Xem xét yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 có nhiều điểm mới so với BLTTDS 2004. Các BPKCTT có thể được áp dụng trong tất cả các giai đoạn tố tụng kể cả trường hợp Tòa án chưa thụ lý vụ án. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc Tòa án xem xét yêu cầu áp dụng BPKCTT đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện để bảo vệ chứng cứ và ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

1. Quy định của BLTTDS 2015 về quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện

Khoản 2 Điều 111 BLTTDS 2015 quy định: “Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó”.

Đồng thời, Điều 133 BLTTDS 2015 cũng quy định người yêu cầu áp dụng BPKCTT phải làm đơn với nội dung quy định tại khoản 1 của Điều luật này và phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng BPKCTT đó.

Như vậy, trường hợp người khởi kiện yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện thì Thẩm phán cần phải xác định các loại giấy tờ, tài liệu, chứng cứ mà người khởi kiện phải nộp bao gồm: Đơn khởi kiện (theo Mẫu số 23-DS) [1]; đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT; tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng BPKCTT.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 133 BLTTDS 2015 thì đối với trường hợp yêu cầu áp dụng BPKCTT quy định tại khoản 2 Điều 111 BLTTDS 2015 thì sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu.

Một vấn đề cần phải hết sức lưu ý là cần nhận thức đúng về trình tự, thủ tục khởi kiện và trình tự, thủ tục yêu cầu áp dụng BPKCTT là khác nhau. Trong thực tiễn, có trường hợp người khởi kiện đã yêu cầu áp dụng BPKCTT ngay trong đơn khởi kiện. Đối với trường hợp này, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện phải căn cứ vào Điều 133 BLTTDS 2015 hướng dẫn người khởi kiện làm đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT [2].

2. Điều kiện và thủ tục áp dụng BPKCTT trong trường hợp người khởi kiện yêu cầu đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện

Điều kiện áp dụng BPKCTT trong trường hợp người khởi kiện yêu cầu đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện bao gồm: Điều kiện khởi kiện, điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 111 BLTTDS 2015, điều kiện thực hiện biện pháp bảo đảm đối với các BPKCTT quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 BLTTDS 2015.

Thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết đơn yêu cầu cần phải nhanh chóng xem xét đơn khởi kiện, đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT và tài liệu, chứng cứ kèm theo để đánh giá điều kiện khởi kiện, điều kiện áp dụng BPKCTT. Nếu không đủ điều kiện khởi kiện thì trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT và các chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện. Nếu đủ điều kiện khởi kiện thì tiếp tục xem xét giải quyết đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT.

Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán được phân công thụ lý đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT phải xem xét và ra quyết định áp dụng BPKCTT; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết [3].

Trường hợp áp dụng BPKCTT buộc phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Thẩm phán ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm (theo Mẫu số 15-DS); người yêu cầu phải nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá mà Tòa án ấn định (tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng BPKCTT không đúng). Thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu. Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá phải được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng BPKCTT trong thời hạn do Tòa án ấn định [4].

Trong trường hợp thực hiện biện pháp bảo đảm vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ thì khoản tiền bảo đảm được gửi giữ tại Tòa án. Tòa án phải làm thủ tục giao nhận và gửi ngay khoản tiền đó vào ngân hàng vào ngày làm việc tiếp theo.

Do tính chất đặc thù của việc áp dụng BPKCTT đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện, trường hợp đơn khởi kiện đã có các nội dung để xác định việc thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ án là thuộc thẩm quyền của Tòa án mình nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác thì Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT ngay theo quy định tại khoản 3 Điều 133 BLTTDS 2015. Việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và thụ lý vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 193 và Điều 195 BLTTDS 2015.

3. Hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT trong trường hợp trả lại đơn khởi kiện

Theo quy định của BLTTDS 2015, Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện trong các trường hợp sau đây [5]:

(1) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 BLTTDS 2015 hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự [6].

(2) Trả lại đơn khởi kiện nếu người khởi kiện chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật [7].

(3) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện đối với trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ các trường hợp được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 (là trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, xin thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại)[8].

(4) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện trong trường hợp đã hết thời hạn 07 ngày quy định tại khoản 2 Điều 195 của BLTTDS 2015 mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng.

(5) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện trong trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và theo quy định của pháp luật, vụ việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác hoặc đang do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết [9]

(6) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện trong trường hợp đã yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 193 BLTTDS 2015 mà người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện [10].

Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.

(7) Trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện.

Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có Thông báo trả lại đơn khởi kiện (theo Mẫu số 27-DS) trong đó nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi Thông báo này cho Viện kiểm sát cùng cấp. Thông báo trả lại đơn khởi kiện theo mẫu đã nêu rõ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện người khởi kiện có quyền khiếu nại với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện để người khởi kiện thực hiện quyền khiếu nại của họ. Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao lại và lưu tại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu.

Cần lưu ý: Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung [11].

Trường hợp Tòa án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT mà Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định của BLTTDS 2015 thì Thẩm phán ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 138 BLTTDS 2015 (Mẫu số 21-DS). Trường hợp hủy bỏ BPKCTT, Thẩm phán phải xem xét, quyết định để người yêu cầu áp dụng BPKCTT nhận lại chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá quy định tại Điều 136 BLTTDS 2015, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 113 BLTTDS 2015.

1 Các mẫu văn bản tố tụng trong bài viết này là các mẫu được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự (sau đây viết là Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP).
2 Xem khoản 1 và khoản 3 Điều 133 BLTTDS 2015.
3 Xem khoản 3 Điều 133 BLTTDS 2015.
4 Xem Điều 136 BLTTDS 2015.
5 Xem khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015.
6 Xem điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 và Điều 2 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án (sau đây viết là Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP).
7 Xem điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 và Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP.
8 Xem điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015.
9 Xem điểm đ khoản 1 Điều 192 và Điều 4 Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP.
10 Xem điểm e khoản 1 Điều 182 và Điều 5 Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP.
11 Xem Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP. ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.

BÍCH PHƯỢNG – HỒNG NGỌC