Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khi Tòa án áp dụng pháp luật còn nhận thức khác nhau, không thống nhất. Bài viết, tác giả nêu lên những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giải quyết các vụ án bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cần có văn bản hướng dẫn thi hành.

1.Đặt vấn đề

Hiện tại, Hội đồng thẩm phán TANDC đang có dự thảo lần 2 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng, thay thế cho Nghị quyết số 03/2006/NQ – HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC (gọi tắt là Nghị quyết 03) hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về  BTTH  ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, dự thảo của Nghị quyết cũng không đưa ra khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê các đối tượng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ theo khoản 1 Điều 601 BLDS năm 2015.

Theo đó, tại điểm c khoản 2 Điều 13 của dự thảo Nghị quyết quy định: Người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp: Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.  Ví dụ:  xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật bất ngờ có người lao vào xe để tự tử… thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc do tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, đối với vấn đề người bị thiệt hại cũng có lỗi dẫn đến người thứ ba bị thiệt hại do lỗi của người bị thiệt hại gây ra thì Nghị quyết cũng chưa đề cập đến mà Nghị quyết chỉ đưa ra đối với trường hợp như: Người lao vào xe để tự tử… Do vậy, trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi gây ra cho người thứ ba thì ai là người phải có trách nhiệm bồi thường, vấn đề này trong thực tiễn vẫn đang còn nhận thức khác nhau về tình huống này.

Bởi vì, theo quy định của BLDS thì trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nói riêng là loại trách nhiệm dân sự mà theo đó, người có trách nhiệm bồi thường những tổn thất gây ra cho người khác mà giữa người gây ra thiệt hại và người bị thiệt hại không có việc giao kết hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc hành vi thực hiện hợp đồng.

Như vậy, mục đích của việc áp dụng trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là nhằm bù đắp, khắc phục những tổn thất xảy ra cho người bị thiệt hại, nếu không có  thiệt hại thì cũng không phát sinh trách nhiệm BTTH. Đồng thời, BLDS năm 2015  quy định khi xác định thiệt hại làm căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH thì phải xác định mối liên hệ về mặt không gian và thời gian của thiệt hại bao gồm: Thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp; thiệt hại xảy ra trên thực tế và những thiệt hại chắc chắn xảy ra, phải xác định có thiệt hại xảy ra hay không là một trong những điều kiện bắt buộc của trách nhiệm BTTH. Nếu không có thiệt hại xảy ra thì đương nhiên sẽ không làm phát sinh trách nhiệm BTTH.

Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết các vụ, việc dân sự về BTTH ngoài hợp đồng, thông thường thì dựa trên lỗi của người gây ra thiệt hại. Còn đối với trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp người bị thiệt hại cũng có lổi thì việc quy định trách nhiệm BTTH đối với nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết đối với vấn đề này. Bởi vì, trong thực tiễn giải quyết các trường hợp này cho thấy, vẫn không ít các trường hợp cứ thấy có hành vi trái pháp luật của con người gây thiệt hại, hành vi gây thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ là Tòa án xác định thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra để xác định trách nhiệm BTTH. Từ đó, dẫn đến còn có những nhận thức khác nhau.

Do vậy, dự thảo Nghị quyết lần này của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần phải đưa ra các tình huống thực tế đã phát sinh trong thực tiễn để khi giải quyết các trường hợp này, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhận thức thống nhất khi giải quyết các vụ, việc dân sự về BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

2. Các quy định và nguyên tắc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Tại Điều 584 BLDS năm 2015, quy định căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại: 1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Tại Mục 3 Chương XX của BLDS năm 2015 quy định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng trong các trường hợp cụ thể. Điều 585 BLDS năm 2015 quy định nguyên tắc bồi thường thiêt hại.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.

Điều 601 BLDS năm 2015 quy định: “1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.

Như vậy, BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm bồi thường đặc biệt. Bởi vì, theo Điều 601 BLDS năm 2015 quy định thiệt hại xảy ra do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không phải chỉ do hành vi và do lỗi của con người mà bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ….và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định như: Theo quy định tại điểm 13 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008, thì “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật”.

Theo đó, mặc dù chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi đối với thiệt hại nhưng pháp luật vẫn buộc họ phải có trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, việc xác định trách nhiệm BTTH không phụ thuộc vào yếu tố lỗi của chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà có thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường trừ các trường hợp sau: “Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải BTTH. Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới BTTH.

Về nguyên tắc để xác định trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải xác định thiệt hại thực tế để được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người chịu trách nhiệm BTTH có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Theo đó, khi  áp dụng quy định về BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, phải xác định thiệt hại đó do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay do hành vi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hoặc do người bị thiệt hại cũng có lỗi. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết các vụ án BTTH ngoài hợp đồng, việc xác định trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì hiện nay còn có nhiều trường hợp Tòa án áp dụng pháp luật không phân biệt thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và thiệt hại liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, dẫn đến có trường hơp Tòa án cho rằng có hành vi trái pháp luật của con người gây thiệt hại, hành vi gây thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ và xác định thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra để xác định BTTH là chưa chính xác.

Bởi vì, trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ được áp dụng khi hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ nằm ngoài khả năng kiểm soát, điều khiển của người chiếm hữu, vận hành và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại. Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của con người trong việc trông giữ, bảo quản, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng trách nhiệm này mà sẽ áp dụng trách nhiệm BTTH nói chung. Còn trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, không loại trừ khả năng thiệt hại cũng có thể có một phần lỗi của người quản lý, trông giữ, bảo quản, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ. Nhưng cũng có trường hợp hành vi của người trông giữ, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ không phải nguyên nhân có tính quyết định đến thiệt hại, dẫn đến chủ sở hữu, người đang chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ không được miễn trừ trách nhiệm BTTH kể cả trong trường hợp họ chứng minh được mình không có lỗi trong việc trông giữ, bảo quản, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ.

Như vậy, xét về yếu tố lỗi không phải là một điều kiện làm phát sinh trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, mà dấu hiệu quan trọng nhất để xác định trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm gây ra, chính là nguyên nhân trực tiếp, là yếu tố quyết định dẫn đến thiệt hại. Thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ có thể hoàn toàn không có lỗi của con người ví dụ như:  Xe ô tô đang chạy trên đường bất ngờ bị nổ lốp dẫn đến gây thiệt hại hoặc cũng có thể có một phần lỗi của người quản lý, người điều khiển xe ô tô nhưng lỗi ở đây chỉ đóng vai trò thứ yếu như: Theo quy định trước khi điều khiển xe ô tô thì người lái xe ô tô phải kiểm tra độ an toàn của phanh, lốp… xe ô tô để có biện pháp khắc phục, sửa chữa. Nhưng cũng có trường hợp người lái xe ô tô do chủ quan không kiểm tra độ an toàn của phanh, lốp xe ô tô… dẫn đến khi điều khiển xe thì bị mất phanh gây ra thiệt hại hoặc lốp xe ô tô bị mòn nhưng người lái xe ô tô không thay, vì do chủ quan nghĩ rằng lốp xe ô tô vẫn vận hành tốt dẫn đến khi đang điều khiển xe ô tô trên đường thì xe ô tô bị nổ lốp …gây thiệt hại. Trong trường hợp này, nếu có thiệt hại xảy ra thì phải xem trách nhiệm lỗi của người lái xe ô tô để xác định trách nhiệm BTTH.

Nhưng cũng có trường hợp xảy ra hoàn toàn không có lỗi của chủ xe và người lái xe ô tô như: Do sự kiện bất khả kháng hoặc lốp xe ô tô vẫn an toàn nhưng khi người lái xe ô tô điều khiển chạy trên đường thì bị một vật sắc nhọn nào đó đâm vào làm nổ lốp xe ô tô gây ra thiệt hại, thì hành vi của người điều khiển xe ô tô cũng phải xem xét để xác định trách nhiệm BTTH.  Nhưng đối với trường hợp nếu mà người bị thiệt hại cũng có lổi thì người điều khiển xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ có phải bồi thường hay không thì hiện nay đang còn nhận thức khác nhau. Tác giả đưa ra một tình huống cụ thể đó là,

Ngày 20/03/2018, ông Lê Hoài Th điều khiển xe mô tô (trên 50cm3) chở bà Lê Thị N, thời điểm này ông Th điều khiển xe mô tô thì đang bị cơ quan công an xử phạt hành chính tước giấy phép lái xe mô tô. Khi xe mô tô chạy thì bất ngờ có một chiếc xe ô tô, do ông Vũ Anh D điều khiển, tấp vào lề đường do xe ô tô bị nổ lốp. Xe của ông Th điều chạy cùng chiều đã đụng vào xe ô tô gây tai nạn. Hậu quả ông Th gãy xương bàn chân trái. Tỷ lệ thương tật 11%;  bà N gãy xương đùi bên trái. Tỷ lệ thương tật 42%;

Ông Th khởi kiện yêu cầu ông D bồi thường tiền thuốc, tiền mổ, tiền sửa xe, tiên tổn thất về tinh thần, tổng cộng là 62.000.000đ.

Bà N yêu cầu ông Vũ Anh D bồi thường tổng cộng là 338.500.000 đ.

 Vụ án có nhiều quan điểm khác nhau, quan điểm thứ nhất cho rằng, việc ông  Vũ Anh D điều khiển xe ô tô do nổ lốp là trường hợp bất khả kháng. Nhưng vẫn phải bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo quy định tại điểm a  khoản 3 Điều 601 của BLDS năm 2015 đó là, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.  Còn đối với phần bồi thường của bà N là do lỗi hoàn toàn của ông Th nên ông D không phải bồi thường.

Quan điểm thứ hai cho rằng, ông D không có lỗi. Còn ông Th, mặc dù đã bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính tước giấy phép lái xe, nhưng vẫn điều khiển xe trên 50cm3 là lỗi vi phạm hành chính, hành vi này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông.

Tác giả cho rằng, trong trường hợp này ông Lê Hoài Th điều khiển xe mô tô trên 50cm3, là nguồn nguy hiểm cao độ. Dù không có giấy phép lái xe mô tô trên 50cm3, nhưng ông Th đã điều khiển xe chở bà N gây tai nạn làm bà N bị thiệt hại thì đây là lỗi cố ý, hoàn toàn thuộc về ông Th chứ không phải là lỗi của ông Vũ Anh D, nên phần BTTH của bà N thuộc trách nhiệm của ông Th.

3. Kiến nghị

Qua vụ án nêu trên cho thấy, việc áp dụng trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi còn chưa thống nhất. Dự thảo lần 2 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thay thế cho Nghị quyết số 03, trong đó tình huống khi người bị thiệt hại cũng có lỗi mà gây ra thiệt hại cho người thứ ba thì dự thảo của Nghị quyết chưa đề cập đến.

Thực tế hiện nay cho thấy, có rất nhiều người khi tham gia giao thông điều khiển xe mô tô theo quy định phải có giấy phép lái xe nhưng không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng đang trong thời gian bị tước giấy phép, nhưng vẫn cố ý điều khiển xe mô tô và còn chở người ngồi sau xe mô tô khi xảy ra thiệt hại thì vấn đề bồi thường cho người ngồi sau xe mô tô đang còn nhiều ý kiến trái chiều.

Tác giả kiến nghị trong dự thảo Nghị quyết cần quy định: Người điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe hoặc đã bị tước giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển xe mô tô trên 50cmmà chở người ngồi sau xe. Nếu xảy ra trường hợp người điều khiển xe ô tô trong trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết như xe ô tô bị nổ lốp xe mà gây thiệt hại cho người điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe theo quy định mà chở người ngồi sau xe, nếu người ngồi sau xe mô tô bị thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không phải bồi thường mà phần bồi thường cho người ngồi sau xe mô tô phải là người điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe.

 

Ô tô là nguồn nguyên hiểm cao độ - Ảnh MH

 

 

 

 

ThS LÊ VĂN QUANG (Trưởng phòng 9, VKSND tỉnh Bình Phước)