Đầu năm thăm Tòa án Côn Đảo

Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo nằm giữa quần đảo Côn Đảo xinh đẹp, cách đất liền gần 200 km. Đa số cán bộ, công chức, Thẩm phán là người các tỉnh, huyện khác được điều động đến công tác tại Côn Đảo. Tuy xa quê, xa đất liền và còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, công chức, Thẩm phán nơi đây đều nhiệt huyết, yêu nghề, hiểu và gắn bó với Côn Đảo. Mỗi một công chức đều có thể là một hướng dẫn viên du lịch thông thạo, họ xúc động kể về chiến công của các anh hùng, liệt sỹ, các di tích lịch sử và say mê giới thiệu những vẻ đẹp hoang sơ của của quần đảo này...

       Côn Đảo là một quần đảo nằm ở phía Tây Nam giữa biển Đông của Việt Nam, cách đất liền 97 hải lý, về đơn vị hành chính thì Côn Đảo là huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, có diện tích 76km2, dân số khoảng gần 8.000 người. Côn Đảo có nhiều thắng cảnh, bãi tắm đẹp, có những di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Nhà tù Côn Đảo, Cầu tàu 914, Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương… gắn liền với trang sử cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

       Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo nằm giữa huyện đảo Côn Đảo xinh đẹp, có tổng biên chế là 10 người trong đó chỉ có 3 Thẩm phán (gồm Chánh án, 1 Phó Chánh án và 1 Thẩm phán). Đa số cán bộ, công chức, Thẩm phán là người các tỉnh, huyện khác được điều động đến công tác. Tuy xa quê, xa đất liền và còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, công chức, Thẩm phán đều nhiệt huyết, yêu nghề, hiểu và gắn bó với Côn Đảo. Mỗi một công chức nơi đây đều có thể là một hướng dẫn viên du lịch thông thạo để xúc động kể về chiến công của các anh hùng, liệt sỹ, các di tích lịch sử và say mê giới thiệu những vẻ đẹp hoang sơ của của quần đảo này.     

       Thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm

      Khâu then chốt để thực hiện tốt nhiệm vụ đó chính là làm tốt việc triển khai thực hiện. Xác định được như vậy nên ngay từ đầu năm 2017, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo đã triển khai Nghị quyết số 01-NQ/BCS ngày 04/01/2017 của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Chỉ thị số 01/2016/CT-CA ngày 20/01/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác hệ thống Tòa án năm 2017; đồng thời, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết 111/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác Thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo, đến toàn thể thẩm phán, thư ký và các công chức chuyên môn khác của cơ quan;

       Thi đua nhằm nâng cao hiệu quả công tác: Song song với việc triển khai công tác đầu năm, TAND huyện Côn Đảo đã tiến hành đăng ký các danh hiệu thi đua đối với tập thể và cá nhân với Tòa án nhân dân tỉnh; xây dựng kế hoạch công tác năm của Chi bộ, của cơ quan, giao các chỉ tiêu giải quyết án cụ thể cho từng thẩm phán, thư ký.

      Hàng tháng, cơ quan đã bình bầu, xét chọn ra 01 cá nhân tiêu biểu nhất để báo cáo điển hình trước cuộc họp tạo động lực phấn đấu chung trong cơ quan, tạo không khi thi đua sôi nổi, góp phần thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Giải quyết 100% các loại án

     Theo báo cáo của TAND huyện Côn Đảo, trong năm 2017 TAND huyện Côn Đảo đã thụ lý 60 vụ án các loại, đã giải quyết 60 vụ việc, đạt tỷ lệ 100% . Trong đó có 24 vụ án hình sự; 04 vụ dân sự, 27 vụ việc hôn nhân và gia đình, công nhận thuận tình 16, án kinh doanh thương mại 04 vụ việc.

       Tỷ lệ hòa giải thành cao: Năm 2017, TAND huyện Côn Đảo đã hòa giải thành 20 vụ, chiếm tỷ lệ 56% trong giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động.

       Các bản án đều được thực thi nghiêm chỉnh: Các bản án hình sự có hiệu lực thi hành đều được TAND huyện Côn Đảo ra quyết định thi hành án đúng thời hạn. Năm 2017, TAND huyện Côn Đảo đã ban hành 16 quyết định thi hành án đối với 16 người bị kết án, đạt tỷ lệ 100%.

        Một số loại án có xu hướng tăng lên: Trong số các vụ án hình sự đã thụ lý, giải quyết thì tỷ lệ án mua bán, tàng trữ chất ma túy có 04 vụ, chiếm tỷ lệ 26,6%, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2016;

Trong số án dân sự, HNGĐ, tỷ lệ án tranh chấp đất đai có chiều hướng gia tăng, chủ yếu tranh chấp xảy ra giữa các hộ mới nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nguyên nhân là do tình trạng người có quyền sử dụng đất đã tự phân lô bán nền trên giấy, người mua sau khi ra nhận đất trên thực địa thì bị chênh lệch diện tích hoặc lệch ranh mốc so với nội dung ghi trên giấy chứng nhận đã sang tên, dẫn đến tranh chấp phát sinh theo dây chuyền giữa các cá nhân nhận chuyển nhượng với nhau hoặc với các hộ lân cận; đồng thời, do giá đất tại Côn Đảo năm 2017 tăng hơn 300% so với 2015-2016, nên hầu hết bên bán nếu mới chỉ nhận cọc thì họ chấp bồi thường cho bên mua để hủy hợp đồng, dẫn đến tranh chấp xảy ra.

        So với cùng kỳ năm trước, án kinh doanh thương mại tăng 80%. Trong các vụ án này đều là tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư với nhà thầu (đối với các dự án đầu tư resort) hoặc giữa nhà thầu chính với nhà thầu phụ (đối với các dự án đầu tư công). Nguyên nhân là do chủ đầu tư các dự án resort trong các vụ án này đều có năng lực tài chính yếu kém, sau khi thuê được đất dự án thì không có vốn để xây dựng, do áp lực phải triển khai dự án đúng tiến độ sau khi thuê đất theo quy định, buộc họ phải thuê nhà thầu bỏ vốn ra thi công trước và hứa sẽ thanh toán theo tiến độ, nhưng việc huy động vốn của chủ đầu tư không khả thi nên không có tiền để thanh toán cho nhà thầu, buộc nhà thầu phải ngừng thi công và tranh chấp xảy ra;

 Đối với nhà thầu các dự án đầu tư công là các nhà thầu xây dựng các công trình từ nguồn vốn ngân sách, do các nhà thầu chính thiếu năng lực tài chính để thanh toán kịp tiến độ cho các nhà thầu phụ, sau khi quá thời hạn thanh toán mà nhà thầu phụ vẫn không nhận được tiền nên họ phải ngừng thi công và tranh chấp đã xảy ra.

        Vụ án liên quan đến việc bảo vệ loài rùa biển đầu tiên ở Việt Nam được đưa ra xét xử và quyết định sáng suốt của Tòa án Côn Đảo    

      Ngày 18/9/2017, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo đưa ra xét xử vụ án bị cáo Phạm Văn Tân bị Viện kiểm sát truy tố về tội: “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” Tân đã bị truy tố hành vi phạm tội “săn bắt trong khu vực cấm” theo điểm d khoản 2 Điều 190 BLHS năm 1999. Bị cáo nhất mực phản đối và khẳng định mình chỉ vận chuyển trứng vích cho cán bộ kiểm lâm chứ không săn bắt.

     Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện: Ngày 17-6-2016, tại khu vực mũi Chân Chim, Côn Đảo, lực lượng kiểm lâm phát hiện Phạm Văn Tân đang vận chuyển 116 quả trứng vích trên xe máy. Quá trình điều tra và xét hỏi tại phiên sơ thẩm, Tân khai số trứng vích trên do nhân viên kiểm lâm Ngô Trí Thủy nhắn cho Tân biết và Tân thuê thuyền sang hòn Bảy Cạnh lấy về. Qua đấu tranh tại phiên tòa có nhiều chi tiết giữa lời khai của bị cáo và anh Ngô Trí Thủy kiểm lâm chưa được làm rõ…  

       Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung với lý do truy tố sai tội danh và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Đây là vụ án đầu tiên ở Việt Nam liên quan đến việc bảo vệ loài rùa biển (vích) được đưa ra xét xử nên dư luận hết sức quan tâm, việc trả hồ sơ được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ.

       Thẩm phán Nguyễn Đăng Khoa- Chánh án, chủ tọa phiên tòa khẳng định, theo điều 190 BLHS: Đối tượng bị xâm hại nếu là cá thể “động vật” thì có sáu hành vi sau đây sẽ bị xử lý hình sự, gồm “săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép”; nếu đối tượng bị xâm hại là bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật đó, thì chỉ có hai hành vi bị xử lý hình sự, đó là “vận chuyển, buôn bán trái phép”.

       Phiên tòa ngày 18/9/2017 được tổ chức theo phiên tòa rút kinh nghiệm. Đến dự phiên tòa có đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh và Thẩm phán Tòa án thành phố, các huyện thuộc tỉnh tham dự và đã đóng góp nhiều ý kiến về công tác tổ chức phiên tòa, điều hành phiên tòa cho thẩm phán, thư ký của cơ quan rút kinh nghiệm và học tập.

        Vụ án được xét xử lại vào ngày 24/11/2017. Viện kiểm sát tiếp tục truy tố bị cáo theo điểm d khoản 2 Điều 190 BLHS nhưng tại phiên tòa, đại diện viện kiểm sát đã rút quyết định truy tố bị cáo theo điểm d khoản 2 Điều 190, đề nghị Hội đồng xét xử, xử bị cáo Tân theo khoản 1, Điều 190 BLHS về hành vi “vận chuyển..”. Đề nghị này được hội đồng xét xử chấp nhận và xử bị cáo 10 tháng 17 ngày tù – đúng bằng thời hạn tạm giam. Do tại phiên tòa chưa đủ cơ sở để hội đồng xét xử khởi tố bị can đối với Ngô Trí Thủy nên HĐXX đã kiến nghị TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét vấn đề này theo quy định của pháp luật.

 Phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Văn Tân bị truy tố theo điểm d khoản 2 Điều 190 BLHS năm 1999

        Vẫn còn đó những khó khăn

       Trụ sở Tòa án nhân dân huyện đã đưa vào sử dụng từ năm 2009 đến nay đã 08 năm, nhiều hạng mục do ảnh hưởng thời tiết biển nên xuống cấp nghiêm trọng.

       Do Côn Đảo cách xa đất liền, điều kiện đi lại khó khăn, giá cả tiêu dùng đắt đỏ, giá điện sinh hoạt, giá vé máy bay, tàu thủy cao… nên đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Vấn đề đặc biệt khó khăn đối với Tòa án huyện đảo là tống đạt các văn bản tố tụng cho các đương sự ở tỉnh xa. Những khó khăn đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải quyết án và kinh phí của Tòa án. Các cán bộ, công chức của Tòa án Côn Đảo rất ít được giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các đơn vị bạn, không được tham gia các hoạt động phong trào khác của Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức.

      Dù những khó khăn, trở ngại vẫn hiện hữu nhưng cán bộ, công chức Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo luôn xác định khắc phục khó khăn, xây dựng phương hướng, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm công tác xét xử chất lượng tốt và đúng thời hạn luật định, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; Xây dựng đồng bộ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng cơ quan, chi bộ và các đoàn thể cơ sở vững mạnh về mọi mặt.

Đoàn công tác của TANDTC làm việc với TAND huyện Côn Đảo năm 2013

Ths. NGUYỄN THỊ HẢI CHÂU (Tạp chí Tòa án nhân dân)