Đề nghị không đặc xá đối với người bị kết án tử hình đã được giảm xuống chung thân

Ngày 07/11, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Có những nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản và rất đáng quan tâm...

Về bố cục của Dự thảo Luật đặc xá

Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) được trình tại phiên họp lần này có bố cục gồm 6 Chương, 40 Điều, quy định về về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá; áp dụng cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân và cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến hoạt động đặc xá.

Đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với người bị kết án tử hình đã được giảm xuống chung thân

Thay mặt Ủy ban Thường vụ (UBTV) giải trình, tiếp thu về dự án luật Đặc xá sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết về ý kiến của các đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng được đặc xá gồm cả người bị kết án tử hình mà sau đó đã được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân. Tuy nhiên, UBTV nhận thấy đây là đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, sau khi bị kết án tử hình, thực hiện chính sách khoan hồng của nhà nước, Chủ tịch nước đã quyết định ân giảm án tử hình cho họ và chuyển xuống hình phạt tù chung thân. Theo quy định, nếu cải tạo tốt, người này tiếp tục nhận được các chính sách khoan hồng khác như được giảm xuống tù có thời hạn, được tiếp tục giảm án và có thể chỉ phải chấp hành 20 năm tù. Nếu dự thảo luật quy định đặc xá với người bị kết án tử hình thì đối tượng này được hưởng quá nhiều chính sách khoan hồng và sẽ không bảo đảm tính răn đe. Vì vậy, UBTV đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với đối tượng này.

Người bị kết án không phải là tội phạm tham nhũng, kinh tế đặc biệt khó khăn không thể thực hiện được phần nghĩa vụ còn lại thì vẫn được xét đặc xá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết tiếp thu ý kiến của đại biểu, Dự thảo luật bổ sung quy định: Đối với trường hợp người bị kết án về tội phạm khác không phải là tội phạm tham nhũng mà đã chấp hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, không thể thực hiện được phần nghĩa vụ còn lại thì vẫn được xét đặc xá.

Về tái hòa nhập cộng đồng của người được đặc xá

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà- tỉnh Ninh Thuận, mặc dù dự thảo luật đã quy định chính sách của nhà nước trong đặc xá đối với những người bị kết án tù, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng khi mà họ được đặc xá. Cụ thể, Điều 6 của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định: Nhà nước động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng đặc xá; tạo điều kiện thuận lợi cho người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

Công tác đảm bảo, tái hòa nhập cộng đồng của người được tha tù cần có sự chung tay của toàn xã hội. Vì vậy, đề nghị quy định rõ các điều kiện cơ chế đảm bảo cho người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Nhà nước cần có chính sách huy động được nguồn lực xã hội cùng với nhà nước trong việc tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá; vận động khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giúp đỡ dưới nhiều hình thức, mô hình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng, từng địa phương.

Nêu ngắn gọn về các đối tượng được hưởng đặc xá theo điểm b Khoản 2 Điều 11 của dự thảo Luật

Theo đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân- tỉnh Khánh Hòa, điểm b Khoản 2 Điều 11 của dự thảo Luật, người có công với cách mạng; người được tặng thưởng danh hiệu Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người có thành tích trong xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động; người được tặng thưởng một trong các loại Huân chương, Huy chương kháng chiến; cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” và vợ, chồng, con của người đó là điều kiện được đề nghị đặc xá.  Đối với nội dung này, đại biểu đề nghị, nội dung này chỉ cần nêu một cách gọn lại là “các đối tượng là người có công với cách mạng theo pháp luật người có công”.

Bổ sung hành vi nghiêm cấm trong Luật đặc xá

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá, ngoài 05 nhóm hành vị được nêu trong dự thảo luật, các đại biếu Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung cấm đối với hành vi thông tin về việc đặc xá không đúng thẩm quyền, trái quy định của pháp luật. Đồng thời, bổ sung quy định cấm đối với hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc thực hiện những quy định về đặc xá.

Hướng dẫn về tiêu chí xác định những sự kiện trọng đại là cơ sở cho Chủ tịch nước quyết định đặc xá

Để đảm bảo tính minh bạch khi áp dụng Luật, đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn- tỉnh Thanh Hóa, đề nghị giao Chính phủ ban hành những văn bản dưới luật hướng dẫn thật cụ thể về tiêu chí xác định những sự kiện được xem là trọng đại để làm cơ sở cho Chủ tịch nước quyết định đặc xá. Đại biểu phân tích, việc xác định rõ nội dung này sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch và thống nhất khi áp dụng chế định đặc xá đối với người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga khẳng định, ngay sau phiên họp hôm nay, Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện tốt nhất dự thảo Luật.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tất các các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được Ban Thư ký Kỳ họp ghi âm, ghi chép đầy đủ và sẽ được Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp để gửi đến các đại biểu Quốc hội theo quy định. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tư Pháp, cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các góp ý của các đại biểu Quốc hội để báo cáo giải trình rõ thêm và hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

NGUYỄN TIẾN DŨNG