Kinh nghiệm về tạo lập và áp dụng án lệ ở Hà Lan

Án lệ mới được thừa nhận và áp dụng án lệ bắt buộc chính thức ở Việt Nam từ năm 2015 đến nay. Do vậy, kinh nghiệm về tạo lập và áp dụng án lệ tại Việt Nam còn chưa nhiều. Vì vậy, thông qua việc nghiên cứu về lịch sử phát triển án lệ ở Hà Lan, tác giả mong muốn rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

1.Sơ lược về lịch sử phát triển hệ thống pháp luật Hà Lan

Trước cuộc cách mạng 1780, Hà Lan là quốc gia tổ chức theo hình thức liên bang nhưng sau cuộc cách mạng này khoảng 2 năm từ năm 1809 đến 1810 Hà Lan đã chuyển đổi thành nhà nước đơn nhất có một hệ thống pháp luật thống nhất. Do đó, Tòa án ở Hà Lan không chịu ảnh hưởng bởi văn hóa tập trung quyền lực theo kiểu chế độ bảo hoàng của Pháp (Tòa án là công cụ của chính quyền trung ương). Ngược lại, ở Hà Lan tòa án mang tính địa phương, thể hiện quyền lực, quyền hạn và đặc quyền của địa phương. Đặc biệt các tòa án được lập ra ở các thị trấn hùng mạnh và sầm uất. Điểm này rất giống với tòa án của Anh trong lịch sử. Trong bối cảnh này, Tòa án ở Hà Lan không có lịch sử lạm quyền như các tòa án ở Pháp. Hà Lan có nền kinh tế thương mại rất phát triển. Do vậy, các chế định pháp luật tư như hợp đồng, tín dụng, phá sản, công ty…vv rất được coi trọng. Mặt khác, tính hiệu quả và thực dụng của hệ thống pháp luật cũng là mục tiêu quan trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế thương mại mậu dịch.

Do pháp luật Hà Lan chủ yếu có nguồn gốc từ các tập quán của địa phương thuộc các bang là thành viên của liên bang trước đây nên thiếu tính hệ thống. Vì vậy, nỗ lực pháp điển hóa Bộ luật Dân sự Napoleon ở Pháp năm 1804 rất hấp dẫn với các nhà cải cách Hà Lan. Có thể nói, việc chú trọng pháp luật thành văn đã trở thành một nét văn hóa ở quốc gia này. Để xây dựng Bộ luật Dân sự, các luật gia Hà Lan thuộc Ủy ban Pháp điển hóa phải mất gần 50 năm (1918 - 1964) nghiên cứu hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới mới hoàn thành xong đề án này[1]. Ở Pháp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nguyên tắc tam quyền phân lập của nhà triết học khai sáng Monstesquieu của Pháp: Tòa án tập trung vào chức năng áp dụng luật của nghị viện chứ không phải sáng tạo pháp luật. Tòa tối cao của Pháp không phải là một cấp xét xử mà thực hiện chức năng phá án hay sửa sai cho các tòa cấp dưới. Trong khi đó, Tòa tối cao của Hà Lan đảm nhận vai trò gần như là một tòa phúc thẩm cuối cùng, quy trình đưa ra ý kiến (renvoi) để cho tòa cấp dưới xét xử  lại lần cuối như Tòa phá án của Pháp là rất hạn chế[2].

2.Hệ thống tổ chức Tòa án ở Hà Lan

Ở Hà Lan, hệ thống tổ chức Tòa án giải quyết các vụ việc dân sự và hình sự được phân chia thành 3 tầng: Tòa tối cao có trụ sở ở Warsaw[3]; các Tòa phúc thẩm; các Tòa sơ thẩm. Ngoài ra, Tòa án hiến pháp thực hiện chức năng riêng của mình nằm ngoài hệ thống Tòa án tư pháp.[4]

Ở tầng thứ nhất, Tòa tối cao (Hoge Raad) là Tòa án có thẩm quyền cao nhất, Tòa này thực hiện chức năng giám sát đối với các tòa thông thường và Tòa quân sự[5]. Theo quy định tại Điều 4 Đạo luật Tòa án tối cao, thì số lượng Thẩm phán Tòa án tối cao ít nhất là 120 người[6] và được phân chia thành 5 phòng chuyên trách gồm: Phòng Dân sự; Phòng Hình sự; Phòng Lao động và An sinh xã hội; Phòng Kiểm soát các vấn đề đặc biệt và vấn đề công cộng; Phòng Kỷ luật[7].

Tòa tối cao thực hiện các chức năng chủ yếu sau[8]: a) Xem xét kháng cáo đối với các bản án, quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng; b) Xem xét kháng cáo đặc biệt trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa quyết định, bản án của tòa án với các quyết định của các cơ quan khác; c) Ban hành các nghị quyết định nhằm giải thích các quy phạm pháp luật còn chưa rõ ràng hoặc áp dụng quy phạm pháp luật dẫn đến kết quả không thống nhất; d) Ban hành các quyết định có các vấn đề pháp lý đặt ra cần giải quyết trong một vụ việc cụ thể.

Ở tầng thứ hai, Tòa phúc thẩm thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm các bản án do tòa sơ thẩm xét xử có kháng cáo lên. Tòa án thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm gồm Tòa phúc thẩm và Tòa khu vực[9]. Trong đó, Tòa phúc thẩm chỉ thực hiện xét xử phúc thẩm các bản án có kháng cáo do Tòa khu vực xét xử sơ thẩm. Còn Tòa khu vực sẽ thực hiện xét xử phúc thẩm các bản án sơ thẩm của Tòa quận có kháng cáo[10].

Ở tầng cuối, thấp nhất là các Tòa sơ thẩm, tòa xét xử sơ thẩm các vụ việc dân sự và hình sự. Toà thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm bao gồm Tòa khu vực và Tòa quận. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và loại vụ việc để phân định thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Các Tòa tổ chức thành những bộ phận xét xử chuyên trách khác nhau, giải quyết một khối lượng công việc rất lớn[11].

Đối với các vụ việc hành chính sẽ do các tòa án hành chính giải quyết. Hệ thống Tòa án hành chính gồm 2 cấp: Tòa án Hành chính tối cao[12], Tòa án hành chính tỉnh. Tòa án hành chính có chức năng: a) rà soát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; b) giải quyết tranh chấp về thẩm quyền và quyền tài phán giữa các cấp chính quyền địa phương, hội đồng phúc thẩm của chính quyền địa phương, và giữa các cơ quan này với cơ quan quản lý chính phủ[13]. Tòa án hành chính tỉnh sẽ giải quyết các vụ việc ở cấp sơ thẩm và Tòa án hành chính tối cao sẽ thực hiện phúc thẩm các kháng cáo đối với bản án của Tòa hành chính tỉnh[14].

Ngoài ra, còn có tòa án đặc biệt là Tòa án hiến pháp, Tòa này thực hiện xét xử các vấn đề liên quan đến: a) sự phù hợp của các đạo luật và điều ước quốc tế với Hiến pháp; b) sự phù hợp của một đạo luật với các điều ước quốc tế đã được phê chuẩn mà việc phê chuẩn cần có sự chấp thuận trước của đạo luật; c) sự phù hợp của các quy định của pháp luật do các cơ quan Nhà nước ở trung ương ban hành với Hiến pháp, các điều ước quốc tế đã được phê chuẩn và các đạo luật; d) khiếu nại liên quan đến vi phạm hiến pháp; e) tranh chấp quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước hợp hiến; f) sự phù hợp với Hiến pháp về mục đích hoặc hoạt động của các đảng phái chính trị[15]. Tòa án hiến pháp có 15 thẩm phán, do Thượng viện lựa chọn, có nhiệm kỳ 9 năm và sẽ không được bổ nhiệm lại[16].

3.Tạo lập án lệ trong thực tiễn tư pháp

3.1.Thẩm quyền tạo lập án lệ

Thực tiễn tư pháp ở Hà Lan, các án lệ của Tòa án được tạo lập tập trung chủ yếu vào hai tòa án là Tòa tối cao và Tòa án hiến pháp. Giải thích cho vai trò tạo lập án lệ của Tòa án chủ yếu dựa vào các lý do sau: a) Hệ thống pháp luật thì không thể hoàn thiện và đầy đủ và vì thế các án lệ xuất hiện đóng vai trò là công cụ thể lấp những “lỗ hổng” của pháp luật, hoặc sửa đổi những sai lầm rõ ràng; b) Các văn bản pháp luật do nghị viện ban hành không phải lúc nào cũng theo kịp được nhịp độ phát triển và thay đổi của xã hội và vì thế phải có các án lệ bổ trợ. Một số quyết định của Tòa hành chính tối cao cũng có thể trở thành án lệ, nhưng có vai trò thứ yếu.

Tòa án hiến pháp tạo lập án lệ trường hợp thực hiện chức năng kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản pháp luật so với hiến pháp, giải thích hiến pháp. Theo khoản 1 Điều 190 của Hiến pháp năm 1997 quy định các quyết định của Tòa án hiến pháp chứa đựng các giải thích hiến pháp mang tính bắt buộc[17]. Các quyết định này của Tòa án hiến pháp sẽ được xuất bản trong tạp chí luật học tương tự như việc xuất bản các đạo luật. Ví dụ, Quyết định của Tòa án hiến pháp giải thích nguyên tắc “bảo vệ các quyền”. Theo nguyên tắc này, các quyền pháp lý có được không thể mất đi do có sự thay đổi từ hệ thống kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, khi xác định nội dung của nguyên tắc này đã gây ra tranh cãi rất nhiều, nhất là đối với các quyền mang tính xã hội (social rights). Tòa án hiến pháp đã giải thích nguyên tắc này để từ chối hưởng quyền hưu trí của những người làm việc trong tổ chức đảng cộng sản và các công chức quản lý hành chính công của chế độ cũ[18]. Trường hợp này đã tạo lập nên án lệ hiến pháp của Hà Lan.

Ngoài chức năng xem xét kháng cáo theo thủ tục tố tụng, Tòa tối cao còn thực hiện tạo lập án giải quyết vấn đề pháp lý đặt ra trong một vụ việc cụ thể nhưng văn bản pháp luật chưa có quy định dưới hình thức bản án, quyết định. Chẳng hạn, vụ việc “sàng lọc trước khi sinh” được giải quyết ở Tòa tối cao Hà Lan (Hoge Raad) năm 2005. Nội dung tóm tắt vụ việc: “Một người phụ nữ đang mang thai, do không yên tâm về thai nhi nên đã đến bệnh viện phụ sản và hỏi bác sĩ về việc có thiết phải xét nghiệm đối với thai nhi để xem có những bất thường nghiêm trọng nào về gien của gia đình bên chồng hay không. Vị bác sĩ này cho rằng việc xét nghiệm là không cần thiết. Sau đó, người phụ nữ này đã hạ sinh đứa bé tên là Kelly, nhưng không may đứa bé này bị khiếm khuyết nghiêm trọng về thể chất. Vì vậy, bố mẹ của Kelly nhân danh mình và nhân danh con gái mình với tư cách là người đại diện theo pháp luật cho bé Kelly khởi kiện bệnh viện và yêu cầu bồi thường thiệt hại về những thiệt hại vật chất và tinh thần do sự sai lầm của bác sĩ tư vấn gây ra[19]. Cuối cùng, Tòa tối cao cho rằng, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi thiếu trách nhiệm của bác sĩ và hậu quả là sự thiệt hại gây ra cho Kelly và bố mẹ của cô bé. Vì vậy, Tòa này đã đưa ra phán quyết cuối cùng yêu cầu bệnh viện phải bồi thường thiệt hai cho Kelly và bố mẹ của Kelly. Phán quyết này trở thành một án lệ trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại trong pháp luật của Hà Lan.

Ngoài ra, Tòa hành chính tối cao ban hành các quyết định  thuộc loại giải quyết các vấn đề pháp lý chứ không phải vấn đề sự kiện được xuất bản trong các tuyển tập chính thức trên thực tế cũng có thể trở thành án lệ.

3.2.Phong cách lập luận trong bản án, quyết định

Phong cách lập luận trong các quyết định ở Hà Lan rất đa đạng, thể hiện một phong cách lý lẽ pha trộn của mô hình lý lẽ của các tòa án ở các nước civil law và mô hình lý lẽ của các tòa án ở các nước common law. Có thể nói, đây là điểm thú vị nhất khi nghiên cứu về án lệ của Hà Lan.

Lập luận trong bản án mang tính diễn dịch, pháp lý và áp đặt. Trước hết, Tòa án thể hiện quan điểm của họ và đưa ra lý lẽ dựa trên nội dung của các quy phạm pháp luật. Khuynh hướng giải thích của tòa án hướng đến kết luận nội dung của các quy phạm pháp luật mang tính khái quát. Sau đó, các thẩm phẩm sẽ lập luận từ cái chung đến cái riêng. Thứ hai, những lý lẽ được hình thành từ ngôn ngữ pháp lý chuyên biệt, và các lý lẽ mang tính pháp lý được quan tâm hàng đầu khi tòa án đưa ra quyết định. Nghĩa là, trong các quyết định của các Tòa án của Hà Lan nhất thiết phải dựa trên cơ sở quy định trong các văn bản pháp luật. Cuối cùng, phong cách lập luận trong các quyết định của tòa ở Hà Lan thường mang tính áp đặt[20]. Các ý kiến tranh luận và sự bất đồng của các thẩm phán có tính chất bí mật không công khai, vì đó là vấn đề thuộc về nội bộ của tòa án. Một quy tắc bất thành văn tồn tại ở Tòa tối cao của Hà Lan, nếu có sự bất đồng ý kiến nhưng Tòa án đã đưa ra giải pháp giải quyết một vấn đề, thì vấn đề đó sẽ không được tranh luận trở lại trong vòng 5 năm[21]. Như vậy, các án lệ có khuynh hướng chọn giải pháp đúng duy nhất hơn là sự chọn lựa giải pháp tốt nhất trong nhiều giải pháp. Điều này có thể lý giải từ phong cách lập luận có tính chất diễn dịch được coi trọng hơn phong cách lập luận có tính chất quy nạp trong văn hóa pháp lý của Hà Lan. Mặt khác, các Tòa án của Hà Lan chú trọng tính thống nhất và chắc chắn của pháp luật nhằm bảo đảm yêu cầu của nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, phong cách lập luận có tính chấp quy nạp và hợp lý cũng tồn tại trong thực tiễn tư pháp. Các vụ việc do Tòa án hiến pháp giải quyết có nhiều quan điểm khác nhau, nên khi đưa ra quyết định Tòa án hiến pháp phải đánh giá các lý lẽ đã có, tổng hợp các vấn đề đặt ra phải tự mình đưa quan điểm và lý lẽ để giải quyết vấn đề. Phong cách lập luận của Tòa án hiến pháp đặc trưng là mang tính tranh luận[22].

 Trong những vụ việc văn bản pháp luật không có quy định, thì lý lẽ mang tính hợp lý rất được chú trọng. Trong các trường hợp này, thông thường phần lập luận sẽ rất dài, bởi các thẩm phán muốn chứng minh tính hợp lý của các lý lẽ. Ví dụ, trong vụ việc Kelly, phần lập luận hay lý lẽ của Tòa tối cao trong trường hợp này rất dài và chi tiết nhằm hướng đến tính hợp lý của quyết định.

3.3.Công bố các bản án, quyết định của Tòa án

Theo pháp luật Hà Lan, Tòa án hiến pháp, Tòa tối cao và Tòa hành chính tối cao bắt buộc phải công bố các quyết định của mình[23]. Tòa án hiến pháp công bố tất cả và toàn bộ nội dung các quyết định của mình, trong khi đó, hầu hết các phán quyết của Tòa tối cao và Tòa hành chính tối cao là công bố toàn bộ nội dung. Ở mỗi Tòa này đều có Văn phòng phụ trách lựa chọn và lưu trữ các bản án, quyết định, đối với Tòa tối cao và Tòa hành chính tối cao thì Văn phòng này cũng có chức năng lựa chọn các bản án để công bố làm án lệ.

Thực tiễn lựa chọn các bản án để công bố đã và đang phát triển ở Tòa tối cao. Nếu một Thẩm phán cho rằng quan điểm pháp lý (lập luận) trong một bản án nên được công bố thì ông ấy sẽ ký tên trên phần lập luận đó. Nếu các Thẩm phán còn lại trong hội đồng xét xử cũng đồng ý với ý kiến của Thẩm phán này thì cũng ký tên ở phần đó. Văn phòng phụ trách lựa chọn và lưu trữ các bản án, quyết định thảo luận mỗi tháng 1 lần; thành phần tham gia thảo luận sẽ có sự tham gia của các thẩm phán của Tòa tối cao và các đại diện của Bộ Tư pháp, các luật gia danh tiếng và họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng là các quyết định nào, hoặc những phần nào của quyết định để công bố[24]. Mô hình công bố các quyết định của Tòa hành chính tối cao cũng thực hiện tương tự như mô hình của Tòa tối cao. Ngoài hoạt động công bố án lệ chính thức của tạp chí luật học, hoạt động xét xử của các Tòa tối cao cũng là chủ đề để đưa ra các bình luận, bài viết trong các tạp chí xuất bản theo định kỳ.

Không giống với các Tòa tối cao và Tòa hiến pháp, pháp luật không bắt buộc các tòa cấp dưới (tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm) phải công bố các quyết định của họ. Những tuyển tập xuất bản của các tòa cấp thấp thỉnh thoảng được xuất bản định kỳ trong các tạp chí.

Bộ Tư pháp Hà Lan có cổng thông tin tư pháp trung ương là http://www.rechtspraak.nl  truy cập đến trang web của mọi tòa án. Ngày nay, rất nhiều các quyết định của các tòa án được lựa chọn và đăng tải trong các báo cáo tuần trên các trang thông tin điện tử của các tòa án. Tuy nhiên, tuyển tập các quyết định do Tòa tối cao ban hành vẫn đóng vai trò quan trọng nhất trong hệ thống công bố án lệ. Tuyển tập án lệ lớn nhất của Hà Lan (Nederlandse Jurisprudentie) bao gồm đại đa số các quyết định của Tòa tối cao và một số ít quyết định của tòa cấp dưới[25]. Các quyết định của tòa cấp dưới có thể được công bố bởi vì các quyết định này cũng có giá trị pháp lý và góp phần vào hệ thống pháp luật nói chung, nhưng chúng không thể được coi là các án lệ có tính ràng buộc.

4.Áp dụng án lệ trong thực tiễn tư pháp

4.1.Giá trị bắt buộc của án lệ

Hiện nay, theo khoản 1 Điều 190 Hiến pháp thì duy nhất chỉ có quyết định của Tòa hiến pháp là mang tính bắt buộc chính thức. Ngoài trường hợp này, pháp luật Hà Lan không thừa nhận bất kỳ quyết định của tòa án nào có bắt buộc chính thức. Hay nói cách khác, án lệ của Hà Lan không mang tính bắt buộc chính thức. Ở Hà Lan, nhiều nguyên tắc cơ bản của hiến pháp có nguồn gốc từ án lệ. Khoảng giữa thập niên 90, Tòa án hiến pháp ban hành quyết định thể hiện quan điểm: “tất cả các cơ quan có thẩm quyền phải dựa trên quan điểm của Tòa án hiến pháp, được thể hiện trong các lý lẽ của quyết định[26]. Các quyết định Tòa án hiến pháp mang tính bắt buộc đối với tất cả các tòa án, nhưng không mang tính bắt buộc với chính nó.

Mặc dù các phán quyết của tòa tối cao không mang tính bắt buộc chính thức nhưng cũng không có nghĩa rằng các án lệ của Tòa tối cao không có tác dụng gì đối với các tòa án cấp dưới khi ban hành quyết định. Trên thực tế, các tòa án cấp dưới thường xuyên phải xem xét các án lệ của Tòa tối cao nhằm làm cơ sở có sức thuyết phục khi ban hành quyết định của mình. Nghĩa vụ của các tòa án tuân theo án lệ của Tòa tối cao không những xuất phát từ tính thứ bậc trong hệ thống tòa án, mà còn nhằm bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong phạm vi cả nước thông qua các quy tắc hoặc nguyên tắc pháp lý tồn tại trong các án lệ đã được công bố. Mặt khác, nếu các tòa cấp dưới bỏ qua các án lệ của Tòa tối cao khi giải quyết vụ việc có tính chất tương tự thì rất có thể sẽ bị cho là xét xử tùy tiện và quyết định của họ bị hủy bởi Tòa tối cao. Có thể nói rằng, các án lệ của Tòa tối cao không mang tính bắt buộc chính thức (formally non – binding) mà chỉ có sức thuyết phục bởi vì không có quy định nào trong các văn bản pháp luật bắt buộc tòa án phải tuân theo các án lệ của Tòa tối cao.

Theo chiều dọc, tất cả các tòa án trong hệ thống tư pháp và Tòa hành chính bắt buộc phải tuân theo án lệ của Tòa án hiến pháp. Các Tòa sơ thẩm và các Tòa phúc thẩm bắt buộc tuân theo các án lệ của Tòa tối cao.

Theo chiều ngang, các tòa án có thẩm quyền tạo lập án lệ đều có nghĩa vụ tôn trọng các án lệ của mình trước đây nhằm bảo sự ổn định của án lệ. Theo Điều 26 Luật Tòa án hiến pháp thì Tòa này không có nghĩa vụ bắt buộc chính thức tuân theo án lệ của chính mình.

Mức độ bắt buộc tuân theo án lệ đối với các Tòa án phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như, tính thứ bậc của tòa án, đặc trưng của các quyết định, thành phần hội đồng xét xử, án lệ tồn tại trong một quyết định đơn lẻ hay trong hàng loạt (dòng) các quyết định… Nếu xét về tính thứ bậc của tòa án thì án lệ của Tòa án hiến pháp được xếp đứng đầu, kế đến là các án lệ của Tòa tối cao, Tòa hành chính tối cao. Trong trường hợp có sự xung đột giữa các án lệ thì các nguyên tắc đóng vai trò quan trọng để chọn lựa án lệ nào nên được duy trì. Trong trường hợp này, khoản 1 Điều 83 Đạo luật Tòa án tối cao quy định Tòa án tối cao giải quyết xung đột đối với án lệ của Tòa Thông thường, Tòa quân sự và Tòa tối cao.

​​​​​​​4.2.Phần có giá trị án lệ trong bản án, quyết định

Về mặt lý luận, trong hệ thống pháp luật Hà Lan không có những nguyên tắc tương tự như pháp luật common law của Anh như là cần phân biệt giữa phần lý do ra quyết định (ratio decidendi) và phần lý lẽ nói thêm (obiter dicta). Thông thường, nội dung của một quyết định của tòa án gồm có hai phần:

 a) Phần kết luận: loại quyết định, ngày ban hành, số, chữ ký của thẩm phán, đặc biệt là tên của thẩm phán chủ tọa và thẩm viết bản án, xác định các bên tham gia tố tụng và các yêu cầu của họ, và nội dung của quyết định;

 b) Phần lập luận: Phần lịch sử tố tụng, chỉ ra yêu cầu của các bên và lập luận (lý lẽ) cho yêu cầu của họ; Phần cơ sở tình tiết, nêu ra các tình tiết của vụ việc và chứng cứ tòa án dựa vào đó để ra quyết định; Phần cơ sở pháp lý, tòa án chỉ ra các quy phạm pháp luật làm cơ sở để ra quyết định, nếu cần thiết, giải thích thêm các quy phạm này và đưa ra các lý lẽ mang tính pháp lý để giải thích lý do ra quyết định và bác bỏ các lý lẽ đối lập.

Trong phần kết luận các quyết định của Tòa án hiến pháp, Tòa tối cao và Tòa hành chính tối cao sẽ đưa ra một luận đề mang tính khái quát kiểu một quy tắc hoặc nguyên tắc mang tính khái quát và phần này sẽ được công bố. Ví dụ, trong vụ việc bé Kelly, Tòa tối cao cho rằng: “sự sai lầm của bác sĩ đã vi phạm quyền cơ bản của người làm cha mẹ và đã gây ra thiệt hại trên thực tế nên cha mẹ cô bé phải được bồi thường thiệt hại cho sai lầm đó”. Quy tắc hoặc nguyên tắc này thể hiện quan điểm của tòa án để giải quyết vấn đề pháp lý đặt ra và thường được xem như một quy tắc án lệ. Quy tắc án lệ được các luật sư thẩm phán của tòa án viện dẫn để đưa ra ý kiến tranh luận hoặc làm cơ sở cho các quyết định của tòa án. Các ý kiến và quan điểm pháp lý thể hiện trong phần lập luận trong một quyết định của tòa án thường có tầm quan trọng thấp hơn so với luận đề (quy tắc) trong phần kết luận. Tuy nhiên, cũng không nên đánh giá thấp các quan điểm pháp lý nêu ra trong phần lập luận, nhất là đối với các quyết định của Tòa án hiến pháp thực hiện chức năng giải thích Hiến pháp. Thông thường, phần kết luận của Tòa án hiến pháp trong các vụ việc này không tạo ra bất kỳ quy tắc nào. Vì vậy, việc giải thích các án lệ hiến pháp để áp dụng phải xem xét phần lập luận.

Các quy tắc án lệ được công bố trong các quyết định của các Tòa tối cao trên thực tế được giả định yếu tố bắt buộc của án lệ (một quy tắc án lệ)[27]. Các quy tắc này tồn tại dưới hình thức các quy tắc hoặc nguyên tắc mang tính khái quát giống như các quy tắc hoặc nguyên tắc pháp lý trong văn bản pháp luật. Tuy nhiên, hầu hết các án lệ của Hà Lan được xem là không mang tính bắt buộc chính thức, các quy tắc án lệ thường xuyên được sử dụng để đưa ra các lý lẽ mang tính hợp lý và phân tích các tình tiết.

​​​​​​​4.3.Các hình thức bác bỏ án lệ

Mặc dù các án lệ không mang tính bắt buộc chính thức (trừ quyết định của Tòa án hiến pháp), nhưng các tòa án không bác bỏ một án lệ bằng cách đơn giản lờ đi theo kiểu ngầm định giống như ở Pháp. Ngược lại, các tòa án của Hà Lan thường đưa ra lý do công khai trong quyết định của mình về việc từ chối không áp dụng án lệ hoặc thay đổi một án lệ nào đó. Có thể nói, nguyên tắc án lệ của Hà Lan là nguyên tắc án lệ có tính chất mềm dẻo. Các tòa án có khả năng tự do thay đổi các án lệ nếu án lệ không còn phù hợp, không mang tính hợp lý. Nếu Tòa án muốn bác bỏ một quy tắc án lệ đã thiết lập thì không cần thiết phải chỉ ra sự khác biệt về tình tiết của vụ việc có chứa quy tắc án lệ với vụ việc đang giải quyết.

Hình thức bác bỏ án lệ công khai là hình thức được sử dụng chủ yếu ở Hà Lan. Mặc dù chỉ có án lệ của Tòa án hiến pháp mới mang tính bắt buộc chính thức, còn án lệ của Tòa tối cao chỉ có sức thuyết phục. Tuy nhiên, để hủy bỏ hay không áp dụng một nguyên tắc pháp lý đã tồn tại trong các phán quyết (quy tắc án lệ) tại Tòa án tối cao để đưa ra nguyên tắc pháp lý hay giải pháp pháp lý mới thì có thể phải thông qua bằng hình thức nghị quyết của một Phòng, nghị quyết liên Phòng trực thuộc Tòa tối cao hoặc nghị quyết của Hội đồng toàn thể thẩm phán Tòa án tối cao[28]. Như vậy, các án lệ của Tòa tối cao được hủy bỏ bằng hình thức chính thức công khai. Sau khi bác bỏ một quy tắc án lệ có thể sẽ hình thành một quy tắc hoặc nguyên tắc mới (án lệ mới). Những quan điểm mới của các tòa án luôn được thể hiện trong các quyết định được ban hành.

Hình thức bác bỏ án lệ không công khai không đóng vai trò quan trọng của thực tiễn ở Hà Lan. Hình thức này chỉ sử dụng đối với các quyết định có vai trò mờ nhạt trong thực tiễn và chưa thực sự rõ ràng là một án lệ. Đương nhiên, các án lệ của Hà Lan cũng có thể bị hủy bỏ bằng một văn bản pháp luật do nghị viện hoặc chính phủ ban hành.

5.Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Qua nghiên cứu về xây dựng và áp dụng án lệ của Hà Lan, chúng tôi cho rằng có những bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, ở Hà Lan đã và đang tập trung nâng cao chất lượng “đầu vào” của án lệ. Nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào của án lệ, trong thực tiễn tư pháp dần phát triển mạnh phong cách lập luận tranh luận, quy nạp và hợp lý trong bản án, quyết định. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay đang tập trung vào việc đảm bảo chất lượng đầu ra của án lệ, tức là quá chú trọng vào hoạt động lựa chọn các bản án, quyết định công bố làm án lệ. Hoạt động này không làm thay đổi nội dung các bản án, quyết định trước đó (nguồn của án lệ). Hay nói cách khác, không làm thay đổi được chất lượng của án lệ. Do vậy, theo chúng tôi, Việt Nam nên chú trọng việc nâng cao chất lượng “đầu vào” của án lệ trong thời gian tới.

Thứ hai, nguyên tắc áp dụng án lệ mềm dẻo của Hà Lan vừa có thể bảo đảm sự thống nhất của pháp luật trong hoạt động xét xử vừa hạn chế được việc tuân theo án lệ quá cứng nhắc của các tòa án. Trừ án lệ của Tòa án Hiến pháp, các án lệ của Tòa tối cao và Tòa Hành chính tối cao đều không bắt buộc chính thức[29]. Đây là một bài học kinh nghiệm mà thực tiễn tư pháp ở Hà Lan đã trải nghiệm và lựa chọn nguyên tắc áp dụng án lệ mềm dẻo. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang tập trung vào hiệu lực pháp lý của của án lệ hơn là giá trị thuyết phục của án lệ. Điều này không những hạn chế số lượng án lệ mà còn làm cho hoạt động áp dụng án lệ của tòa án trở nên cứng nhắc.

 

Đại lộ Scheveningen, Tp La Hay

[2] Sebastiaan Pompe, “Tóm tắt báo cáo nghiên cứu về áp dụng tiền lệ án ở Indonesia, Hà Lan, Nga và Hoa Kỳ”, Chương trình đối tác tư pháp Việt Nam, tháng 1 năm 2013, tr .60-61.

[3] Điều 2 Đạo luật Tòa án tối cao của Hà Lan

[4] Điều 173 Hiến pháp Hà Lan

[5] Điều 175, Điều 183 Hiến pháp; điểm a khoản 1 Điều 1 Đạo luật Tòa án tối cao của Hà Lan

[7] Điều 3 Đạo luật Tòa án tối cao của Hà Lan

[8] Lech morawski, Torun and Marek Zirk – Sadowski, Lodz (1997), “Precedent in Poland” in “Interpreting Precedents”, Edited by D. Neil Mac Cormick, Ashgate Publishing Company, p. 220

[9] Điều 37a, khoản 1 Điều 40 Luật tổ chức Tòa án thông thường của Hà Lan

[10] Điều 10 Luật tổ chức Tòa án thông thường của Hà Lan.

[11] Điều 12, Điều 16 Luật tổ chức Tòa án thông thường của Hà Lan.

[12] Theo quy định tạo Điều 39 Luật tổ chức Tòa án hành chính của Hà Lan thì Toán án hành chính tối cao gồm có 03 phòng: Phòng Tài Chính, Phòng Thương mại và Phòng Hành chính chung.

[13] Khoản 1 Điều 1 Luật tổ chức tòa hành chính của Hà Lan

[14] Điều 3 Luật tổ chức tòa hành chính của Hà Lan

[15] Điều 188 Hiến pháp, Điều 3 Luật Tòa án Hiến pháp của Hà Lan

[16] Điều 194 Hiến pháp Hà Lan

[17] Điều 190 Hiến pháp Hà Lan

[18] Lech morawski, Torun and Marek Zirk – Sadowski, Lodz (1997), “Precedent in Poland” in “Interpreting Precedents”, Edited by D. Neil Mac Cormick, Ashgate Publishing Company, p. 248 – 249.

[19] Kỷ yếu Hội thảo Chương trình đối tác tư pháp do Liên minh châu Âu, Thụy Điển, Đan Mạch tài trợ, “Áp dụng án lệ trong công tác xét xử của tòa án” ngày 15 tháng 12 năm 2014

[20] Lech morawski, Torun and Marek Zirk – Sadowski, Lodz (1997), “Precedent in Poland” in “Interpreting Precedents”, Edited by D. Neil Mac Cormick, Ashgate Publishing Company, p. 225 - 226

[21] Sebastiaan Pompe, “Tóm tắt báo cáo nghiên cứu về áp dụng tiền lệ án ở Indonesia, Hà Lan, Nga và Hoa Kỳ”, Chương trình đối tác tư pháp Việt Nam, tháng 1 năm 2013, tr 74.

[22] Lech morawski, Torun and Marek Zirk – Sadowski, Lodz (1997), “Precedent in Poland” in “Interpreting Precedents”, Edited by D. Neil Mac Cormick, Ashgate Publishing Company, p. 225

[23] Khoản 1 Điều 80 Luật Tòa án hiến pháp, Điều 9 Đạo luật Tòa án tối cao, Điều 42 Luật Tổ chức toà án hành chính

[24] Lech morawski, Torun and Marek Zirk – Sadowski, Lodz (1997), “Precedent in Poland” in “Interpreting Precedents”, Edited by D. Neil Mac Cormick, Ashgate Publishing Company, p. 226

[25] Từ ngày 17-23/11/2011, cổng thông tin đã đăng tải 66 quyết định của Tòa Tối cao và 386 quyết định của tòa cấp dưới. http://www.rechtspraak.nl/Uitspraken-en-Registers/uitspraken/Anonimiseringsrichtlijnen/Pages/default.aspx

[27] Bắt buộc theo nghĩa vì các án lệ có giá trị chứ không phải pháp luật quy định.

[28] Điều 88 Luật Tòa án tối cao.

[29] Bắt buộc chính thức hay không chính thức theo nghĩa có pháp luật thành văn về hiệu lực của án lệ hay không quy định.

TS. ĐỖ THANH TRUNG (Giảng viên, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh)