Tòa án nhân dân huyện Đam Rông vượt mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Vượt quãng đường đèo hơn 100 km tính từ trung tâm thành phố Đà Lạt, chúng tôi đến với huyện nghèo Đam Rông- huyện hiếm hoi không có bến xe, không có chợ. Huyện nghèo nơi đây có nhiều dân tộc và tôn giáo cùng sinh sống (hơn 74% dân số là đồng bào dân tộc và có 4 tôn giáo)… dù có rất nhiều khó khăn, trở ngại nhưng Tòa án nhân dân huyện Đam Rông luôn vượt mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Tòa án nơi huyện nghèo nhất nước và chưa có chợ, chưa có bến xe

Đam Rông là huyện miền núi, nằm phía Tây Bắc của tỉnh Lâm Đồng, với tổng diện tích tự nhiên là 86.090 ha, trong đó đa số là diện tích đất lâm nghiệp. Tổng dân số của toàn huyện khoảng 47.069 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 35.018 người, chiếm 74,4% dân số của toàn huyện. Trên địa bàn huyện, cộng đồng các dân tộc sinh hoạt theo 04 nhóm tôn giáo gồm: Đạo Thiên chúa giáo; Đạo Phật giáo; Đạo Tin Lành và Đạo Cao Đài.

Là một trong 63 huyện nghèo nhất trong cả nước, Đam Rông cách Đà Lạt hơn 100 km. Dù đường đi từ Đà Lạt lên là đường đèo, dốc, quanh co, hiểm trở nhưng chúng tôi rất hiếm gặp xe ô tô đi ngược chiều, điều đó được lý giải khi chúng tôi biết được thông tin Đam Rông là một trong những huyện rất hiếm hoi không có bến xe, không có chợ.

 

Tòa án nhân dân huyện Đam Rông có trụ sở đóng tại địa bàn thôn 1, xã Rô Men- trung tâm hành chính của huyện Đam Rông

Những khó khăn luôn hiện hữu

Tòa án nhân dân huyện Đam Rông được thành lập từ ngày 30/12/2004, khi mới thành lập Tòa án chỉ có 05 biên chế với 02 thẩm phán và 03 thư ký.

 

Buổi họp thường kỳ của TAND huyện Đam Rông

Đến nay tuy đã thành lập được 15 năm và Luật tổ chức Tòa án, Bộ luật tố tụng hình sự, dân sự… đã có nhiều thay đổi theo hướng nâng cao năng lực của Tòa án cấp huyện nhưng Tòa án huyện nơi đây vẫn chỉ thêm có 02 biên chế, hiện tại đơn vị có 07 biên chế. Trong 07 biên chế đó có 03 thẩm phán trong đó 01 Thẩm phán giữ cương vị Chánh án (hiện tại chưa có Phó Chánh án), 04 thư ký và 02 nhân viên hợp đồng 68/NĐ-CP. So với chỉ tiêu biên chế được phân bổ thì đến nay đơn vị còn thiếu thiếu 01 thẩm phán, 01 kế toán.

Đam Rông có nhiều dân tộc cùng sinh sống nên tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện tương đối phức tạp, án hình sự có chiều hướng tăng, đặc biệt do trình độ dân trí chưa cao, dân còn nghèo nên tình trạng đốt, phá rừng còn nhiều, các hành vi khai thác trái phép rừng, tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép gỗ chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ án hình sự của Tòa án huyện; quan hệ tranh chấp trong nhân dân ngày càng tăng và có nội dung phức tạp, địa hình đi lại khó khăn nên việc tống đạt, định giá, giám định gặp rất nhiều khó khăn…

Quan hệ phối hợp trong công tác tốt, Nội bộ đoàn kết

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến là trụ sở Tòa án nhân dân huyện khá đẹp, các anh chị em trong đơn vị vui vẻ, đoàn kết.

Chánh án Hoàng Rung K Nhơn cho biết: “Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân huyện Đam Rông đã được cấp đất và xây dựng trụ sở Tòa án tương đối khang trang, bàn ghế trang thiết bị làm việc tương đối đầy đủ, đáp ứng được nhiệm vụ xét xử của đơn vị.

Tòa án nhân dân huyện Đam Rông có Chi bộ độc lập trực thuộc huyện ủy Đam Rông, hiện tại Chi bộ có 7 đảng viên trong đó 05 đảng viên chính thức, 02 đảng viên dự bị. Tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên và Chi hội luật gia ở đây đều hoạt động sôi nổi, tham gia mọi hoạt động do Tòa án cấp trên và Chính quyền địa phương phát động.

Anh vui vẻ kể thêm:

Các Thẩm phán, thư ký thuộc Tòa án huyện đều xa quê hương, xa gia đình đến Đam Rông lập nghiệp, do đó hầu hết các anh chị em đều ăn nghỉ luôn tại khu nhà tập thể phía sau cơ quan, rất đoàn kết và hết lòng vì công việc, vì tập thể”.

 

Kỷ niệm ngày truyền thống Tòa án nhân dân

Vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Dù những khó khăn về biên chế thiều thốn, về đời sống vật chất, tinh thần còn gặp nhiều khó khăn nhưng Tập thể TAND huyện nơi đây dưới sự lãnh đạo của vị Chánh án nhiệt huyết, coi Tòa án huyện như ngôi nhà thứ hai của mình đã đưa đơn vị vững bước đi lên.

Tuy huyện nghèo ở vùng xa xôi, hẻo lánh nhưng lượng án nơi đây tương đối cao, theo báo cáo của Tòa án nhân dân huyện Đam Rông, năm 2018 Tòa án đã giải quyết 246/ 263 vụ, việc đã thụ lý các loại, tỷ lệ giải quyết đạt 93,54%.

Án hình sự đã giải quyết 36 vụ – 62 bị cáo/ 36 vụ – 62 bị cáo đã thụ lý, tỉ lệ giải quyết đạt 100%.

Án dân sự, đã giải quyết 64/75 vụ việc thụ lý, tỉ lệ giải quyết đạt 85,33%.

Đặc biệt án Hôn nhân và gia đình ở đây tương đối lớn, năm 2018, Tòa án huyện đã giải quyết 144vụ/ 150 vụ việc đã thụ lý, tỉ lệ giải quyết đạt 96%.

Công tác thi hành án hình sự, phiên tòa rút kinh nghiêm, việc công khai bản án đều được chú trọng.

Nhìn chung công tác thụ lý xét xử các vụ án hình sự, Tòa án nhân dân huyện Đam Rông đã chú trọng nâng cao trách nhiệm của thẩm phán, hội thẩm nhân dân trong việc nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra phán quyết, do đó chất lượng công tác xét xử ngày càng được nâng cao, chính vì vậy trong năm không có vụ án nào xử oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Tòa án cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, xác định được án trọng điểm để khẩn trương đưa ra xét xử lưu động tại các địa phương nơi xảy ra nhiều tội phạm, nhằm tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, đồng thời để răn đê và phòng ngừa tội phạm xảy ra, góp phần vào việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

 

Chánh án TAND huyện Đam Rông trao quà cho hộ nghèo của huyện nhân dịp Tết Kỷ Hợi 

Trong công tác thụ lý giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án nhân dân huyện Đam Rông đã chú trọng đến công tác hòa giải, nên tỉ lệ hòa giải trong vụ việc dân sự đạt 64% ( Chỉ tiêu của ngành là 60%)

Đặc biệt liên tục trong các năm 2015, 2016, 2017, 2018, Tòa án nhân dân huyện Đam Rông đều đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; năm 2016 và năm 2018 được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng Bằng khen.

 

Thành viên Đoàn công tác chụp ảnh kỷ niệm tại trụ sở TAND huyện Đam Rông

Chia tay Tòa án nhân dân huyện Đam Rông chúng tôi nhớ mãi những nụ cười lạc quan, những câu chuyện vui nhưng thể hiện sự xử lý linh hoạt phù hợp phong tục tập quán của các Thẩm phán khi tiến hành hòa giải; trong quá trình đi xác minh, định giá… vững tin ở vị Chánh án có quá trình phấn đấu bền bỉ, ở Tập thể Thể Tòa án nhân dân huyện Đam Rông luôn bám sát phương hướng, nhiệm vụ mà Tòa án nhân dân tối cao và TAND tỉnh Lâm Đồng đề ra, đã và đang thực hiện tốt Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp.

HẢI HÀ