Quan điểm khác nhau về hành vi nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài và đề xuất hướng dẫn

Thông tư liên ngành số 11/TTLN ngày 20/11/1990 TANDTC, VKSNDTC, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp, hướng dẫn xử lý một số loại tội phạm, trong đó có nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài. Đến nay có nhiều quy định đã không còn phù hợp, cần  sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Để góp phần đấu tranh đối với một số loại tội phạm, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp đã thống nhất ban hành Thông tư liên ngành số 11/TTLN ngày 20/11/1990. Trong quá trình áp dụng, các quy định của thông tư đã giúp ích rất nhiều cho hoạt động của Tòa án thông qua xét xử các loại tội phạm liên quan tới các hoạt động nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu ngoại, hoạt động buôn bán kim loại màu, ngoại tệ, cũng như tội phạm trốn thuế, đầu cơ, buôn ma túy trái phép.

Nội dung của Thông tư liên ngành số 11/TTLN ngày 20/11/1990 cũng đã tiếp thu các quy định của Thông tư liên ngành số 08-TTLN ngày 18/9/1990 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp và bổ sung các nội dung mới cho phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm đó. Việc hướng dẫn xét xử đối với BLHS số 17-LCT/HĐNN7  ngày 27 /6/1985 đã được Thông tư liên ngành 11/TTLN ngày 20/111/1990 thực hiện rất tốt. Đây cũng là nền tảng cho việc xây dựng và sửa đổi các quy định của BLHS cho đến hiện nay.

Cùng với sự phát triển của đất nước, các quy định của luật hình sự nước ta có nhiều sửa đổi bổ sung và thay thế cho phù hợp với thực trạng kinh tế xã hội nên đặt ra yêu cầu xem xét việc sửa đổi bổ sung các quy định mới về tội phạm mà thông tư này đã hướng dẫn hiện nay không còn phù hợp.

1.Về các hành vi nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài

Về khoản a Điều 1 của Thông tư 11/TTLN ngày 20/11/1990: “Đối với các trường hợp lần đầu nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài với số lượng dưới 500 bao (mỗi bao 20 điếu) thì chưa coi là phạm tội, nhưng phải xử phạt hành chính”. Chúng tôi cho rằng các nội dung này hiện nay không còn phù hợp nên cần có quy định hủy bỏ đi và nên thay thế bằng hướng dẫn phù hợp hơn.

Về khoản b Điều 1 của Thông tư 11: “Đối với các trường hợp nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài với số lượng từ 500 bao trở lên hoặc dưới 500 bao, nhưng đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, tái phạm, thực hiện nhiều lần, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp hoặc kèm theo việc chống người thi hành công vụ khi bị phát hiện hoặc xử lý, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu qua biên giới, tội vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới (Điều 97 BLGS), tội buôn bán hàng cấm (Điều 166 BLHS) hoặc tội đầu cơ (Điều 165 BLHS nếu thuộc trường hợp đã nêu tại điểm 5 Thông tư liên ngành số 08-TTLN ngày 18/9/1990)”.

Xét một cách khái quát, nhóm hành vi trên được BLHS năm 2015 xác định hành vi buôn lậu, xâm phạm đến khách thể là chế độ quản lý xuất nhập khẩu của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh đó, hành vi buôn lậu cũng gây nguy hại đến an ninh biên giới của quốc gia.

Tuy vậy, khi xác định đối tượng của hành vi phạm tội tại Điều 188  BLHS năm 2015 quy định về tội buôn lậu đã loại bỏ “hàng cấm” khỏi danh sách các đối tượng của hành vi buôn lậu. Như vậy đồng nghĩa với việc hành vi buôn bán hàng cấm qua biên giới sẽ không bị xử lý hình sự về tội buôn lậu nữa, hành vi này sẽ bị xử lý về “tội buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 190 BLHS năm 2015.

2.Về hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu

Hiện nay các quy định pháp luật hướng dẫn xử lý về hành vi này rất đa dạng.

Thông tư số 124/2007/TT-BTC ngày 26/10/2007 Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc dán tem và quản lý tem đối với thuốc lá điếu nhập khẩu, xì gà nhập khẩu cho rằng thuốc lá điếu nhập khẩu phải được dán tem trên bao, gói, hộp, nếu không được dán tem thì bị xử lý theo quy định thuốc lá nhập lậu, giả.

Điểm d khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/20013 của Chính phủ quy định hàng hóa nhập khẩu phải dán tem nhập khẩu. Nếu không có tem nhập khẩu bị xử lý theo quy định tại điều 25 về nhập lậu.

Điểm b khoản 1 Điều 190 BLHS năm 2015 quy định lượng thuốc lá điếu lậu từ 1500 bao trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 tại phụ lục IV quy định thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau về giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư”.

Khoản 3 điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020) quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Các quy định pháp luật viện dẫn trên có nhiều cách hiểu khác về cùng một hành vi buôn lậu thuốc lá điếu đủ lượng truy cứu trách nhiệm hình sự như điều luật quy định.

Như vậy, sản xuất nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá điếu là ngành hàng đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một cách hiểu về Luật Đầu tư năm 2020. Ngành hàng có điều kiện trong đầu tư thì mặt hàng đó có là hàng cấm không. Có những ý kiến trái chiều nhau về nội dung này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng quy định về ngành hàng thì mặt hàng cũng sẽ thay đổi và không còn là hàng cấm. Quan điểm khác lại cho rằng đây là chính sách khuyến khích đầu tư đối với ngành nghề kinh doanh còn mặt hàng vẫn trong quy định là hàng cấm theo pháp luật hiện hành.

Nội dung này rất cần sự tham gia ý kiến của độc giả để xem xét hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc là điếu được nêu trong thông tư liên ngành nếu sửa đổi trong giai đoạn tới có thể đưa ra khỏi phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

3.Quan điểm khác nhau về nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài

Hiện nay có nhiều quan điểm để giải quyết hành vi nhập khẩu trái phép, buôn bán thuốc lá điếu của nước ngoài theo quy định của BLHS năm 2015. Xin đưa ra quan điểm về vấn đề này như sau:

Quan điểm 1: Không phạm tội

BLHS năm 2015 có hiệu lực trước khi ban hành Luật Đầu tư năm 2020, trong Luật Đầu tư năm 2020 quy định sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, các điều luật quy định về hành vi đó phải tuân theo quy định mới của luật. Nếu Tòa án nào đã thụ lý, đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì phải áp dụng khoản 1 Điều 29 BLHS năm 2015 để miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Quan điểm 2: Có phạm tội

Hành vi có thể phạm tội buôn bán hàng cấm. Cơ sở cho nhận định này dựa theo các căn cứ pháp lý sau đây:

Luật Đầu tư 2020 không phải là luật chuyên ngành quy định về hàng cấm và danh mục hàng cấm mà Chính phủ đang áp dụng mà hiện nay chưa có quy định loại bỏ hiệu lực của các quy định hiện hành. Đó là khái niệm hàng cấm theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020, tại khoản 5 Điều 3 quy định: "Hàng cấm” gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hoá cấm sử dụng tại Việt Nam”.

Luật Đầu tư 2020 quy định tại phụ lục IV mục 47 về mặt hàng kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc, thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá là danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nghĩa là các sản phẩm đó phải đảm bảo điều kiện cụ thể của Luật Đầu tư và luật khác của Việt Nam thì được phép kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Thuốc lá nhập lậu là hàng cấm thì không phải là hàng kinh doanh có điều kiện.

Khoản 1 Điều 9 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại văn bản hợp nhất 08/VBHN-VPQH 2018 quy định “nghiêm cấm sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển … nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu”.

Vì vậy, Hội đồng thẩm phán TANDTC cần có hướng dẫn các Tòa án trong công tác giải quyết các vụ án liên quan nội dung đã nêu trên. Để có nhận thức thống nhất, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của các độc giả.

 

Thuốc là điếu nhập lậu được cơ quan Quản lý thị trường thu giữ - Ảnh: TCQLTT

PHÙNG VĂN VIỆT (Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học)