Đại diện cho người yếu thế trong giao dịch dân sự

Trong xã hội, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà có những người ở vào hoàn cảnh khó khăn hơn so với những người bình thường khác. Khi tham gia các quan hệ pháp luật, họ không có địa vị pháp lý (hoặc khó khăn trong việc có địa vị pháp lý) bình đẳng như chủ thể cùng tham gia mà ở một địa vị thấp hơn...Trong quan hệ pháp luật dân sự, chế định đại diện được thiết kế với tính chất là công cụ pháp lý để bảo vệ người yếu thế trong giao dịch dân sự, tức là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch với người thứ ba. Tham luận này sẽ phân tích một số quy định cơ bản của BLDS (sau đây viết tắt là Bộ luật dân sự) năm 2015 về vấn đề đại diện cho người yếu thế trong quan hệ pháp luật dân sự và một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn thi hành pháp luật.

Trong quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật dân sự nói riêng, người yếu thể được hiểu là người không có (hoặc khó có) khả năng tự thực hiện hành vi để hưởng quyền, không có (hoặc khó có) khả năng để tự bảo vệ, họ có thể là trẻ em – người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; người mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bệnh tật hoặc có khuyết tật hoặc là bên không có (hoặc khó có) sự bình đẳng so với chủ thể khác. Người yếu thế thực tế gặp phải hàng loạt các thách thức, khó khăn, cản trở so với những người bình thường trong việc giải quyết các công việc cho cuộc sống.

Do vậy, Nhà nước đã thông qua các quy định của pháp luật góp phần giảm thiểu và làm cho địa vị của họ được cân bằng để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế trong xã hội. Có thể cho rằng, việc bảo vệ người thế của pháp luật xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, từ vấn đề quyền con người trong xã hội hiện đại. Trong quan hệ pháp luật dân sự, chế định đại diện được thiết kế với tính chất là công cụ pháp lý để bảo vệ người yếu thế trong giao dịch dân sự, tức là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch với người thứ ba. Bài viết này sẽ phân tích một số quy định cơ bản của BLDS (sau đây viết tắt là Bộ luật dân sự) năm 2015 về vấn đề đại diện cho người yếu thế trong quan hệ pháp luật dân sự và một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn thi hành pháp luật.

Quy định cơ bản của BLDS về vấn đề đại diện cho người yếu thế trong giao dịch dân sự

Tại BLDS năm 2015, những quy định chung về đại diện được quy định tại các điều từ Điều 134 đến Điều 143 (10 điều), thuộc Chương IX, Phần thứ nhất – Quy định chung; ngoài ra, BLDS còn có những quy định cụ thể về đại diện trong quan hệ giám hộ, vấn đề hợp đồng đại diện và một số vấn đề khác như đại diện cho người mất, hạn chế năng lực hành vi, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi ,..Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về việc đại diện của vợ và chồng trong quan hệ hôn nhân.

1.1. Về người đại diện

BLDS năm 2015 chính thức bổ sung quy định pháp nhân có thể là người đại diện theo ủy quyền cho người khác. Đại diện không chỉ là việc “một người” (như cách hành văn trong BLDS 2005) mà là việc “cá nhân, pháp nhân” nhân danh và vì lợi ích của cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Trên tinh thần chung đó, bên cạnh người đại diện là cá nhân theo cách hiểu truyền thống, pháp nhân cũng có thể trở thành “người đại diện” cho cá nhân hoặc pháp nhân khác trong các giao dịch dân sự. Điều này hoàn toàn phù hợp về mặt lý luận, cũng như thông lệ trên thế giới, bởi lẽ pháp nhân cũng là “con người”, chỉ khác con người sinh học ở chỗ “con người” này được tạo ra theo con đường pháp lý, và hoàn toàn có khả năng thực hiện quyền đại diện cho một người nào đó trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Quy định mới về pháp nhân có thể làm người đại diện sẽ bảo đảm tốt hơn quyền của các chủ thể trong việc lựa chọn người đại diện cho mình và trong việc làm đại diện cho người khác, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn giao lưu dân sự, vừa đáp ứng được vai trò luật chung của Bộ luật dân sự, vừa bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật khác có liên quan và có tính hội nhập.

1.2. Về các phương thức đại diện

BLDS năm 2015 quy định việc đại diện cho cá nhân nói chung và người yếu thế nói riêng thông qua 2 phương thức là đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền (Điều 135). Tiếp đó, Điều 136 của Bộ luật quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân, Điều 138 quy định về đại diện theo ủy quyền.

1.2.1. Đại diện theo pháp luật của cá nhân (đại diện đương nhiên)

Đại diện theo pháp luật của cá nhân được hiểu là đại diện đương nhiên hoặc đại diện theo chỉ định, đây là quan hệ đại diện thường có tính ổn định về người đại diện, về thẩm quyền đại diện. Những người sau đây theo quy định tại Điều 136 của BLDS năm 2015 là người đại diện theo pháp luật cho những cá nhân có những hạn chế nhất định về năng lực hành vi dân sự:

– Cha, mẹ đối với con chưa thành niên: theo khoản 1 Điều 136 thì cha mẹ là người đại diện đương nhiên của người chưa thành niên. Tuy nhiên, cần lưu ý quy định này không có nghĩa cha mẹ sẽ luôn luôn là người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong mọi trường hợp, chẳng hạn trong trường hợp cha mẹ không đáp ứng yêu cầu tại khoản 3 Điều 134 thì không được làm người đại diện cho con chưa thành niên trong một số giao dịch nhất định.

– Người giám hộ đại diện cho người được giám hộ. Theo quy định pháp luật hiện hành, người giám hộ gồm có người giám hộ đương nhiên, giám hộ cử và giám hộ theo chỉ định. Đặc biệt, người mất năng lực hành vi và người khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi có thể lựa chọn cho mình người giám hộ khi còn đủ khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Khi còn minh mẫn và sáng suốt, việc xác định ai sẽ người giám hộ cho mình sẽ là có hiệu quả nhất khi không may họ bị rơi vào trạng thái cần được giám hộ. Vấn đề này bảo vệ triệt để hơn quyền của người được giám hộ so với sự dừng lại ở việc xác định người giám hộ đương nhiên và giám hộ cử

– Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện trong hai trường hợp ở trên (trường hợp không xác định được cha mẹ của người chưa thành niên hay không xác định được người giám hộ).

– Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Khoản 4 Điều 136 quy định người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không phải là đối tượng có người giám hộ. Bản thân việc hạn chế năng lực hành vi dân sự đối với họ cũng phải do Tòa án thực hiện nên Tòa án cũng sẽ chỉ định luôn người đại diện theo pháp luật của họ.

1.2.2. Đại diện theo ủy quyền

Đại diện theo ủy quyền là việc tự lựa chọn, quyết định người đại diện cho mình để thực hiện giao dịch dân sự khi không thể hoặc không muốn tự mình thực hiện giao dịch. Căn cứ vào quy định tại Điều 138 thì cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Quan hệ đại diện theo ủy quyền có thể được thể hiện bằng một trong hai loại giao dịch:

Hành vi pháp lý đơn phương của người ủy quyền đối với người được ủy quyền bằng Giấy ủy quyền (bên ủy quyền ký), giao dịch ủy quyền được xác lập bởi hành vi pháp lý đơn phương có thể được thể hiện bằng việc cá nhân thể hiện ý chí ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác làm đại diện cho mình, việc ủy quyền có hiệu lực khi người được ủy quyền chấp nhận bằng hành vi đại diện.

– Hợp đồng ủy quyền được giao kết giữa người ủy quyền và người được ủy quyền (hai bên cùng ký)

BLDS không yêu cầu các bên phải công chứng chứng thực văn bản ủy quyền và không cấm việc một người đã ủy quyền cho người khác thực hiện công việc nhưng vẫn ủy quyền tiếp cho người thứ ba thực hiện công việc đó.

Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn thi hành

2.1. Đối với BLDS năm 2015

BLDS năm 2015 đã có khá nhiều bước tiến so với Bộ luật dân sự 2005, tuy vậy, từ thực tiễn thi hành cho thấy, vẫn còn khoảng trống hay hạn chế trong các quy định mới. Đặc biệt, khi đại diện là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự và có thể sẽ có nhiều tranh chấp phát sinh trong thực tế liên quan đến chế định này.

a) Về vấn đề ủy quyền lại

Theo quy định tại Điều 564 của BLDS năm 2015, bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp: (i) có sự đồng ý của bên ủy quyền, hoặc (ii) do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được, với điều kiện việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu và hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

Tuy nhiên, Điều 564 nằm trong phần quy định về hợp đồng ủy quyền, chứ không thuộc phần quy định về đại diện của Bộ luật dân sự 2015. Điều luật này cũng quy chiếu rõ ràng đến “hợp đồng ủy quyền lại”. Quy định này phát sinh lúng túng trong việc xác định liệu ủy quyền lại chỉ phát sinh trong quan hệ ủy quyền theo hợp đồng hay có thể áp dụng cả với trường hợp ủy quyền với tính chất là hành vi pháp lý đơn phương? Cụ thể là pháp luật chưa quy định rõ trường hợp một người ủy quyền cho người khác thực hiện công việc (chẳng hạn thể hiện bằng giấy ủy quyền) thì việc người được ủy quyền tiếp tục ủy quyền lại cho người khác (có sự đồng ý của người ủy quyền) có được chấp nhận hay không?

Bên cạnh đó, BLDS năm 2015 chưa đề cập đến hệ quả pháp lý của việc ủy quyền lại. Về nguyên tắc, do không có mối quan hệ hợp đồng trực tiếp giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền lại, cho nên bên được ủy quyền lại chỉ phải chịu trách nhiệm trước bên ủy quyền lại. Như vậy, về nguyên tắc, bên ủy quyền không thể yêu cầu bên được ủy quyền lại giao lại tài sản, hay lợi ích thu được từ việc thực hiện ủy quyền lại cho mình.

b) Về giám sát giám hộ

Về thẩm quyền của người giám sát việc giám hộ:

BLDS năm 2015 quy định người giám sát việc giám hộ có quyền giám sát việc giám hộ trong quan hệ về tài sản có giá trị lớn. Quy định này dễ dẫn đến hành vi “lách” khi người giám hộ cố tình chia nhỏ tài sản ra để tẩu tán tài sản của người được giám hộ.

Về thủ tục đăng ký giám sát giám hộ:

Theo quy định tại Điều 51 BLDS năm 2015, người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát giám hộ. Trường hợp không có người thân thích của người được giám hộ hoặc những người thân thích không cử, chọn được người giám sát việc giám hộ thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người giám hộ cử cá nhân hoặc pháp nhân giám sát việc giám hộ, việc cử, chọn người giám sát giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử, chọn. Trường hợp có tranh chấp về việc cử, chọn người giám sát giám hộ thì Tòa án quyết định. Trong cả 3 trường hợp trên, sau khi cử, chọn được người giám sát giám hộ thì người này phải thực hiện thủ tục đăng ký giám sát giám hộ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ nếu giám sát việc giám hộ liên quan đến tài sản của người được giám hộ.

Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật hộ tịch chưa có quy định chi tiết về thủ tục đăng ký giám sát giám hộ tại UBND cấp xã.

c) Về trường hợp cha mẹ bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con hoặc cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con

BLDS năm 2015 chưa quy định rõ trường hợp cha mẹ bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con hoặc cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con thì cha mẹ có tiếp tục được giám hộ và có được coi là người đại diện cho con nữa hay không.

d) Về mối quan hệ giữa đại diện và giám hộ

Điều 136 quy định tương đối chi tiết và bao quát các trường hợp cá nhân không/chưa có hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và cần có người đại diện. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây chưa phải là một điều luật lý tưởng về mặt kỹ thuật lập pháp. Có thể thấy đại diện theo pháp luật của cá nhân có mối quan hệ chặt chẽ với giám hộ do cả đại diện và giám hộ đều được quy định đối với những người chưa/không có hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Các quy định ở đây chưa có sự liên kết với quy định về giám hộ đã được quy định từ Điều 46 đến 63 Bộ luật này. Bản thân nghĩa vụ đại diện đã nằm trong nghĩa vụ về giám hộ nên khoản 2 Điều 136 thực ra chỉ cần dẫn chiếu đến những quy định về giám hộ. Ngay cả quy định dự phòng tại khoản 3 Điều 136 cũng có thể đưa vào quy định về giám hộ vì nó chỉ ra một khoảng trống có thể phát sinh trên thực tế, đó là có người cần giám hộ nhưng lại không xác định được ai là người giám hộ. Trường hợp này, Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ và người đó sẽ là người đại diện luôn, thay vì việc cách quy định như tại khoản 3 Điều 136 hiện nay chỉ giải quyết được một phần của vấn đề. Về khoản 1 Điều 136, việc tách ra như vậy có thể dẫn đến hiểu lầm là cha mẹ không phải người giám hộ của con chưa thành niên. Riêng khoản 4 Điều 136 thì tách ra như hiện nay là phù hợp vì người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không phải là đối tượng có người giám hộ. Bản thân việc hạn chế năng lực hành vi dân sự đối với họ cũng phải do Tòa án thực hiện nên Tòa án cũng sẽ chỉ định luôn người đại diện theo pháp luật của họ (xem thêm bình luận về Khoản 1 Điều 24).

2.2. Đối với Luật HN&GĐ năm 2014

a) Vấn đề đại diện cho nhau giữa vợ và chồng

Điều 24 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:

“1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.

Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.”

Tuy nhiên, pháp luật chưa đề cập đến biện pháp giải quyết trong trường hợp sau người vợ, chồng đại diện cho người chồng, vợ bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự của mình nhưng lại có hành vi:

Ngược đãi người bị hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự;

Tẩu tán tài sản chung hoặc tài sản riêng của người chồng, vợ bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

b) Vấn đề đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh

Điều 25 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:

“1. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.

Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này”.

Quy định tại khoản 1 chưa rõ về: (1) yêu cầu đối với hình thức thỏa thuận khi vợ chồng thỏa thuận kinh doanh; (2) hệ quả khi một bên đại diện trong kinh doanh nhưng có những quyết định làm tổn hại đến quyền lợi cho bên còn lại;…

c) Về đại diện trong trường hợp tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán đứng tên một bên vợ/chồng, động sản không phải đăng ký quyền sở hữu

Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:

“1. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.

Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.

Quy định tại Điều 32 chưa giải quyết rõ trong trường hợp một bên vợ/chồng đứng tên tài khoản ngân hàng/chứng khoán (nhưng là tài sản chung) và nguồn thu nhập (từ tiền lãi, lợi nhuận) duy nhất để nuôi sống gia đình. Nếu 1 bên vợ/chồng – người đứng tên tài khoản giao dịch với bên thứ ba thì giao dịch đó có bị vô hiệu không? Và có mâu thuẫn với điểm c khoản 2 Điều 35 của Luật này không?

d) Về việc đại diện trong trường hợp vợ/ chồng không thể tự mình quản lý tài sản

Khoản 2 Điều 44 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:

“2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản”.

Quy định tại điều khoản này cho thấy trường hợp, một bên vợ/chồng bị khiếm khuyết về thân thể, hoặc vì điều kiện khách quan mà không thể tự quản lý tải sản riêng, cũng không ủy quyền thì bên còn lại có quyền quản lý tài sản đó. Như vậy, điều luật đã giới hạn là chỉ được “quản lý” chứ không được xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Quy định này khá bỏ ngỏ việc xác lập, thực hiện các giao dịch đối với tài sản riêng của một bên, thâm chí cả trong trường hợp vì lợi ích của chính người đó.

2.3. Pháp luật liên quan

Các văn bản pháp luật chuyên ngành chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc pháp nhân có thể đại diện cho một cá nhân, pháp nhân khác trong việc thực hiện một số giao dịch để triển khai quy định tại khoản 1 Điều 134 BLDS.

Những phân tích trên cho thấy, thực tiễn thi hành quy định pháp luật về đại diện cho người yếu thế trong quan hệ pháp luật dân sự bước đầu đã phát sinh một số vấn đề cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi của các quy định pháp luật. Do đó, trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao cần tiếp tục nghiên cứu để ban hành các Nghị quyết hướng dẫn thi hành BLDS năm 2015, Luật HN& GĐ năm 2014, tăng cường phát triển các án lệ để có căn cứ pháp luật giải quyết các vấn đề phát sinh. Bộ Tư pháp, một số bộ ngành khác có liên quan cần có văn bản hướng dẫn thi hành về một số vấn đề như thủ tục đăng ký giám sát việc giám hộ.

  LÝ VƯƠNG THẢO (Trường Đại học Maastricht, Hà Lan )