Chủ tịch nước Trần Đại Quang dành sự quan tâm đặc biệt đối với Tòa án

Ngày 2/4/2016, ông Trần Đại Quang được Quốc hội khoá 13 bầu làm Chủ tịch nước. Ba tháng sau, sáng 25/7/2016, Quốc hội khoá 14 tiến hành công tác nhân sự nhiệm kỳ mới và đã bầu ông Trần Đại Quang tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch nước. Trong lần trả lời báo chí sau khi tuyên thệ vào tháng 4/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh rằng trong nhiệm kỳ này Chủ tịch nước sẽ chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, quyền con người, quyền công dân... Với tinh thần đó, hơn hai năm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với hệ thống TAND.

“Tòa án là nơi thể hiện sâu sắc nhất bản chất của chế độ ta”

Sau bốn tháng ở cương vị Chủ tịch nước, ngày 12/8/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt TANDTC.

Phát biểu tại buổi làm việc hôm đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà TAND các cấp đã đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch nước nêu rõ, đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với nhiều thời cơ, thuận lợi cùng những khó khăn, thách thức đan xen. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án các cấp trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là nhiệm vụ rất nặng nề. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại… Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử; bảo đảm nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, đương sự.”

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chủ chốt TANDTC sau buổi làm việc – Ảnh Nghiêm Sáng

 

Đồng tình với những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tòa án trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, TAND các cấp cần tập trung đổi mới công tác, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, bảo đảm xét xử chính xác, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Tòa án là nơi thể hiện sâu sắc nhất bản chất của chế độ ta, là biểu tượng của nền công lý nước nhà, là Tòa án của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân phục vụ. Do vậy, Tòa án nhân dân các cấp cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng. Bảo đảm xét xử nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chú trọng việc thu hồi tài sản bị thất thoát và bị các đối tượng tham nhũng chiếm đoạt.”

Cuối năm đó, ngày 6/12/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai giảng năm học 2016-2017 của Học viện Tòa án. Năm học 2016-2017 là năm đầu tiên Học viện Tòa án tuyển sinh hệ đại học ngành Luật học hệ chính quy, đánh dấu mốc son quan trọng trong sự nghiệp đào tạo của Học viện Tòa án. Đây cũng là lần đầu tiên Học viện Tòa án tổ chức khai giảng theo năm học, chính thức hòa chung vào hệ thống các trường đại học, học viện trong cả nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ khai giảng của Học viện Tòa án – Ảnh TTXVN

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Học viện Tòa án, tiền thân là Trường cán bộ Toà án, đã có lịch sử và quá trình phát triển lâu dài, có nhiều đóng góp tích cực vào nền giáo dục nước nhà, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo nghề cho các chức danh tư pháp của TAND. Hằng năm, nhà trường đã bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hàng nghìn thư ký, thẩm tra viên, Thẩm phán TAND các cấp; hỗ trợ giảng viên, tài liệu bồi dưỡng Hội thẩm nhân dân cho các Tòa án địa phương. Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, nhà trường đã phát huy vai trò tích cực trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Toà án nước bạn Lào.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Học viện Tòa án tập trung nghiên cứu, xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng hiện đại, chú trọng gắn kết học tập kiến thức cơ bản với đi sâu đào tạo kỹ năng ứng dụng, thực hành; chú trọng giáo dục phẩm chất, đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị của thẩm phán và các chức danh tòa án khác.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu Học viện Tòa án đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên, phấn đấu xây dựng nhà trường trở thành một trung tâm đào tạo tư pháp và nghiên cứu khoa học có chất lượng cao; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu về nghiệp vụ Tòa án có uy tín của các nước ASEAN cũng như các nước phát triển trên thế giới để khai thác có hiệu quả tri thức, kinh nghiệm, trang thiết bị dạy học tiên tiến và trao đổi giảng viên, học viên, sinh viên, phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Tòa án nói chung, Học viện Tòa án nói riêng.

Chủ tịch nước yêu cầu Tòa án nâng cao chất lượng xét xử

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã hai lần dự Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2017 và năm 2018, thể hiện sự quan tâm sâu sát đến công tác xét xử, đến hệ thống Tòa án cả nước.

Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2017 và công bố Quyết định bổ nhiệm thẩm phán cao cấp, tổ chức từ ngày 12 đến 14/1/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2018 – Ảnh TTXVN

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những cố gắng, nỗ lực, kết quả, thành tích TAND các cấp đã đạt được trong năm qua. Chủ tịch nước cho rằng, TAND các cấp đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp đột phá, chất lượng xét xử các loại vụ án tiếp tục được nâng lên, tiến độ giải quyết các vụ án được đẩy nhanh. Trong quá trình xét xử, đã chú trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được mở rộng với không khí dân chủ hơn và chất lượng ngày càng được nâng cao. Các vụ án lớn, trọng điểm, phức tạp được tập trung chỉ đạo giải quyết sát sao, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng mà dư luận quan tâm.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Tòa án các cấp cần đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa và tuân thủ các nguyên tắc tư pháp đã được Hiến pháp và pháp luật quy định, bảo đảm phán quyết của Tòa án phải chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý, Tòa án các cấp cần chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và các cơ quan có liên quan để đẩy nhanh tiến độ đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng nhằm một mặt, sớm trừng trị nghiêm khắc kẻ phạm tội, thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát, mặt khác, thể hiện thái độ quyết tâm đấu tranh, đẩy lùi tham nhũng của Đảng, Nhà nước trước nhân dân. Cần mở rộng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực tư pháp nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xét xử các loại vụ án.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao quyết định bổ nhiệm 80 Thẩm phán cao cấp. Đây là niềm cổ vũ, động viên to lớn đối với các Thẩm phán được bổ nhiệm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội dự Hội nghị Tòa án năm 2018. Ảnh: VGP

 

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tòa án năm 2018, sau khi nghe báo cáo của TANDTC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao những kết quả TAND các cấp đạt được trong năm qua, trong quá trình xét xử, các Tòa án đã thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc độc lập xét xử và nguyên tắc suy đoán vô tội.

Chủ tịch nước yêu cầu, thời gian tới các cơ quan Tòa án cần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra các vụ xử oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Trong đó tập trung xét xử nghiêm minh các vụ án hình sự, nhất là các vụ kinh tế, tham nhũng, bảo đảm thu hồi tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt.

Chủ tịch nước yêu cầu tăng cường kiểm tra việc xét xử, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, Thẩm phán trong công tác xét xử, khắc phục việc để các vụ án quá hạn luật định và hạn chế tới mức thấp nhất các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của Toà án.

Xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Những ý kiến  chỉ đạo tâm huyết, thể hiện tư suy pháp luật sâu sắc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn in đậm trong tâm trí Thẩm phán, cán bộ công chức trong hệ thống Tòa án.

Tại Phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức vào ngày 15/9/2018 mới đây, sau khi nghe Tờ trình của Ban cán sự đảng TANDTC về Đề án “Đổi mới, tăng cường công tác hòa  giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu, đề xuất của TANDTC  trong Đề án. Chủ tịch căn dặn, đây là vấn đề mới, cần tiếp tục mở rộng phạm vi thí điểm để có thời gian nghiên cứu, kiểm chứng những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, qua đó có cơ sở đề xuất việc xây dựng chính sách, pháp luật về vấn đề này.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế của Tòa án

Một trong những hoạt động trong những ngày làm việc cuối cùng, chiều 19/9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Chánh án TANDTC Trung Quốc Chu Cường đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cùng tham dự buổi tiếp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chánh án Tòa án tối cao Hàn Quốc – Ảnh TTXVN

 

Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước vui mừng được biết, trong chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc vào tháng 5 vừa qua của Chánh án TANDTC  Việt Nam, Toà án tối cao hai nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về tư pháp, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa TANDTC Việt Nam và TANDTC Trung Quốc. Bản ghi nhớ này là cơ sở để Toà án hai nước tiếp tục trao đổi, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ những thông tin bổ ích về tổ chức và hoạt động của Toà án; chia sẻ kinh nghiệm về quản lý Toà án; về đào tạo Thẩm phán…

Chủ tịch nước cho biết, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn ủng hộ việc Toà án hai nước đẩy mạnh và làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương giữa Toà án nhân dân tối cao hai nước; đồng thời mong muốn TANDTC  Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm về cải cách tư pháp, tăng cường tiếp cận công lý cho người dân, minh bạch hoá và công khai hóa hoạt động của Toà án.

Đây là lần thứ ba, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chánh án các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam theo lời mời của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình.

Trước đó, ngày 4/1/2018, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp ông Khăm-phăn Xít Thi Đăm-pha, Chánh án TANDTC và Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Lào đang thăm Việt Nam.

Hôm đó, Chủ tịch nước nêu rõ, mối quan hệ đồng chí, anh em giữa Việt Nam và Lào đã hình thành và phát triển từ lâu đời. Trong suốt thời kỳ hai dân tộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, mối quan hệ gắn bó truyền thống giữa hai dân tộc Việt – Lào đã có những chuyển biến mới về chất và ngày càng phát triển. Chủ tịch nước vui mừng khi thấy, trên tinh thần Thỏa thuận hợp tác đã ký vào năm 2008, TANDTC hai nước thường xuyên trao đổi đoàn công tác các cấp, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động tư pháp, xét xử, đẩy mạnh hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, hợp tác đào tạo cán bộ… Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tựu mà hệ thống TAND  Lào đã đạt được trong quá trình cải cách và phát triển. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị hai TANDTC của Việt Nam và Lào tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác nhằm mang lại những lợi ích cụ thể, thiết thực cho cả hai hệ thống TAND Việt Nam và Lào, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mỗi nước cũng như thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác truyền thống, hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Ngày 28/8/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã có buổi tiếp ngài Chánh án Yang Sung-tae và Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án tối cao Hàn Quốc đang thăm chính thức Việt Nam.

Trong buổi tiếp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống Tòa án trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người ở mỗi quốc gia. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao những thành tựu mà hệ thống Tòa án Hàn Quốc đã đạt được trong quá trình cải cách và phát triển như: mô hình tranh tụng tại phiên tòa, mô hình tố tụng điện tử, tổ chức cơ quản lý hành chính tòa án, việc thành lập Tòa sáng chế… Chủ tịch nước khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ngành Tòa án hai nước; khuyến khích TANDTC Việt Nam hợp tác với các đối tác Hàn Quốc gồm Tòa án tối cao Hàn Quốc và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) để tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc cải cách, phát triển hệ thống Tòa án.

Đòi hỏi cao đối với Thẩm phán

Chủ tịch nước nhiều lần nhắc nhở, động viên, khích lệ đội ngũ Thẩm phán. Nhiều kỷ niệm tốt đẹp về sự quan tâm của Chủ tịch nước được Thẩm phán các cấp ghi nhớ với sự trân trọng.

Chiều 21/6/2017, tại Phủ chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Quyết định bổ nhiệm ông Lê Hồng Quang Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang và ông Nguyễn Trí Tuệ, Thẩm phán TANDTC giữ chức vụ Phó Chánh án TANDTC; bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tiến, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án TANDCC tại Hà Nội, vào chức danh Thẩm phán TANDTC.

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chúc mừng hai tân Phó Chánh án TANDTC và Thẩm phán TANDTC

 

Sau khi chúc mừng, giao nhiệm vụ cho hai tân Phó Chánh án TANDTC và tân Thẩm phán TANDTC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Tòa án là cơ quan duy nhất được nhân danh Nhà nước để đưa ra những quyết định, phán xét về hành vi của một người bị truy tố trước Tòa án là có tội hay không có tội và được quyền áp dụng hình phạt theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi phạm tội.

Trong các lĩnh vực xét xử khác như dân sự, kinh tế, hành chính, lao động…, phán quyết của tòa án có ảnh hưởng trực tiếp đối với quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự và những người tham gia tố tụng. Để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, mang lại niềm tin trong nhân dân, đòi hỏi TAND, mà hình ảnh thể hiện tập trung nhất là người Thẩm phán, phải được nhân dân tôn trọng, là chỗ dựa vững chắc khi có việc yêu cầu Tòa án giải quyết.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Bất kỳ sai sót nào của Thẩm phán trong công tác xét xử cũng làm tổn hại đến uy danh của toà án, suy rộng ra đó là uy danh của Nhà nước. Do vậy, Thẩm phán phải luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, trong cuộc sống của mình trước nhân dân. Đối với Thẩm phán TANDTC, với chức năng nhiệm vụ của mình, các đồng chí còn phải thể hiện cho được vị trí, vai trò, bản lĩnh của mình với tư cách là thành viên của cơ quan xét xử cao nhất”.

Ngày 8/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Quyết định bổ nhiệm  Thẩm phán TANDTC  Nguyễn Văn Du, giữ chức vụ Phó Chánh án TANDTC. Chủ tịch nước căn dặn Phó Chánh án Nguyễn Văn Du phải luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, thực sự gương mẫu chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, phải luôn đoàn kết, thống nhất, khiêm tốn, giản dị, gần gũi, gắn bó mật thiết với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TAND các cấp và với nhân dân.

Đáp lại lời căn dặn ân cần của Chủ tịch nước, Phó Chánh án TANDTC  Nguyễn Văn Du xin hứa luôn trung thành với Tổ quốc, tuyệt đối chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; gương mẫu trong đạo đức, lối sống, tận tâm trong công việc, kiên trì thực hiện và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; lấy tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý làm thước đo để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; tích cực đóng góp xây dựng nền tư pháp “Trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Lời hứa đó giờ đây cũng có thể được coi là lời hứa chung của tất cả Thẩm phán, cán bộ, công chức hệ thống Tòa án cả nước đối với cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang…

 

THÁI VŨ