Cần quy định hành vi cưỡng bức mại dâm thành một tội danh độc lập trong Bộ luật Hình sự - Những căn cứ lý giải nhìn từ góc độ quyền con người

Trong phạm vi bài viết này, tác giả lý giải từ góc độ quyền con người, đề xuất kiến nghị về việc nên quy định hành vi cưỡng bức mại dâm thành một tội danh riêng trong BLHS để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình áp dụng pháp luật và quyết định hình phạt để phân hóa trách nhiệm hình sự đạt hiệu quả cao.

I.Đặt vấn đề

Hành vi cưỡng bức mại dâm là một tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại Khoản 2 Điều 327 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 (BLHS). Nhìn về tổng quan thì BLHS có nhiều thay đổi về hình thức và nội dung và cũng đã phát huy được sức mạnh trong hoạt động phòng và chống tội phạm. Tuy nhiên, đối với hành vi cưỡng bức mại dâm và các hành vi tội phạm có liên quan thì trong quy định của BLHS này so với BLHS năm 1999 là không có nhiều thay đổi. Chính sự không thay đổi này đã tạo nên một sự hạn chế của quy phạm này so với các quy định có liên quan trong BLHS năm 2015. 

Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đồng thời chỉ ra một số điểm hạn chế đó và đây cũng chính là các căn cứ lý giải nhìn từ góc độ quyền con người, cho đề xuất kiến nghị về việc nên quy định hành vi cưỡng bức mại dâm thành một tội danh riêng trong BLHS để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình áp dụng pháp luật và quyết định hình phạt để phân hóa trách nhiệm hình sự đạt hiệu quả cao.

II.Tại sao cần quy định hành vi cưỡng bức mại dâm thành một tội danh độc lập

2.1 Khách thể bị xâm hại bởi hành vi cưỡng bức mại dâm là quyền tự do tình dục

Hành vi cưỡng ép mại dâm là hành vi liên quan đến việc thực hiện hành vi tình dục không xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của người hành nghề mại dâm, do đó cũng là hành vi chống lại quyền con người.

Hành vi cưỡng bức mại dâm “là hành vi rất nguy hiểm bởi có khá nhiều phụ nữ bị buộc phải hành nghề mãi dâm do bị cưỡng bức bằng bạo lực, thường xuyên bị hành hạ cả về thế chất lẫn tinh thần. Hành vi cưỡng bức đó, thực chất là xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về tình dục của người phụ nữ. Người phụ nữ có quyền tự mình định đoạt vấn đề tình dục theo tình yêu và danh dự của mình, không ai có quyền cưỡng ép. Do đó, nên coi hành vi này là tội phạm riêng biệt - tội cưỡng bức mãi dâm đồng thời đưa vào cùng một chương các tội xâm phạm tình dục, với mức hình phạt nghiêm khắc”[1].

Như vậy, khách thể trực tiếp bị xâm hại của tội phạm trong trường hợp này là các quyền con người, cụ thể là quyền tự do tình dục và sức khỏe, tính mạng danh dự, nhân phẩm cần được bảo vệ của người hành nghề mại dâm. Do đó, việc BLHS Việt Nam xếp  hành vi cưỡng bức mại dâm vào vào nhóm các tội xâm phạm trật tự công cộng tại Mục 4 thuộc Chương 21 BLHS năm 2015 là biểu hiện của việc chưa đề cao sự cần thiết phải bảo vệ quyền của những người hoạt động mại dâm như mọi con người bình thường khác. Từ đó, làm giảm đi ý nghĩa và sức mạnh về tính bảo vệ của công cụ pháp luật hình sự. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xem nhẹ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm nên chế tài quy định áp dụng đối với tội phạm này cũng ở mức hạn chế. Đồng thời dẫn đến nhận thức của các nhà thi hành pháp luật trong việc áp dụng các quy định này đó là chỉ mới chú trọng trừng trị người phạm tội vì mục đích giữ trật tự công cộng chứ chưa thực thi vì mục đích bảo vệ quyền của người hành nghề mại dâm và sức khỏe của cộng đồng[2].

Liên quan đến việc đánh giá về tính chất quan trọng của khách thể bị xâm hại bởi hành vi cưỡng bức mại dâm, thì cũng cần đánh giá lại các quy định của pháp luật khác khi coi mại dâm như một tệ nạn xã hội trong thi hành pháp luật. Bởi vì, đây chính là nguyên nhân dẫn tới phân biệt đối xử và kỳ thị với những người hành nghề mại dâm và là rào cản ngăn những người hành nghề mại dâm tìm đến công lý để bảo vệ quyền lợi của mình khi có những người trục lợi trên sự lao động của họ. Mặc dù, đối với vấn đề hợp pháp hoá mại dâm ở Việt Nam còn có một số quan điểm không đồng tình, vì họ cho rằng điều này ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, phá hoại gia đình, hạ thấp nhân cách của phụ nữ và làm gia tăng nạn buôn người. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, nhận thức đó cần nên nhìn nhận lại và cần nhìn nhận vấn đề hợp pháp mại dâm trước hết ở góc độ bảo vệ quyền của những người hành nghề mại dâm và sự thuận lợi cho việc quản lý xã hội. Việc hợp pháp hoá mại dâm không những không gây ra hay làm trầm trọng thêm, mà sẽ làm giảm đáng kể những tác động tiêu cực do cấm đoán mại dâm như hạ thấp nhân cách phụ nữ, làm gia tăng nạn buôn người. Hơn nữa, “mại dâm, cùng với gá bạc, là hai nghề lâu đời nhất của nhân loại, thực tế trên thế giới đã chứng minh là không thể cấm đoán được. Tình hình ở Việt Nam cho thấy, càng cấm, mại dâm càng phát triển và diễn biến phức tạp trong bóng tối, vì vậy càng tác động tiêu cực hơn đến thuần phong mỹ tục, quan hệ gia đình, sức khoẻ cộng đồng, an ninh xã hội, gia tăng nạn buôn người và đặt những lao động tình dục vào vị thế đặc biệt dễ bị tổn thương (vì họ vừa bị coi thường về nhân phẩm, vừa bị bóc lột về kinh tế và bị chà đạp về thể chất). Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, hợp pháp hoá mại dâm, nhìn từ nhiều góc độ, chính là để góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội, bảo vệ cộng đồng, bảo vệ và thúc đẩy nhân phẩm và các quyền con người của hàng trăm ngàn phụ nữ lao động tình dục mà nhiều người trong số đó đang sống và làm việc trong hoàn cảnh tồi tệ như những nô lệ hiện đại[3].

Sự tồn tại của mại dâm dù không được pháp luật thừa nhận nhưng ở góc độ nào đó có thể thấy nó có thể phần nào hạn chế tình trạng cưỡng hiếp, bạo lực tình dục. “Nguyên nhân gốc rễ hay nói cách khác lý do căn bản để mại dâm tồn tại liên quan chặt chẽ đến tình dục của con người. Vậy tình dục liên quan như thế nào đến mại dâm? Cách giải thích dễ dãi nhất nhưng lại rất phổ biến cho rằng sở dĩ mại dâm tồn tại và phát triển vì nó cần thiết để phục vụ nhu cầu tình dục của con người vốn là bản năng tự nhiên không thể dập tắt được chừng nào con người còn tồn tại. Theo đó thì nhân loại bắt buộc phải chung sống với mại dâm mãi mãi. Trong thực tế, không phải vì tình dục là bản năng tự nhiên của con người mà chính là bản chất xã hội của tình dục hay cách tổ chức xã hội của tình dục làm nảy sinh và duy trì mại dâm[4].

Mối quan hệ giữa sự tồn tại của mại dâm với việc thực hiện quyền tình dục được biểu hiện rõ hơn khi phân tích vai trò và sự cần thiết phải thực hiện quyền tình dục – thỏa mãn nhu cầu tình dục đối với con người. Hoạt động tình dục là một hoạt động bình thường của một con người có sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, điều này không chỉ được công bố trong các nghiên cứu khoa học mà còn được ghi nhận trong các hệ thống pháp luật và phán quyết của nhiều quốc gia, tòa án trên thế giới. Liên quan đến nhận định này, để thấy rõ sự thuyết phục, chúng ta có thể tham khảo vụ án Xavier tại Pháp.

Nội dung vụ án như sau: Xavier là kỹ thuật viên làm việc cho công ty xây dựng đường sắt ở thành phố Paris và được điều đi công tác vào tháng 2/2013. Trong chuyến đi, Xavier lên cơn đau tim và chết sau khi quan hệ tình dục với cô gái địa phương vừa gặp. Theo kết luận của chính quyền, công ty phải trợ cấp 80% lương tháng của Xavier cho gia đình nạn nhân cho tới năm Xavier được nghỉ hưu (tính theo lúc còn sống) cùng với một phần lương hưu. Do phản đối quyết định này, công ty đã khởi kiện lên tòa án. Trong bản án phúc thẩm của tòa án thành phố Paris công bố ngày 4/9, Tòa án Pháp đồng tình với quyết định của chính quyền địa phương và đã bác bỏ yêu cầu khởi kiện của công ty với lý lẽ như sau “quan hệ tình dục cũng là hoạt động trong cuộc sống đời thường, cũng như tắm rửa hoặc ăn uống[5]. Do đó, cần xác định nhận thức rằng những người hành nghề mại dâm là một sự cung cấp dịch vụ, là một phương thức để họ mưu cầu cuộc sống. Họ có quyền lựa chọn khách hàng để cung cấp dịch vụ, cần sự tôn trọng và đảm bảo giới hạn an toàn từ phía khách hàng. Vì thế họ cũng có quyền được lên tiếng để tố cáo sự xâm phạm đó. Việc cấm đoán triệt để mọi hình thức mại dâm là không căn cứ vào bản chất thực tế và cũng không khả thi. “Đã có nhiều bằng chứng cho thấy rằng ở nơi nào mà mại dâm bị đặt ra ngoài vòng pháp luật thì ở đó nó có thể đi vào bí mật, không thể kiểm soát được. Người hành nghề mại dâm bị phạt nhưng họ vẫn tiếp tục hành nghề. Họ thường xuyên bị bạo lực tình dục bởi khách hàng và những người căm ghét họ. Nạn nhân sẽ không dám tố cáo thủ phạm vì bản thân họ sẽ gặp rắc rối với cảnh sát, thậm chí có thể bị bắt và cảnh sát cũng không có động cơ để bảo vệ người hành nghề mại dâm. Ở những nơi mà mại dâm là bất hợp pháp thì người hành nghề mại dâm thường bị bóc lột thậm tệ bởi bọn chủ chứa và ma cô[6]”.

2.2.Tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi cưỡng bức mại dâm là rất cao và cần phải được mô tả lại cho phù hợp với quy định mới của BLHS năm 20215

Đặc điểm về hành vi khách quan của tội phạm cưỡng bức mại dâm được quy định tại khoản 2 Điều 327 trong tội chứa mại dâm và một số tội phạm khác có liên quan như tội mua dâm người dưới 18 tuổi Điều 329 từ trước đến nay chưa được nhà làm luật nhìn nhận và đánh giá một cách nghiêm túc về tính chất và mức độ nguy hiểm của nó trong mối quan hệ với sự cần thiết của việc bảo vệ quyền con người. Chính vì vậy, sự mô tả về đặc điểm của hành vi khách quan còn hạn chế.

Hành vi cưỡng bức mại dâm được quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 327 BLHS năm 2015. Mặc dù cùng được quy định tại một Điều luật nhưng bản chất của hành vi khách quan tội chứa mại dâm hoàn toàn khác hành vi cưỡng bức mại dâm. Theo Điều 3 Pháp lệnh Phòng chống mại dâm năm 2003 thì: “Hành vi chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm. Hành vi khách quan của tội phạm này được hiểu là: “Cưỡng bức mại dâm là trường hợp ép buộc người khác phải bán dâm trái với ý muốn của họ”[7]. Các hình thức ép buộc để ép người hành nghề phải bán dâm là các hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác buộc người đó phải thực hiện việc bán dâm.

Như vậy, mặc dù khác nhau về đặc điểm hành vi phạm tội, những để làm rõ hành vi khách quan của hành vi chứa mại dâm và hành vi cưỡng bức mại dâm thì hành vi mua dâm và bán dâm cũng cần được làm rõ. Tuy nhiên, trong BLHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn khác chưa mô tả rõ về hành vi này, trong khi điều này là cần thiết. Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh phòng chống mại dâm, hành vi “bán dâm”  định nghĩa như sau: “Bán dâm” là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác; còn “mua dâm” được hiểu là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. Từ quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh trên, có thể suy ra, hành vi cưỡng bức mại dâm được hiểu là người phạm tội dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn buộc người khác phải thực hiện việc giao cấu với người có nhu cầu mua dâm. Việc hiểu như thế này đã phù hợp với yêu cầu của thực tiễn tình hình xâm hại tình dục hiện nay hay chưa? Trong khi thực tế cho thấy hiện nay, người đồng tính có nhu cầu mua dâm hoặc người đồng tính bị ép phải bán dâm, nhưng họ chỉ có thể thực hiện được hành vi quan hệ tình dục khác mà không thể thực hiện hành vi giao cấu. Vậy giả sử nếu thực tế người bán dâm bị ép phải bán dâm bằng hành vi quan hệ tình dục khác và có thể bị thiệt hại về quyền tình dục, về tính mạng, sức khỏe, về thể chất, tinh thần thì BLHS không thể thể dựa vào quy định này để làm cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi cho người hoạt động mại dâm. Trong khi, những thiệt hại mà họ gánh chịu có thể còn lớn hơn những đối tượng tác động khác phải gánh chịu. Bên cạnh đó, việc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trong quá trình mua bán dâm khi người hoạt động mại dâm đang ở trạng thái bị cưỡng ép có nguy cơ gây ra những thiệt hại về thể chất lẫn tinh thần rất cao. Do đó, nếu BLHS quy định việc mua bán dâm chỉ là thực hiện hành vi giao cấu thì sẽ là phản ánh hết được tính thực tiễn của tình hình tội phạm này.

III. Kết luận

Trên cơ sở các phân tích ở trên, chúng tôi nhận thấy rằng cần thiết phải xây dựng lại quy định về tội phạm cưỡng bức mại dâm trong BLHS 2015 cùng một số kiến nghị định hướng cụ thể sau đây:

Một là, cần đánh giá lại khách thể bị xâm hại của hành vi cưỡng bức mại dâm và một số quy định pháp luật khác liên quan đến hoạt động mại dâm. Hành vi cưỡng bức mại dâm cần được quy định riêng thành một tội danh độc lập và bố trí vị trí Điều luật này vào cùng một nhóm với các tội xâm phạm tình dục thuộc Chương 14, Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Đây là cơ sở để đánh giá đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tình dục đối với người hành nghề mại dâm để từ đó quy định chế tài áp dụng tương xứng với chủ thể thực hiện tội phạm. Sự ghi nhận này cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng về tính chất của vụ án xảy ra, của đối tượng được bảo vệ trong quá trình thực hiện công tác đấu tranh chống tội phạm.

Hai là, việc mô tả rõ hành vi khách quan của tội phạm trước hết thể hiện rõ nhận thức đầy đủ của nhà làm luật về các hình thức thể hiện của tội phạm, làm tăng thêm “tuổi thọ” của quy phạm hình sự. Đồng thời là cơ sở để phòng ngừa và trừng trị các hành vi phạm tội trong thực tiễn hiện tại và có thể phát sinh các dạng thể hiện mới trong tương lai. Do vậy, khi tiến hành quy định tách tội cưỡng bức mại dâm thành một tội phạm độc lập trong BLHS thì cũng cần mô tả rõ hành vi khách quan của tội phạm này trong quy phạm hoặc có văn bản hướng dẫn về hành vi bán dâm trong tội cưỡng bức mại dâm và các tội phạm có liên quan như tội mua dâm người dưới 18 tuổi - Điều 329. Cụ thể là: quy định mở rộng phạm vi cách hiểu của hành vi bán dâm. Bởi vì, so với quy định của Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003 là đang còn quá hẹp, chưa bao quát hết các trường hợp mua, bán dâm bằng các hình thức quan hệ tình dục khác - ngoài trường hợp giao cấu. Do đó, định nghĩa về hành vi khách quan của tội cưỡng bức mại dâm cần được xây dựng lại đầy đủ như sau: “Cưỡng bức mại dâm là trường hợp ép buộc người khác phải bán dâm trái với ý muốn của họ”, trong đó “bán dâm” là hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Tương tự như vậy, hành vi “mua dâm” sẽ được hiểu là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Ba là, Nhà nước cải cách luật pháp theo hướng ghi nhận sự bảo vệ về quyền con người của những người hành nghề mại dâm tạo cơ sở để pháp luật hình sự đánh giá và quy định chính xác khách thể bị gây thiệt hại và áp dụng biện pháp trừng phạt đối với những trường hợp cưỡng bức hoặc lạm dụng người hành nghề mại dâm, tạo cơ sở công nhận quyền được tố cáo, được bảo vệ của người hành nghề mại dâm.

Với những kiến nghị cụ thể cho việc hoàn thiện quy định về tội phạm cưỡng bức mại dâm. Chúng tôi mong muốn rằng, quy định này sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để thống nhất áp dụng pháp luật trong thực tiễn đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.

 

TAND TP Huế xét xử một bị cáo là bác sĩ, bị truy tố về các tội "Cố ý gây thương tích", "Hiếp dâm" và "Bắt, giữ người trái pháp luật" - Ảnh:  Đại Dương/ DT

 

                                     

 

 

 

 

 

 

 


[2]  Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam (Vitours) tại Đà Nẵng cho rằng: cần thí điểm triển khai loại hình phố đèn đỏ có quản lý chặt chẽ, phải tư duy mở hơn về một số hoạt động lâu nay vẫn bị coi là nhạy cảm như mại dâm, cá cược, cờ bạc. Quy định hiện hành cấm nhưng thực tế các hoạt động này vẫn diễn ra lén lút dưới nhiều hình thức, phát sinh nhiều tiêu cực rủi ro cho khách hàng và người phục vụ.Ông Tùng giải thích rõ hơn về đề xuất của mình rằng: Là một người làm du lịch, tôi hiểu rõ nhu cầu thực tế của khách nước ngoài. Trong dịch Covid-19 vừa qua, có 2 du khách bị dương tính với Covid-19 khi truy tìm lại, họ đã có nhu cầu và đã sử dụng dịch vụ mại dâm có tổ chức. Như vậy, nếu không công khai thì làm sao quản lý được? xem https://thanhnien.vn/du-lich/thuc-hu-de-xuat-mo-pho-den-do-o-da-nang-de-kich-cau-du-lich-1254302.html, truy cập ngày 3/1/2021

[4] Khuất Thu Hồng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội , , “Tình dục và Mại dâm: Quan điểm về ứng xử đối với mại dâm”,  Tham luận tại Hội nghị Tổng kết Ủy Ban Quốc gia Phòng chống AIDS, Mại dâm và Ma túy Hải Phòng, 1/2010; Tr.1

[6] Khuất Thu Hồng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội , tlđd, tr8

[7] TS. Đỗ Đức Hồng Hà, “Tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm: lý luận và thực tiễn”

Nguồn https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/86 truy cập ngày 29/3/2021

[8] Mở “Pʜố đèn đỏ” ở Đà Nẵng, đáɴh thuế tiêu dùng với các hoạt động ‘мua diêм’, có nên chăng?

http://truyenthongso.online/mo-pho-den-do-o-da-nang-danh-thue-tieu-dung-voi-cac-hoat-dong-mua-diem-co-nen-chang/, truy cập ngày 21/9/2020

ThS. NGUYỄN HUYỀN LY (Giảng viên trường Đại học Luật Huế)