Bảo đảm thi hành hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án  – Những yếu tố then chốt

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sau đây gọi tắt là Luật) được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, với mục đích là tạo cơ chế pháp lý mới để người dân lựa chọn giải quyết tranh chấp, khiếu kiện tại Tòa án. Tuy nhiên, để Luật thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao thì cần có những điều kiện bảo đảm nhất định, trong đó có những yếu tố được xem là then chốt.

 Theo Luật, hoạt động hòa giải, đối thoại được tiến hành bởi đội ngũ Hòa giải viên giàu năng lực và kinh nghiệm do Tòa án tuyển chọn, bổ nhiệm và chỉ định để hỗ trợ các bên tranh chấp, khiếu kiện tự thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Hòa giải, đối thoại theo Luật này được tách biệt với quy trình tố tụng để phát huy tính linh hoạt, mềm dẻo và nhanh gọn về thủ tục. Có thể nói, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ra đời trên cơ sở văn hóa trọng tình truyền thống của người Việt và tiếp thu văn minh nhân loại (pháp luật dân sự tiến bộ trên thế giới ngày càng ghi nhận cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế xét xử; trong đó, hòa giải, đối thoại gắn với Tòa án là cơ chế điển hình, với mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện tối đa cho các bên thực hiện quyền tự quyết trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện). Vì vậy, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được mong đợi mang lại lợi ích và giá trị lớn cho người dân và xã hội.

1. Sự chủ động và tích cực của Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại

Đây là yếu tố tiên quyết, đặc biệt là trong thời gian đầu thi hành Luật. Hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Tòa án tổ chức, quản lý. Luật quy định trách nhiệm cụ thể của TANDTC và các TAND địa phương[1] nhưng quan trọng nhất là vai trò chủ động và tích cực của Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại, thể hiện ở các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

Thứ nhất, tuyển chọn, chỉ định Hòa giải viên

Để hoạt động hòa giải, đối thoại có hiệu quả thì cần tuyển chọn được đội ngũ Hòa giải viên có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại. Nguồn Hòa giải viên là đội ngũ những người có tín nhiệm cao trong xã hội, những người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư[2]. Đặc biệt là những cán bộ đã nghỉ hưu, kinh nghiệm.

Thí điểm[3] hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho thấy, họ là những người có năng lực và tâm huyết, giàu kỹ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm sống, họ ở tâm thái mong muốn được tiếp tục cống hiến cho xã hội trong những hoạt động mang tính xã hội và nhân văn. Kết quả thí điểm cũng cho thấy, Thẩm phán và những cán bộ địa phương về hưu được tín nhiệm cao, tạo sự tin tưởng và thiện cảm đối với người dân nên hòa giải, đối thoại đạt hiệu quả cao[4]. Tuy nhiên, nhìn từ giác độ tâm lý, các cán bộ đã về hưu thường không chủ động tìm hiểu và đăng ký làm Hòa giải viên. Vì vậy, Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại cần chủ động, tích cực trong việc tuyên truyền về cơ chế, chính sách của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để huy động nguồn lực này tham gia làm Hòa giải viên.  

Bên cạnh đó, việc chỉ định Hòa giải viên phù hợp với tính chất và loại tranh chấp, khiếu kiện trong vụ việc cụ thể cũng góp phần tạo nên thành công của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thứ hai, hỗ trợ Hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ

Hòa giải viên độc lập khi tiến hành hòa giải, đối thoại[5]. Điều này tạo sự chủ động và nâng cao trách nhiệm của Hòa giải viên khi tiến hành hòa giải, đối thoại. Tuy nhiên, để hoạt động hòa giải, đối thoại phát huy hiệu quả cao thì luôn cần đến sự hỗ trợ đầy đủ và kịp thời của Tòa án, đặc biệt là Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định các hoạt động hỗ trợ của Tòa án nơi tiến hành hòa giải, bao gồm[6]: Hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên; hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; đề xuất khen thưởng, đề nghị xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên; Bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án…

Các hoạt động hỗ trợ trên đây của Tòa án giúp Hòa giải viên trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ và phát huy tối đa năng lực và hiệu quả.

Thứ ba, tuyên truyền cho các bên tranh chấp, khiếu kiện về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tạo cơ chế khuyến khích và tạo cơ hội cho các bên thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của mình. Quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại là thuộc về các bên tranh chấp, khiếu kiện. Do đó, việc thi hành Luật này luôn được mong đợi rằng các bên sẽ lựa chọn để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của mình, trừ trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, trong thời gian đầu triển khai Luật, việc lựa chọn của người dân đối với cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án còn hạn chế với lý do:  Khi khởi kiện tại Tòa án, các tranh chấp, khiếu kiện thường đã ở mức gay gắt, có thể đã qua các cơ chế hòa giải, đối thoại ngoài Tòa án (như hòa giải ở cơ sở, hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã …), các bên mang tâm lý rằng tranh chấp, khiếu kiện của họ đã trầm trọng đến mức không thể thỏa thuận được và không thể tìm được tiếng nói chung giữa các bên thì họ mới yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì thế, các bên lo ngại thủ tục hòa giải, đối thoại chỉ làm mất thêm thời gian và công sức cho họ và Tòa án.  

Tuy nhiên, một điều kiện thuận lợi là nền tảng niềm tin của người dân đối với Tòa án, khi nộp đơn đến Tòa án, là người dân đã đặt niềm tin vào Tòa án trong việc bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Do vậy, hoạt động tuyên truyền Luật đối với các bên trong quá trình nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án được xem là biện pháp khả thi và hiệu quả. Kinh nghiệm từ hoạt động thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho thấy, khi các bên hiểu được ý nghĩa và lợi ích mà hòa giải, đối thoại mang lại cho họ thì họ sẽ lựa chọn cơ chế này và sự tin tưởng của các bên giúp cho quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại trở lên nhanh chóng và thuận lợi do các bên thiện chí và hợp tác tích cực, góp phần vào sự thành công của quá trình hòa giải, đối thoại.

Thứ tư, ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành kịp thời

Một trong những ưu điểm của cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án là sự tham gia của Thẩm phán vào phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành bằng thủ tục nhanh gọn. Các quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được ban hành một cách nhanh chóng, đúng đắn là cơ sở để các bên tự nguyện thi hành, đồng thời là niềm tin để các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của mình.

2. Sự tâm huyết và năng lực của Hòa giải viên

Hòa giải viên là chủ thể trung tâm của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Vai trò của Hòa giải viên là hỗ trợ các bên tham gia hòa giải, đối thoại thỏa thuận, thống nhất giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính. Đây là lực lượng quyết định sự thành công của cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Khác với vai trò xét xử để đưa ra phán quyết của Thẩm phán, Hòa giải viên không đưa ra bất cứ phán quyết nào mà chỉ sử dụng năng lực của bản thân, để hướng tới hai mục tiêu căn bản:

- Thứ nhất, hỗ trợ các bên đưa ra phương án hòa giải, đối thoại hài hòa quyền và lợi ích chính đáng của các bên mà các bên đều ưng thuận.

- Thứ hai, hỗ trợ các bên hàn gắn rạn nứt, khôi phục mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, bạn bè, đối tác; khôi phục và tạo niềm tin của người dân với cơ quan hành chính nhà nước. Kết quả hòa giải, đối thoại là chấm dứt tranh chấp và hai bên cùng thắng.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên đây, Hòa giải viên phải đáp ứng những tiêu chuẩn đặc thù. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã quy định các tiêu chuẩn quan trọng của Hòa giải viên như đã nêu trên. Tuy nhiên, đây chỉ là tiêu chuẩn Luật định, là điều kiện để được xem xét bổ nhiệm Hòa giải viên. Trên thực tế, để hòa giải thành, đối thoại thành một vụ việc cụ thể, Hòa giải viên phải rất nỗ lực. Bởi vì, họ phải am hiểu về lĩnh vực tranh chấp, khiếu kiện; đồng thời phải thấu hiểu tâm lý, nguyện vọng của các bên tranh chấp, khiếu kiện. Việc thấu hiểu và thuyết phục các bên đang tranh chấp, xung đột về tâm lý và lợi ích đòi hỏi Hòa giải viên vừa có năng lực, vừa tâm huyết thực sự thì mới đi đến kết quả thành công.

Bên cạnh đó, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế và người dân ít sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật trước và trong quá trình khởi kiện nên Hòa giải viên còn có vai trò quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho người dân.

3. Cơ chế khuyến khích hòa giải, đối thoại

Với vai trò, ý nghĩa của hòa giải, đối thoại đối với người dân và xã hội, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã ghi nhận sự khuyến khích của Nhà nước đối với hoạt động này. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án; khuyến khích những người đủ điều kiện theo quy định của Luật này làm Hòa giải viên và tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án[7].

Sự khuyến khích được tập trung vào 3 đối tượng, cụ thể:

Thứ nhất, đối với các bên tham gia hòa giải, đối thoại

Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chịu chi phí trong một số trường hợp, đó là: Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài[8]. Như vậy, hầu hết các trường hợp hòa giải, đối thoại tại Tòa án là do ngân sách nhà nước bảo đảm chi phí. Các bên chỉ phải chịu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong một số trường hợp nhất định.

Bên cạnh việc khuyến khích trong kinh phí hòa giải, đối thoại, Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại cần phát huy sự linh hoạt và nhanh gọn trong thủ tục hòa giải, đối thoại để tạo điều kiện và khuyến khích các bên tham gia hòa giải, đối thoại, như đơn giản hóa thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; Hòa giải viên cần phát huy tính linh hoạt về thời gian, địa điểm hòa giải, đối thoại để phù hợp và thuận tiện cho các bên.

Thứ hai, đối với Hòa giải viên

Với vai trò quan trọng của Hòa giải viên, chế độ thù lao là một trong các cách thức động viên, khuyến khích kịp thời. Đối với vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành, Hòa giải viên được hưởng thù lao từ 1.000.000 đồng/01 vụ việc đến 1.500.000 đồng/1 vụ việc.

Đặc biệt, Hòa giải viên được hưởng mức thù lao tối đa 1.500.000 đồng/1 vụ việc khi hòa giải thành, đối thoại thành các vụ việc đòi hỏi sự công phu và nỗ lực cao như: Hòa giải đoàn tụ thành vụ việc hôn nhân và gia đình; Hòa giải thành tranh chấp đất đai hoặc tranh chấp khác đã qua hòa giải ngoài Tòa án; Hòa giải thành tranh chấp kinh doanh, thương mại và lao động; Đối thoại thành khiếu kiện hành chính. Đối với các trường hợp hòa giải không thành, Hòa giải viên được hưởng thù lao là 500.000/01 vụ việc[9]. Nếu tính bình quân một Hòa giải viên giải quyết được 5 vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành/1 tháng (như kết quả Đợt thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án) [10] thì thù lao trung bình của mỗi Hòa giải viên là khoảng từ 8 - 9 triệu đồng, tương đương với thù lao của Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý[11].

Như vậy, mức thù lao này đã thể hiện sự khuyến khích và đánh giá cao vai trò của Hòa giải viên, giúp Hòa giải viên yên tâm và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và sứ mệnh của mình.

Thứ ba, Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án với vai trò quản lý, hỗ trợ hoạt động hòa giải, đối thoại, là yếu tố tiên quyết trong việc đưa Luật Hòa giải, đối thoại đi vào cuộc sống. Do đó, việc khuyến khích Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án một cách xứng đáng là rất cần thiết. Việc khuyến khích thể hiện như: đưa kết quả triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án làm tiêu chí đánh giá công tác và thi đua, khen thưởng của Tòa án; đồng thời, cần bảo đảm chế độ phụ cấp cho Thẩm phán, thư ký làm công tác hòa giải, đối thoại theo quy định của pháp luật.

Kết luận

Để Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án phát huy vai trò, tạo ra một cơ chế giải quyết hiệu quả và nhân văn, góp phần hạn chế và giải quyết các tranh chấp, xung đột phát sinh trong xã hội một cách hòa bình; tạo môi trường thân thiện bền vững, đáp ứng mong đợi của người dân và xã hội thì cần đến sự nỗ lực và trách nhiệm cao của mọi chủ thể có liên quan; trong đó, các yếu tố được xem là then chốt, quyết định, đó là sự chủ động và tích cực của các Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại, sự tâm huyết và năng lực của Hòa giải viên và cơ chế khuyến khích hòa giải, đối thoại./.

 

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

 


[1] Xem Điều 7 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

[2] Tiêu chuẩn Hòa giải viên quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

[3] Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và 09 Tòa án nhân dân cấp huyện của thành phố (thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 8 năm 2018 và mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11-2018 đến tháng 9-2019).

[4] Xem Báo cáo đánh giá thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc UNDP tại http://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-chi-dao-dieu-hanh?dDocName=TAND129774, truy cập ngày 02-4-2021.

[5] Khoản 7 Điều 3 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

[6] Khoản 2 và 3 Điều 7 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

[7] Xem Điều 5 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

[8] Điều 9 Luật Hòa giải

[9]Công văn số 68/TANDTC-KHTC ngày 30-3-2021 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về tài chính trong triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

[10]Xem tại Điểm a tiểu mục 2.1.3 Phần II Báo cáo số 39/BC-TANDTC ngày 18-7-2019 đánh giá tác động của chính sách dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

[11]Theo quy định tại Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15-12-2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; trong đó, tại khoản 2 Điều 13 quy định một số mức chi thù lao đối với luật sư thì khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý được hưởng thù lao là 0,31 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/01 vụ việc. Với mức này, thì luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý được hưởng thù lao từ 460.000 đồng/01 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 9.200.000 đồng/vụ việc.

 

NCS. PHẠM THỊ HẰNG (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC)