Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

Trong bài viết này, tác giả đi sâu phân tích, đánh giá một số quy định về điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được quy định tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.

Thực tiễn cho thấy, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc mềm dẻo, chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp hữu hiệu, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Chính vì ý nghĩa vô cùng quan trọng nêu trên mà trong Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015, hòa giải là một trong các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự, là thủ tục bắt buộc trong giai đoạn sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự và việc dân sự công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. BLTTDS 2015 dành hẳn một chương là Chương XXXIII quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Tuy nhiên, thực tế xét xử cho thấy số các vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành ngoài Tòa án chiếm tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, chưa phát huy được hết vai trò, ý nghĩa của thủ tục hòa giải, đối thoại.

1. Điều kiện về năng lực hành vi dân sự của các bên tham gia thỏa thuận hòa giải

Khoản 1 Điều 417 BLTTDS 2015 quy định: “Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự”. Theo quy định này thì các bên khi tham gia vào việc hòa giải phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) [1]. Theo quy định tại Điều 20 BLDS 2015[2] thì người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này (Điều 20 BLDS). Khoản 4 Điều 21 BLDS 2015 quy định: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

Như vậy, theo quy định nêu trên của Bộ luật thì người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi hoàn toàn có quyền tự mình xác lập, thực hiện một số giao dịch dân sự theo quy định của luật. Và nếu đã xác định cho họ có quyền này thì phải đồng thời xác định cho họ có quyền tham gia vào thỏa thuận hòa giải quy định tại Chương XXXIII BLTTDS 2015. Nhưng với quy định tại khoản 1 Điều 417 BLTTDS nói trên, người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi sẽ không được có thỏa thuận hòa giải thành ngoài Tòa án. Do đó, quy định tại khoản 1 Điều 417 BLTTDS 2015 về các bên tham gia thỏa thuận hòa giải đã làm hạn chế đối tượng có thể là một trong các bên tham gia thỏa thuận hòa giải ngoài Tòa án, đó là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi.

2. Điều kiện về sự đồng ý của người thứ ba

Khoản 2 Điều 417 BLTTDS 2015 quy định:

“2. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.”.

Với nội dung này, vế đầu tiên của điều khoản này tác giả cho rằng là phù hợp. Nhưng với về thứ hai quy định: “ Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.” thì cần có hương dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền. Bởi lẽ, thực tiễn cho thấy, có trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba là người chưa thành niên, người đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đối với trường hợp liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba nêu trên nếu theo quy định hiện hành thì phải được họ đồng ý. Nhưng đối với những người này đòi hỏi phải có sự đồng ý của họ là không khả thi vì sự đồng ý của họ hoặc không đúng hoặc sẽ không bao giờ có được sự đồng ý của họ. Như vậy, quy định nêu trên rất cần được hướng dẫn, giải thích kịp thời nếu không sẽ gây ra không ít khó khăn trong thực tiễn.

3. Điều kiện về việc nộp đơn yêu cầu Tòa án công nhận

Khoản 3 Điều 417 BLTTDS 2015 quy định một trong những điều kiện để được công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là: “Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận”.

Với quy định này, tác giả cho rằng cũng phải được hướng dẫn một cách cụ thể. Bởi vì nội mục 2 Công văn số 1503/BTP-PBGDPL ngày 05/5/2017 về việc hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở cũng chỉ quy định: “Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc”.

Từ đó thực tiễn sẽ xảy ra trường hợp cả 2 bên cùng làm đơn yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, nhưng mỗi bên lại cư trú, làm việc ở hai nơi khác nhau. Như vậy là có cả hai Tòa án cùng nhận được đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành về cùng một vấn đề. Với nội dung này cần có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể.

4. Đề xuất, kiến nghị

Với những phân tích nêu trên, tác giả xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm giải quyết khó khăn khi áp dụng các quy định tại Điều 417 BLTTDS 2015 về điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án, đó là:

Thứ nhất, TANDTC cần đưa nội dung này vào chương trình tập huấn thường kỳ để các Tòa án địa phương nắm vững các quy định này khi giải quyết các yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

Thứ hai, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần sớm nghiên cứu ban hành nghị quyết hướng dẫn về điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án với một số nội dung sau:

– Về điều kiện về năng lực hành vi dân sự của các bên tham gia thỏa thuận hòa giải, cần hướng dẫn theo hướng mở rộng đối tượng tham gia thỏa thuận hòa giải thành đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi và người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tinh thần.

– Điều kiện về sự đồng ý của người thứ ba, cần hướng dẫn theo hướng nếu nội dung thỏa thuận thành ngoài Tòa án có liên quan đến người chưa thành niên, người đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự thì phải được người đại diện hợp pháp của họ đồng ý.

– Về thẩm quyền của Tòa án khi các bên cùng làm đơn yêu cầu công nhận kêt quả hòa giải thành ngoài Tòa án về cùng một vấn đề mà nộp đơn đến các Tòa án khác nhau thì giải quyết tranh chấp về thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp này theo hướng áp dụng tương tự như giải quyết tranh chấp về thẩm quyền trong vụ án dân sự./.

1.Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

2.Điều 20. Người thành niên
1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này
.

PHẠM HOÀI NGÂN - HOÀNG THỊ NGUYỆT NGA (Cao đẳng Sư phạm Trung ương)