Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015

Bộ luật Hình sự bảo vệ khách thể quan trọng của đời sống xã hội, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh các loại tội phạm. Trên cơ sở pháp luật, khi quyết định hình phạt, Tòa án nhân dân căn cứ vào cấu thành tội phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Bộ luật Hình sự năm 2015 kế thừa, hoàn thiện, bổ sung những điểm mới các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn để đảm bảo việc áp dụng mang tính trừng phạt, răn đe; nhưng đồng thời mang tính giáo dục, cảm hóa đối với người phạm tội.

1. Quy định về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định 22 (hai mươi hai) tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 51; và 15 (mười lăm) tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 52. Cùng với đó là các điều kiện khi áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; hậu quả pháp lý khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015).
2. Cấu trúc của các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự 
Xét trong toàn bộ cấu trúc của Bộ luật Hình sự thì các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo cấu trúc của cặp phạm trù “nặng – nhẹ”. Xét theo các dấu hiệu cấu thành tội phạm, thì quy định về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể thuộc dấu hiệu chủ thể như: Người già, phụ nữ…; dấu hiệu về mặt khách quan như: Hành vi phạm tội, hậu quả, hoàn cảnh phạm tội…; dấu hiệu về mặt chủ quan như: Động cơ, thủ đoạn…; dấu hiệu khách thể như: Mức độ thiệt hại, bồi thường…
– Đối với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Có thể hiểu là những biểu hiện tích cực cho đời sống xã hội của người phạm tội hoặc vì ngoại cảnh tác động mà thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, cấu trúc điều luật rất cụ thể, như: Phạm tội vì bị người khác đe doạ hoặc cưỡng bức (điểm k khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015); có thể cùng dấu hiệu (nếu có gộp cũng gần tính chất) người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác (điểm v khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015)…
+ Đặc điểm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là không quy định trùng lặp trong định tội, định khung. Bên cạnh việc kế thừa các quy định, mở rộng các tình tiết giảm nhẹ, thì Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “mang tính mở” cho chủ thể áp dụng pháp luật tìm ra những biểu hiện tích cực cho đời sống xã hội của người phạm tội khi áp dụng hình phạt “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi vào trong bản án” (khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015).
– Đối với các tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự quy định, như: Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp… tình tiết có thể là hành vi, chủ thể, động cơ…; nhưng có tình tiết tăng nặng là một “tổ hợp” các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Ví dụ: Điểm n khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Dùng thủ đoạn (thuộc mặt chủ quan), phương tiện (thuộc mặt khách quan), có khả năng gây nguy hại cho nhiều người (thuộc khách thể bảo vệ của Bộ luật Hình sự năm 2015).
+ Đặc điểm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Trong số các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có tình tiết được quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt trong các điều luật. Bộ luật Hình sự năm 2015 có 15 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì đến 9/15 điểm (chín trên mười lăm) quy định trong định tội, định khung hình phạt. So với Bộ luật Hình sự năm 1999 là 12/14 (mười hai trên mười bốn) tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự là dấu hiệu định tội, định khung trong các tội danh cụ thể. Điều này cho thấy:  Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định chặt chẽ và cụ thể hơn, ít các khoản mang tính “tổ hợp” và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ít lặp lại trong các điều, khoản định tội hoặc định khung hình phạt so với Bộ luật Hình sự năm 1999.
3. Điều kiện áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Đặc điểm của việc áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Các tình tiết là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng” (khoản 3 Điều 51; khoản 2 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015). Theo quy định việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự khi những tình tiết không quy định trong cấu trúc của các điều luật trong định tội hoặc định khung. Tuy nhiên, với quy định các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất.
Một là, các tình tiết có thể hiểu như cấu thành tội phạm. Một số điểm trong tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể cấu thành tội phạm. Ví dụ, điểm o khoản 1 Điều 52 “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”, với tình tiết này “người xúi dục” có thể đồng phạm trong tội danh mà người dưới 18 tuổi thực hiện (tùy vào loại tội mà người dưới 18 tuổi thực hiện: Ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) hoặc có thể cấu thành tội “Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp” (Điều 325 Bộ luật Hình sự năm 2015). Về thuật ngữ “xúi dục” và “dụ dỗ” biểu hiện trong thực tiễn rất khó phân biệt…
 Hai là, các tình tiết mang tính “tổ hợp”. Khi áp dụng pháp luật thì chủ thể áp dụng pháp luật căn cứ theo cấu trúc “điều, khoản, điểm”, theo cấu trúc trên thì khi áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ có những cách hiểu khác nhau. Ví dụ: Điểm v khoản 1 Điều 51; điểm n khoản 1 Điều 52… Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã phân tích trên) thì việc áp dụng đòi hỏi vụ án phải đáp ứng được các tình tiết (chính xác là biểu hiện các dấu hiệu) được liệt kê trong điểm, khoản, điều luật. Đến đây một vấn đề đặt ra là “một điểm” trong điều, khoản có phải là một tình tiết hay mỗi dấu hiệu liệt kê trong đó là một tình tiết. Theo như quy định và ngôn ngữ văn phong pháp lý thì khi áp dụng theo “điều, khoản, điểm”, thì một điểm trong điều luật sẽ là một tình tiết của điều luật.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng còn có quy định trùng lặp và khó xác định như: Dấu hiệu “xảo quyệt” là biểu hiện của hành vi thuộc mặt khách quan hay biểu hiện của thủ đoạn thuộc mặt chủ quan của cấu thành tội phạm. Vì dấu hiệu này quy định tại điểm m và điểm p khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015. Về nhận thức, khi hành vi được thực hiện (hành động, hoặc không hành động) thì mới biết được tính chất của hành vi đó là “xảo quyệt”; về ngôn ngữ “xảo quyệt” là biểu hiện tính chất của hành vi, thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm.
4. Hậu quả khi áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ có thể tác động đến việc định khung, hoặc quyết định hình phạt của vụ án. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định điều kiện áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
– Đối với việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Quy định này thể hiện tính chất nhân đạo của pháp luật, mang tính giáo dục trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mà vẫn thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật và có tác dụng răn đe cao. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật này; Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể” (khoản 1, khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015); “Trong trường hợp có đủ các điều kiện theo quy định, nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án” (khoản 3 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Việc quy định áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có lợi cho bị cáo thể hiện tính độc lập của Tòa án nhân dân trong hoạt động tố tụng với các cơ quan tiến hành tố tụng, mà trực tiếp là bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân. Hậu quả áp dụng trong trường hợp này được hiểu là mang tính có lợi cho bị cáo.
– Đối với việc áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hoạt động tố tụng hình sự có các giai đoạn: Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm), trong mỗi giai đoạn tố tụng, các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định và có tác động đến quá trình giải quyết vụ án hình sự (tiếp tục, tạm dừng hoặc kết thúc). Thời điểm thể hiện các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thể hiện trong văn bản tố tụng là bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân, có nghĩa hành vi phạm tội thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, như: Chủ thể phạm tội (tuổi chịu trách nhiệm); khách thể được Bộ luật Hình sự bảo vệ; mặt khách quan của cấu thành tội phạm (hành vi…); mặt chủ quan của cấu thành tội phạm (lỗi, mục đích – bắt buộc thể hiện trong cấu thành tội phạm đối với nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia…). Với quy định hiện hành cho thấy: Khi hành vi đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì dù có áp dụng bao nhiêu tình tiết tăng nặng thì Tòa án nhân dân không áp dụng tội danh nặng hơn hoặc hình phạt nặng hơn đối với hành vi đã cấu thành tội danh. Pháp luật hiện hành không quy định việc áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự sẽ chịu tội danh nặng hơn hoặc định khung hình phạt nặng hơn mà hành vi phạm tội đã thực hiện.
Trên cơ sở kế thừa các quy định của pháp luật, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có hiệu lực pháp luật. Để áp dụng thống nhất, tác giả bài viết có ý kiến như sau:
Thứ nhất, đối với việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Cần có văn bản hướng dẫn để có cách hiểu và áp dụng thống nhất đối với các tình tiết như: Các điểm v khoản 1 Điều 51; điểm n khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015… theo hướng cần xác định cụ thể một dấu hiệu liệt kê là một tình tiết hay khi thỏa mãn các dấu hiệu tại điểm đó mới được xem là một tình tiết.
Thứ hai, đối với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo hướng “mở”. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đưa ra quy định mang tính “mở” cho việc áp dụng “có thể coi… tình tiết khác” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Để có cách hiểu và áp dụng thống nhất cần có văn bản hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, việc hướng dẫn có nhiều cách, như: Quy định thêm các tình tiết, hướng dẫn theo tiêu chí… Tuy nhiên, tác giả thấy rằng: Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đưa ra quy định “mang tính mở” cho chủ thể tiến hành tố tụng áp dụng, thì việc hướng dẫn theo hướng liệt kê các tình tiết sẽ không đúng thẩm quyền (Vì, chỉ có Quốc hội mới có quyền ban hành luật). Do vậy, để phù hợp với thẩm quyền của chủ thể hướng dẫn; phù hợp với “tính mở” của quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì cơ quan hướng dẫn cần đưa ra các “tiêu chí” để chủ thể áp dụng xác định biểu hiện nào là biểu hiện tích cực cho xã hội được xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 hiện đã có hiệu lực, áp dụng đúng pháp luật là bắt buộc đối với các chủ thể trong xã hội. Tuy nhiên, với sự phát triển của đời sống xã hội thì việc sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh đối với các quan hệ xã hội phát sinh (pháp luật phản ánh đời sống xã hội), thì cần cân nhắc đối với việc quy định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự, trên cơ sở các yếu tố như: Cặp phạm trù “nặng – nhẹ”; quy trình tố tụng; sự trùng lặp của các tình tiết trong điều luật; bản chất của trách nhiệm hình sự… để hoàn thiện quy định Bộ luật Hình sự.

Theo Tc Dân chủ – Pháp luật

ThS. TRẦN ĐỨC THÚ ( Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai)