Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài – Một số vấn đề pháp lý đặt ra

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng Điều 118 Luật Phá sản đã bộc lộ hạn chế quan trọng khi viện dẫn việc xem xét công nhận quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài là hoạt động tương trợ tư pháp – trong khi pháp luật về tương trợ tư pháp, hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên không có quy định tương ứng về vấn đề này. Từ đó, loại ý kiến này cho rằng Tòa án thiếu cơ sở pháp lý để thụ lý, giải quyết yêu cầu công nhận quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài.

Trong 3 Luật Phá sản (1992, 2004, 2014), lần đầu tiên, Luật Phá sản năm 2014 có quy định về thủ tục giải quyết việc phá sản có yếu tố nước ngoài tại Chương XI (Điều 116, 117 và 118) của Luật này. Trong đó, Điều 118 Luật Phá sản có quy định về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài.

Kể từ ngày Luật Phá sản có hiệu lực đến nay, một số Tòa án cấp tỉnh đã thụ lý, giải quyết yêu cầu công nhận quyết định về thủ tục phá sản của Tòa án nước ngoài trên cơ sở quy định tại Điều 118 của Luật này. Mặc dù vậy, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng Điều 118 Luật Phá sản đã bộc lộ hạn chế quan trọng khi viện dẫn việc xem xét công nhận quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài là hoạt động tương trợ tư pháp – trong khi pháp luật về tương trợ tư pháp, hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên không có quy định tương ứng về vấn đề này. Từ đó, loại ý kiến này cho rằng Tòa án thiếu cơ sở pháp lý để thụ lý, giải quyết yêu cầu công nhận quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài.

Nhằm có thêm ý kiến trao đổi, làm rõ cơ sở pháp lý của việc xem xét công nhận quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài, chúng tôi đã nghiên cứu, rà soát, phân tích, đánh giá quy định tại Điều 118 Luật Phá sản, một số quy định của pháp luật tương trợ tư pháp, Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên. Sơ bộ, chúng tôi thấy rằng loại ý kiến về Điều 118 Luật Phá sản nêu trên là có cơ sở khoa học, xác đáng.

1. Quy định của Luật Phá sản và Luật Tương trợ tư pháp

Theo quy định tại Điều 118 Luật Phá sản, thì “Việc công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài được thực hiện theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định khác của pháp luật về tương trợ tư pháp”.

Như vậy, với quy định này, Luật Phá sản đã khẳng định việc xem xét công nhận quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài là một loại hoạt động tương trợ tư pháp mà Việt Nam thực hiện cho nước ngoài theo quy định của Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp luật về tương trợ tư pháp. Nếu đối chiếu với Luật Tương trợ tư pháp, có thể xác định ý định của nhà làm luật muốn mặc định thuật ngữ “tương trợ tư pháp” tại Điều 118 Luật Phá sản là tương trợ tư pháp về dân sự. Bởi lẽ, trong 4 lĩnh vực thuộc phạm vi tương trợ tư pháp (dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người thi hành hình phạt tù) quy định tại Luật Tương trợ tư pháp, thì chỉ có thể xếp việc xem xét công nhận quyết định phá sản của Tòa án nước ngoài vào lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng quy định tại Điều 118 Luật Phá sản là không phù hợp với lý luận về tương trợ tư pháp. Bởi lẽ, xét về bản chất, tương trợ tư pháp là hoạt động hợp tác quốc tế để nước này hỗ trợ nước kia thực hiện một hoặc một số hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hình sự có yếu tố nước ngoài trên cơ sở điều ước quốc tế đang có hiệu lực giữa các nước hoặc theo con đường ngoại giao trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Việc phát sinh hoạt động hợp tác quốc tế này xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các nước: các hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền của một nước bị giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của nước đó; nếu cơ quan tiến hành tố tụng muốn thực hiện hoạt động tố tụng trên lãnh thổ nước khác, thì phải được sự đồng ý của nước nơi hoạt động tố tụng được tiến hành hoặc phải ủy thác cho nước đó thực hiện. Vì vậy, trong trường hợp hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành mà không có sự đồng ý hoặc không có sự ủy thác cho nước khác, hoạt động tố tụng đó được coi là hành vi xâm phạm chủ quyền của nước nơi hoạt động tố tụng được thực hiện.

Trên tinh thần đó, việc xem xét công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự. Bởi lẽ, bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là bằng chứng quan trọng xác định hoạt động tố tụng của Tòa án nước ngoài đã kết thúc và tranh chấp, yêu cầu đã được Tòa án đó giải quyết. Vì vậy, việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không phải là hoạt động tố tụng cần phải ủy thác cho Tòa án nước khác thực hiện.

Mặt khác, không phải trong mọi trường hợp việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đều bắt buộc phải thông qua thủ tục công nhận tại Tòa án nước khác. Việc yêu cầu công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài chỉ phát sinh khi và chỉ khi người phải thi hành bản án, quyết định đó không tự nguyện thi hành trên thực tế. Trong trường hợp này, người được thi hành phải yêu cầu công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài để được nhà nước nơi Tòa án ra quyết định công nhận bản án, quyết định thực hiện việc hỗ trợ cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành bản án, quyết định đó.

Cùng với đó, bằng việc nộp hồ sơ yêu cầu công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, người được thi hành còn hướng tới mục đích ngăn chặn việc người phải thi hành án nộp đơn yêu cầu Tòa án nước nơi họ cư trú, có trụ sở, có tài sản giải quyết lại vụ việc nhằm trốn tránh việc thi hành án hoặc đảo ngược bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài mà họ là người phải thi hành.

Về cơ sở pháp lý, kết quả rà soát cho thấy pháp luật về tương trợ tư pháp bao gồm Luật Tương trợ tư pháp, Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 12/2016 ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và TANDTC và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đều không có quy định vấn đề công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự. Cụ thể, Điều 6 Luật tương trợ tư pháp quy định về tương trợ tư pháp như sau:

“1. Uỷ thác tư pháp là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông qua ủy thác tư pháp”.

Từ quy định trên, có thể thấy rằng Điều 6 Luật Tương trợ tư pháp đã xác định “tương trợ tư pháp” là việc Việt Nam hoặc nước ngoài thực hiện cho nhau “một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp” được quy định trong nội luật quốc gia hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Để được Việt Nam hoặc nước ngoài thực hiện “một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp”, thì  nước này phải ủy thác tư pháp cho nước kia bằng văn bản. Tiếp đó, Điều 10 Luật Tương trợ tư pháp làm rõ hơn hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài bao gồm những hoạt động sau đây:

1. Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự;

2. Triệu tập người làm chứng, người giám định;

3. Thu thập, cung cấp chứng cứ;

4. Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự.

Như vậy, từ các quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 6 Luật Tương trợ tư pháp, có thể xác định “một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp” của Luật Tương trợ tư pháp chủ yếu là hoạt động tố tụng dân sự: tống đạt giấy tờ, tài liệu và thu thập, cung cấp chứng cứ (việc triệu tập người làm chứng, người giám định, xét về bản chất vẫn là hoạt động thu thập chứng cứ).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đối với Việt Nam, bắt giữ tàu biển và một số hoạt động thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài cũng được xác định là hoạt động tương trợ tư pháp. Xét về nguồn gốc lịch sử lập pháp, quy định hoạt động tương trợ tư pháp bao gồm cả thi hành án dân sự là sự cụ thể hóa quy định tương ứng tại một số Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, tại các Hiệp định này có quy định cơ quan trung ương của nước này sẽ nhận hồ sơ yêu cầu công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án mình do đương sự gửi đến để chuyển cho cơ quan trung ương có thẩm quyền của nước kia. Sau khi nhận được, cơ quan trung ương có thẩm quyền sẽ chuyển cho Tòa án của nước mình xem xét, giải quyết. Hoạt động gửi, nhận hồ sơ này được xếp vào hoạt động tương trợ tư pháp nhận, gửi giấy tờ, tài liệu theo quy định của Hiệp định.

Tóm lại, từ những phân tích trên đây, có thể kết luận rằng pháp luật tương trợ tư pháp của Việt Nam không quy định việc công nhận bản án, quyết định nói chung của Tòa án nước ngoài là hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài. Việc loại trừ này của Luật Tương trợ tư pháp cũng phù hợp với quy định tại các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên.

2. Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên

Hiện nay có 17 Hiệp định, thỏa thuận tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên với 9 nước châu Âu (Nga, U-crai-na, Ba Lan, Bê-la-rút, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Séc, Xlô-va-ki-a, Pháp), 6 nước châu Á, 1 vùng lãnh thổ: Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ca-dắc-xtan, Mông Cổ, Triều Tiên, Lãnh thổ Đài Loan); 01 nước châu Phi (An-giê-ri), 01 nước châu Mỹ (Cu Ba).

Kết quả rà soát cho thấy:

- Có 16/17 Hiệp định, thỏa thuận tương trợ tư pháp không quy định bản án, quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước này được xem xét công nhận và cho thi hành tại nước kia là hoạt động tương trợ tư pháp.

- Có 1 Hiệp định (Việt Nam và Hung-ga-ri ký năm 2018; có hiệu lực 6/3/2019) quy định quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án không được xem xét công nhận và cho thi hành theo Hiệp định này (khoản 1 Điều 21 Hiệp định): “Các quy định của Phần này không áp dụng đối với các quyết định được ban hành trong các thủ tục liên quan đến phá sản (The provisions of this Part shall not apply to decisions made in procedures relating to insolvency).”

Việc loại trừ quyết định về giải quyết việc phá sản tại khoản 1 Điều 21 Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Hung-ga-ri nêu trên xuất phát từ sự khác nhau giữa tố tụng phá sản và tố tụng dân sự. Theo đó, tố tụng phá sản là thủ tục thu hồi nợ tập thể nên các quyết định của Tòa án ban hành khi giải quyết vụ việc phá sản chủ yếu là quyết định mang tính chất hành chính – tư pháp: mở thủ tục phá sản; chỉ định quản tài viên; công nhận, phê chuẩn Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi kinh doanh; quyết định bán tài sản; quyết định tạm đình chỉ thực hiện các hợp đồng đang có hiệu lực… Bên cạnh đó, trong tố tụng phá sản, các chủ nợ không thể thu hồi nợ của mình từ con nợ một cách riêng rẽ, độc lập với nhau; con nợ cũng bị hạn chế quyền tự quyết định thanh toán các khoản nợ để nhằm bảo toàn tài sản, phục vụ thanh toán theo thứ tự cho các chủ nợ. Do đó, không thể áp dụng thủ tục tố tụng dân sự (công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài) để thu hồi nợ cho vụ việc phá sản.

Mặt khác, trong quá trình đàm phán Hiệp định với Việt Nam, Hung-ga-ri phải tuân thủ luật pháp của Liên minh Châu Âu. Cụ thể pháp luật của Liên minh Châu Âu có quy định riêng rẽ việc công nhận quyết định giải quyết việc phá sản và công nhận bản án, quyết định dân sự hoặc thương mại. Trong đó, việc công nhận quyết định giải quyết việc phá sản bị loại trừ khỏi phạm vi áp dụng của thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự hoặc thương mại của Tòa án nước ngoài. Cụ thể: Châu Âu có Công ước 2015/848 ngày 12/5/2015 quy định về thủ tục phá sản, bao gồm việc công nhận quyết định giải quyết việc phá sản. Trong khi đó, việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự hoặc thương mại được thực hiện theo Công ước số 1215/2012 quy định về thẩm quyền và công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Đối với Việt Nam, việc chấp nhận quy định loại trừ tại khoản 1 Điều 21 Hiệp định cũng phù hợp với pháp luật tương trợ tư pháp và tố tụng dân sự của Việt Nam.

- Đa số các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên chỉ quy định Việt Nam và nước thành viên Hiệp định sẽ hỗ trợ cho nhau việc gửi, nhận hồ sơ yêu cầu công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án mỗi nước thông qua cơ quan trung ương của nước mình. Đây là hoạt động tương trợ tư pháp gửi nhận hồ sơ, tài liệu, giấy tờ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, theo quy định của các Hiệp định nêu trên, đương sự có quyền lựa chọn chuyển hồ sơ yêu cầu công nhận bản án, quyết định dân sự thông qua cơ quan trung ương có thẩm quyền của nước mình hoặc chuyển thẳng hồ sơ đến Tòa án có thẩm quyền của nước kia. Do đó, trong những trường hợp đương sự chuyển thẳng hồ sơ, thì giữa Việt Nam và từng nước này không phát sinh hoạt động tương trợ tư pháp.

Từ những phân tích, rà soát trên đây, có thể nhận thấy đối với vấn đề yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự, các Hiệp định Tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên chỉ quy định hai nước hỗ trợ cho nhau trong việc nhận, gửi yêu cầu công nhận bản án, quyết định dân sự (không bao gồm quyết định của Tòa án về thủ tục phá sản) để chuyển cho Tòa án có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong trường hợp đương sự có yêu cầu.

Không có bất kỳ Hiệp định Tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên nào quy định về việc Tòa án nước này công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự  nói chung, quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước kia nói riêng, là hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự, như Điều 118 Luật Phá sản viện dẫn.

3. Pháp luật quốc tế quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự hoặc thương mại, quyết định về thủ tục phá sản của Tòa án nước ngoài

Hiện nay, có nhiều điều ước quốc tế đa phương quy định riêng rẽ việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và công nhận quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài. Sau đây là một số ví dụ điển hình:

a) Công ước La Hay năm 2019 về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại

Năm 2019 Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế đã thông qua Công ước về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.

Điểm e khoản 1 Điều 1 Công ước này có quy định loại trừ bản án, quyết định liên quan trực tiếp đến thủ tục phá sản của Tòa án nước ngoài khỏi phạm vi bản án, quyết định được xem xét công nhận và cho thi hành theo quy định của Công ước.[1]

b) Công ước năm 2005 về thỏa thuận lựa chọn Tòa án

Điểm e khoản 1 Điều 2 Công ước này có quy định loại trừ quyết định liên quan trực tiếp đến thủ tục phá sản của Tòa án nước ngoài khỏi phạm vi bản án, quyết định được xem xét công nhận và cho thi hành theo quy định của Công ước.[2]

c) Công ước của Châu âu về thẩm quyền và công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại

Công ước Châu Âu số 1215/2012 quy định về thẩm quyền và công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Trong đó, điểm b khoản 2 Công ước này loại trừ bản án, quyết định liên quan trực tiếp đến thủ tục phá sản khỏi phạm vi áp dụng của Công ước.[3]

d) Công ước 2015/848 của Châu Âu về thủ tục phá sản

Nghị viện Châu Âu có Công ước số 2015/848 ngày 12/5/2015 quy định về thủ tục phá sản. Công ước này dành cả Chương II (từ Điều 19 đến Điều 33) để quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành thủ tục phá sản.[4] Theo đó, Công ước có các quy định về việc công nhận các quyết định về thủ tục phá sản như: Tòa án có thẩm quyền mở thủ tục phá sản; quyền, nghĩa vụ của Quản tài viên do Tòa án bổ nhiệm; nghĩa vụ của các chủ nợ về việc chuyển giao tài sản có được từ tài sản của con nợ cho quản tài viên và một số vấn đề khác có liên quan, bao gồm: thông báo về việc mở thủ tục phá sản, luật áp dụng…

Qua sự phân tích sơ bộ nêu trên, có thể thấy rằng các điều ước quốc tế đa phương đã xác định rõ quyết định giải quyết việc phá sản có yếu tố nước ngoài và bản án, quyết định dân sự hoặc thương mại có yếu tố nước ngoài phải được xem xét và công nhận theo hai thủ tục riêng biệt. Sự phân biệt đó dựa trên bản chất khác nhau của việc thu hồi nợ trong tố tụng dân sự và thu hồi nợ theo thủ tục tố tụng phá sản.

4. Về việc áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự để xem xét công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài

Như đã phân tích ở trên, Điều 118 Luật Phá sản hiện hành có quy định về việc công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài. Căn cứ sự khác nhau giữa thủ tục phá sản và thủ tục tố tụng dân sự, vấn đề công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài đã được bổ sung vào Luật Phá sản khi Luật này được sửa đổi, bổ sung là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, trước và trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản, vấn đề này chưa được nghiên cứu nhiều cũng như ít khi phát sinh trên thực tế nên nội dung Điều 118 Luật Phá sản đã không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cụ thể, Điều 118 Luật Phá sản đã khẳng định các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên và pháp luật tương trợ tư pháp trong nước là cơ sở pháp lý để xem xét công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài trong khi các hiệp định và nội dung pháp luật được Luật Phá sản viện dẫn lại không có quy định tương ứng; thậm chí sau này có Hiệp định còn quy định theo hướng loại trừ quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài khỏi phạm vi bản án, quyết định dân sự được xem xét công nhận và cho thi hành trong khuôn khổ Hiệp định.

Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài là một loại quyết định thuộc phạm vi “bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài” quy định tại Điều 423 của BLTTDS. Do đó, có thể “bỏ qua” quy định tại Điều 118 Luật Phá sản để xem xét, công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài theo thủ tục tại Phần thứ VII của BLTTDS.

Chúng tôi cho rằng không thể “bỏ qua” quy định tại Điều 118 Luật Phá sản để áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự trong việc xem xét công nhận quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài như ý kiến nêu trên. Bởi lẽ:

Thứ nhất, không phải ngẫu nhiên vấn đề công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài lại được quy định tại Luật Phá sản.  Vấn đề này đã được bổ sung vào Luật Phá sản là xuất phát từ sự khác nhau giữa tố tụng dân sự và tố tụng phá sản về thu hồi nợ. Theo đó, thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài chỉ áp dụng cho việc thu hồi nợ mang tính chất đơn lẻ, của từng chủ nợ. Trong khi đó, thủ tục phá sản là thủ tục thu hồi nợ tập thể nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ nợ. Từ đó, vấn đề này đã được quy định tại Luật Phá sản thay vì được bổ sung vào BLTTDS.

Thứ hai, thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài chỉ áp dụng đối với bản án, quyết định dân sự mà tranh chấp, yêu cầu của chủ nợ đã được giải quyết và hoạt động tố tụng của Tòa án đã chấm dứt sau khi ra bản án, quyết định đó. Điều này thể hiện rất rõ thông qua nguyên tắc khi xem xét công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, Tòa án không được xét xử lại vụ án mà Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định (khoản 4 Điều 438 Bộ luật tố tụng dân sự). Nguyên tắc này được đặt ra nhằm hạn chế tình trạng một vụ án có cùng đương sự và có cùng nội dung tranh chấp có thể được Tòa án nhiều nước khác nhau cùng giải quyết. Nếu trường hợp này xảy ra, thì tranh chấp giữa các đương sự không thể chấm dứt, việc thi hành án sẽ không thực hiện được do Tòa án các nước có thể ra bản án, quyết định trái ngược nhau. Trong tư pháp quốc tế, nguyên tắc này được biết đến với tên gọi theo tiếng La-tinh: Lis pendensResjudicata. Ngược lại, các quyết định giải quyết việc phá sản không chấm dứt tố tụng phá sản mà chỉ là những quyết định được Tòa án ban hành trong các tiến trình khác nhau của tố tụng phá sản. Do đó, việc áp dụng thủ tục tố tụng dân sự về công nhận bản án, quyết định dân sự để xem xét công nhận các quyết định giải quyết việc phá sản là không phù hợp.

Thứ ba, Điều 439 của BLTTDS chỉ được thiết kế để áp dụng cho việc xem xét, từ chối công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; không áp dụng cho việc xem xét từ chối công nhận quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài.

Ví dụ: Điều 439 của BLTTDS  quy định căn cứ từ chối công nhận như: bản án, quyết định không đáp ứng được điều kiện để được công nhận quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã vắng mặt tại phiên tòa của Tòa án nước ngoài do không được triệu tập hợp lệ hoặc văn bản của Tòa án nước ngoài không được tống đạt cho họ trong một thời hạn hợp lý theo quy định của pháp luật của nước có Tòa án nước ngoài đó để họ thực hiện quyền tự bảo vệ (các khoản 1 và 3 Điều 439 BLTTDS). Các khoản khác như: khoản 4, 5 và 6 của Điều 439 BLTTDS cũng chỉ phù hợp cho việc áp dụng đối với bản án, quyết định dân sự.

Thứ tư, bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài sau khi được công nhận sẽ được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Trong khi đó, quyết định về thủ tục phá sản của Tòa án nước ngoài sau khi được công nhận, thì không phải thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Ví dụ: nếu quyết định của Tòa án nước ngoài về việc bổ nhiệm Quản tài viên và quyền hạn của người này được Tòa án Việt Nam công nhận, thì Quản tài viên sẽ thực hiện quyết định đó mà không phải là cơ quan thi hành án dân sự.

5. Một số đề xuất, kiến nghị

Cần lưu ý rằng, ngoài những hạn chế, bất cập của Điều 118 Luật Phá sản, các quy định khác về thủ tục giải quyết việc phá sản có yếu tố nước ngoài tại Luật này còn chưa thực sự đầy đủ, chưa bao quát được phạm vi điều chỉnh mà thủ tục này cần có. Cụ thể, các quy định còn lại của thủ tục giải quyết việc phá sản có yếu tố nước ngoài chỉ gói gọn trong 2 Điều trong Luật Phá sản (Điều 116 và 117). Trong đó, Điều 116 quy định về nghĩa vụ tuân thủ quy định Luật Phá sản của người nước ngoài tham gia tố tụng phá sản; Điều 117 quy định về việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài trong việc phá sản. Từ các quy định trên của Luật Phá sản, có thể thấy rằng hai vấn đề quan trọng mà Luật này chưa điều chỉnh là:

- Việc phá sản do Tòa án Việt Nam tiến hành mà con nợ có tài sản ở nước ngoài, người có nghĩa vụ về tài sản đối với con nợ ở nước ngoài;

- Thủ tục công nhận các quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài.

Nếu các vấn đề nêu trên vẫn tồn tại mà không được xem xét quy định bổ sung vào Luật Phá sản, thì trong ngắn hạn cũng như dài hạn, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, hậu quả pháp lý không mong muốn. Cụ thể:

- Đối với vụ việc phá sản do Tòa án Việt Nam tiến hành, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản dễ nhầm lẫn việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài là biện pháp thu hồi tài sản của con nợ ở nước ngoài hoặc buộc người có nghĩa vụ tài sản đối với con nợ phải thực hiện nghĩa vụ đó. Trong khi đó, việc ủy thác tư pháp mà nước ngoài có thể thực hiện cho Việt Nam trong vụ phá sản có yếu tố nước ngoài chỉ giới hạn trong việc tống đạt giấy tờ, tài liệu. Quan trọng hơn nữa, không phải trong mọi trường hợp, nước ngoài đều thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp cho Việt Nam. Do đó, trong những trường hợp mà nước ngoài không thực hiện hoặc không thực hiện được yêu cầu ủy thác tư pháp, thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản sẽ lúng túng không biết tiếp tục xử lý, thực hiện quyền hạn của mình như thế nào để thu hồi tài sản của con nợ đang có ở nước ngoài.

- Đối với yêu cầu công nhận quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài, có thể xảy ra tình trạng có Tòa án thụ lý giải quyết, có Tòa án lại từ chối thụ lý, giải quyết. Trong đó, đáng lưu tâm là trường hợp Tòa án xem xét và công nhận quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài. Trong trường hợp này, sau khi quyết định giải quyết việc phá sản được Tòa án Việt Nam công nhận và có hiệu lực, thì Quản tài viên nước ngoài sẽ thực hiện các quyền hạn của họ theo quyết định của Tòa án nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Phá sản hiện hành lại chưa có quy định về cách thức, phương thức mà quản tài viên nước ngoài thực hiện quyền hạn của họ như thế nào trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này dẫn đến hậu quả là không có cơ sở để giám sát hoạt động của Quản tài viên nước ngoài; từ đó, gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài cũng như phát sinh các khiếu kiện, tranh chấp không đáng có về hoạt động của Quản tài viên nước ngoài.

Để giải quyết hai vấn đề quan trọng nêu trên, chúng tôi đề nghị cần tổ chức tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để sửa đổi, bổ sung  Luật Phá sản đối với nội dung thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài. Cụ thể, chúng tôi đề nghị phần thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài của Luật Phá sản cần có các phần như sau:

Một là, đối với thủ tục giải quyết yêu cầu phá sản có yếu tố nước ngoài cần có các quy định về: Yêu cầu phá sản có yếu tố nước ngoài; Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với yêu cầu phá sản có yếu tố nước ngoài; Quyền nghĩa vụ của con nợ, chủ nợ ở nước ngoài; Quy định dẫn chiếu áp dụng các quy định liên quan của Luật Phá sản; Yêu cầu Tòa án nước ngoài công nhận các quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án Việt Nam.

Hai là, đối với thủ tục yêu cầu công nhận quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài, cần có các quy định về:

- Tòa án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết;

- Thủ tục thụ lý, giải quyết yêu cầu công nhận;

- Các căn cứ từ chối công nhận quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài;

- Thủ tục phúc thẩm quyết định công nhận hoặc không nhận quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài;

- Quyền hạn của Quản tài viên nước ngoài sau khi quyết định giải quyết việc phá sản của Tòa án nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận./.

 

LÊ MẠNH HÙNG (Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC)