Giám định, xử lý vật chứng, định giá động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý hiếm trong tố tụng hình sự – Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

Giám định tang vật, vật chứng thu giữ từ các vi phạm liên quan đến động vật hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến động vật hoang dã, quý hiếm. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy khâu này có nhiều khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục để hoàn thiện.

1.Đặt vấn đề

Giám định và xử lý vật chứng trong các vụ án xâm phạm hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý hiếm đóng vai trò quan trọng trong công tác điều tra, xử lý đối với hoạt động buôn bán trái phép các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm. Liên quan đến việc giám định tư pháp và xử lý vật chứng đối với các vụ án liên quan đến động thực vật hoang dã, Việt Nam cũng đã ban hành một số luật và văn bản hướng dẫn như: Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Giám định tư pháp; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Thông tư số 14/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm   tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 47/2013/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành quy trình giám định pháp y; Chỉ thị số 28/2016/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật; Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật hình sự; Thông tư số 29/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự, thủ tục, phương thức xử lý tang vật là động vật rừng. Những văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc phòng ngừa và chống các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến hoạt động bảo vệ ĐVHD. Tuy nhiên, qua công tác điều tra, truy tố và xét xử loại tội phạm này cho thấy một số quy định, thủ tục liên quan đến công tác giám định và xử lý vật chứng đối với ĐVHD hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập khiến hiệu quả giám định, xử lý vật chứng chưa cao và chưa hỗ trợ được nhiều cho quá trình điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm trong hoạt động buôn bán động hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trái phép ở Việt Nam.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề giám định và xử lý vật chứng trong các vụ án xâm phạm hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý hiếm, làm rõ những bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, đồng thời đưa ra những kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng.

2.Những khó khăn, vướng mắc trong việc giám định mẫu vật động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm

Thứ nhất, giám định tư pháp đối với tang vật, vật chứng là quy trình, thủ tục bắt buộc các cơ quan chức năng phải thực hiện trong quá trình xử lý vụ án (hành chính, hình sự) theo quy định của pháp luật. Việc không trưng cầu giám định hoặc thực hiện giám định tư pháp không đúng quy định của pháp luật là vi phạm trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự. Đặc biệt, kết quả giám định tư pháp là cơ sở để quyết định, xác định mức độ phạm tội. Tuy nhiên, việc giám định hiện nay thường được thực hiện chậm, tốn kém và gặp rất nhiều khó khăn, xuất phát từ các quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Các thủ tục, quy trình giám định mẫu vật hiện cũng chưa rõ ràng dẫn tới cán bộ thực thi thường né tránh việc giám định và thường quy về xử lý hành chính. Bên cạnh đó, quá trình lấy mẫu giám định cũng chưa quy định cụ thể về thời gian trưng cầu giám định mẫu vật; cách thức lấy mẫu đối với các loài động, thực vật hoang dã (cá thể sống và chết); cách bảo quản, bàn giao mẫu vật và đưa ra kết quả giám định mẫu vật… Trong khi đó, các bước này rất cần được thực hiện theo quy trình và có chữ ký xác nhận của các bên liên quan cũng như tổ chức, cá nhân làm chứng để đảm bảo tính minh bạch, chính xác và khoa học.

Thứ hai, trước đây chưa có cơ quan nào được chỉ định là cơ quan khoa học CITES để giám định những mẫu vật nghi có nguồn gốc từ động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác… Đa số các địa phương trưng cầu giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học Việt Nam nhưng cũng có nơi cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an. Cho tới ngày Ngày 17/6/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành QĐ 2249/QĐ-BNN-TCLN về việc chỉ định cơ quan khoa học CITES Việt Nam.

 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 06) về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quy định như sau: Khoản 4 Điều 31 Mục 5 Chương III về thực thi CITES quy định: “Cơ quan khoa học CITES Việt Nam” là cơ quan giám định mẫu vật CITES. Điểm d khoản 2 Điều 34 Mục 6 Chương III về biện pháp bảo đảm thực thi CITES quy định chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam “giám định mẫu vật động vật, thực vật hoang dã”. Như vậy, theo quy định của pháp luật chỉ có “cơ quan khoa học CITES Việt Nam” là có tư cách pháp nhân “giám định mẫu vật động vật, thực vật hoang dã”. Điều này dẫn đến các cơ quan chức năng trong quá trình trưng cầu giám định gặp khó khăn về thủ tục, thời gian và tốn kém chi phí.

Thứ ba, đối với các mẫu vật thuộc Phụ lục I CITES tịch thu được hiện nay, các cơ quan thu giữ đều phải tiến hành trưng cầu giám định ở các cơ quan khác nhau như Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (đối với mẫu động vật) hoặc Viện khoa học Lâm nghiệp (đối với mẫu thực vật). Với các cơ quan ở phía Nam, do điều kiện địa lý, việc trưng cầu giám định thường được đặt ra đối với Viện Sinh học nhiệt đới (ITB) và Viện Khoa học Hình sự phía Nam (C54B)… Tuy nhiên, trên thực tế, do trang thiết bị, kinh nghiệm và kỹ năng giám định khác nhau nên nhiều khi kết quả giám định của cùng một mẫu tại các đơn vị nhưng lại vênh nhau hoặc trái chiều, gây lúng túng cho cơ quan xử lý vụ việc.

 Thứ tư, về vấn đề định giá vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Theo quy định tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, quy định tại Điều 15 của Nghị định thì: Việc định giá tài sản là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong những căn cứ sau: Giá thị trường của tài sản; Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.

Tuy nhiên, có bất cập là mỗi địa phương hoặc khu vực giá khác nhau nên việc áp dụng giá không thống nhất, không chính xác dẫn tới việc áp dụng pháp luật không công bằng. Việc quy định như vậy, theo chúng tôi cũng không chính xác, bởi lẽ đã là hàng cấm thì thì đa số không được lưu thông trên thị trường, do vậy không thể có căn cứ để quy định  mức giá! Đặc biệt là đối với động vật hoang dã, động vật nguy câp, quý, hiếm thì càng không thể có căn cứ chính xác nào để quy định về giá, có chăng chỉ là định giá theo cảm tính. Dẫn đến tình trạng cùng về một hành vi, việc áp dụng giá không thống nhất dẫn đến cùng một loài, một cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm thì ở địa phương này người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn ở địa phương khác thì có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác cũng như kinh phí giám định còn hạn chế. Việc giám định các mẫu vật, nhận dạng loài, tang vật của vụ án như xương, mật, nanh, vuốt, cao…sản phẩm của động vật hoang dã quý, hiếm còn gặp khó khăn, thời gian kéo dài, chi phí cao, do vậy công tác đấu tranh còn chậm, hiệu quả thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

3.Những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm (Tham chiếu Thông tư 29/2019)

Khoản 1 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định “việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.”. Theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 106 BLTTHS 2015 thì đối với vật chứng là vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ nhà nước hoặc tiêu huỷ. Tuy nhiên, đối với những vụ án có tang vật là ngà voi, sừng tê giác… nhập khẩu trái phép liên quan đến Công ước CITES và các vụ án đã tạm đình chỉ điều tra (chưa xác định được bị can) nên không có căn cứ áp dụng theo Điều 106 BLTTHS để ra quyết định xử lý vật chứng.

Theo quy định tại Điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 thì “Vật chứng là ĐVHD và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”. Để hướng dẫn việc thực hiện đúng quy định tại Điều 106 BLTTHS, Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn tại Điều 7 như sau:

Điều 7. Về việc xử lý vật chứng

“1. Việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được thực hiện như sau: 

a) Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật. 

b) Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. 

c) Vật chứng khác không thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật. 

Đối với vật chứng đã được xử lý theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, khi xét xử, Tòa án căn cứ vào biên bản thu giữ, bản ảnh, dữ liệu điện tử, biên bản giám định, biên bản giao nhận, quyết định xử lý vật chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan trong hồ sơ vụ án để giải quyết. 

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành”.

Tuy nhiên, nghiên cứu quy định tại điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 và Nghị quyết số 05 của HĐTP thì thấy, quy định trên vẫn chưa chỉ rõ Cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền là cơ quan nào? Hiện chưa có văn bản nào quy định về cơ quan này nên rất khó khăn trong việc bàn giao vật chứng vì để bàn giao vật chứng, bắt buộc các Cơ quan pháp luật phải làm thủ tục bàn giao cho Cơ quan quản lý chuyên ngành, sau đó Cơ quan quản lý chuyên ngành mới bàn giao cho các cơ quan như Trung tâm cứu hộ, Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Rõ ràng đây là thủ tục hành chính sẽ mất nhiều thời gian, dẫn đến việc xử lý vật chứng là Động vật hoang dã, quý hiếm không kịp thời, dẫn đến động vật có thể bị chết hoặc yếu đi khi được thả về với thiên nhiên chưa chắc đã sống được. Đồng thời cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc các con vật sẽ được chăm sóc, cứu hộ như thế nào tại trụ sở cơ quan thực thi pháp luật trước khi có kết luận giám định.

Tương tự như vậy, đối với hướng dẫn xử lý đối với Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Chúng tôi cho rằng hướng dẫn trên là bất cập và dẫn đến việc áp dụng pháp luật để xử lý không thống nhất.

Có Cơ quan tiến hành tố tụng quyết định tiêu hủy, có Cơ quan tiến hành tố tụng giao cho cơ quan kiểm lâm, có Cơ quan tiến hành tố tụng giao cho Bảo tàng; đối với ngà voi, sừng tê giác, có Tòa án tuyên tịch thu tiêu hủy, có Tòa án tuyên tịch thu sung vào Ngân sách Nhà nước. Do đó, cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể về xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống và vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.[1]

Do vậy, thực tiễn xét xử có Tòa án tuyên tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, có Tòa án lại tuyên chuyển giao cho cơ quản lý chuyên ngành, có Tòa án tuyên tịch thu tiêu hủy, còn đối với  sản phẩm hoặc bộ phận cơ thể như ngà voi, sừng tê giác, xác con hổ…, có Tòa tuyên tịch thu sung vào ngân sách nhà nước; có Tòa tuyên tịch thu tiêu hủy; có trường hợp Tòa án chỉ tuyên tịch thu vật chứng là ĐVHD mà không tuyên rõ tịch thu để làm gì. Trong khi đó, theo Nghị quyết số 05/NQ-HĐTP cũng chỉ hướng dẫn chung chung là Tòa án tuyên tịch thu hoặc tiêu hủy.

Ngoài ra, với việc xử lý các vật chứng là sản phẩm ĐVHD, các cơ quan thực thi pháp luật hiện thiếu cơ sở vật chất và thiết bị bảo quản chuyên dụng như tủ đông lạnh để bảo quản các vật chứng là thịt, xương và sừng động vật… Trong khi đó, nếu không có các tủ đông thì vật chứng dạng này thường bị phân hủy và thối rữa, dẫn tới nguy cơ lan truyền bệnh dịch từ động vật sang người.

4.Kiến nghị hoàn thiện quy định về giám định và xử lý vật chứng trong các vụ án xâm phạm hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm

Một là, bảo đảm tính chính xác trong giám định tang vật, vật chứng thu giữ từ các vi phạm liên quan đến động vật hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm

Cần quy định rõ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám định chuyên môn đối với những vật chứng nghi là động vật hay sản phẩm của động vật hoang dã. Bổ sung đối tượng có tư cách pháp nhân giám định tư pháp đối với mẫu vật là động vật hoang dã gồm: tổ chức giám định tư pháp (của mỗi tỉnh), cá nhân (người giám định tư pháp theo vụ việc) có kinh nghiệm của Kiểm lâm, Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng, Hải quan…Mặt khác, về vấn đề xác định nhóm, loài về mặt trực quan, lý thuyết và kinh nghiệm cơ bản của người thực thi công vụ có thể nhận biết được nhưng về mặt pháp lý để xử lý vi phạm thì phải trưng cầu giám định, việc này đòi hỏi phải quy định cụ thể, khả thi về thời gian, kinh phí và hiện đại hóa công cụ giám định. Giám định tư pháp hiện nay chỉ tiếng nói, chữ ký, con dấu của cơ quan, người có thẩm quyền do pháp luật quy định trong tố tụng. Do đó, cần quy định mở rộng, cho phép “người giám định tư pháp theo vụ việc” được giám định, xác nhận đối với mẫu vật là thực vật, động vật hoang dã. Trong trường hợp cần thiết hoặc có xảy ra khiếu nại, khởi kiện thì tiếp tục trưng cầu giám định đến cơ quan khoa học CITES Việt Nam. Người giám định tư pháp theo vụ việc có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và tùy theo tính chất, mức độ sai phạm gây ra từ kết quả giám định sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hai là, các cơ quan thực hiện giám định mẫu vật động thực vật hoang dã nên ký thỏa thuận hợp tác về cơ chế phối hợp hoặc trao đổi thông tin nhằm tránh tình trạng phải thành lập hội đồng giám định và thực hiện giám định nhiều lần, vừa giúp giảm chi phí cho bên trưng cầu giám định, vừa tăng hiệu quả xử lý vụ việc. Nếu kéo dài thời gian giám định (tối đa là 3 tháng theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) thì sẽ gây khó khăn hoặc làm gián đoạn các hoạt động điều tra cũng như xử lý vụ việc.

Ba là, cần xây dựng một khung hướng dẫn chung về quy trình giám định động thực vật hoang dã, đồng thời ban hành các hướng dẫn cụ thể cho một số mẫu vật phổ biến như ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê… để phục vụ công tác điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trong buôn bán động hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm trái phép.

Bốn là, cần thống nhất việc xử lý vật chứng liên quan đến động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm

Cần có quy định cho phép các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có đủ thẩm quyền xử lý vật chứng là động vật hoang dã nhóm IB hoặc phụ lục I của Công ước CITES khi bị bắt giữ còn sống linh hoạt trong việc cứu hộ, tái thả về nơi cư trú tự nhiên hoặc tiêu hủy nếu phát hiện có mầm bệnh hoặc chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở nghiên cứu nhân giống, gây nuôi động vật hợp pháp, cơ sở giáo dục môi trường, vườn thú, đơn vị biểu diễn nghệ thuật… Đồng thời, xác định rõ cơ quan chuyên môn quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 106 BLTTHS 2015 để công tác bàn giao vật chứng là ĐVHD vừa đúng quy trình, vừa có hiệu quả. Quy định cụ thể danh mục các cơ quan, đơn vị được giao thả lại ĐVHD về môi trường tự nhiên; các cơ quan, đơn vị có chức năng cứu hộ ĐVHD…để cơ quan tiến hành tố tụng quyết định cụ thể.

[1] Xem thêm bài viết của Ths Phạm Thị Bích Ngọc – Tạp chí Tòa án điện tử ngày 24/4/2020

TS. PHẠM MINH TUYÊN (Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh)