Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp và các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan

Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) là Hiệp định giữa các chính phủ, được thiết lập nhằm mục tiêu kiểm soát hoạt động buôn bán quốc tế mẫu vật của các loài động, thực vật hoang dã một cách bền vững, đảm bảo rằng hoạt động này không làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của loài trong tự nhiên. Sau khi trở thành thành viên của Công ước CITES năm 1994, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bài viết giới thiệu những nội dung chính của Công ước CITES và một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của Việt Nam để thực thi Công ước này.

 1. Những nội dung cơ bản của Công ước CITES

Công ước CITES là cụm từ viết tắt của Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora, dịch sang tiếng việt có nghĩa là Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, hay còn được biết tới với cái tên công ước Washington. Đây là một hiệp ước đa phương được thông qua năm 1963 trong cuộc họp của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Công ước CITES được ký kết năm 1973 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/1975.[1]

Công ước gồm 25 điều, quy định về các nguyên tắc cơ bản, quy chế buôn bán mẫu vật, giấy phép và chứng chỉ, những biện pháp quốc gia và quốc tế để thực thi Công ước, ký kết, gia nhập Công ước, hội nghị của các nước thành viên… Mục tiêu của Công ước CITES là nhằm đảm bảo rằng việc buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã không đe dọa đến sự sống còn của các loài này trong tự nhiên. Công ước gồm nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật.

Các nước thành viên trong Công ước thực hiện việc cấm buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng. Gần 5 nghìn loài động vật và 29 nghìn loài thực vật được đưa vào danh sách cần được bảo vệ. Các loài này được liệt kê theo 3 Phụ lục theo Điều 2 của Công ước:

– Phụ lục I: Bao gồm những loài bị đe dọa tuyệt diệt do hoặc có thể do buôn bán. Việc buôn mẫu vật của những loài này phải tuân theo những quy chế nghiêm ngặt để không tiếp tục đe doạ sự tồn tại của chúng và chỉ có thể thực hiện được trong những trường hợp ngoại lệ.

Cụ thể gồm 1.200 loài đang bị đe doạ tuyệt chủng và có thể bị ảnh hưởng do thương mại. Việc buôn bán các loài này được cho là phi pháp. Trường hợp không mang tính thương mại thì cần phải có giấy phép xuất nhập khẩu. Các loài động vật phổ biến được liệt kê trong Phụ lục I gồm: Tất cả các loài tê giác; gấu trúc đỏ; khỉ đột phía Tây; tinh tinh (Pan spp.); báo hoa mai; báo đốm; báo săn; voi châu Á; hổ (Panthera tigris); sư tử châu Á; một số quần thể của voi đồng cỏ châu Phi; cá cúi và lợn biển (Sirenia).

– Phụ lục II: Bao gồm (i) tất cả những loài mặc dù hiện chưa bị đe doạ tuyệt diệt nhưng có thể dẫn đến đó nếu việc buôn bán những mẫu vật của những loài đó không tuân theo những quy chế nghiêm ngặt nhằm tránh việc sử dụng không phù hợp với sự tồn tại của chúng; (ii) những loài khác cũng phải tuân theo quy chế để cho việc buôn bán mẫu vật của một số loài có liên quan đến mục (i) có thể phải được kiểm soát hữu hiệu.

Cụ thể gồm khoảng 21.000 loài chưa bị đe doạ tuyệt chủng, nhưng có nguy cơ tuyệt chúng nếu tình trạng thương mại quá mức, không được kiểm soát. Các loài trong Phụ lục II vẫn được buôn bán nhưng cần có giấy phép xuất nhập khẩu. Một số loài được liệt kê trong Phụ lục II như: Cá mập trắng lớn; gấu đen bắc mỹ; ngựa vằn hoang hartman; vẹt xám châu Phi; cự đà xanh; bẹ hồng; thằn lằn Varanus mertensi; nhạc ngựa và guaiacum officinale.

– Phụ lục III: Gồm khoảng 170 loài được các nước thành viên yêu cầu Cites hỗ trợ kiểm soát việc buôn bán các loài này. Ví dụ như lười hai ngón của Costa Rica; cầy hương châu Phi của Botswana; rùa cá sấu của Hoa Kỳ.[2]

Các loài động thực vật ghi trong Phụ lục I và II của CITES có thể được bổ sung hoặc chuyển dịch do thỏa thuận của các nước thành viên tại Hội nghị toàn thể thành viên hoặc bỏ phiếu gửi qua bưu điện trong thời gian giữa 2 kỳ hội nghị (Điều 15 của Công ước).

Theo quy định tại Điều 11 của Công ước, Hội nghị các nước thành viên được tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Tuy nhiên, gần đây, các Hội nghị thường được tổ chức theo định kỳ 3 năm/lần.[3] Tại Hội nghị các nước thành viên Công ước CITES gần đây nhất diễn ra tại Thụy Sỹ với sự tham dự của CITES Việt Nam, các quốc gia đã đồng thuận đưa hươu cao cổ vào Phụ lục II của Công ước CITES.[4] Cũng tại Hội nghị này, ba đề xuất của Việt Nam đề nghị đưa 3 loài rùa từ Phụ lục II lên Phụ lục I gồm: Rùa hộp Việt Nam (tên khoa học là Coura picturata), rùa Trung Bộ (tên khoa học là Mauremys annamensis) và rùa hộp bua-rê (tên khác là rùa hộp trán vàng – Coura bourreti) nhận được đồng thuận cao từ tất cả các nước thành viên.[5]

2. Quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan

Việt Nam là thành viên thứ 121 của Công ước CITES từ năm 1994. Để thực hiện nghĩa vụ thành viên của Công nước, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Tổng hợp các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan, có thể tạm thời phân chia thành các quy định quản lý, quy định xử lý vi phạm và quy định xử lý tang vật sau khi tịch thu.[6]

2.1. Các quy định quản lý

– Luật Lâm nghiệp năm 2017

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 và thay thế Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004. Theo quy định của Luật này, các hành vi săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật bị nghiêm cấm. Đồng thời, Luật cũng quy định việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng vì mục đích thương mại phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước CITES. Việc kinh doanh mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước CITES phải bảo đảm truy xuất nguồn gốc và quản lý theo chuỗi từ khai thác, trồng cấy, gây nuôi đến chế biến và tiêu dùng (Điều 72).

– Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2018)

Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực từ 01/7/2009. Luật dành riêng một Chương IV với 18 điều quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật. Theo đó, các loài động vật hoang dã sẽ được xem xét đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ nhằm bảo vệ những vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng, quy định loài hoang dã bị cấm khai thác và loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên. Luật cũng quy định về khu bảo tồn, phân cấp khu bảo tồn và những hành vi bị cấm trong khu bảo tồn.

– Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ

Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có hiệu lực từ ngày 10/3/2019. Nghị định này quy định Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; chế độ quản lý, bảo vệ, trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nuôi động vật rừng thông thường; thực thi Công ước CITES tại Việt Nam. Đây là văn bản quy định trực tiếp, đầy đủ nhất về việc thực thi Công ước CITES.

Theo Điều 4 của Nghị định này, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bao gồm hai nhóm và được sửa đổi theo định kỳ 05 năm/lần.

– Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019)

Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019) về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.

Nghị định quy định hệ thống các tiêu chí để đánh giá và xác định loài động vật hoang dã đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo đó, loài được đưa vào Danh mục nếu (i) số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng và (ii) là loài đặc hữu có một trong các giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế; sinh thái, cảnh quan, môi trường và văn hóa – lịch sử.

2.2. Các quy định xử lý vi phạm

– Bộ luật hình sự năm 2015

Bộ luật hình sự năm 2015 đã có 2 điều quy định liên quan đến động vật hoang dã, quý hiếm, đó là “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” (Điều 234) và “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” (Điều 244).

Theo đó, đối với động vật hoang dã, các hành vi như săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES có thể bị phạt tù đến 12 năm; pháp nhân có thể bị phạt tiền đến 6 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 234).

Đối với động vật nguy cấp, quý, hiếm, người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES có thể bị phạt tù lên tới 15 năm; đối với pháp nhân thì có thể bị phạt tiền đến 10 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 244).

– Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật hình sự

Nghị quyết này có 8 điều, hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật hình sự và Điều 106 về xử lý vật chứng trong giai đoạn xét xử của Bộ luật tố tụng hình sự. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.

Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/03/2007

Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Thông tư liên tịch này hướng dẫn thực hiện Điều 190 Bộ luật hình sự 1999 về Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý, hiếm. Theo đó, những loài động vật quý hiếm là những loài thuộc nhóm IB của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP. Đồng thời, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể căn cứ để đánh giá hành vi vi phạm là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng để áp dụng tình tiết định khung tăng nặng.

Các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm được quy định cụ thể tại các Nghị định, cụ thể:

+ Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

+ Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

+ Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

+ Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp;

+ Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

2.3. Quy định xử lý tang vật động vật hoang dã sau khi tịch thu

– Việc xử lý mẫu vật bị tịch thu của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES được thực hiện theo Điều 32 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;

– Việc xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước được thực hiện theo Thông tư số 29/2019/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước.

Kết luận

Có thể nói rằng, Công ước CITES là một công cụ hiệu quả để bảo vệ các loài động vật và thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Là một thành viên tích cực của Công ước, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc thực thi Công ước, trong đó có việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở các cấp độ khác nhau. Những nỗ lực này đã được CITES Thế giới ghi nhận và xếp Việt Nam loại A trong việc nỗ lực bảo vệ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.[7]

[1] Xem trang web chính thức của CITES tại địa chỉ: https://www.cites.org/eng.

[2] Xem thêm: Công ước CITES là gì? Chứng chỉ CITES Certificate ở Việt Nam, tại: https://vietnamforestry.org.vn/cong-uoc-cites/, 18/11/2019.

[3] Xem thông tin về các Hội nghị định kỳ tại: https://www.cites.org/eng/cop/index.php?page=1.

[4] Nguyễn Huân, CITES lần đầu đưa hươu cao cổ vào danh sách cần bảo vệ, Báo Điện tử nông nghiệp Việt Nam, tại: https://nongnghiep.vn/cites-lan-dau-dua-huou-cao-co-vao-danh-sach-can-bao-ve-d249640.html, 26/8/2019.

[5] Nguyễn Huân, 6 đề xuất của Việt Nam được CITES COP 18 thông qua, Báo Điện tử nông nghiệp Việt Nam, tại: https://nongnghiep.vn/6-de-xuat-cua-viet-nam-duoc-cites-cop-18-thong-qua-d244550.html, 28/8/2019.

[6] Xem thêm: Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ ĐVHD, tại: http://nature.org.vn/vn/2017/09/he-thong-van-ban-phap-luat-ve-bao-ve-dvhd, 26/9/2017.

[7] Xem: Nỗ lực của Việt Nam bảo vệ động vật hoang dã, Báo điện tử VTV News, tại: https://vtv.vn/trong-nuoc/no-luc-cua-viet-nam-bao-ve-dong-vat-hoang-da-20200303092650729.htm, 03/3/2020.

ThS. TẠ ĐÌNH TUYÊN ( Tòa án nhân dân tối cao)