Lịch sử ngành Kiểm sát quân sự ghi nhận vụ án Ga Phạm Xá

Dịp gần Tết nguyên đán Mậu Tuất, năm 2018, tapchitoaan.vn đã đăng hai bài báo: “Vụ án Ga Phạm Xá và anh bộ đội xuống ga lúc nửa đêm” và “Vụ án Ga Phạm Xá – cuộc hội ngộ của người trong cuộc”, sau một năm, mới đây BBT nhận được thư của gia đình ông Phạm Văn Tuyến, con của ông Phạm Văn Duyện, cung cấp những thông tin mới liên quan đến vụ án này.

Theo đơn thư của ông Phạm Văn Tuyến, trong năm qua, gia đình ông đã có nhiều đơn gửi đến VKSQSTW đề nghị  xem xét, minh oan cho cha là ông Phạm Văn Duyện, sinh năm 1939, quân nhân đơn vị 320C bị bắt tạm giam oan sai, dẫn đến hậu quả đau lòng là ông Duyện chết tại trại giam Bất Bạt của quân đội.

VKSQSTW đã nhiều lần có hồi đáp. Theo ông Tuyến, cơ quan này cho biết cần có thêm nhân chứng để làm rõ vụ án, làm rõ mối liên hệ giữa “vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra tại ga Phạm Xá, nạn nhân là Nguyễn Thị Chu do Công an tỉnh Hải Dương khởi tố điều tra, bị can là Vũ Minh Lễ và vụ án đào ngũ có mang theo vũ khí, bị can là Phạm Văn Duyện”. Do đó, gia đình đã tích cực tìm hiểu để có thêm nhân chứng biết rõ vụ án oan sai của ông Phạm Văn Duyện.

Ngày 7/11/2018,  gia đình ông Tuyến đã đơn thư lần thứ 4 với nội dung mới: “Qua tìm hiểu gia đình biết được “ông Lê Đức Tiết, nguyên cán bộ của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, cũng là người biết rõ vụ án oan của bố tôi. Hiện ông Tiết đang còn mạnh khỏe, ở tại Khu tập thể Quân đội, số 3 Trần Phú, Hà Nội. Ông Lê Đức Tiết và ông Nguyễn Trọng Tỵ là hai nhân chứng sống, minh chứng cho nỗi oan khuất thấu trời đã bị vùi sâu suốt nửa thế kỷ qua của cha tôi”.

Đặc biệt, trong lúc VKSQSTW và gia đình còn tiếp tục tìm tài liệu thì ông  Nguyễn Trọng Tỵ cho biết trong cuốn “LỊCH SỬ NGÀNH KIỂM SÁT QUÂN SỰ VIỆT NAM (1945-2000)” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm  2001,  có ghi chép rất rõ ràng về vụ án oan của ông Phạm Văn Duyện. Tại trang 84 của cuốn lịch sử viết: “ Trong quá trình điều tra, do số vụ án nhiều, cán bộ điều tra ít, lại thiếu kinh nghiệm, nên có nhiều vụ hồ sơ chưa chặt chẽ, không đầy đủ, thậm chí có vụ do nóng vội, nghiên cứu hiện trường chưa kỹ lưỡng, thu thập dấu vết tang vật chứng không đầy đủ, thiếu chính xác, lại dựa vào những suy diễn chủ quan, những căn cứ thiếu khoa học,  đã bắt oan một quân nhân tên là Duyện bởi nghi Duyện là thủ phạm giết một phụ nữ có thai, lấy hoa tai rồi nhét  nạn nhân vào cống thông nước trên đường từ ga Hải Dương về làng. Năm 1970, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử tên Phạm Văn Lễ can tội cướp của giết người nhiều lần, với mức án cao nhất: tử hình. Trước khi thi hành án tên Lễ xin khai thêm vụ giết một phụ nữ có thai, lấy hoa tai vàng, nhét nạn nhân vào cống gần ga Hải Dương, chính là nạn nhân mà cách đó một năm đã nghi cho quân nhân Duyện gây án. Trong quá trình tiến hành điều tra, có ý kiến cho là chưa đầy đủ yếu tố để bắt Duyện, nhưng do nhận thức pháp luật hạn chế, nên cơ quan có trách nhiệm đã dùng biện pháp bắt tạm giam vội vàng, thay cho điều tra, thu thập, xác minh chứng cứ không đầy, đủ thiếu khách quan đã dẫn đến hậu quả trên”.

 

Cụ Nguyễn Trọng Tỵ với cuốn “Lịch sử ngành Kiểm sát quân sự Việt Nam”

 

Đây là công trình do VKSQSTW ấn hành, do Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính chủ biên; cùng các thành viên biên soạn là các Đại tá Nguyễn Đắc Hải, Trần Trọng Kẹo, Lê Văn Phách; hoàn chỉnh bản thảo là các Đại tá Lê Minh Tân, Nguyễn Huy Long và Thượng tá, Tiến sĩ Dương Đình Lập. Như vậy, VKSQSTW có hồ sơ, tài liệu về vụ án oan của quân nhân Phạm Văn Duyện, và các tác giả chính là những nhân chứng trực tiếp hoặc gián tiếp biết và nghiên cứu về vụ án này. Do đó, “mối liên hệ giữa vụ án giết bà Nguyễn Thị Chu và việc bắt giam oan bố tôi đã được minh định bằng giấy trắng mực đen”, đơn ông Tuyến viết.

Sau khi nhận được đơn thư của ông Phạm Văn Tuyến, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Trọng Tỵ, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, nguyên Điều tra viên vụ án quân nhân Phạm Văn Duyện năm xưa. Ông Nguyễn Trọng Tỵ xác nhận thông tin ông đã cung cấp cho gia đình ông Tuyến và cho chúng tôi xem cuốn “LỊCH SỬ NGÀNH KIỂM SÁT QUÂN SỰ VIỆT NAM (1945-2000) có những thông tin mà cả VKSQSTW  và gia đình ông Tuyến  bấy lâu tìm kiếm. Ông Nguyễn Trọng Tỵ nói: “Tìm được cuốn Lịch sử này tôi rất mừng vì thấu hiểu nỗi đau của gia đình ông Duyện phải chịu đựng suốt bao nhiêu năm nay. Theo gia đình cho biết, về tâm linh gia đình khao khát được minh oan cho người đã khuất vì suốt 50 năm qua chưa có văn bản chính thức của VKSQSTW xác nhận ông Duyện bị oan, để hương hồn ông được thanh thản”. Là người trực tiếp tham gia vụ án và không đồng tình về việc khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Văn Duyện, sau hơn nửa thế kỷ, ông Tỵ nói: “Vì nghi ông Duyện  là thủ phạm giết cô Chu, cần khám nhà tìm tang vật, nên khi đó cơ quan điều tra khởi tố ông Duyện về tội đào ngũ để lấy lý do khám nhà tìm vũ khí. Ngay việc khởi tố ông Duyện về tội đào ngũ mang theo vũ khí đã là oan sai rồi vì ông Duyện không đào ngũ, cũng không mang vũ khí về nhà, vì ốm đau ông Duyện xin phép đơn vị về nhà chữa bệnh. Về nhà ít ngày, ông Duyện lại trở về đơn vị tại Hòa Bình và bị bắt tại đơn vị, nên rõ ràng không có chuyện đào ngũ”.

Ông cũng cho rằng, năm hết Tết đến, những gì đã tìm được thật sự là một tin vui cho gia đình ông Tuyến cũng như cơ quan VKSQSTW, vì những thông tin này cung cấp cơ sở để giải quyết đơn thư của gia đình ông Tuyến nhanh chóng, thuận tiện hơn rất nhiều, theo đúng tinh thần cải cách tư pháp cũng như truyền thống nhân ái, đề cao lẽ công bằng của dân tộc ta.

 

 

 

THÁI VŨ