Bàn về quy định “gây thiệt hại cho quân đội” thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự

Tòa án quân sự thuộc hệ thống Tòa án nhân dân, được tổ chức và đảm nhiệm công tác xét xử các vụ án hình sự trong Quân đội. Hệ thống các Tòa án quân sự có 3 cấp: Tòa án quân sự trung ương, các Tòa án quân sự quân khu và tương đương và Tòa án quân sự khu vực.

Thẩm quyền của Tòa án quân sự

Về thẩm quyền xét xử của các Tòa án quân sự (TAQS) đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2005/ TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 18/4/2005 hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của TAQS và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015. Trải qua các giai đoạn lịch sử, thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được sửa đổi, bổ sung nhiều lần cho phù hợp và được ghi nhận ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng đến nay thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự lần đầu tiên được quy định, hoàn thiện trong BLTTHS năm 2015.

Điều 272 quy định:

 1. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử:

 a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân;

 b) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.

 Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.

Như vậy, với quy định nêu trên cho thấy thẩm quyền xét xử của TAQS đã được xác định rất rõ bao gồm: Bị cáo là quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng; quân nhân dự bị, dân quân dự bị động viên, công dân điều động, trưng tập hoặc hợp đồng phục vụ trong Quân đội; công dân phạm tội liên quan đến bí mật quân sự, gây thiệt hại cho Quân đội…

Gây thiệt hại cho Quân đội

 Với quy định “gây thiệt hại cho Quân đội”, đặt ra vấn đề xác định thế nào là gây thiệt hại cho Quân đội mà thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 nêu trên thì “Gây thiệt hại cho Quân đội” có thể được hiểu là gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân.

Căn cứ quy định trên ta có thể xác định các loại thiệt hại của Quân đội bị tội phạm gây thiệt hại đó là:

 – Thứ nhất, thiệt hại liên quan đến con người trong biên chế, tổ chức của Quân đội như quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng hoặc đối tượng là quân nhân dự bị mà bị gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra. Riêng đối tượng là quân nhân dự bị thì họ chỉ bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm từ thời điểm họ có mặt tại địa điểm tập trung và được đơn vị tiếp nhận đến khi kết thúc để tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu theo quyết định triệu tập của Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh hoặc Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện thì thuộc thẩm quyền của TAQS. Trường hợp họ bị thiệt hại trên đường đi đến địa điểm triệu tập hoặc trước khi được đơn vị tiếp nhận hoặc họ bị thiệt hại về tài sản thì thuộc thẩm quyền của TAND.

Đối với công nhân, được xác định là người lao động theo hợp đồng đối với các đơn vị hoặc các doanh nghiệp của Quân đội. Hợp đồng đó có thể được xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn.

– Thứ hai, thiệt hại về tài sản của Quân đội, về nguyên tắc những tài sản được trang bị cho Quân đội hoặc giao cho Quân đội có trách nhiệm quản lý, sử dụng hoặc bảo vệ mà bị tội phạm xâm phạm thì thuộc thẩm quyền của TAQS. Tuy nhiên, đối với các tài sản của Quân đội đang do các doanh nghiệp quản lý hoặc trao quyền cho người khác khai thác bị gây thiệt hại thì thẩm quyền xét xử được xác định như thế nào ? Vấn đề này hiện nay vẫn có nhiều quan điểm khác nhau.

 Quan điểm thứ nhất cho rằng, đã là tài sản của Quân đội bị xâm hại thì trong các trường hợp đều thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS.

 Quan điểm thứ hai lại xác định, tùy từng loại tài sản hoặc loại doanh nghiệp bị gây thiệt hại mới xác định thuộc hay không thuộc thẩm quyền của TAQS. Cụ thể: Đối với tài sản của doanh nghiệp Quân đội hoặc doanh nghiệp cổ phần mà Quân đội nắm cổ phần chi phối mà bị gây thiệt hại thì thuộc thẩm quyền của TAQS vì doanh nghiệp Quân đội có quyền quyết định và điều hành doanh nghiệp đó; riêng các doanh nghiệp Quân đội có cổ phần nhưng tỷ lệ sở hữu vốn dưới 50% mà bị tội phạm gây thiệt hại thì thuộc thẩm quyền của TAND, vì doanh nghiệp này không xác định đó là pháp nhân Quân đội mà là pháp nhân ngoài Quân đội; việc điều hành, quản lý là do người ngoài Quân đội đảm nhiệm. Về nguyên tắc Quân đội đã trao quyền quản lý cho người ngoài Quân đội nên họ có toàn quyền quyết định các hoạt động cũng như quản lý tài sản; do vậy nếu có thiệt hại thì người đại diện ngoài Quân đội gánh vác trách nhiệm.

Chúng tôi đồng quan điểm với quan điểm thứ nhất, bởi vì, cho dù doanh nghiệp mà Quân đội góp vốn tồn tại dưới các hình thức, loại hình sở hữu doanh nghiệp khác nhau có thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc doanh nghiệp liên doanh… thì các vốn góp vào các doanh nghiệp đó đều là tài sản của Quân đội nên trường hợp bị tội phạm gây thiệt hại về tài sản chia theo tỷ lệ góp vốn mà phần tài sản của Quân đội tương ứng bị xâm phạm đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS. (Ví dụ: Tội phạm trộm cắp tài sản của doanh nghiệp Quân đội có cổ phần trị giá 10 triệu, trong đó cổ phần Quân đội góp vốn là 30 %, tương ứng với thiệt hại là 3 triệu đồng thì vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự); ngược lại phần tài sản của Quân đội bị xâm phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND và người đại diện phần vốn góp của Quân đội trong doanh nghiệp đó tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự hoặc người có quyền lợi liên quan đến vụ án.

Riêng đối với trường hợp tài sản của Quân đội giao cho người khác sử dụng mà gây thiệt hại; trong trường hợp này người sử dụng chỉ là người quản lý hợp pháp, nhưng tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của Quân đội, do vậy nếu gây thiệt hại thì về bản chất là gây thiệt hại cho Quân đội nên thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS.

Ở đây luật chỉ quy định hậu quả do tội phạm gây ra làm ảnh hưởng, thiệt hại đến Quân đội mà không xác định thiệt hại đó phải gắn với một địa điểm hoặc đang tồn tại dưới hình thức, loại hình tổ chức xác định nào. Do vậy, khi hành vi của người phạm tội xâm phạm nguy hại đến khác thể được luật hình sự bảo vệ và gây thiệt hại cho Quân đội thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội.

 – Thứ ba, thiệt hại về danh dự, uy tín của Quân đội. Xét về tội phạm, hiện nay BLHS hiện hành không có quy định cụ thể nào quy định gây thiệt hại đến uy tín, danh sự của Quân đội. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của bị cáo xâm phạm đến các khách thể được luật hình sự bảo vệ chỉ có thể gián tiếp gây thiệt hại cho Quân đội như tội phạm xâm phạm đến khách thể là trật tự quản lý hành chính hoặc mượn danh, giả danh Quân đội để gây thiệt hại cho khách thể khác nên đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự  của Quân đội.

Ví dụ 1: Nguyễn Văn A là người ngoài Quân đội đã có hành vi làm giả quyết định công nhận đảng viên chính thức, thẻ đảng của tổ chức đảng trong Quân đội; làm giả quyết định cấp nhà của Quân đội cho quân nhân và lừa bán căn hộ đó cho chị B lấy số tiền 300 triệu đồng, sau khi lấy được tiền A đã chi tiêu cá nhân hết.

Ví dụ 2: Nguyễn Văn C giả danh là quân nhân đang công tác trong Quân đội, C đã mặc quân phục và trình giấy chứng minh quân nhân giả để lừa và hứa xin cho con anh Bùi Văn D là chiến sĩ ở lại phục vụ lâu dài trong Quân đội với số tiền 200 triệu đồng.

Cần có hướng dẫn

Qua các ví dụ nêu trên, cho thấy, bị cáo có hành vi làm giả tài liệu, sử dụng tài liệu của Quân đội giả, giả danh người của Quân đội hoặc nhân viên của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Quân đội… để tạo niềm tin, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Họ đã dựa vào truyền thống, hình ảnh tốt đẹp của người quân nhân, đơn vị Quân đội để làm những việc bất hợp pháp, hành vi đó đã bôi nhọ, làm xấu đi hình ảnh tốt vốn đã được Quân đội xây dựng, gìn giữ qua nhiều năm. Mặc dù BLHS không có tội phạm quy định gây thiệt hại đến uy tín, danh dự của tổ chức nhưng qua đánh giá về hậu quả, bị cáo đã dùng thủ đoạn để thực hiện hành vi xâm phạm đến các khách thể được luật hình sự bảo vệ. Hành vi đó là nguy hiềm, vì nó xâm phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của Quân đội, làm giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân và đến việc hoàn thành nhiệm vụ được mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho Quân đội; nên phải được xác định là gây thiệt hại cho Quân đội và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quân sự.

Gây thiệt hại cho Quân đội là quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Tuy nhiên, với quy định của pháp luật hiện hành có một số điểm chưa rõ nên thực tế dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về việc xác định thiệt thế nào là thiệt hại cho Quân đội. Nhất là người bị thiệt hại là công nhân hợp đồng lao động trong Quân đội, thiệt hại về tài sản của Quân đội, thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu; đặc biệt đó là xác định gây thiệt hại về uy tín, danh sự của Quân đội. Do đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể các vấn đề nêu trên theo hướng ngoài các quy định hiện hành thì đối với các vụ án mà người phạm tội có hành vi liên quan đến Quân đội như giả danh bộ đội; làm giả, sử dụng lài liệu giả của Quân đội để thực hiện hành vi phạm tội thì thẩm quyền xét xử thuộc TAQS.

 Một phiên tòa do TAQS TƯ xét xử – Ảnh: PV

DƯƠNG HỒNG ĐIỆP (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 3)