Bàn về tình tiết phạm tội lần đầu

Phạm tội lần đầu và lần đầu phạm tội được BLHS quy định là một nguyên tắc xử lý, một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và một chính sách hình sự.

1.Cơ bản về ngôn ngữ, thì “Phạm tội lần đầu”“Lần đầu phạm tội” không khác nhau nhiều về ngữ nghĩa và đều là trường hợp lần đầu bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo hướng dẫn của TANDTC, thì phạm tội lần đầu các trường hợp được coi là phạm tội lần đầu bao gồm: (1) Trước đó chưa phạm tội lần nào; (2) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; (3) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; (4) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích[1]. Chúng tôi cho rằng, hướng dẫn nêu trên vừa thừa vừa thiếu. Bởi lẽ:

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 69 và khoản 1 Điều 107 BLHS, thì các trường hợp sau đây được coi là không có án tích: (1) Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt; (2) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị kết án; (3) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; (4) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng). Như vậy, “Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng” chỉ là một trong những trường hợp “Người từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích”. Cho nên, việc Nghị quyết Hội đồng thẩm phán tách “Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng” thành một trường hợp độc lập là thừa về kỹ thuật.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 69 BLHS, thì “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”. Do vậy, người đã được xóa án tích phạm tội mới và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng phải được coi là phạm tội lần đầu. Ngoài ra, về tố tụng hình sự thì người không bị khởi tố vụ án do thực hiện tội phạm thuộc diện chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc do đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay phạm tội mới cũng phải được coi là phạm tội lần đầu.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng, được coi là phạm tội lần đầu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) Trước đó chưa phạm tội lần nào; (2) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự, không bị khởi tố vụ án do không có yêu cầu của người bị hại theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; (3) Trước đó đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích hoặc thuộc trường hợp được coi là không có án tích.

2.Với nghĩa là một nguyên tắc xử lý, thì người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục[2]. Hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù bao gồm: Cải tạo không giam giữ; phạt tiền và cảnh cáo. Tuy nhiên, theo quy định tại các Điều 34, 35 và 36 BLHS về các hình phạt này, thì không có điều luật nào quy định việc giao người bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tiền hoặc cảnh cáo cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục mà chỉ có Điều 36 BLHS là có quy định gia đình người bị phạt cải tạo không giam giữ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc UBND cấp xã trong việc giám sát, giáo dục họ.

Như vậy, mặc dù vấn đề này được quy định tại Điều 3 BLHS với nghĩa là một nguyên tắc xử lý (không có ý nghĩa viện dẫn trong Bản án, Quyết định của Tòa án về một vụ án hình sự cụ thể mà chỉ có ý nghĩa trong việc thiết kế những điều luật cụ thể tiếp theo) nhưng về kỹ thuật lập pháp thì đây cũng là một bất cập của BLHS cần nghiên cứu khắc phục.

Với nghĩa là một chính sách hình sự được quy định tại khoản 2 Điều 38 BLHS Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng, thì trong Phần các tội phạm phải quy định ít nhất là 02 loại hình phạt đối tội ít nghiêm trọng do vô ý. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 281 BLHS lại chỉ quy định duy nhất một hình phạt “tù từ 06 tháng đến 03 năm” đối với Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông (là tội ít nghiêm trọng do vô ý). Vậy, đối với người có nơi cư trú rõ ràng và lần đầu bị tuyên bố (trong bản án kết tội) là phạm Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông nhưng không thuộc trường hợp được miễn hình phạt, thì không có hình phạt nào để áp dụng đối với họ.

4.Với nghĩa là một tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thì “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” có thể áp dụng đối với tất cả các tội phạm (Tội phạm ít nghiêm trọng; Tội phạm nghiêm trọng; Tội phạm rất nghiêm trọng và Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) nhưng để áp dụng tình tiết này, thì tội phạm mà họ thực hiện phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, thì phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

“- Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù;

- Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm”[3].

Chúng tôi cho rằng, gây nguy hại không lớn cho xã hội là một trong những trường hợp phạm tội nhưng gây ra thiệt hại không lớn cho xã hội. Xét mặt khách quan của cấu thành tội phạm, thì các tội phạm được quy định trong BLHS bao gồm: Tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức; Tội phạm có cấu thành vật chất. Trong đó:

- Tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức là tội phạm mà dấu hiệu thuộc mặt khách quan chỉ bao gồm hành vi khách quan và không bao gồm hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Theo đó, một người bị coi là phạm tội (có cấu thành hình thức) khi người đó đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và có thể đã hoặc chưa gây ra hậu quả; việc đã hoặc chưa gây ra hậu quả không ảnh hưởng tới việc đánh giá thời điểm hoàn thành của tội phạm.

- Tội phạm có cấu thành vật chất là tội phạm mà dấu hiệu khách quan bắt buộc là hành vi khách quan và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Do vậy, một người bị coi là phạm tội (có cấu thành vật chất) khi người đó đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và gây ra hậu quả là thiệt hại cho xã hội được mô tả trong cấu thành tội phạm. Việc đã hoặc chưa gây ra hậu quả ảnh hưởng tới việc đánh giá thời điểm hoàn thành của tội phạm. Theo đó, trường hợp đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa gây ra hậu quả là thiệt hại cho xã hội được mô tả trong cấu thành tội phạm thì chỉ bị coi là phạm tội chưa đạt. Tội phạm chỉ được coi là hoàn thành khi hành vi phạm tội đã gây ra thiệt hại cho xã hội được mô tả trong cấu thành tội phạm. Hậu quả thiệt hại là thiệt hại do hành vi khách quan của tội phạm gây ra cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, thể hiện bởi sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm được phản ánh trong cấu thành tội phạm có thể là: Sự biến đổi tình trạng bình thường của thực thể tự nhiên của con người; Sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng vật chất là khách thế của tội phạm; Sự biến đổi xử sự của con người; Sự biến đổi khác (như sự biến đổi từ tình trạng an toàn sang tình trạng mất an toàn của… công trình, phương tiện…). Hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho quan hệ xã hội được thể hiện dưới dạng: Thiệt hại về thể chất; Thiệt hại về vật chất; Thiệt hại về tinh thần; và các biến đổi khác[4]. Như vậy, gây nguy hại không lớn cho xã hội chỉ có thể là gây thiệt hại không lớn do hành vi phạm tội (có cấu thành vật chất) gây ra mà không phải là “tiêu chí để đánh giá” thiệt hại do hành vi phạm tội (có cấu thành hình thức) gây ra. Bởi vì, tội phạm có cấu thành hình thức bị coi là hoàn thành khi có hành vi khách quan xẩy ra mà không đòi hỏi hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Do vậy, hướng dẫn của TANDTC “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng cần được xem xét, sửa đổi.

- Thứ nhất, ở đây đã có sự đánh đồng giữa “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọngvới phạm tội ít nghiêm trọng và gây nguy hại không lớn cho xã hội. Đồng thời không cho phép đánh giá hoàn cảnh phạm tội, hành vi phạm để áp dụng tình tiết “Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đối với người phạm tội ít nghiêm trọng.

- Thứ hai, chỉ đánh giá vị trí, vai trò của người phạm tội trong vụ án đồng phạm về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng tội phạm đặc biệt nghiêm trọng để quyết định áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Còn trường hợp đồng phạm trong vụ án về tội ít nghiêm trọng thì không đánh giá vị trí, vai trò của người phạm tội để quyết định áp dụng tình tiết giảm nhẹ nêu trên.

Để khắc phục bất cập này đề nghị nhận thức và hướng dẫn tình tiết “Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”theo hướng: (1) Là tình tiết giảm nhẹ áp dụng đối với tất cả các loại tội phạm (Tội phạm ít nghiêm trọng; Tội phạm nghiêm trọng; Tội phạm rất nghiêm trọng và Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng); (2) Là tình tiết bao gồm hai yếu tố cấu thành (Một là, phạm tội lần đầu; Hai là, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng). Trong đó:

- Phạm tội lần đầu là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) Trước đó chưa phạm tội lần nào; (2) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự, không bị khởi tố vụ án do không có yêu cầu của người bị hại theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; (3) Trước đó đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích hoặc thuộc trường hợp được coi là không có án tích;

- Thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là tình tiết định tính. Việc đánh giá và áp dụng tình tiết này phụ thuộc vào hoàn cảnh phạm tội, tính chất hành vi phạm tội; và vị trí, vai trò của người phạm tội trong vụ án đồng.

5. Ngoài việc được quy định là một tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 51 BLHS, thì “Phạm tội lần đầu” còn được quy định là một tình tiết giảm nhẹ đặc biệt để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Theo đó, chỉ có thể áp dụng tình tiết này đối với người giúp sức trong vụ án đồng phạm. Nhưng để áp dụng tình tiết này, thì phải kèm theo điều kiện là vai trò của người giúp sức không đáng kể. Việc đánh giá vai trò không đáng kể của người giúp sức trong vụ án đồng phạm phụ thuộc vào hoàn cảnh và tính chất hành vi giúp sức của họ. 

6. Với tư cách là một điều kiện tha tù trước thời hạn, thì “Phạm tội lần đầu” còn được hiểu là đang chấp hành hình phạt tù của một bản án lần đầu được tuyên đối với người phạm tội. Tuy nhiên, hình phạt được tuyên trong một bản án có thể là hình phạt về một tội, hình phạt được tổng hợp trong trường hợp phạm nhiều tội; hình phạt được tổng hợp từ nhiều bản án. Theo chúng tôi, thì phạm tội lần đầu với tư cách là một điều kiện tha tù trước thời hạn phải được hiểu là:

- Thứ nhất, là đang chấp hành hình phạt tù về một tội phạm được tuyên trong bản án đối với người phạm tội.

- Thứ hai, đang chấp hành hình phạt tù (được quyết định trong trường hợp phạm nhiều tội) của một bản án lần đầu được tuyên đối với người phạm tội. Khi áp dụng tình tiết này chú ý “Phạm tội lần đầu” ở đây phải hiểu là lần đầu thực hiện nhiều tội phạm. Các tội phạm này cùng diễn ra trong một thời điểm như giết người khi cướp tài sản, giết người khi hiếp dâm. Do vậy, trường hợp đang chấp hành hình phạt tù (được quyết định trong trường hợp phạm nhiều tội) của một bản án lần đầu được tuyên đối với người phạm nhiều tội và các tội phạm đó được thực hiện vào các thời điểm khác nhau.

 

TAND huyện Đông Hưng, Thái Bình xét xử vụ án ma túy - Ảnh: CTV


[1] Xem: Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 04 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 Bộ luật hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện.

[2] Xem: Bộ luật hình sự, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, Điều 3.

[3] Xem: Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân tối cao, Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ.

[4] Xem: Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Phần chung, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 127-131.

TS. NGUYỄN MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân)