Cụ Phạm Văn Bạch- một người hết lòng vì thế hệ trẻ

Trong kho ảnh tư liệu có tấm ảnh Chánh án TANDTC đầu tiên Phạm Văn Bạch tiếp Chánh án Toà án tối cao Liên Xô Smiarnop. Ngoài hai vị Chánh án còn có viên phiên dịch ngồi giữa còn rất trẻ và cũng đang cười rất tươi, đó là ông Nguyễn Đình Lộc - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch tiếp Chánh án Tòa án tối cao Liên Xô Smiarnop. Người phiên dịch là ông Nguyễn Đình Lộc

Tôi mang tấm ảnh đến gặp ông Nguyễn Đình Lộc. Cầm tấm ảnh hoen mầu thời gian, ông ngắm nghía rất kỹ và vui mừng: Đúng tôi rồi, vấn đề là năm bao nhiêu thôi vì ông Smiarnop sang thăm ta nhiều lần, mà tôi đều làm phiên dịch. Ông ngẫm nghĩ rồi nhớ lại – cụ Phạm Văn Bạch lúc đó là Chánh án TANDTC, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Còn ông Smiarnop cũng là Chánh án TATC Liên Xô, đồng thời là Chủ tịch Hội luật gia dân chủ thế giới, nên mỗi lần  sang Việt Nam ông đều đến thăm và làm việc với cụ Bạch.

Nhớ đến cụ Bạch, điều đầu tiên tôi cảm nhận được ở cụ là sự quan tâm đến thế hệ trẻ, đến việc chăm lo cho đội ngũ cán bộ của ngành. Mà thế hệ chúng tôi được thấy rất rõ – Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc bùi ngùi.

Năm 1962, TANDTC nhận về ba cán bộ trẻ, mới ngoài hai mươi, vừa tốt nghiệp bằng đỏ Đại học Luật ở Liên Xô về. Đó là các ông Trịnh Hồng Dương, Nguyễn Đình Lộc và Lê Đức Hữu. Họ được phân công về làm cán bộ ở Trường cán bộ Toà án. Lúc bấy giờ cả nước chưa có trường đào tạo về ngành luật nào ngoài trường này. Học viên các lớp tập trung dài hạn chủ yếu là các vị Chánh án, Thẩm phán các tỉnh, có người đã học luật từ thời pháp như ông Ngô Văn Thâu… Đội ngũ học viên là Thẩm phán cấp huyện thì học những lớp ngắn hạn hơn. Ông Trịnh Hồng Dương phụ trách Hình sự, ông Nguyễn Đình Lộc về Nhà nước, còn ông Lê Đức Hữu chuyên về Dân sự. Công việc chính của ba giảng viên trẻ này là biên dịch giáo trình, tài liệu, giảng bài ở các lớp ngắn hạn. Trường mời trực tiếp các chuyên gia Liên Xô sang giảng bài. Giáo trình cũng sử dụng hoàn toàn là giáo trình đào tạo đại học của Liên Xô.

Ngoài công việc của Trường, ba cử nhân luật đầu tiên tốt nghiệp ở Liên Xô về  còn thường xuyên được các cụ Hoàng Quốc Việt ( Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), Phan Anh (Bộ trưởng Bộ Ngoại thương) rồi cụ Phạm Văn Bạch cho xe đón để họ phiên dịch cho những buổi tiếp và làm việc với khách Liên Xô. Bức ảnh tôi có trong tay là hình ảnh về một lần đi làm phiên dịch như thế của ông Nguyễn Đình Lộc.

Những ngày êm ả ấy chưa được bao lâu thì xảy ra vụ xét lại Khơ- rup- sôp, năm 1964. Trường tổ chức đấu tranh chống xét lại rất căng thẳng. Lúc ấy một số lớp của trường mời chuyên gia Liên Xô sang giảng, chương trình cũng theo giáo trình đại học của họ. Lãnh đạo Liên Xô lúc ấy đứng đầu là Khơ- rup- sôp đưa ra những quan niệm như Nhà nước toàn dân… mâu thuẫn với tính giai cấp của nhà nước, rồi pháp lý cũng có một số chuyển đổi. Trong đấu tranh tư tưởng  thường có một số người cơ hội nên nó trở thành những vấn đề rất lớn. Cụ Bạch và một số  người nữa có  trách nhiệm mời mấy ông Liên Xô sang thì trách nhiệm thế nào? Vấn đề cũng rất đau đầu với nhau. Rồi tập trung phê phán giáo trình của Liên Xô mà trường đang áp dụng để giảng dạy. Trong những cuộc thảo luận, phê phán như thế nhiều người rất gay gắt. Nhưng cụ Bạch là một người rất đúng mực, và kiên định trong vấn đề này. Bởi vì cụ là người có kiến thức, có kinh nghiệm lãnh đạo- ông Nguyễn Đình Lộc bồi hồi nhớ lại. Cụ rất trân trọng những kiến thức mà chuyên gia Liên Xô đã giảng dạy, còn những điểm nào đó thấy không phù hợp thì ta cứ sửa theo đường lối, chủ trương của Đảng mình thôi. Lúc ấy là Nghị quyết TW 9 về xét lại. Cuộc đấu tranh ấy có ý nghĩa lịch sử vì phê như thế nào đó, có vận dụng cái gì không là ảnh hưởng lâu dài cho tới sau này đối với toàn ngành. Đây cũng là dấu ấn lịch sử trong sự phát triển ngành tư pháp của ta. Học với các chuyên gia Liên Xô là lần đầu tiên cán bộ của ta, nhất là công nông đi học, được học một cách có hệ thống.

Trong cuộc đấu tranh chống xét lại ấy, ông Nguyễn Đình Lộc được kết nạp Đảng năm 1963, thì bị đình việc xét chuyển đảng chính thức. Cả ba người phải đi thực tế địa phương ba năm. Ông Trịnh Hồng Dương đi Quảng Ninh, ông Lê Đức Hữu lên Thái Nguyên, còn ông Nguyễn Đình Lộc vào Thanh Hoá. Họ được địa phương bố trí làm thư ký Toà án huyện.

Sau ba năm đi thực tế, năm 1968 các vị trí thức trẻ “Tây học” đã có thêm nhiều kinh nghiệm về công tác xét xử, cũng như những hiểu biết thực tiễn lao động, sản xuất… được trở về Toà án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, hai ba năm sau họ mới được giảng bài.

Lúc ấy, cán bộ ngành Toà án của ta chủ yếu là các cán bộ chính trị, cán bộ các hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công đoàn …chuyển sang. Cụ Bạch rất tôn trọng những anh em đó, nhưng đồng thời cụ cũng rất tôn trọng những trí thức mới. Thế cho nên mới có chuyện rất vui, cụ đưa ra chỉ tiêu thi đua rất thiết thực, rất cụ thể là “Thẩm phán phải đọc hồ sơ”. Vì sao phải quy định như thế? Bởi vì bấy lâu, Thẩm phán không đọc hồ sơ, chỉ có Thư ký chuẩn bị rồi Thẩm phán cứ thế ra xử thôi- ông Nguyễn Đình Lộc bật cười nhớ lại.

Hay có lần Phó Chánh án Lê Giản đi Liên Xô về, xuống Trường nói chuyện. Ông Lê Giản bảo: Tôi sang đó tiếp xúc, tìm hiểu thấy các Thẩm phán người ta học hành đàng hoàng lắm, ai cũng được đào tạo cẩn thận. Thế  mà anh em mình chả học hành gì cũng ngồi xét xử, cũng xử tù chung thân người này, tử hình người kia… Thế mới biết anh em mình giỏi thật (?!).

Trước thực tế đó, là một trí thức lớn, tâm huyết với sự nghiệp của ngành nên cụ Bạch có chủ trương đưa ba anh em đã tốt nghiệp đại học Luật ở Liên Xô  được đi nghiên cứu sinh, làm luận án Phó Tiến sĩ. Nhưng sau thời kỳ xét lại, việc đó khó vô cùng. Trước đó, một số sinh viên Việt Nam như Hà Mạnh Trí, Vũ Đức Khiển, Nguyễn Niên… đang học đại học luật bên đó đã bị gọi về nước. Quan hệ đào tạo luật giữa ta và Liên Xô những năm ấy bị đóng băng mất 12 năm.

Dự định từ năm 1970, sau rất nhiều lần cụ Bạch làm việc với các cơ quan chức năng và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp lúc ấy, đến năm 1974 ông Nguyễn Đình Lộc được đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh mà không phải thi, vì chỉ có mình ông. Liên tiếp hai năm sau, ông Lê Đức Hữu rồi ông Trịnh Hồng Dương lần lượt được đi tiếp.

Ông Nguyễn Đình Lộc chợt trầm ngâm: Tôi cảm thấy có lỗi lớn với cụ Bạch. Để tôi được đi nghiên cứu sinh, cụ phải can thiệp rất lớn với bên Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Năm 1978, khi về nước mình dự định sẽ đến thăm và cám ơn cụ đầu tiên, nhưng cứ lấn bấn, lấn bấn mãi chưa đến được. Thế là đến phiên họp tôi gặp cụ. Cụ hồ hởi: “À, chú Lộc! Anh đang hỏi thăm chú học hành thế nào, đã về chưa?”. Mình giật mình. Trước đó mấy hôm cụ đã hỏi mình rồi. Mình chưa kịp đến thăm, cảm ơn gì cả, thành ra ân hận. Tôi chơi thân với anh Nghĩa, con trai cụ, nhưng cụ cứ xưng anh như thế…

Dẫn đoàn đi thăm Lăng Bác.

Hai trong ba cán bộ trẻ mà Chánh án Phạm Văn Bạch đã dìu dắt, vun xới năm xưa, sau này đã trở thành những chuyên gia luật học hàng đầu của cả nước. Một người làm Chánh án Toà án nhân dân tối cao, một người làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp  (Còn ông Lê Đức Hữu không may bị bệnh qua đời khi mới ngoài bốn mươi tuổi). Nói theo ngôn ngữ hôm nay, chỉ có cái Tâm trong sáng, nhân hậu và Tầm nhìn xa, vì sự nghiệp chung mới có thể có sự chuấn bị cho thế hệ sau một cách đẹp đẽ như thế. Một người như Chánh án Phạm Văn Bạch, ai mà không kính trọng và yêu quý.

 

NGUYỄN PHAN KHIÊM