Nhớ bác Phạm Hưng

Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử xin lần lượt giới thiệu các tác phẩm đạt giải trong Cuộc thi sáng tác Truyện ngắn, Thơ và Ký sự về Tòa án nhân dân chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Tòa án nhân dân 13/9 (1945-2020). "Nhớ bác Phạm Hưng" là tác phẩm của nhà báo Nguyễn Phan Khiêm đạt Giải Nhất thể loại Ký sự.

Trong lịch sử ngành Tòa án nhân dân, một trong những vị lãnh đạo để lại dấu ấn sâu đậm nhất là Chánh án Phạm Hưng. Dấu ấn đó không chỉ vì ông là người giữ cương vị này suốt 17 năm mà điều quan trọng hơn, đó là sự mẫu mực của ông trong nhiều phương diện.

1.

Tôi trở lại địa chỉ 68A Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi Chánh án Phạm Hưng và gia đình đã sống từ năm 1986 đến khi qua đời, tìm gặp chị Bùi Kim Dung, con gái của ông, nguyên là Thẩm phán, Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao… Chị là con gái, nhưng cũng là đồng nghiệp, là cấp dưới của bố.

Ngôi nhà xưa đã đổi thay, căn biệt thự cổ đã không còn, nhưng khi hỏi chuyện về Chánh án Phạm Hưng, ký ức của chị đã dẫn tôi về quá khứ hơn nửa thế kỷ trước, với biết bao niềm vui, nỗi buồn.

Cuối năm 1958, ông Phạm Hưng sau nhiều năm công tác trong quân đội, đã  chuyển ngành về làm cán bộ Viện Công tố Trung ương, rồi Thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

Bố là Chánh án Tòa án thành phố, mẹ là Cửa hàng trưởng Cửa hàng công nghệ phẩm nhưng chị Dung thấy cuộc sống của gia đình cũng khó khăn không khác với những người hàng xóm xung quanh. Lương của hai ông bà hồi đó cộng lại chưa được 200 đồng, cho gia đình 5 người, nên nhiều lần, đến ngày được mua gạo thì hết tiền phải sang hàng xóm vay tạm, đến ngày bố mẹ có lương thì mang sang trả. Mẹ là cửa hàng trưởng nhưng các con không được đi dép nhựa loại 1 mà chỉ được đi những đôi dép phế phẩm hoặc cả hai chiếc một bên chân, quần áo nhiều khi cũng là những bộ bị lỗi.

Khó khăn nên chăn nuôi lợn là cách tăng thêm thu nhập của cả gia đình, vì vậy ba anh em chia nhau đi lấy nước gạo. Nhiều lúc anh em bảo nhau đến cửa hàng rau quả mậu dịch bê vác giúp họ để sau đó được mua rẻ số rau dập nát mang về cho lợn. Khi bố chị lên Hà Nội làm Phó Chánh án Tòa án tối cao, gia đình được cấp hai căn hộ ở Trung Tự, có hai khu vệ sinh thì dùng một cái để chăn nuôi, nuôi gà để cải thiện bữa ăn và nuôi lợn để có khoản tiết kiệm.

-Mỗi khi bán được một con lợn, mẹ chị lại đi gửi tiết kiệm, mỗi con lợn một sổ, đến khi đổi tiền năm 1985 với tỷ lệ 10 đồng cũ đổi 1 đồng tiền mới thì số tiền trị giá một con lợn chỉ mua được 1 kg sườn, đúng là cả nhà khóc – chị Dung ngậm ngùi nói.

Đến năm 1986, ông Phạm Hưng sau 5 năm giữ cương vị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, gia đình được chuyển về biệt thự 68A phố Trần Hưng Đạo, cách trụ sở Tòa án nhân dân tối cao không xa. Biệt thự ở trung tâm thành phố nhưng có vườn rộng nên chăn nuôi dễ dàng hơn, ngoài lợn, gia đình còn nuôi thêm ngan vịt, có đất để trồng rau khoai cho lợn. Vui lắm! Hàng ngày chị Dung sang bên nhà bác Lê Giản ở phố Nguyễn Thượng Hiền cách nhà chừng hai cây số để lấy nước gạo. “Hồi đó, nhiều hôm đi làm về bố chị cũng tắm cho lợn” – chị Dung bồi hồi nhớ lại.

Sau này, mấy anh em ngồi với nhau nhớ chuyện cũ vẫn thường nhắc, hồi anh cả đi bộ đội trong lúc chiến tranh ác liệt, mỗi khi nhận được thư nhà thế nào thư cũng có câu: Dù gian khổ, hy sinh con cũng phải cố gắng rèn luyện, tuyệt đối không được đào ngũ. Nếu con đào ngũ thì bố mẹ không sống nổi vì nhục đâu; rồi chuyện mẹ bắt đi dép cọc cạch… thì bao giờ ông cũng nói: Có như thế thì mới được như ngày hôm nay, bố mẹ có được sự thanh thản của tuổi già.

 

Chân dung bác Phạm Hưng

2.

-Là con của lãnh đạo, bố làm Chánh án thành phố Hải Phòng rồi đến Chánh án Tòa án tối cao, như ngày xưa là “cậu ấm, cô chiêu”, chị thấy mình được chiều lắm không?

Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, chị Dung kể về những chặng đường công tác chị đã trải qua để tôi tự tìm lời đáp. Nhà có ba anh em, chị Dung là con út, nhưng bố chị định hướng các con đi theo ngành Y và Sư phạm, hai nghề mà hồi trẻ ông cũng mong ước, nhưng vì hoạt động cách mạng mà thành ra đi theo hướng khác. Cuối cùng, hai anh trai học Đại học Bách khoa, chị Dung theo nghề Tòa án.

Học xong trung cấp Tòa án, chỉ có hai lựa chọn là đi miền núi và đi miền Nam. Nhà có mỗi cô con gái bé nhỏ, phải đi xa, mẹ chị xót xa lắm, nước mắt ngắn nước mắt dài nhưng phải đi thôi. Chị Dung cùng một bạn ở Hải Phòng vào công tác tại Tòa án tỉnh Phú Khánh. Dù lúc đó bố là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhưng cả nhà chẳng ai nghĩ đến chuyện xin cho chị ở lại Hà Nội, vì biết tính bố.

Lúc đó, phía Nam thiếu cán bộ trầm trọng, các thư ký đa số học sơ cấp, nhiều Thẩm phán cũng chỉ qua các lớp luân huấn nên có hai cán bộ trẻ có trình độ trung cấp, đơn vị quý lắm. Một năm rưỡi sau, cô bạn người Hải Phòng ra Bắc, lãnh đạo đơn vị hỏi chị Dung có nguyện vọng gì không, chị nói: Cháu yên tâm công tác, chỉ có nguyện vọng là khi nào Trường cán bộ Tòa án tuyển sinh hệ Cao đẳng thì các chú cho cháu đi học. Vì thế, cuối năm 1981, khi có thông tin tuyển sinh Cao đẳng khóa 4 thì đơn vị cho chị đi học. Học xong Cao đẳng Tòa án, năm 1983 chị được phân công về Tòa án quận Ba Đình, sau 4 năm công tác chị được bổ nhiệm Thẩm phán.

-Nhiều người thấy mình họ Bùi, bố họ Phạm thì hỏi có thật mình là con Chánh án Phạm Hưng không? Mình thường nói là không phải hoặc nói mình là con nuôi. Mình muốn là chính mình, không dựa vào hào quang của bố – chị Dung nói.

Chị gắn bó với ngành Tòa án cho đến lúc nghỉ hưu, 13 năm ở Tòa án quận Ba Đình rồi lên Tòa án Thành phố Hà Nội 2 năm, sau đó lên Tòa Hình sự cho đến khi nghỉ hưu với cương vị Thẩm phán – Phó Chánh Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao. Nhìn lại cả cuộc đời công tác, xét xử nhiều vụ án, chị khiêm tốn nói: “Từ đó cho đến giờ này mình không có điều tiếng gì”.

– Như vậy thì cuộc đời công tác của chị cũng tuần tự, bình thường như mọi người. Xét xử là công việc phức tạp, nhiều khi nhạy cảm, nhưng cả cuộc đời xét xử của chị không có điều tiếng gì không tốt, có bí quyết gì không chị? Tôi thành thật hỏi chị Dung.

– Mình luôn nghĩ phải giữ cho chính mình và cho bố mẹ, nếu gọi là bí quyết thì chỉ có nguyên tắc đó thôi. Điều đó mình học từ bố, phải sống bình dị, không tham lợi ích vật chất. Có một lần, mình chủ tọa phiên tòa xét xử một bị cáo nguyên là cán bộ tư pháp, với mức án 18 tháng tù cho hưởng án treo. Xử xong thì vợ bị cáo nhắn là đã gửi quà cho mình qua ai đó. Mình rất ngạc nhiên nên nhắn lại là mình không quen biết người đó, nếu biết có chuyện này mình sẽ xử hết khung. Sau đó không thấy họ nói gì nữa.

Một điều khiến bố chị trăn trở nhiều nhất, buồn lòng nhất là vấn đề tiêu cực trong ngành, làm thế nào để ngăn chặn. Có lần nghe thông tin người ta bỏ ra nhiều tiền để xin vào ngành, ông rất ngạc nhiên, sao lại có chuyện đó, sao lại tệ đến thế, số tiền đó thì bao nhiêu tháng lương mới bù đắp nổi… Khi thấy có những chuyện tiêu cực ở cơ quan, ông thường gọi trực tiếp cán bộ có liên quan lên hỏi để có biện pháp xử lý; có vụ ông gọi lên hỏi thì chối nhưng khi cơ quan điều tra vào cuộc thì mọi chuyện mới sáng tỏ.

Nghe câu chuyện của chị Dung, tôi nhớ đến những chia sẻ của ông Khuất Duy Hiệp, nguyên Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao: Mỗi lần đi địa phương công tác, bao giờ trước khi ra về Chánh án Phạm Hưng đều nhắc “thanh toán tiền ăn và tem phiếu” với nhà khách. Có lần ở Thành phố Hồ Chí Minh, một người dân đưa đơn khiếu nại, bóc bao thư ông thấy có một chỉ vàng, ông gọi ông Hiệp lên yêu cầu thông báo đương sự đến trụ sở và lập biên bản trả lại chiếc nhẫn. Hoặc có lần đến làm việc với một cơ quan, họ đưa  phong bì, ông mở ra có số tiền năm triệu đồng. Ông gọi ông Hiệp lên trao lại phong bì và dặn đưa lại Văn phòng tỉnh nọ ngay và cảm ơn. Có thể nói sự liêm khiết của Chánh án Phạm Hưng là bài học sâu sắc cho cấp dưới.

3.

Trong công việc, chị học điều gì từ Chánh án Phạm Hưng? Chị Dung nói rằng điều đầu tiên tôi thấy, ông là người rất tâm huyết với nghề, có trách nhiệm cao với công việc, đúng là tận tâm, tận lực. Nhiều hôm có vụ án phức tạp, làm gì để bảo vệ được công lý, sự nghiêm minh của pháp luật… ông về nhà vẫn trăn trở, thao thức. Có những trường hợp chỉ đạo một vụ án cụ thể, có nhiều ý kiến khác nhau, ông yêu cầu chuyên viên đưa hồ sơ lên để tự kiểm tra chứng cứ, bảo đảm kết luận vụ án một cách thỏa đáng.

Hồi đó, mỗi năm hai kỳ họp Quốc hội và một kỳ tổng kết ngành, ông làm việc với cường độ cao, rất mệt nhưng lúc nào cũng cố gắng. Buổi sáng, ông dậy từ 4g, tập thể dục một tiếng, sau đó ăn sáng, chuẩn bị đi họp. Họp Quốc hội xong là về cơ quan giải quyết công việc, trưa cũng thế, tối cũng thế. Mỗi buổi sáng bà làm cho ông một quả trứng vịt lộn với một cốc bột đậu tự xay rang, lúc đó chưa có sữa Ensure như bây giờ. Nhiều hôm, buổi trưa ông không có thời gian ăn cơm, cũng lại ăn như vậy. Chuẩn bị hội nghị tổng kết cũng thế, tập trung giải đáp các vấn đề nghiệp vụ rất nhiều… Do đó, đã không ít lần ông bị ho ra máu, do ông có bệnh giãn phế quản mạn tính, nhưng ông không đi bệnh viện vì sợ bị giữ lại, ông tự tiêm để điều trị.

Ông Khuất Duy Hiệp cũng từng chia sẻ: Mỗi lần chuẩn bị báo cáo của Chánh án trước Quốc hội, báo cáo tổng kết công tác toàn ngành Tòa án hay kết luận của Chánh án tại các kỳ tổng kết, bao giờ Chánh án Phạm Hưng cũng yêu cầu báo cáo phải ngắn gọn và chỉ cho phép hoàn thành các công việc này trong một tuần, do đó anh em cán bộ phải tranh thủ làm ngoài giờ, làm cả ngày nghỉ. Các văn bản soạn thảo ông đọc rất kỹ, sửa và bổ sung trực tiếp từng trang rồi đưa ra tập thể thông qua sau đó mới trình lãnh đạo ký. Đến nay, nhiều vị lãnh đạo Tòa án, Viện kiểm sát các địa phương, những người làm công tác nghiên cứu vẫn hết sức tâm đắc với kết luận của Chánh án trong những kỳ họp tổng kết đó.

Một điều nữa, chị Dung luôn ghi nhớ trong lòng là xét xử phải thấu tình đạt lý, đối với người dân phải mềm mỏng, tôn trọng, không được coi mình là người ở trên họ. Nhiều người dân đến tận nhà để xin gặp Chánh án, để đưa đơn, các con ra mở cổng bao giờ cũng phải hỏi như lời bố dặn là: Xin lỗi ông/ bà/ cô/ bác… ở đâu đến, hỏi ai, có việc gì? Sau đó hướng dẫn họ đến Tòa để được nhận đơn và xem xét, giải quyết, vì Chánh án không được tiếp đương sự ở nhà. Nhiều người dân chờ sẵn ở cổng, khi ông đi làm thì đưa đơn, trình bày, những trường hợp như vậy thì ông nhận đơn, nếu đơn để trong phong bì thì bao giờ ông cũng bóc ngay để xem qua nội dung đơn rồi hướng dẫn họ. Bóc ngay đơn như thế để bảo đảm công khai, minh bạch, nếu họ để tiền trong đó cũng trả họ ngay.

Ông Đỗ Văn Chỉnh – nguyên Trưởng ban Thanh tra Tòa án tối cao, kể rằng ông đã nhiều lần được Chánh án Phạm Hưng giao nhiệm vụ đến các Trại giam Tiền Giang, Quảng Ninh, Hà Nội… gặp trực tiếp tử tù, xác minh nội dung đơn họ gửi đến Chánh án, làm cơ sở xem xét có kháng nghị hay không để Chánh án ký Tờ trình gửi Chủ tịch nước về việc thi hành án tử hình. Có thể nói, Chánh án rất thận trọng.

Có vụ ông Chỉnh được Chánh án giao nhiệm vụ về Hưng Yên giải quyết một lá đơn mà người viết thể hiện quan điểm rất cực đoan là chỉ tin Chánh án Phạm Hưng, yêu cầu Chánh án giải quyết bản án oan mà ông này phải thi hành, nếu không được giải oan thì ông ta sẽ chết và “Chánh án phải chịu trách nhiệm”. Ông Chỉnh về tận nơi mới biết bản án đã bỏ quên ba gian nhà và gần 100 m2 đất dẫn đến xử sai… Sau khi về báo cáo, Chánh án đã mời Tòa án Hưng Yên lên làm việc, để khắc phục bản án sai. Nhờ sự quan tâm sâu sát của Chánh án Phạm Hưng, vụ án oan rất bức xúc, kéo dài nhiều năm đó đã được giải quyết kịp thời. Có rất nhiều vụ án tương tự như vậy, nhờ tinh thần trách nhiệm cao của Chánh án Phạm Hưng nên những bản án oan sai được giải quyết, mang lại công bằng và niềm tin cho người dân.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đến thăm bác Phạm Hưng ngày 26/01/2011 – Ảnh: Trần Kỳ

Đó chỉ là những câu chuyện thường nhật ở Tòa án tối cao, phản ánh tinh thần thượng tôn pháp luật, hết lòng phục vụ nhân dân mà Chánh án Phạm Hưng luôn luôn thực hiện và đòi hỏi cả bộ máy phải thực hiện. Hồi đó, ông quy định mỗi tuần Chánh án trực tiếp tiếp công dân đến khiếu nại một lần và tất cả đơn thư gửi đích danh Chánh án thì chuyển cho Chánh án đọc để xử lý, không chuyển cho cấp dưới đọc rồi báo cáo.

Nhiều người dân khiếu nại bức xúc, được mời lên gặp Chánh án để trình bày, qua đó họ có thêm niềm tin tưởng và yên tâm trở về chờ kết quả giải quyết, không ăn đợi nằm chờ tại Tòa án một cách mệt mỏi và gây phiền phức cho Tòa án. Những buổi Chánh án tiếp dân như thế bao giờ cũng có cán bộ chuyên môn ngồi cùng nên nhiều vụ được giải quyết nhanh chóng.

4.

Một điều nữa chị Dung thấy cần học tập ở bố, là trong công việc ông rất nghiêm khắc nhưng trong đời sống ông lại rất tình cảm, quan tâm đến anh em đồng nghiệp, nhất là cấp dưới, nhất là những người làm văn phòng, tạp vụ… Biết nhân viên ốm đau là ông đến thăm, đám cưới nhân viên văn phòng ở tận quê có khi ông cũng về dự. Ông đặc biệt quan tâm đến các cán bộ lãnh đạo đã nghỉ hưu, dù ở Tòa án tối cao hay Tòa án các địa phương.

Ngày Tết thì ông càng bận rộn, những ngày cuối năm ông tranh thủ sau giờ làm việc là đi thăm các cán bộ công tác ở Tòa án tối cao đã nghỉ hưu, đi đến hết mới thôi.

Ông Khuất Duy Hiệp cũng nói, mỗi khi đi công tác, làm việc xong với cấp ủy, Tòa án các tỉnh, thành phố, Tòa án Quân sự các quân khu hoặc các Tòa Phúc thẩm ở Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh, bao giờ ông cũng dành thời gian đến tận nhà riêng các vị Chánh án, Phó Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Tòa án quân sự các quân khu và lãnh đạo Tòa phúc thẩm đã nghỉ hưu để thăm sức khỏe và động viên, nhắc lại những kỷ niệm cũ rất ấm áp. Ông cũng nhiều lần đến thăm Chánh án Phạm Văn Bạch và các vị Phó Chánh án đã nghỉ hưu như ông Tư Thắng, bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh, bà Nguyễn Thị Chơn ở Tp Hồ Chí Minh hay bà Phương Hằng ở Hà Nội… Ông thường nhắc văn phòng có cán bộ nào ốm đau nặng phải báo để ông đến thăm.

Đối với cán bộ trong cơ quan, ông Đỗ Văn Chỉnh nhận xét, Chánh án Phạm Hưng luôn luôn là trung tâm đoàn kết, luôn tập hợp được mọi lực lượng để cùng thực hiện nhiệm vụ, cấp dưới được tôn trọng, quan tâm, lắng nghe, đánh giá đúng năng lực và được phân công công việc hợp lý. Do đó, Chánh án Phạm Hưng có một đội ngũ cán bộ dưới quyền rất tuyệt vời, đứng đầu là Phó Chánh án Trịnh Hồng Dương – một chuyên gia pháp luật hàng đầu và rất tận tâm, tận lực với công việc. Sau ông Trịnh Hồng Dương là ông Nguyễn Văn Hiện, ông  Đặng Quang Phương, ông Từ Văn Nhũ, ông Dương Ngọc Ngưu những Tiến sĩ Luật tốt nghiệp từ Liên Xô; ông Đinh Văn Quế, ông Tưởng Duy Lượng… tràn đầy nhiệt huyết. Sau này, trước khi nghỉ hưu, Chánh án Phạm Hưng đã giới thiệu Phó Chánh án Trịnh Hồng Dương kế nhiệm.

5.

Chia tay chị Dung, bước ra đường phố có hàng sấu cổ thụ tán lá xanh thẫm, có những vệt nắng thu vàng rực, người xe tấp nập, tôi chợt nghĩ rằng lịch sử đi qua để lại những dấu chân. Có thể nói, Chánh án Phạm Hưng để lại một dấu chân đặc biệt mà lịch sử ngành tư pháp Việt Nam sẽ luôn nhớ đến với lòng biết ơn, sự kính trọng vì những cống hiến và sự trăn trở khôn nguôi của ông về vai trò và ý nghĩa của ngành Tòa án nhân dân đối với sự phát triển đất nước.

Từ ông luôn tỏa ra một năng lượng tích cực, khích lệ, động viên các cộng sự và cấp dưới phải nỗ lực không ngừng trong việc hướng tới tính chuyên nghiệp, vươn tới tầm cao của trí, độ sâu của nhân, để các bản án, quyết định của Tòa án luôn luôn thấu lý đạt tình.

Có thể nói các thế hệ công chức, người lao động trong hệ thống Tòa án nhân dân ngày nay, có quyền tự hào về lịch sử vẻ vang của ngành, với tên tuổi các vị lãnh đạo tiền bối, từ Chánh án Phạm Văn Bạch, Chánh án Phạm Hưng đến Chánh án Trịnh Hồng Dương đã đi xa – những tấm gương hết lòng vì sự nghiệp Tòa án, bảo vệ pháp luật, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội với trái tim trong sáng và thanh sạch. Thời gian càng lùi xa, những tấm gương ấy dường như càng tỏa sáng.

 

Với uy tín và kinh nghiệm của mình, Chánh án Phạm Hưng thật sự là một cây đại thụ của ngành Tòa án nhân dân nói riêng và hệ thống tư pháp nói chung. Với 17 năm giữ cương vị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ông còn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, VI, VII; đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX. Sau khi nghỉ hưu, ở tuổi 71 ông còn làm cố vấn pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước, cho đến tháng 4/1999 ông được bầu làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam trọn một nhiệm kỳ.

 

Chánh án TANDTC Phạm Hưng thăm CHDC Đức – Ảnh tư liệu

 

 

 

 

NGUYỄN PHAN KHIÊM