2015

[5] Điều 101 BLDS, Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP ngày 05/3/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC

[6] Khoản 8 Điều 3 Luật tố tụng hành chính

[7] khoản 9 Điều 3 Luật tố tụng hành chính; tham khảo Điều 2 Nghị quyết 02/2011/ NQ-HĐTP ngày 29/72011 của Hội đồng thẩm phán TANDTC

[8] Khoản 10 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015

[9] Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015; tham khảo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 02/2011/ NQ-HĐTP ngày 29/72011 của Hội đồng thẩm phán TANDTC

[10] Điều 4 Mục III Công văn số 89 ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao

[11] Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015; tham khảo khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 02/2011/ NQ-HĐTP ngày 29/72011 của Hội đồng thẩm phán TANDTC

[12] Khoản 1 Điều 7 LTTHC, Điều 2,5,6,8 và 33 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017

[13] Khoản 1 Điều 193 LTTHC năm 2015.

[14] Xem bài Thẩm quyền của Hội đồng xét xử khi giải quyết vụ án hành chính; Tạp chí Tòa án số 22/2021

[15]  Xem Công văn số 137/TATC-GĐKTIII ngày 15/8/2022 của Tòa án nhân dân dân cao

ThS. TRẦN THỊ LINH PHƯƠNG  (Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)