NHỚ CHÁNH ÁN TRỊNH HỒNG DƯƠNG (Kỳ cuối)

Khi anh Dương chính thức nghỉ, tôi không bao giờ quên được hình ảnh anh gọi tôi lên, đưa cho tôi chùm chìa khóa phòng và bảo "Tớ trả lại phòng, những thứ gì của cơ quan, tớ vẫn để nguyên trong đó ". Anh đùa "Từ giờ phút này, tớ là phó thường dân, báo cáo ông Chánh Văn phòng, tôi chỉ ra về với cái túi cũ này thôi, xin ông làm chứng hộ ". Anh Dương đùa nhưng tự nhiên nước mắt tôi cứ trào ra, không nói được, cổ họng có cái gì đó chẹn lại. Anh Dương ôm tôi, lần đầu tiên của mấy chục năm sống và làm việc với anh - tôi nhìn thấy anh khóc.

Hết nhiệm kỳ, anh Dương nghỉ hưu. Trong khi chờ Quốc hội bầu Chánh án mới, anh vẫn lãnh đạo ngành nhưng không ký một số quyết định nữa. Dịp ấy, Văn phòng thiếu lái xe và được phép tuyển dụng bốn người. Mọi thủ tục thi tay nghề, xác minh lý lịch xong cả, tôi trình anh Dương ký quyết định tiếp nhận. Anh hỏi tôi nếu lùi lại một vài tháng nữa có sao không, bởi tớ sắp nghỉ lại ký quyết định tiếp nhận khiến người ta dị nghị, dù mình trong sáng. Tôi nói cũng cần nhưng chúng em sẽ thu xếp, khắc phục vậy. Nói thế cũng là để giữ cho anh khỏi phải suy nghĩ về những chuyện nhỏ này. Sau đó mới thấy cũng may mà anh Dương không ký vì quan điểm tuyển dụng lái xe của Chánh án mới lại khác. Văn phòng phải làm lại từ đầu.

Khi anh Dương chính thức nghỉ, tôi không bao giờ quên được hình ảnh anh gọi tôi lên, đưa cho tôi chùm chìa khóa phòng và bảo “Tớ trả lại phòng, những thứ gì của cơ quan, tớ vẫn để nguyên trong đó “. Anh đùa “Từ giờ phút này, tớ là phó thường dân, báo cáo ông Chánh Văn phòng, tôi chỉ ra về với cái túi cũ này thôi, xin ông làm chứng hộ “. Anh Dương đùa nhưng tự nhiên nước mắt tôi cứ trào ra, không nói được, cổ họng có cái gì đó chẹn lại. Anh Dương ôm tôi, lần đầu tiên của mấy chục năm sống và làm việc với anh – tôi nhìn thấy anh khóc. Những giọt nước mắt mặn chát của anh chẩy trên mặt rồi lăn xuống miệng tôi, cay đắng. Một lát, hình như để kìm nén cảm xúc, anh quay lại nhìn căn phòng làm việc, đứng lặng rồi nói khẽ “Thôi tớ về đây”. Tôi chưa kịp nói gì thì anh nói tiếp “Đừng tiễn tớ” . Tôi vâng ạ lí nhí rồi đứng đờ ra nhìn theo bóng anh nhỏ dần, mờ dần, nhạt nhòa trong nước mắt.

Anh Dương nghỉ, Công đoàn họp bàn xem nên mua quà gì để tặng anh. Lúc đó tôi là Chủ tịch Công đoàn cơ quan, bàn mãi mới quyết định mua tặng anh một bộ bàn ghế gỗ vì thấy bộ bàn ghế nhà anh cũng kỹ quá, có cho cũng không có người nhận, làm củi cũng không đắt. Anh em phân công tôi mượn một số mẫu bàn ghế để anh Dương chọn. Anh Dương thấy tôi trình bày thì nói tớ cảm ơn Công đoàn , cảm ơn anh em và từ chối. Tôi và cô Đào, Phó Văn phòng năn nỉ mãi lấy lý anh không nhận là coi thường tình cảm của anh chị em cơ quan. Mãi anh mới đồng ý nhưng giao hẹn là chỉ nhận bàn ghế bình thường thôi, không cần gỗ tốt và đóng cầu kỳ quá, tốn kém tiền của Công đoàn. Anh em tôi sang Đồng Kỵ đặt đóng tặng anh một bộ bàn ghế gỗ tốt đúng mẫu anh thích nhưng trông rất giản dị như phong cách của anh.

Anh Dương nghỉ, Ban Cán sự Đảng TANDTC bàn và thống nhất giao cho tôi tổ chức mời anh Dương, chị Cát vợ anh Dương đi thăm, chào anh em một số tỉnh phía Nam. Anh Dương Ngọc Ngưu, Thẩm phán, Trưởng ban thư ký cũng chuyển sang công tác ở Quốc hội xin được đi cùng. Lãnh đạo đồng ý. Thế là tôi tháp tùng vợ chồng anh Dương, vợ chồng anh Ngưu đi vào Nam.

Anh Dương bảo đây là lần đầu tiên mình được đưa vợ đi chơi xa thế này, nếu còn làm việc chắc là không dám .Tôi xin ý kiến anh chị muốn đi đâu, tỉnh nào để chúng em bố trí. Anh Dương bảo tớ cũng đã đi làm việc với một số Tòa án tỉnh rồi, xem chị Cát thích đi đâu thì đi. Chị Cát bảo chị không biết, các chú cho đi đâu cũng được. Chuyến đi ấy, tôi tháp tùng anh chị Dương đi mấy tỉnh miền Tây, ra Côn Đảo, lên Đà Lạt… Đi nửa tháng mới về.

Hôm đi miền Tây, chú Hiệp lái xe Văn phòng 2 dừng nghỉ giải lao ở một quán nước bên đường. Xe đỗ, chúng tôi xuống xe đi vào quán, thấy chủ quán gọi vợ con lấy chậu rửa mặt, khăn mới để các bác rửa cho mát. Anh em tôi bảo nhau chủ quán này chu đáo và chiều khách thế. Chú Son, Phó Văn phòng phu trách Văn phòng 2 là người bản xứ cũng đi cùng đoàn gọi mỗi người một quả dừa xiêm. Nghỉ ngơi một chút, anh em lại tiếp tục đi. Tôi thanh toán tiền, vợ chồng chú chủ quán không lấy, tôi thấy lạ quá hỏi sao không lấy tiền? Chú chủ quán bảo vui quá, hôm nay mới được tận mắt nhìn thấy bác Trịnh Hồng Dương, Chánh án TANDTC. Dân ngưỡng mộ và rất kính trọng bác. Bác Dương và các bác dừng lại quán nhà em là diễm phúc cho nhà em rồi, sao dám lấy tiền của các bác. Vợ chồng chú chủ quán tiễn chúng tôi ra tận xe , tôi dúi vào tay cô vợ 100.000 đồng, cô ấy giẫy nẩy lên quyết không nhận. Chúng tôi cảm ơn rồi đi, ngoái lại vẫn thấy vợ chồng chú chủ quán đứng vẫy tay chào theo.

Hôm ra Côn Đảo, lãnh đạo huyện đảo đem xe ra đón ở sân bay( lúc đó còn đi bằng máy bay trực thăng). Tối hôm đó, đồng chí Chủ tịch huyện mời cơm cả đoàn. Ông Chủ tịch này cũng rất hài hước, trong bữa cơm chủ yếu là chuyện tiếu lâm, cười nghiêng ngả. Tôi nhớ ông nói là anh Dương ra chơi, Côn Đảo chẳng có gì, đãi anh một chầu vú nàng vậy. Tất cả anh em đều ngớ người, không hiểu ra sao thì ông gọi “Mang ra đây cho các anh thưởng thức vú nàng”. Chúng tôi thấy mấy cô phục vụ bê ra 3 đĩa to đầy sò nhưng loại sò này chỉ có một vỏ. Ông chủ tịch cầm một con sò lên ngắm nghía rồi giải thích đây là vú nàng, loại này chỉ có ở Côn Đảo, vì có một vỏ nên nó bám chặt vào ngầm đá ,phải lặn xuống ,dùng loại dao đặc biệt mới lấy được nó. Ông bảo nếu tôi cầm thế này thì là vú nàng ,tôi cầm ngược lại thì thành vú bà. Quả là đúng như vậy. Anh Dương và mọi người đều cười thoải mái. Loại sò này rất ngon, mềm và ngọt.

Buổi tối, mấy anh em kê bàn ghế ra hàng cây bàng cổ thụ rìa biển ngồi uống nước nói chuyện. Anh Dương hỏi tôi “Tớ hỏi thật cậu mấy lần Thành ủy Hà Nội xin cậu về làm Chánh án Hà Nội, tớ không cho cậu đi, cậu có giận tớ không? Tôi nói em hứa lên TATC giúp anh, em có xin đi đâu, bao giờ anh bảo cậu đi thì em đi, kể cả biết anh sẽ nghỉ em cũng không xin đi khỏi Văn phòng. Em không có gì phải giận anh cả, anh không phải nghĩ làm gì cho mệt đầu. Anh Dương bảo thế thì được.

Sáng hôm sau, ông Chủ tịch và cậu Đặng Văn Sử – Chánh án Côn Đảo, đưa anh em tham quan trại giam Côn Đảo. Khi mở cửa phòng giam, ông Chủ tịch nói với anh Dương: “Mời anh vào “. Anh Dương hỏi “Lệnh đâu? ” Ông chủ tịch ngớ ra, không hiểu. Anh Dương bảo cậu đưa tớ vào nhà giam thì phải có lệnh giam chứ. Vỡ lẽ, tất cả cùng cười.

Tôi học đại học luật cùng với chú Phan Trung Hoài là luật sư trong thành phố Hồ Chí Minh. Nếu biết tôi vào, thế nào chú Hoài cũng hẹn hò anh em gặp nhau. Lần đó, chú Hoài hỏi tôi ngỏ ý muốn mời anh Dương và cả đoàn bữa cơm thân mật. Tôi hỏi anh Dương, anh bảo bây giờ tớ nghỉ rồi , ngồi với nhau không sao. Chú Hoài mời anh em ăn cơm vui vẻ và nói em rất kính trọng anh, lúc anh còn làm việc, đâu dám mời.

Anh em các Tòa án đia phương đón tiếp anh Dương hết sức chân tình, chia tay cứ bịn rịn, lưu luyến. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt của chị em. Xúc động!

Phu nhân cố Chánh án Trịnh Hồng Dương bên ngôi mộ của ông ở Nghĩa trang Mai Dịch

Sau khi nghỉ ,anh Dương tham gia một số hoạt động xây dựng pháp luật nhưng không được nhiều vì bác sĩ phát hiện anh bị ung thư gan phải trị xạ. Tôi đến thăm anh ở bệnh viện, anh đã gầy lại càng gầy gò hơn. Anh bảo “Mình không uống rượu bia, không hút thuốc thế mà lại bị gan mới đau chứ “. Anh đùa biết thế này thì uống đại đi”. Tôi bảo đến nước ngọt có tí ga anh còn say, nói gì đến rượu bia. Anh cười bảo là tớ nói chơi thôi mà. Khi đó vợ cháu Trà My con cả anh Dương mới có thai mấy tháng, anh bảo tớ cầm cự để được nhìn thấy mặt cháu nội thì cũng không ân hận. Cũng may, anh Dương cầm cự được đến khi cháu nội anh đi học mẫu giáo. Khỏe một chút, hàng ngày anh đưa đón cháu mình và đưa đón hộ cả con cháu hàng xóm. Ông xách mấy cái cặp lùa mấy đứa trẻ đi về trông rất ngộ.

Khi bệnh nặng, anh cấp cứu và nằm ở Bệnh viện Hữu Nghị. Nhà neo người, không có người trông nom anh trong viện. Tôi vào thăm anh thường xuyên, có lần anh đùa “Cậu trốn việc à , bây giờ đang là giờ làm việc”. Tôi nói em trốn vào thăm anh chứ có trốn đi chơi đâu mà sợ”.

Năm ấy Viện thi đua khen thưởng có chủ trương xét tặng huân chương Độc lập cho lãnh đạo ngành đã nghỉ hưu. Anh Dương được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Tôi vào bệnh viện thông báo cho anh biết về kế hoạch của cơ quan sẽ tổ chức lễ trao Huân chương cho anh tại bệnh viện. Tôi thấy một thoáng buồn trong ánh mắt của anh.

Lễ trao Huân chương cho anh Dương được tổ chức tại Bệnh viện Hữu Nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến dự và trao Huân chương. Khi đó anh Dương không đứng được nữa mà phải ngồi xe lăn.

Tết năm ấy, anh phải nằm lại bệnh viện. Chị Cát bảo tôi chú đi mua cho anh một cây quất nhỏ mang vào viện cho có hương vị ngày Tết. Tôi lên vườn quất Tứ Liên mua câu quất đem vào viện. Anh Dương bảo mệt quá chẳng buồn ngắm nữa. Sức khỏe của anh ngày càng sa sút. Tôi bàn với công đoàn hàng ngày, nhất là đêm phải có người trông nom anh Dương. Công đoàn ủng hộ ngay, tôi báo cáo lãnh đạo cơ quan cũng đồng ý. Chúng tôi lên lịch phân công gọi nôm na là lịch trực đồng chí Trịnh Hồng Dương. Anh em được phân công chấp hành rất nghiêm túc.

Buổi trưa, tôi tranh thủ vào với anh. Có một hôm tôi vào thì chị Tú em anh Dương bảo chú trông anh hộ chị, chị chạy về tắm giặt, nghỉ một chút xong chị vào. Tôi ngồi nói chuyện với anh thì có điện thoại của anh Trọng , trước đây là Thẩm phán TANDTC. Anh Trọng gọi cho tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe của anh Dương. Biết tôi đang ở bệnh viện, anh Trọng bảo tôi đưa máy cho anh Dương. Tôi dặn anh Trọng nói ngắn gọn thôi, anh Dương yếu lắm rồi. Anh Trọng và anh Dương nói chuyện hơi lâu. Sợ anh Dương mệt nhưng tôi không dám cắt ngang.

Anh Dương muốn đi vệ sinh nhưng lại ngại bảo tôi. Tôi nói anh đừng có ngại gì. Anh Dương bảo tôi đỡ anh dậy và dìu anh vào nhà vệ sinh. Tôi đỡ anh dậy và bế luôn anh đi , người anh nhẹ bẫng, chỉ còn da và xương. Hôm đó anh dặn tôi một số việc. Lần đầu tiên, anh xưng anh với tôi “Anh biết không qua được, cậu nhớ những việc anh dặn chưa?” Đấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng anh xưng hô với tôi như vậy.

Hôm sau , tôi đi cùng với các anh lãnh đạo vào thăm anh thì anh không nói được nữa rồi chỉ còn ánh mắt yếu ớt cố động đậy nhìn chúng tôi. Anh Trần Văn Tú, Phó Chánh án ghé vào tai anh hỏi “Anh có dặn dò gì chúng em không? “Anh Dương không nói được nhưng chỉ vào tôi. Tôi nói hôm qua anh Dương dặn tôi rồi. Gần sáng hôm sau, chị Cát gọi điện báo anh Dương đã mất. Dù biết chuyện này sẽ xảy ra nhưng nghe tin thấy hẫng hụt, buồn thương vô cùng!


Tác giả thăm mộ cố Chánh án Trịnh Hồng Dương

Cơ quan và gia đình tổ chức tang lễ cho anh rất chu đáo, long trọng. Sau này anh em Văn phòng cùng gia đình xây mộ cho anh như các bạn thấy trong ảnh. Tôi vừa đến nghĩa trang Mai Dịch thắp hương cho anh, có cảm giác anh cười. Không hiểu sao, cứ đến kỷ niệm Ngày Truyền thống của ngành 13/9 hàng năm tự nhiên ký ức về cả cuộc đời gắn bó với ngành Tòa án và hình ảnh Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương – một người anh , người thầy, người lãnh đạo tài giỏi , uyên thâm, sống liêm khiết, giản dị, đầy ắp tình người…. lại ùa về, thúc giục tôi viết để mọi người, nhất là cán bộ ngành Tòa án nhân dân hiểu hơn về nhân cách của một con người – Tư lệnh có một không hai của Tòa án nhân dân.

Ghi chép của NGUYỄN QUANG LỘC