Xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ( Kỳ 2)

Hoạt động xét hỏi nói chung và xét hỏi bị cáo, người bị hại, người làm chứng là hoạt động thể hiện tính công khai, minh bạch của Tòa án trong hoạt động xét xử. Phần cuối của bài, tác giả bàn tiếp về xét hỏi người bị hại và xét hỏi người làm chứng.

5.1 Đối với bị hại

… Cùng với việc thông báo và giải thích quyền, thì chủ tọa phiên tòa cũng phải thông báo và giải thích cho bị hại có nghĩa vụ như: Phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải; phải chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Thực tiễn xét xử có nhiều vụ án, nhất là các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe nhân phẩm của con người như giết người hoặc cố ý gây thương tích, hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với người dưới 16 tuổi, dâm ô… bị hại lại chính là người không chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, vi pham nội quy phiên tòa như: la ó, gào thét, la khóc… gây mất trật tự tại phiên tòa, thậm chí có người còn giấu hung khí và lợi dụng sơ hở của lực lượng bảo vệ phiên tòa để tấn công bị cáo. Hiện nay hầu như đối với các vụ án giết người mà bị hại bị chết, thì tại phiên tòa người nhà của bị hại mang di ảnh của người đã chết, mặc áo sô (đồ tang lễ) vào phiên tòa để gây áp lực cho Hội đồng xét xử, mặc dù Điều 256 BLTTHS quy định: “Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục nghiêm túc…, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”. Tuy nhiên, TANDTC khi hướng dẫn về nội quy phiên tòa lại chưa quy định việc có cho mang theo di ảnh, mặc áo sô vào phòng xử án hay không.

Khi hỏi bị hại, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên hỏi từng người theo một trình tự hợp lý về các tình tiết có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo và để họ đưa ra những yêu cầu về tội danh, hình phạt, mức bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần. Trường hợp họ yêu cầu bị cáo phải xin lỗi công khai tại phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa kết hợp với việc hỏi bị cáo để bị cáo thực hiện yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của họ. Đối với các khoản bồi thường thiệt hại về vật chất hoặc tinh thân, chủ tọa phiên tòa có thể căn cứ vào khoản 3 Điều 29 BLHS tiến hành việc hòa giải giữa bị hại với bị cáo và hỏi họ có đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo không ? Nếu bị hại đồng ý miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo thì chủ tọa phiên tòa phải căn cứ vào quy định tại khoản 3 của Điều 29 BLHS để giải thích cho bị hại trường hợp nào thì bị cáo mới được miễn trách nhiệm hình sự. Nếu không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử cũng phải ghi nhận ý kiến của bị hại để nhận định trong bản án và coi trường hợp bị hại “bãi nại” cho bị cáo là một tình tiết giảm nhẹ đáng kể khi quy định hình phạt đối với bị cáo.

Trong trường hợp bị hại cũng có lỗi hoặc đối với vụ án Viện kiểm sát chỉ truy tố bị cáo về tội nhẹ hơn yêu cầu của của bị hại hoặc người đại diện của họ. Ví dụ: Bị hại yêu cầu xử bị cáo về tội giết người, chứ không phải tội cố ý gây thương tích; cố ý giết người chứ không phải tội vô ý làm chết người; tội giết người, chứ không phải tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân đối với bị cáo hoặc người thân thích của bị cáo hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; tội hiếp dâm chứ không phải tự nguyện giao cấu với bị cáo v.v… Để tránh gây bức xúc cho bị hại dẫn đến những hành vi quá khích tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa và những người xét hỏi chỉ hỏi về những tình tiết của vụ án, không giải thích về các yếu tố cấu thành tội phạm, đồng thời để bị hại trình bày lý do của việc yêu cầu xét xử bị cáo về tội nặng hơn tội mà Viện kiểm sát truy tố và tuyên bố sẽ xem xét trong quá trình nghị án, mà không giải thích vì sao Viện kiểm sát truy tố bị cáo như vậy là đúng người, đúng tội.

Thực tiễn xét xử đã có trường hợp, tại phiên tòa bị hại khai đồng ý để bị cáo quan hệ tình dục, nhưng chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử do không kiểm tra các tình tiết khác của vụ án, đặc biệt là lời khai tố cáo của bị hại tại Cơ quan điều tra là khai bị cáo đã dũng vũ lực để thực hiện hành vi giao cấu, nên đã vội tuyên bố bị cáo không phạm tội. Sau khi xét xử, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã tiến hành xác minh thì mới biết, lý do mà bị hại thay đổi lời khai tại phiên tòa là do Luật sư đã xúi người nhà của bị cáo mua cho bị hại một chiếc xe máy đắt tiền để bị hại thay đổi lời khai tại phiên tòa. Trong trường hợp này, lẽ ra Hội đồng xét xử phải trả hồ sơ vụ án để điều tra, vì tại phiên tòa xuất hiện tình tiết mới, đó là lời khai của bị hại nhưng đã vội tuyên bố bị cáo không phạm tội. Sau khi Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tiến hành xác minh lý do của việc bị hại thay đổi lời khai tại phiên tòa để gỡ tội cho bị cáo nên đã báo cáo với cấp giám đốc thẩm kháng nghị hủy bản án của Tòa án để xét xử lại. Như vậy, sự thật khách quan của vụ án đã bị bị hại che giấu, đánh lừa chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử. Vì vậy, việc xét hỏi bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ về các tình tiết của vụ án, chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử phải chú ý lời khai mâu thuẫn của bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ ở Cơ quan điều tra với lời khai tại phiên tòa để xác định sự thậtt của vụ án.

Trường hợp bị hại đưa ra những yêu cầu như: Đề nghị giám định, định giá tài sản bị thiệt hại; đề nghị mức bồi thường thiệt hại và biện pháp bảo đảm việc bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa…, thì chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra các nội dung mà bị hại hoặc người đại diện của họ đưa ra tại phiên tòa đã được Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát giải quyết ở giai đoạn điều tra, truy tố chưa. Nếu yêu cầu nào của bị hại đã được Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã giải quyết ở giai đoạn điều tra rồi thì cần hỏi họ có đồng ý với kết quả giải quyết đó không ? Nếu có những nội dung bị hại không đồng ý với kết quả hoặc cách giải quyết của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thì cần hỏi họ lý do của việc không đồng ý đó. Nếu chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử thấy yêu cầu của họ là chính đáng thì phải tạm dừng phiên tòa, hoãn phiên tòa hoặc trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung theo những yêu cầu của họ.

Nếu bị hại là cơ quan tổ chức thì cần kiểm tra tính hợp pháp của người tham gia phiên tòa hoặc được ủy quyền tham gia phiên tòa. Trường hợp cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ như đối với bị hại.

Khi hỏi bị hại, chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên cần để họ trình bày những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ. Sau đó, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại chỉ hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Nếu bị cáo đề nghị và được chủ tọa phiên tòa đồng ý, thì bị cáo cũng có thể hỏi bị hại về các vấn đề có liên quan đến bị cáo.

Như vậy, với tinh thần cải cách tư pháp, nhằm bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa, không chỉ đối với việc hỏi bị cáo, mà đối với bị hại so với BLTTHS 2003, thì BLTTHS 2015 mở rộng hơn, nhiều người được hỏi hơn, đặc biệt đối với bị cáo cũng là chủ thể được hỏi bị hại. Đây là việc tranh tụng trực tiếp giữa người phạm tội với người bị xâm phạm.

Trường hợp vụ án có nhiều người bị hại thì cần xác định quyền và lợi ích của những bị có xung đột với nhau không; nếu không có xung đột thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần để họ cử một người thay mặt những bị hại tham gia tố tụng. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xác định đầy đủ tất cả những bị hại trong vụ án. Nếu tất cả những bị hại thống nhất cử một người thay mặt họ tham gia tố tụng, thì họ vẫn có quyền và nghĩa vụ của bị hại theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Ví dụ: Trong vụ án có 03 người là bị hại là A, B và C nhưng 03 thống nhất cử A tham gia tố tụng, thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định cả A, B, và C là đồng bị hại và A là người thay mặt B và C tham gia tố tụng nhưng B và C vẫn có quyền và nghĩa vụ của bị hại. Giả thiết sau khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, A không kháng cáo thì B và C vẫn có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Do đó, khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai của bị hại cũng như tại phiên tòa Hội đồng xét xử cần hỏi rõ người được ủy quyền tham gia tố tụng, đồng thời trong bản án phải ghi rõ cả A, B và C là bị hại và trong phân quyết định của bản án phải dành quyền kháng cáo cho B và C.

5.2. Đối với người đại diện của bị hại

Theo quy định tại khoản 5 Điều 62 BLTTHS thì trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì mới có người đại diện của bị hại. Tuy nhiên, người đại diện là ai, bao gồm những người nào thì BLTTHS lại không quy định nên thực tiễn các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng rất lúng túng khi phải xác định người đại diện của bị hại tham gia tố tụng. Đây cũng là khoảng trống mà BLTTHS không quy định nên mỗi nơi xác định một kiểu.

“Người đại diện” trong tố tụng được hiểu là người thay mặt bị hại tham gia các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, hoà giải tại phiên toà,.. Tuy nhiên, việc quy định chủ thể nào là “người đại diện” lại không được quy định hoặc có quy định nhưng không cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng, dẫn đến tình trạng mỗi cơ quan tiến hành tố tụng hiểu và áp dụng khác nhau.

Thực tiễn điều tra, truy tố xét xử các vụ án hình sự từ trước đến nay, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thường xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bị hại tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện của bị hại; nếu không có người ở hàng thừa kế thứ nhất thì xác định những người ở hàng thừa kế thứ hai và nếu hàng thừa kế thứ hai cũng không có thì xác định hàng thừa kế thứ ba, chưa có trường hợp nào cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định người đại diện của bị hại thuộc hàng thừa kế thứ tư. Có trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lại chỉ căn cứ vào đơn yêu cầu của người thân thích với bị đã chết để xác định tư cách tham gia tố tụng, mà không điều tra xem mối quan hệ của họ với bị hại như thế nào ?

Đó là đối với bị hại bị chết, còn đối với bị hại là người chưa thành niên, người mất tích, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì còn phức tạp hơn nhiều. Ai là người đại diện cho những người này ?

Khi xét hỏi “người đại diện”, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần hỏi rõ quan hệ của họ với bị hại như thế nào ? Nếu “người đại diện” không hợp pháp thì cần giải thích để họ thực hiện đúng các quy định về “người đại diện”

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng và trình Quốc hội bổ sung chủ thể tham gia tố tụng với tư cách “người đại diện” hợp pháp bị hại trong trường hợp bị hại chết hoặc mất tích, bị hại là trẻ em, là người mất năng lực hành vi dân sự.

Việc xét hỏi người đại diện của bị hại cũng được tiến hành như xét hỏi đối với bị hại.

6.Hỏi người làm chứng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 BLTTHS 2015, thì người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

Khi xác định người làm chứng, Cơ quan tiến hành tố tụng cần phân biệt với người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS.

Điều kiện cần và đủ để một người trở thành người làm chứng là người đó phải là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Nếu thiếu một trong hai điều kiện này thì dù họ có biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm cũng không thể là người làm chứng.

Thực tiễn xét xử, việc xác định người làm chứng trong một số vụ án còn bật cập, mặc dù một người biết rất rõ những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án nhưng lại không được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định là người làm chứng và triệu tập đến làm chứng hoặc triệu tập họ với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nên họ không đến theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cũng không thẻ áp dụng biện pháp dẫn giải họ, vì theo quy định tại Điều 65 BLTTHS thì họ không bị áp giải nếu vắng mặt không có lý do chính đáng, trong khi đó thì đối với bị hại hoặc người đại diện của họ lại bị áp giải nếu cố tình không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Hiện nay, tình trạng người có hành vi phạm tội nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhất là trong các vụ án có đông người tham gia nhưng không có đồng phạm, thì hầu hết cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án chứ không xác định họ là người làm chứng. Để khắc phục tình trạng này, một số cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã “sáng kiến” trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng của họ vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vừa là người làm chứng để buộc họ phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, nếu cố tình không có mặt hoặc không vì lý do bất khả kháng thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng Điều 67 BLTTHS để áp giải họ. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nên xác định bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án mà đồng thời họ là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án thì phải xác định họ là người làm chứng, ngoài tư cách mà họ là bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Đây cũng là kỹ năng cần thiết của người tiến hành tố tụng nhẵm bảo đảm sự có mặt của những người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án. Tuy nhiên, tại phiên tòa khi xét hỏi, chủ tọa phiên tòa và các chủ thể được tham gia xét hỏi những người này cần nói rõ là hỏi họ với tư cách là người làm chứng.

Việc xét hỏi người làm chứng nhằm xác định sự thật của vụ án là rất quan trọng. Do đó, chủ tọa phiên tòa sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho người làm chứng, phải yêu cầu người làm chứng phải cam đoan khai trung thực và trước khi người làm chứng được hỏi về vụ án, chủ tọa phiên tòa quyết định biện pháp để cho những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người có liên quan. Trường hợp lời khai của bị cáo và người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau thì chủ tọa phiên tòa phải quyết định cách ly bị cáo với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng[1].

Khi xét hỏi người làm chứng, Hội đồng xét xử phải hỏi riêng từng người làm chứng và không để cho những người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi đó[2]. Theo quy định này thì việc cách ly người làm chứng là một việc làm bắt buộc chứ không phải như  BLTTHS 2003.[3]

Thực tiễn xét xử cho thấy hầu như các Toà án thực hiện chưa đúng quy định tại khoản Điều 304 và khoản 1 Điều 311 BLTTHS về việc cách ly người làm chứng mà thường để những người làm chứng ngồi chung với người tham gia tố tụng khác trong phòng xử án, người làm chứng này nghe được lời khai của người làm chứng khác, thậm chí khi lời khai của người làm chứng này mâu thuẫn với lời khai của người làm chứng khác, chủ toạ phiên toà còn chất vấn người làm chứng vì sao lại khai khác nhau hoặc có nghe người làm chứng trước khai không. v.v... Mặt khác, phòng xử án và trang thiết bị của nhiều Toà án hiện nay cũng không có đủ điều kiện để cách ly người làm chứng theo quy định tại khoản 1 Điều 304 và khoản 1 Điều 311 BLTTHS. nhất là những vụ án có hàng chục, thậm chí hàng trăm người làm chứng. Vì vậy, theo chúng tôi chỉ cần cách ly người làm chứng trong những trường hợp cần thiết như quy định tại khoản 2 Điều 204 BLTTHS 2003 và đề nghị sửa đổi bổ sung Điều 311 BLTTHS 2015 cho phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 204 BLTTHS 2003.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 311 BLTTHS thì khi hỏi người làm chứng, Hội đồng xét xử phải hỏi rõ quan hệ giữa họ với bị cáo và các đương sự trong vụ án. Chủ toạ phiên toà yêu cầu người làm chứng trình bày rõ những tình tiết vụ án mà họ biết. Ví dụ: Người làm chứng là người bị mù nhưng không điếc nên họ nghe được các bị cáo bàn với nhau đến nhà ông X để cướp tài sản. Sau đó hỏi thêm về những điểm mà họ khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hỏi thêm người làm chứng.

Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo có thể hỏi trực tiếp người làm chứng về các vấn đề mà họ khai có liên quan đến bị cáo.

Sau khi đã trình bày xong, người làm chứng ở lại phòng xử án để có thể được hỏi thêm.

Trường hợp có căn cứ xác định người làm chứng, người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm thì Hội đồng xét xử phải quyết định biện pháp bảo vệ họ theo quy định của pháp luật. Các chủ thể có quyền hỏi người làm chứng qua mạng máy tính, mạng viễn thông (hỏi trực tuyến) trong trường hợp cần thiết nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý .

Cũng như đối với việc hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, nếu người làm chứng không trả lời hoặc không khai tại phiên toà thì chủ toạ phiên toà có thể công bố lời khai của họ tại Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 66 BLTTHS, người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 383 BLTTHS về tội từ chối khai báo, nếu khai gian dối thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 382 BlHS  về tội khai báo gian dối. Vì vậy, chủ toạ phiên toà cần giải thích cho họ về quyền và nghĩa vụ trước khi hỏi để người làm chứng thấy được trách nhiệm của mình khi tham gia phiên toà. Trường hợp người làm chứng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 211 BLTTHS 2003, thì trong trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên thì chủ toạ phiên toà có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy cô giáo giúp đỡ để hỏi, vì thực tiễn xét xử cho thấy, người làm chứng không phải bao giờ cũng là người đã thành niên mà không ít trường hợp họ là người chưa thành niên, nhưng người chưa thành niên ở vào độ tuổi từ 15 trở lên có thể không cần phải có người giúp đỡ để hỏi mà chủ yếu là những người ở độ tuổi từ dưới 15 tuổi, nhất là đối với những em nhỏ dưới 10 tuổi thì việc cần phải có sự giúp đỡ của cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy cô giáo là rất cần thiết. Tuy nhiên, những người này chỉ giúp người làm chứng khai báo tại phiên toà chứ không thể khai thay người làm chứng được. Tuy nhiên, cả Điều 66 và Điều 311 BLTTHS 2015 đều không có quy định đối với người làm chứng là người chưa thành niên.

Thực tiễn xét xử còn có người làm chứng là người có nhược điểm về thể chất nhưng vẫn có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án, nhưng vì không có khả năng tự mình khai báo về những tình tiết của vụ án. Ví dụ: Một người vừa câm vừa điếc và cũng là người làm chứng duy nhất nhìn thấy hành vi phạm tội của bị cáo, người này có thể thông qua người thân để trình bày bằng ký hiệu và người biết ký hiệu của người này sẽ “phiên dịch” lại cho Hội đồng xét xử.

 Tuy nhiên, Điều 66 BLTTHS 2015 chỉ quy định người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn, thì không được làm chứng nhưng Điều 311 không có quy định trường hợp người làm chứng tuy có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất nhưng vẫn có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án và có khả năng khai báo đúng đắn, thì có cần người giúp đỡ họ để khai không ?

Vì vậy, có ý kiến cho rằng, Điều 66 và Điều 311 BLTTHS 2015 cần sửa đổi bổ sung theo hướng: “Nếu người làm chứng là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về thể chất thì chủ toạ phiên toà có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi”.

Khi hỏi người làm chứng, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự phải hỏi vì sao họ lại biết được tình tiết đó, nếu họ không trả lời được vì sao lại biết thì lời khai của người làm chứng đó không được dùng làm chứng cứ.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 311 BLTTHS, thì sau khi người làm chứng đã trình bày xong những tình tiết của vụ án thì ở lại phòng xử án để có thể được hỏi thêm. Như vậy, trước khi hỏi người làm chứng thì người làm chứng không được có mặt trong phòng xử án. Vì vậy, trong phần mở đầu (phần thủ tục) phiên toà, sau khi chủ toạ phiên toà giải thích quyền và nghĩa vụ cho người làm chứng thì chủ toạ phiên toà phải yêu cầu người làm chứng rời khỏi phòng xử án, khi nào chủ toạ yêu cầu mới trở lại để khai về những tình tiết của vụ án, trong thời gian người làm chứng không có mặt tại phòng xét xử, Toà án phải bố trí phòng đợi (có thể gọi là phòng cách ly) và không được để người làm chứng nghe thấy lời khai của bị cáo và người tham gia tố tụng khác.

 

Bị cáo xin lỗi thân nhân các bị hại vụ tai nạn giao thông - Ảnh: Bùi Nhan

 

 

[1] Điều 304 Bộ luật tố tụng hình sự

[2] Điều 311 Bộ luật tố tụng hình sự

[3] khoản 2 Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự 2003

LS. ĐINH VĂN QUẾ ( Nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC)