TS Phạm Minh Tuyên – Không nguôi trăn trở về công tác xét xử và quy định của pháp luật

Hoạt động xét xử là lao động đặc thù, đòi hỏi người Thẩm phán phải nắm vững các quy định của pháp luật và vận dụng phù hợp để giải quyết từng vụ án được phân công thật sự đúng pháp luật, khách quan, toàn diện và được dư luận đồng tình. Có lẽ vì làm công tác xét xử đã quá căng thẳng nên không có nhiều Thẩm phán dành tâm huyết cho hoạt động nghiên cứu pháp luật, do đó hoạt động của TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa làm tốt công tác xét xử, vừa tích cực nghiên cứu, giảng dạy là một trường hợp khá hiếm của ngành Tòa án hiện nay.

Kiến nghị trong Luận án Tiến sĩ

Luận án Tiến sĩ của Phạm Minh Tuyên bảo vệ năm 2006 về “Trách nhiệm hình sự đối với tội phạm về ma túy theo luật hình sự Việt Nam” , trong đó tác giả kiến nghị bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy”. Kiến nghị này không chỉ căn cứ vào lý luận mà còn căn cứ trên thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy mà Tòa án đã xét xử nhiều vụ cho thấy những kẻ chủ mưu thường rất khó bị phát hiện, đại đa số những người bị bắt là người nghèo, người dân tộc thiểu số vì kiếm sống khó khăn mà tham gia vận chuyển thuê; người được gọi là tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhiều trường hợp cũng là “con nghiện”.

Mặc dù tác hại của số ma túy mà họ vận chuyển thuê rất nghiêm trọng, nhưng tiền công họ thu về không nhiều, họ chỉ thuần túy là người làm thuê nên bỏ hình phạt tử hình đối với những đối tượng này là phù hợp, thể hiện được tính nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, kiến nghị mạnh dạn của tác giả không dễ gì được chấp nhận vì tội phạm ma túy đang là điểm nóng, cần nghiêm trị, không thể nương nhẹ.  Dư luận không thể quên năm  1997, TAND Hà Nội công khai xét xử vụ án mua bán, vận chuyển tàng trữ trái phép các chất ma túy do Vũ Xuân Trường và Xiêng Phênh cầm đầu, kéo dài 12 ngày, với 8 án tử hình, 8 án chung thân, gây chấn động dư luận xã hội, thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân. Trùm ma túy Vũ Xuân Trường lúc ấy đang là đại úy thuộc Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an. Sau khi Xiêng Phênh bị bắt với 90 bánh heroin đã khai ra Vũ Xuân Trường khiến toàn bộ đường dây buôn bán ma túy của viên đại úy này cũng bị bắt. Các đối tượng trong đường dây đã mua bán, vận chuyển trên 250kg heroin, 210kg thuốc phiện và đã 11 lần đưa ma túy thẩm lậu vào Việt Nam. Năm 1998, Vũ Xuân Trường bị thi hành án tử hình.

Lúc đó nhiều ý kiến cho rằng xử nghiêm như thế để không kẻ nào dám buôn bán trái phép chất ma túy nữa, nhưng thực tế cho thấy không phải xử nhiều án tử hình là hết tội phạm. Vì vậy, kiến nghị bỏ án tử hình với tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy” của TS Phạm Minh Tuyên phải nói là rất táo bạo và nhân văn… Thực tiễn ngày càng chứng minh kiến nghị đó có cơ sở, sau đó việc bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, đã được Quốc hội thông qua trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2009 và hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” cũng được Quốc hội bỏ hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự năm 2015.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ
cho Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên

Xóa án tích

Phạm Minh Tuyên có một mẫn cảm pháp luật như thế, nên hoạt động nghiên cứu pháp luật hình sự tạo nên được những dấu ấn đáng ghi nhớ. Tại nhiều diễn đàn và các công trình khoa học đã công bố, TS Phạm Minh Tuyên đã kiến nghị về thay đổi thời hạn xóa án tích, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng có lợi cho người phạm tội. Theo quy định, thời điểm đương sự chấp hành xong hoàn toàn hình phạt chính và các quyết định trong bản án mới được tính để xóa án tích, TS Tuyên kiến nghị thời điểm xóa án tích chỉ nên tính từ thời điểm đương sự thi hành xong hình phạt chính. Trao đổi với chúng tôi, TS Tuyên cho rằng: Người phạm tội đã phải chịu hình phạt, hình phạt tù là rất nghiêm trọng, hạn chế quyền tự do, gây tổn thương danh dự, nên khi họ chấp hành xong hình phạt tù thì phải tính từ thời điểm đó để xóa án tích. Ngoài hình phạt chính, việc thi hành các quyết định dân sự như bồi thường, cấp dưỡng… thì phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của từng người, có người không thể thực hiện được. Ông Tuyên dẫn ra một ví dụ từ thực tiễn Bắc Ninh, “có anh làm thuê làm cháy xưởng, dẫn đến phải tù 6 năm và bồi thường cho chủ 10 tỉ đồng. Số tiền này đương sự không thể bồi thường nổi vì thực tế sau khi mãn hạn tù anh ta tự nuôi mình còn vất vả”. Hay có nhiều vụ buộc phải cấp dưỡng cho cha mẹ bị hại, thì không biết khi nào mới hoàn thành, có trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng chết trước người được cấp dưỡng. “Nếu không thay đổi cách tính thời điểm thì có nhiều người không bao giờ được hưởng chế định xóa án tích rất văn minh và nhân đạo”- TS Tuyên trăn trở.

Điều TS Tuyên rất vui là tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2015, Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Độ đã phát biểu ủng hộ quan điểm đó. Hiện nay, quy định của pháp luật chưa hoàn toàn thay đổi theo kiến nghị của TS Tuyên nhưng đã uyển chuyển hơn trước, chỉ tính thời điểm thực hiện xong hình phạt chính đến khi phạm tội mới, không tính thời hiệu các quyết định khác.


TS. Phạm Minh Tuyên thường xuyên nhắc nhở bỏ ngay quan niệm “án tại hồ sơ”, nhấn mạnh quan niệm “án tại phiên tòa”

Đầu năm 2013, TS Tuyên đã kiến giải về nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa hình sự, trong đó nhấn mạnh cần đưa “nguyên tắc suy đoán vô tội” và “quyền im lặng” vào các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Sau đó, Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (khoản 5 Điều 103) và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã đưa vấn đề “suy đoán vô tội” thành một trong các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, vấn đề quyền im lặng cũng được nhiều nhà khoa học đồng tình… Vụ án Trương Hồ Phương Nga mới đây phản ánh rất rõ việc thực hiện quyền im lặng của bị cáo.

Trong quá trình nghiên cứu, TS Tuyên đã có những kiến nghị về việc cần đưa việc giám định hàm lượng các chất ma túy làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Năm 2007 vấn đề giám định hàm lượng các chất ma túy trong các vụ án hình sự đã chính thức được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007. Đây là vấn đề đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau, nên nó vẫn là một vấn đề pháp lý có tính thời sự.

Ý nghĩa thiết thực

Từ bài báo khoa học đầu tiên năm 1993 đến nay, Phạm Minh Tuyên đã có rất nhiều công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành Luật, các Kỷ yếu hội thảo, và có nhiều cuốn sách được xuất bản.

Trong 6 năm gần đây ( 2011 – 2016), TS Phạm Minh Tuyên đã xây dựng và trực tiếp tổ chức thực hiện nhiều đề tài khoa học, trong đó có sự phối hợp cùng tổ chức Jica, Vụ hợp tác quốc tế TANDTC tổ chức và chủ trì hội thảo khoa học, xây dựng và biên soạn cuốn sổ tay “Quy trình giải quyết vụ án hình sự”. Cuốn sổ tay do TS Tuyên trực tiếp nghiên cứu và biên soạn được xuất bản vào tháng 3/2012, làm tài liệu tham khảo cho các Thẩm phán và Thư ký khi nghiên cứu và giải quyết các vụ án hình sự.

Trong năm 2012, trên cơ sở phối hợp cùng Tổ chức Jica, Vụ hợp tác quốc tế TANDTC, TS Tuyên đã trực tiếp biên soạn và chủ trì cuộc Hội thảo khoa học có sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản, các đại biểu của các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh đối với cuốn sách tham khảo “Các tội phạm về ma túy – cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử ở Việt Nam”. Tiếp nhận các ý kiến tại cuộc Hội thảo, TS Tuyên đã hoàn thành cuốn sách và được xuất bản năm 2013.

Năm 2013, TS Tuyên cũng cùng các chuyên gia Nhật Bản tổ chức cuộc Hội thảo quốc tế “Đánh giá hiệu quả Bộ luật hình sự năm 1999 – Những kiến nghị sửa đổi”. Cuộc Hội thảo thu hút nhiều đại biểu đến từ các tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Từ cuộc Hội thảo này, TS Phạm Minh Tuyên đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật hình sự 2015 tại các cuộc Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội thảo do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, trong đó có nhiều ý kiến của TS Tuyên đã được Ban soạn thảo đồng ý và đưa vào quy định tại Bộ luật hình sự 2015, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Năm 2014, TS Tuyên cũng đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Giáo dục pháp luật cho thanh niên ở tỉnh Bắc Ninh” và kết hợp cùng Vụ hợp tác quốc tế và Jica tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ – Cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử tại Việt Nam”. Sau khi tiếp nhận những ý kiến từ cuộc Hội thảo, TS Tuyên đã trực tiếp biên soạn và đã xuất bản năm 2015, trở thành  sách tham khảo dành cho các Thẩm phán và Thư ký trong hệ thống Tòa án.

Năm 2016, với tư cách là Chánh án tỉnh Bắc Ninh, TS Tuyên đã phối hợp cùng với các chuyên gia của tổ chức Jica Nhật Bản và Vụ hợp tác quốc tế của Tòa án nhân dân tối cao, tổ chức thành công hai cuộc Hội thảo quốc tế với các nội dung “Tìm hiểu những quy định mới và triển khai thi hành Luật tố tụng hành chính năm 2015.

Có thể nói, những công trình đã xuất bản, mang tính hướng dẫn trên đây là tài liệu tham khảo có ý nghĩa thiết thực đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và các chức danh tư pháp khác, được bạn đọc đánh giá cao. Bởi lẽ trong đó vừa có tính lý luận đáp ứng những thay đổi của pháp luật trong giai đoạn hội nhập hiện nay, vừa mang tính thực tiễn, cụ thể. Trong kế hoạch tới đây, TS Tuyên cho biết, ông sẽ chỉnh sửa lại theo quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để tái bản làm tài liệu tham khảo cho các Thẩm phán và Thư ký của hệ thống Tòa án.

Ngoài những công việc trên, TS Tuyên còn là giảng viên kiêm chức, tham gia giảng dạy các lớp đào tạo Thẩm phán, Luật sư và đào tạo Cao học cho Học viện Tư pháp và Viện Nhà nước và pháp luật thuộc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Tòa án và ngồi các Hội đồng khoa học chấm đề tài cấp bộ và các luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ, trực tiếp hướng dẫn thành công 25 học viên thạc sĩ đạt loại giỏi và xuất sắc, hiện đang trực tiếp hướng dẫn năm học viên làm đề tài Luận văn Thạc sĩ luật học và hai Nghiên cứu sinh làm luận án Tiến sĩ luật học.

Là lãnh đạo một Tòa án tỉnh, bên cạnh việc bố trí thời gian làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, TS Phạm Minh Tuyên vẫn trực tiếp tham gia công tác xét xử. Trong khoảng thời gian từ năm 2011 – 2016, TS. Phạm Minh Tuyên đã trực tiếp giải quyết, xét xử 531 vụ án hình sự và dân sự theo trình tự sơ thẩm và phúc thẩm, tham gia ngồi hội đồng 184 vụ án hình sự và dân sự theo trình tự sơ thẩm và phúc thẩm, trực tiếp xét xử lưu động 27 vụ án hình sự.

Vì thế, đã có nhiều bài báo viết về Phạm Minh Tuyên như  Báo Công lý với các bài viết “Bao công miền Quan họ”; “TS. Phạm Minh Tuyên một người yêu lẽ công bình”; Báo Bắc Ninh với tựa đề “Hạnh phúc là được cống hiến”. Đặc biệt, năm 2015, TS. Phạm Minh Tuyên đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì; năm 2016, TS. Tuyên được Hội trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam tặng Bảng vàng vinh danh “Trí thức xuất sắc thời kỳ đổi mới”; ngày 14/01/2017 được Trung ương Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực – nhân tài Việt Nam tặng Bảng vàng vinh danh “Trí thức xuất sắc đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội năm 2016” cùng bốn chữ vàng “Tâm – Tài – Trí – Đức. Kết thúc năm công tác 2017, Chánh án Phạm Minh Tuyên là một trong hai cá nhân của Hệ thống Tòa án được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

 

***

Người làm công tác xét xử thường không thích bộc lộ quan điểm, nói gì thì bản án đã nêu kiểu “án tại hồ sơ” nhưng ông Thẩm phán, Chánh án Tòa án tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên thì khác, làm tốt công tác quản lý, công tác xét xử và luôn chỉ đạo các Thẩm phán của tỉnh Bắc Ninh cũng như khi tập huấn, giảng dạy cho các Thẩm phán, thư ký phải bỏ ngay tư duy “án tại hồ sơ” mà phải có tư duy “án tại phiên tòa” để nâng cao chất lượng tranh tụng và phòng, chống oan sai trong hoạt động xét xử. Nhìn ông có vẻ hơi khó gần, khó tiếp xúc, nhưng thực chất Phạm Minh Tuyên là người cởi mở, không ngại bộc lộ, chia sẻ quan điểm nghiên cứu của mình, dù có thể có vẻ trái chiều hay xa lạ lúc đó. Tính cách đó tạo nên hình ảnh một TS Phạm Minh Tuyên ăn to nói lớn, nghiêm túc nhưng cũng hào sảng, bình dị.

Là bạn bè với nhau nhiều năm, tôi nghĩ thầm: Có lẽ đó là do thiên bẩm, hay sâu xa hơn là do chất “Quảng Nam hay cãi” trong con người Phạm Minh Tuyên. Ông có cơ hội và điều kiện bộc lộ gen trội của người cha quê xã Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ( hy sinh khi Phạm Minh Tuyên mới 1 tuổi). Tính cách ưa lý lẽ, phản biện của cha ấy lại may mắn được sinh ra ở quê mẹ, vùng đất khoa bảng Bắc Ninh khiến Phạm Minh Tuyên sớm trở thành một Thẩm phán xét xử tốt, một Tiến sĩ Luật học có nhiều thành công trong hoạt động nghiên cứu.

THÁI VŨ