Chủ thế và thời hạn được quyền yêu cầu hoặc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

Bài viết phân tích, đánh giá quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố hoặc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và thời hạn bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại được quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện.

Xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện thái độ tôn trọng, giữ bí mật về đời tư đối với người bị hại, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 tiếp tục cho phép một số tội danh được khởi tố vụ án hình sự (VAHS) theo yêu cầu của bị hại đối với những vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn xã hội dẫn đến việc xâm hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc những vụ việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà tính chất, mức độ cũng như thiệt hại gây ra chỉ được giới hạn ở trường hợp ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật như: (1) Khi vụ án có nhiều bị hại nhưng chỉ có một bị hại yêu cầu hoặc vụ án có nhiều bị can, bị cáo nhưng bị hại chỉ rút yêu cầu đối với một bị can, bị cáo thì cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) sẽ xử lý như thế nào; (2) khi có sự mâu thuẫn trong việc yêu cầu khởi tố VAHS giữa bị hại là người dưới 18 tuổi (không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) với người đại diện của họ thì CQTHTT sẽ theo ý kiến của ai; (3) trong trường hợp bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, nhưng không có hoặc không xác định được người đại diện thì CQTHTT sẽ giải quyết như thế nào.

Trong điều kiện luật chưa có quy định hoặc quy định chưa rõ ràng nhưng chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn kịp thời để giúp các CQTHTT tháo gỡ vướng mắc và áp dụng một cách thống nhất. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và đề ra giải pháp hoàn thiện trong các trường hợp nêu trên là điều cần thiết.

1. Quy định của BLTTHS năm 2015 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) nước ta chủ yếu vận hành theo nguyên tắc công tố, tức là Nhà nước toàn quyền quyết định việc buộc tội, nhưng đối với một số loại tội phạm Nhà nước quyết định việc buộc tội khi bị hại có yêu cầu khởi tố VAHS. Đây là quyền buộc tội của bị hại, có tính chất tư tố, là điều kiện phát sinh quyền công tố của Nhà nước nhưng vẫn nằm trong giới hạn của quyền công tố, vì bị hại chỉ có quyền yêu cầu khởi tố VAHS, sau đó vụ án được giải quyết theo thủ tục chung. Như vậy, cơ sở lý luận của việc hình thành chế định khởi tố VAHS theo yêu cầu của bị hại ở nước ta là sự kết hợp giữa quyền công tố và quyền tư tố trong TTHS [1] .

CQTHTT chỉ được quyền khởi tố VAHS khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại và họ chỉ được quyền rút yêu cầu khởi tố thuộc một trong các tội danh được liệt kê tại khoản 1 Điều 155 của BLTTHS năm 2015. Theo đó, các trường hợp bị hại hoặc người đại diện của họ được rút yêu cầu khởi tố là các tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và trật tự quản lý kinh tế. Cụ thể là các tội thuộc khoản 1 các điều: Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 135 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh), Điều 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội), Điều 138 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 139 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính), Điều 141 (Tội hiếp dâm), Điều 143 (Tội cưỡng dâm), Điều 155 (Tội làm nhục người khác), Điều 156 (Tội vu khống) và Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).

Đây là những tội danh mà người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của bị hại cũng như ảnh hưởng đến nhà nước và xã hội ở mức độ hạn chế; nếu như để họ tiếp tục theo đuổi vụ án thì có thể gây mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của họ, thậm chí còn có thể làm giảm uy tín, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và còn gây ra tiếp những tổn hại về tinh thần cho họ. Do vậy, TTHS đã trao cho bị hại quyền tự quyết và định đoạt, tức là vụ án chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại trong một số trường hợp đặc biệt và họ cũng có thể rút lại yêu cầu của mình để chấm dứt tiến trình giải quyết vụ án để có thể bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của bị hại, nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích của xã hội và nhiệm vụ của nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bảo vệ bị hại không chỉ đơn thuần là trừng trị người phạm tội mà trong một số trường hợp còn phải xem xét đến nguyện vọng của bị hại mong muốn xử lý người phạm tội như thế nào. Nếu bị hại hoặc người đại diện của họ đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Tại Điều 4 của BLTTHS năm 2015 về giải thích từ ngữ, cũng như quy định tại Điều 155 không định nghĩa như thế nào là rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức nên dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau. Theo từ điển tiếng Việt “ép buộc” là “dùng quyền lực bắt phải làm điều trái với ý muốn” [2] , còn “cưỡng bức” là “bắt phải làm, dù không muốn cũng không được”.[3]

Như vậy, có thể hiểu bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố do bị ép buộc, cưỡng bức là do hành vi cố ý của người thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm hoặc người thứ ba làm cho bị hại hoặc người đại diện của bị hại buộc phải rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của họ hoặc của người thân thích của họ.

2. Chủ thể có quyền yêu cầu hoặc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình s

BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi cụm từ “người đại diện hợp pháp của người bị hại” và “người chưa thành niên” thành cụm từ “người đại diện” và “người dưới 18 tuổi” và bổ sung trường hợp “người đại diện của bị hại có quyền yêu cầu khởi tố trong trường hợp bị hại đã chết”.

Có thể thấy, việc sửa đổi, bổ sung trên là thống nhất với khái niệm bị hại được nêu tại khoản 1 Điều 62 BLTTHS năm 2015 khi không chỉ quy định cá nhân mới là bị hại như BLTTHS năm 2003 (Điều 51) mà còn cho phép cả cơ quan, tổ chức cũng là bị hại. Ngoài ra, việc bổ sung trường hợp “người đại diện của bị hại khi bị hại đã chết” xuất phát từ thực tiễn sau khi bị hại bị xâm hại đã chết sau đó (do bị bệnh, tai nạn,…) nên việc yêu cầu khởi tố sẽ do ai thực hiện, trong khi người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì pháp luật đã cho phép người đại diện của họ thực hiện quyền yêu cầu. Qua nội dung của điều luật cho thấy:

– Thứ nhất, chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố không chỉ có bị hại mà còn có người đại diện của bị hại trong trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết, nhưng tên của điều luật chỉ đề cập có bị hại là chưa đầy đủ. Có thể lý giải cho việc điều luật được đặt tên như vậy là xuất phát từ chủ thể bị xâm hại trực tiếp do tội phạm gây ra chính là bị hại, còn người đại diện của bị hại chỉ có quyền yêu cầu trong một số trường hợp nhất định (khi bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết).

– Thứ hai, BLTTHS năm 2015 không quy định khi vụ án có nhiều bị hại nhưng chỉ có một bị hại yêu cầu hoặc vụ án có nhiều bị can, bị cáo nhưng bị hại chỉ rút yêu cầu đối với một bị can, bị cáo thì CQTHTT sẽ xử lý như thế nào.

– Thứ ba, khi có sự mâu thuẫn trong việc yêu cầu khởi tố VAHS giữa bị hại là người dưới 18 tuổi (không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) với người đại diện của họ thì CQTHTT sẽ theo ý kiến của ai.

– Thứ tư, trong trường hợp bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, nhưng không có hoặc không xác định được người đại diện thì CQTHTT sẽ giải quyết như thế nào. Việc xác định tình trạng bị hại có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất là như thế nào, có bắt buộc phải có kết luận của cơ quan có thẩm quyền hay quyết định của Tòa án không, trình tự thủ tục như thế nào; người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có giống với người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi như quy định tại Điều 23 của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 hay không.

Kiến nghị hoàn thiện

– Thứ nhất, theo chúng tôi, cần bổ sung tên của Điều 155 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, người đại diện của bị hại”. Việc bổ sung cụm từ “người đại diện của bị hại” sẽ thống nhất giữa tên điều luật với nội dung của điều luật về chủ thể có quyền yêu cầu, rút yêu cầu khởi tố VAHS không chỉ có bị hại mà còn có người đại diện của họ trong một số trường hợp nhất định.

– Thứ hai, khi vụ án có nhiều bị hại nhưng chỉ có một người yêu cầu khởi tố VAHS, thì CQTHTT sẽ xử lý như thế nào. Chúng tôi cho rằng, khi vụ án có nhiều bị hại mà chỉ có một người yêu cầu, thì phải dựa trên nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo để xác định người yêu cầu mới là bị hại và CQTHTT sẽ giải thích quyền lợi cho người không yêu cầu, đồng thời tiến hành lập biên bản và ghi rõ lý do không yêu cầu và nếu họ có yêu cầu bồi thường thì đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự.
Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo nhưng bị hại chỉ rút yêu cầu đối với một bị can, bị cáo thì CQTHTT sẽ xử lý như thế nào. Chúng tôi cho rằng, trường hợp này CQTHTT đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo mà bị hại rút yêu cầu là phù hợp với quy định tại Điều 230 (đình chỉ điều tra), Điều 248 (đình chỉ vụ án) và Điều 282 (đình chỉ vụ án) BLTTHS năm 2015.

– Thứ ba, khi có sự mâu thuẫn trong việc yêu cầu khởi tố VAHS giữa bị hại là người dưới 18 tuổi (không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) với người đại diện của họ thì CQTHTT sẽ theo ý kiến của ai. Chúng tôi cho rằng, mặc dù người dưới 18 tuổi tuy không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì khả năng nhận thức của họ vẫn còn trong giai đoạn đang được hoàn thiện nên cần phải có người đại diện là phù hợp. Tuy nhiên, nếu so với độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì tuổi chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ là từ đủ 16 tuổi trở lên (tức là không còn được coi là trẻ em)[4] . Như vậy, các nhà làm luật đã phân tích, đánh giá rất kỹ về khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của người phạm tội ở độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội dù ở mức độ ít nghiêm trọng, và đã tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới trước khi đưa ra quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ [5] . Do đó, chúng tôi cho rằng trong trường hợp nêu trên cần hướng dẫn theo hướng: “Nếu có sự mâu thuẫn trong việc yêu cầu khởi tố VAHS giữa bị hại là người dưới 18 tuổi (không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) với người đại diện của họ thì CQTHTT sẽ theo ý kiến của người đại diện của bị hại nếu bị hại dưới 16 tuổi và theo ý kiến của bị hại nếu bị hại từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi”.

– Thứ tư, trường hợp bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, nhưng không có hoặc không xác định được người đại diện thì CQTHTT sẽ giải quyết như thế nào. Vấn đề này có thể tham khảo quy định của BLTTHS Liên Bang Nga: Nếu hành vi phạm tội xâm hại đến bị hại đang ở trong tình trạng bị lệ thuộc hoặc do những nguyên nhân khác mà người đó không có khả năng tự mình sử dụng các quyền của mình thì mặc dù bị hại không có yêu cầu nhưng Kiểm sát viên cũng như Dự thẩm viên hoặc Điều tra viên (sau khi có sự đồng ý của Kiểm sát viên) cũng có quyền khởi tố VAHS [6] . Thực tiễn còn cho thấy, cha hoặc mẹ gây thương tích cho con là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người còn lại thường sẽ là người đại diện cho bị hại và hầu như không có yêu cầu khởi tố xảy ra trong trường hợp này.

Chúng tôi cho rằng, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể để xem người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất và phải có kết luận giám định pháp y tâm thần của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Bởi vì, một người có thể được đặt vào tình trạng có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Đó có thể là tình trạng giảm sút trí nhớ, khả năng diễn đạt ý chí do tuổi tác, bệnh tật, tai nạn; đó cũng có thể là tình trạng khuyết tật về thể chất, ví dụ như câm, điếc,… dẫn đến sự khó khăn trong việc hoàn thiện khả năng nhận thức. [7]

3. Thời hạn bị hại hoặc người đại diện của bị hại được quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

Việc bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền yêu cầu khởi tố VAHS trong thời hạn bao lâu và nếu hết thời hạn đó thì họ sẽ mất quyền yêu cầu thì Điều 155 BLTTHS năm 2015 không có đề cập đến.
Có quan điểm cho rằng, do BLTTHS không quy định thời hạn bị hại được quyền yêu cầu khởi tố, nghĩa là về nguyên tắc họ có quyền yêu cầu khởi tố bất cứ lúc nào, hoàn toàn không bị giới hạn về mặt thời gian [8] .
Chúng tôi cho rằng, theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc về CQTHTT, nhưng những cơ quan này chỉ được thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong thời hạn nhất định theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS). Theo đó, bị hại hoặc người đại diện của bị hại cũng có quyền yêu cầu khởi tố VAHS nếu yêu cầu của họ còn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tức là đối với tội ít nghiêm trọng thì thời hạn yêu cầu là 05 năm và tội nghiêm trọng thì thời hạn yêu cầu là 10 năm [9].

Vấn đề đặt ra là, vì một lý do nào đó mà bị hại hoặc người đại diện của họ chưa yêu cầu khởi tố vụ án, nhưng sắp hết thời hạn họ mới có đơn yêu cầu, thì sẽ quá thời hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm dẫn đến vụ việc bị tồn đọng kéo dài và gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không, do chứng cứ bị biến dạng, thay đổi theo thời gian, thậm chí có thể sẽ không còn. Cho nên, có quan điểm cho rằng do chế định về khởi tố VAHS theo yêu cầu của bị hại là một chế định đặc biệt, chỉ dành riêng cho một số tội danh nhất định, nên cần quy định thời hạn yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại cụ thể trong điều luật theo hướng thu hẹp hơn so với thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS, với lý do: Để hạn chế trường hợp quá thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm do bị hại chậm yêu cầu khởi tố, cần đưa ra quy định về thời hạn yêu cầu khởi tố vụ án để nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức của bị hại trong việc cân nhắc yêu cầu khởi tố hay không khởi tố vụ án của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho CQTHTT trong quá trình giải quyết vụ án [10] , tránh việc vụ án bị “treo” không thể giải quyết được và tình trạng vi phạm pháp luật một cách “bất đắc dĩ”[11] . Từ đó, có quan điểm cho rằng nên quy định thời hạn bị hại hoặc người đại diện của bị hại được quyền yêu cầu khởi tố VAHS là 02 tháng, theo thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm [12] . Có tác giả đề xuất nên quy định bị hại hoặc người đại diện của bị hại chỉ có quyền yêu cầu khởi tố VAHS trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày bị tội phạm xâm phạm [13] . Ở các nước trên thế giới đều quy định rất chặt chẽ về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Chẳng hạn như: BLTTHS Liên bang Nga quy định thời hạn giải quyết tố giác không quá 03 ngày, nếu xét thấy cần thiết có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày; trường hợp đặc biệt theo yêu cầu của Dự thẩm viên, Kiểm sát viên, Điều tra viên có thể gia hạn nhưng tối đa không quá 30 ngày. [14]

Đề xuất, kiến nghị

Trước đây, khi BLTTHS năm 2003 sửa đổi, có rất nhiều phương án đề xuất về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Có phương án đề xuất điều chỉnh tăng thời hạn lên 08 tháng, thậm chí đối với những vụ việc phức tạp còn kéo dài thời hạn hơn nữa. Tuy nhiên, Quốc hội chỉ thông qua cho phép kéo dài thời hạn giải quyết tối đa không quá 04 tháng, nhưng việc gia hạn được sử dụng một cách nghiêm ngặt và chặt chẽ trong những trường hợp nhất định. Có thể lý giải cho việc không đồng ý điều chỉnh tăng thời hạn như các đề xuất: Một mặt, nhằm bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn; mặt khác, bảo đảm chặt chẽ, tránh lợi dụng kéo dài thời gian giải quyết dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Chúng tôi cho rằng, thời hiệu yêu cầu xử lý hình sự quy định như hiện nay là phù hợp, thể hiện tính nhân đạo, tôn trọng và bảo đảm quyền con người trong chính sách hình sự của Nhà nước. Nếu giới hạn thời gian yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc người đại diện của bị hại như trên sẽ dẫn đến sự bất hợp lý là vụ việc tuy vẫn còn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng họ lại không được quyền yêu cầu, chỉ vì bị giới hạn về mặt thủ tục tố tụng và chưa kể đến việc họ chậm yêu cầu có thể do nguyên nhân trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng. Ngoài ra, chính bản thân của họ cũng nhận thức được nếu không yêu cầu sớm thì có thể sẽ bất lợi cho họ, nhưng họ đã lựa chọn và quyết định – thể hiện quyền tự quyết và tự định đoạt trong vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Mặt khác, để tháo gỡ cho việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm không vi phạm thời hạn thì giải pháp có thể xem xét đến đó là tạm đình chỉ, chứ không nhất thiết phải quy định thời hạn yêu cầu.

Kết luận. Qua phân tích nêu trên, cho thấy quy định của BLTTHS năm 2015 về khởi tố VAHS theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại khi áp dụng vào thực tiễn vẫn còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Từ đó, dẫn đến việc áp dụng của các CQTHTT không có sự thống nhất, phụ thuộc vào sự nhận thức pháp luật và ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng. Vì vậy, trước hết Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp cần sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn để các CQTHTT áp dụng một cách thống nhất, nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của bị can, bị cáo trong TTHS. Và trong tương lai, khi BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung cần bổ sung các nội dung như các kiến nghị nêu trên để BLTTHS được hoàn thiện hơn./.

1.Nguyễn Đức Thái, Khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2015, tr. 48.
2.Viện ngôn ngữ học – Hoàng Phê chủ biên (2016), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 458.
3.Viện ngôn ngữ học – Hoàng Phê chủ biên (2016), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 294.
4.Khoản 1 Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
5.Theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016, thì trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định đối với người chưa thành niên phạm tội ở các nước trên thế giới không giống nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ học vấn, điều kiện về kinh tế, xã hội, lịch sử và văn hóa của mỗi dân tộc,… Tuy nhiên, tự chung lại thì giới hạn cao nhất về độ tuổi chịu của người chưa thành niên phải chịu là từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Điển hình như: Ở Bồ Đào Nha, Achentina và Cu Ba độ tuổi này là 16 tuổi; ở Braxin, Côlômbia, Cônggô, Irắc, Mêhicô và Vênêzêla là đến 18 tuổi. Giới hạn thấp nhất là từ đủ 7 tuổi đến dưới 16 tuổi, như: ở Thái Lan, Bănglađet, Brunây, Ai Cập, Thụy Sĩ, Nigiêria và Singgapore là từ đủ 7 tuổi; ở Philippin là từ đủ 9 tuổi; ở Anh là từ đủ 10 tuổi; ở Giamaica và Canađa là từ đủ 12 tuổi; ở Pháp là từ đủ 13 tuổi; ở Rumani, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên Bang Nga và Italia là từ đủ 14 tuổi; ở Na Uy là từ đủ 15 tuổi. Có những nước như Ấn Độ, Pakistan lại quy định tuổi chịu là 16 tuổi ở nữ, tức là sớm hơn 02 năm so với nam. Ở Mỹ, mỗi bang trong số 50 bang đều có thể chọn độ tuổi giới hạn phải chịu cho riêng công dân thuộc bang mình. Phần lớn các bang đều chọn 18 tuổi là tuổi bắt đầu phải chịu (khoảng ¾ tiểu ban của Mỹ quy định người từ 18 tuổi trở xuống được coi là người chưa thành niên. Các bang khác lại lấy người từ 19 tuổi, 17 tuổi hay 16 tuổi làm giới hạn). Như vậy, sự chệnh lệch về độ tuổi chịu giữa các quốc gia trên thế giới là rất lớn. Phần lớn các nước coi cá nhân là người chưa thành niên nếu độ tuổi của họ từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Xem: Đặng Thanh Nga, Trương Quang Vinh (2014), Người chưa thành niên phạm tội – Đặc điểm tâm lý và chính sách xử lý, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 24.
6.Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự Liên Bang Nga năm 2006.
7.Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh – Nguyễn Ngọc Điện chủ biên (2019), Giáo trình Luật dân sự (Tái bản lần thứ 5, có chỉnh sửa bổ sung), Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 95.
8.Nguyễn Đức Thái, Khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2015, tr. 128.
Ngô Văn Lượng, Một số vấn đề về quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 04/2018, tr. 45.
9. Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
10.Nguyễn Đức Thái, Khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2015, tr. 147.
11.Ngô Văn Lượng, Một số vấn đề về quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 04/2018, tr. 46.
12.Nguyễn Đức Thái, Khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2015, tr. 129.
13.Ngô Văn Lượng, Một số vấn đề về quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 04/2018, tr. 46.
14. Nguyễn Hòa Bình – chủ biên (2016), Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 269.

ThS. PHAN THÀNH NHÂN (TAND tỉnh Đồng Tháp) ThS. ĐỖ THỊ NHUNG (TAND thị xã Bến Cát, Bình Dương)