Xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh thu thập chứng cứ

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015) đã quy định những hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, những quy định này hiện nay có những bất cập, vướng mắc, dẫn đến không được thực thi hoặc áp dụng rất hạn chế. Trong phạm vi nghiên cứu, tác giả nhận thấy có một số quy định cần phải được hướng dẫn cụ thể để pháp luật được thực thi một cách đầy đủ.

Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng bao gồm: Làm giả, hủy hoại chứng cứ quan trọng gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án của Tòa án; từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng; từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, kết luận giám định sai sự thật; cố ý dịch sai sự thật; không cử người tham gia Hội đồng định giá theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng; không tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng; cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác do Bộ luật này quy định; lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối; lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định kết luận sai với sự thật khách quan; lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch dịch không trung thực, không khách quan, không đúng nghĩa[1].

Qua nghiên cứu tác giả nhận thấy có 03 nội dung được liệt kê nêu trên hiện nay đang có vướng mắc cần được hướng dẫn, bao gồm: Từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng; không cử người tham gia Hội đồng định giá theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng, không tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng; Cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác.

Những quy định này hiện nay có những bất cập, vướng mắc dẫn đến không được thực thi hoặc áp dụng rất hạn chế. Trong phạm vi nghiên cứu, tác giả nhận thấy có một số quy định cần phải được hướng dẫn cụ thể để pháp luật được thực thi một cách đầy đủ.

1.Hành vi từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng

1.1.Quy định pháp luật

Khoản 3 Điều 78 BLTTDS 2015 quy định người làm chứng được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình[2].

Khoản 2 Điều 489 BLTTDS 2015 quy định từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật[3].

Như vậy, BLTTDS quy định những trường hợp được quyền từ chối khai báo nhưng điều luật về xử lý hành vi này lại không loại trừ trường hợp ngoại lệ.

Điều 20 Dự thảo Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án cũng không quy định về trường hợp ngoại lệ như phân tích nêu trên.

Theo tác giả, quyền và nghĩa vụ của người làm chứng cơ bản đã được ghi nhận tại Điều 78 của BLTTDS 2015. Mọi quyết định có liên quan đều không được vi phạm quyền mà họ được quy định. Việc xử lý hành vi từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp sai sự thật của người làm chứng phải loại trừ trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 78 của BLTTDS 2015.

Cùng Bộ luật nhưng lại quy định hai điều luật có nội dung mâu thuẫn nhau, không có sự thống nhất. Vì vậy, cần sửa đổi nội dung điều luật về xử lý tạo sự thống nhất khi áp dụng, cụ thể là: Người làm chứng được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.

Điều 498 BLTTDS 2015 quy định hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự được thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật có liên quan[4].

Điều 5 Dự thảo Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án quy định: đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi đó phải chịu một trong các hình thức xử lý chính sau đây: cảnh cáo; phạt tiền[5]. Tuy nhiên, BLTTDS 2015 lại quy định hình thức xử lý kỷ luật. Việc áp dụng hình thức kỷ luật cần xem xét lại các quy định của pháp luật có liên quan. Như vậy, Tòa án áp dụng hình thức xử lý kỉ luật như thế nào là vấn đề cần phải xem xét.

1.2.Thực tiễn

 Chưa ghi nhận trường hợp nào bị xử lý. Nếu áp dụng làm cơ sở để xử lý cần có sự thống nhất trong cùng một Bộ luật. Hiện nay, chưa có hướng dẫn về nội dung này.

1.3.Kiến nghị

Tác giả kiến nghị, trước hết, khoản 2 Điều 489 BLTTDS 2015 nên quy định như sau: “Từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 78 của Bộ luật này”.

Thứ hai, về hình thức xử lý: Theo tác giả hình thức xử lý kỷ luật là không phù hợp với Bộ luật Lao động, Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Tòa án không thể xử lý kỷ luật đối với thành viên Hội đồng định giá. Việc vi phạm của thành viên Hội đồng định giá do Tòa án xử phạt vi phạm hành chính. Việc bị xử phạt hành chính chỉ nên là cơ sở xem xét kỷ luật tại cơ quan quản lý họ. Do đó, Điều 489 BLTTDS 2015 nên bỏ cụm từ “xử lý kỷ luật”.

Thứ ba, kiến nghị TANDTC ban hành nghị quyết hướng dẫn quy định Điều 489 BLTTDS 2015 và Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án về việc từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng, với nội dung như sau: “Từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 78 của Bộ luật Tố tụng dân sự”.

2.Xử lý hành vi không cử người tham gia Hội đồng định giá theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng; không tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng.

2.1.Quy định pháp luật

Định giá tài sản là một biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án[6]. Việc định giá tài sản có thể được thực hiện thông qua tổ chức thẩm định giá hoặc Hội đồng định giá cho Tòa án thành lập trong quá trình tố tụng. Định giá tài sản là thủ tục quan trọng không thể thiếu nhằm xác định giá trị tài sản tranh chấp làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án. Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi có mặt đầy đủ các thành viên Hội đồng[7].

BLTTDS 2015 quy định không cử người tham gia Hội đồng định giá theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng; không tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật[8].

So với BLTTDS 2004 thì BLTTDS 2015 đã bổ sung việc xử lý đối với hành vi “không tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng”. Theo tác giả, việc bổ sung là phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi của đương sự và thể hiện trách nhiệm của các thành viên Hội đồng định giá.

Theo quy định, Tòa án quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản, cụ thể là thẩm phán được phân công giải quyết vụ, việc. Phiên định giá tài sản chỉ có đương sự, người chứng kiến, các thành viên hội đồng định giá, thư ký ghi biên bản mà không có sự tham gia của thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc. Như vậy, người có thẩm quyền xử phạt là ai (thư ký lập biên bản, thành viên hội đồng định giá hay thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc) cũng là vấn đề cần xem xét.

Mặt khác, việc định giá được tiến hành tại nơi có tài sản tranh chấp, hành vi vi phạm thông thường xảy ra ngoài trụ sở Tòa án. Vấn đề đặt ra là, Ủy ban nhân dân nơi tiến hành định giá hay Tòa án xử lý hành vi này. Biên bản về việc định giá có được xem là biên bản thể hiện sự vi phạm hay không? có phải lập biên bản khác để xử lý hay không? thẩm quyền lập biên bản là thư ký hay thành viên hội đồng định giá? Vì những bất cập nêu trên nên cần có sự hướng dẫn cụ thể.

2.2.Thực trạng

Việc định giá tài sản tại Tòa án thông thường do đương sự yêu cầu Tòa án thành lập Hội đồng định giá tài sản. Hội đồng định giá thường có 3 thành viên. Việc định giá tài sản được tiến hành phải có đầy đủ các thành viên. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng định giá không phải lúc nào cũng thực hiện quyết định của Tòa án. Các thành viên Hội đồng định giá không có mặt tại phiên định giá tài sản và không gửi cho Tòa án bất kỳ tài liệu chứng cứ nào về việc vắng mặt là có lý do chính đáng, Tòa án chỉ lập biên bản ghi nhận sự việc. Việc thành viên Hội đồng định giá không có mặt mà không có lý do chính đáng rõ ràng cản trở hoạt động tố tụng dân sự. Luật có quy định việc xử lý nhưng trên thực tế hành vi này không được xử lý vì thiếu hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Từ đó, Tòa án không mạnh dạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi này.

2.3.Kiến nghị

Về thẩm quyền, tác giả đề xuất thẩm quyền xử lý đối với hành vi không cử người tham gia Hội đồng định giá theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng; không tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng là thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc như đã đề xuất tại mục 1.3.1 của luận văn này.

Về hình thức xử lý: Điều 489 BLTTDS 2015 nên bỏ cụm từ “xử lý kỷ luật” như đã đề xuất tại mục 1 của bài viết.

Kiến nghị UBTVQH ban hành pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, mức phạt tạo cơ sở cho việc áp dụng.

3.Xử lý hành vi cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác do Bộ luật tố tụng dân sự quy định

3.1.Quy định pháp luật

Xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá là biện pháp thu thập chứng cứ do Tòa án tiến hành[9]. Quá trình giải quyết vụ án, theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện UBND cấp xã, phường, thị trấn hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó[10].

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ[11]. Hành vi cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác do Bộ luật tố tụng dân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự[12].

So với BLTTDS 2004, thì BLTTDS 2015 đã bổ sung việc xử lý đối với hành vi cản trở này. Việc bổ sung này là phù hợp.

Hoạt động xem xét thẩm định tại chỗ, định giá Tòa án tiến hành kết hợp với Chi nhánh văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất, phòng quản lý đô thị, phòng tài chính kế hoạch, phòng tài nguyên môi trường, đại điện UBND xã, phường, thị trấn nơi có tài sản tranh chấp.

3.2.Thực trạng

Khi tiến hành các hoạt động này các Tòa ít nhiều đều gặp phải sự cản trở của đương sự. Thông thường những người cản trở là người đang quản lý, sử dụng tài sản tranh chấp, cũng không ít trường hợp người thân của đương sự, thậm chí hàng xóm có hành vi khóa cửa, la hét, chửi mắng, thậm chí cầm hung khí đi vòng quanh khu vực Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản để uy hiếp nhằm cản trở việc Tòa án xem xét thẩm định, định giá tài sản.

Hậu quả, Tòa án phải hoãn nhiều lần việc xem xét thẩm định tại chỗ, hành vi cản trở này cho đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào bị xử lý. Khi xem xét thẩm định tại chổ, định giá gặp phải sự cản trở của đương sự thì Tòa án đều hoãn làm việc, lập biên bản ghi nhận, sau đó yêu cầu Công an hỗ trợ mà không xử lý các hành vi này.

Hành vi của các đương sự trong các vụ án nêu trên vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 101 và Điều 489 BLTTDS 2015, tuy nhiên Tòa án không xử lý được. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án chỉ yêu cầu Công an hỗ trợ để việc xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản diễn ra thuận lợi.

Việc không xử lý triệt để hành vi này dẫn đến đương sự có thái độ không tôn trọng những người tiến hành tố tụng, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.

Trên thực tế, ngoài đương sự trong vụ án có hành vi cản trở việc xem xét thẩm định tại chỗ còn có những người khác, việc xử lý hành vi của những người này gặp nhiều khó khăn. Cũng không thể hạn chế sự có mặt của họ khi Tòa án xem xét thẩm định tại chỗ hoặc định giá. Vấn đề đặt ra là: không biết họ là ai thì xử lý như thế nào? Trường hợp Tòa án ban hành quyết định xử lý ngay thì cơ quan nào thi hành quyết định của Tòa án.

3.3.Kiến nghị

Về thẩm quyền, tác giả đề xuất thẩm quyền xử lý là thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc.

Về hình thức xử lý, bỏ hình thức xử lý kỷ luật.

Việc xem xét thẩm định tại chỗ, định giá phải có lực lượng Cảnh sát tư pháp bảo vệ. Lực lượng cảnh sát tư pháp này có trách nhiệm đảm bảo an toàn, trật tự trong việc xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản. Tạo điều kiện cho hoạt động thu thập chứng cứ diễn ra thuận lợi. Đảm bảo việc thi hành ngay quyết định xử lý hành chính.

Kiến nghị UBTVQH ban hành Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, mức phạt tạo cơ sở cho việc áp dụng.

[1] Điều 489 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

[2] Khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Khoản 2 Điều 489 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[4] Điều 498 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[5] Khoản 1 Điều 5 Dự thảo pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án

[6] Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[7] Khoản 4 Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[8] Khoản 5 Điều 489

[9] Các Điều 101, 104 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

[10] Khoản 2 Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

[11] Khoản 3 Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

[12] Khoản 6 Điều 489 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Ths. NGUYỄN ÁNH TUYẾT (TAND huyện Bàu Bàng, Bình Dương)