Góp ý kiến Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn về các hành vi dâm ô, khiêu dâm

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng các điều 141,142, 143, 144, 145, 146 và 147 của BLHS là rất cần thiết cho việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Do đó, vấn đề đặt ra là nội dung hướng dẫn phải thật đầy đủ, chặt chẽ và thuận tiện trong việc áp dụng.

BLHS 2015 với các quy định chung, chưa hướng dẫn cụ thể hành vi thế nào là dâm ô, thế nào là hành vi tình dục khác để có cơ sở truy tố, xét xử với tội dâm ô, giao cấu với người dưới 16 tuổi hoặc hành vi lôi kéo dụ dỗ ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm. Vì vậy, để kịp thời điều chỉnh xử phạt nghiêm đối với các hành vi đang diễn ra thực tế xâm hại tình dục đối với trẻ em rất cần thiết hướng dẫn quy định cụ thể. Nghiên cứu Dự thảo của Nghị quyết, chúng tôi xin góp ý như sau:

1. Góp ý Điều 2 khoản 8 Dự thảo Nghị quyết về giải thích hành vi dâm ô

Theo Dự thảo, hành vi dâm ô được hướng dẫn tại khoản 8 Điều 2 như sau:

“Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi sau đây nhằm kích thích tình dục nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:

a. Dùng tay, chân, miệng, lưỡi hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của người phạm tội để tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực, miệng của người dưới 16 tuổi;

b. Dùng các đồ vật để tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực, miệng của người dưới 16 tuổi;

c. Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng tay, chân, miệng, lưỡi hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực, miệng của người phạm tội hoặc của người khác.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tại khoản 1 Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Chúng tôi đề nghị ban soạn thảo sửa thành “Điều 2 khoản 8. Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi sau đây nhằm kích thích tình dục nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:

a. Dùng tay, chân, miệng, lưỡi hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của người từ đủ 18 tuổi trở lên để tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực, miệng của người dưới 16 tuổi.

Ngoài ra, cần mở rộng phạm vi xử lý đối với hành vi dâm ô. Bổ sung thêm các hành vi sau cũng bị coi là dâm ô: thủ dâm trên phương tiện giao thông công cộng nhằm mục đích kích thích tình dục.

2. Góp ý khoản 9 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết về hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm.

Theo Dự thảo, hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm được giải thích như sau:

Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 thực hiện các cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh, mô tả (bằng lời nói hoặc chữ viết) nội dung gây kích thích ham muốn tình dục; phô bày bộ phận sinh dục, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác).

Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo sửa thành:

“9. Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người đủ 18 tuổi trở lên lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 thực hiện hoặc trực tiếp chứng kiến các cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh, mô tả (bằng lời nói hoặc chữ viết) nội dung gây kích thích ham muốn tình dục; phô bày bộ phận sinh dục, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) ở nơi công cộng, nhà ở hoặc các phương tiện internet, mạng xã hội .
Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung quy định nơi thực hiện lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc để phù hợp thực tiễn, với sự phát triển công nghệ thông tin, các đối tượng có thể lợi dụng Internet để gạ gẫm, dụ dỗ trẻ em, yêu cầu trẻ em chụp ảnh, quay video phơi bày các bộ phận trên cơ thể. Bởi vậy, Nghị quyết cần quy định những hành vi như vậy thực hiện qua mạng internet cũng bị xử lý về hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm.

3. Để bảo vệ tốt nhất trẻ em trong việc xét xử vụ án hình sự xâm hại tình dục có người bị hại là người dưới 18 tuổi.

Tại Điều 5 Dự thảo quy định tại điểm d. “Việc xét hỏi, tranh luận với bị hại là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu. Không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc và hạn chế tối đa việc để bị hại là người dưới 18 tuổi tham gia đối đáp.”

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã dành riêng một chương đó là chương XXVIII để quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ cả về tâm lý và sinh lý. Việc để họ trực tiếp tranh luận tại tòa sẽ gây ra những áp lực tâm lý nhất định cho họ nên cần bổ sung thêm quy định việc tranh luận tại tòa của người dưới 18 tuổi có thể thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ của họ. Ngoài ra, để giữ cho bị hại là người dưới 18 tuổi giữ được tâm lý ổn định tại phiên tòa cũng như cả những thời gian về sau, Nghị quyết cần bổ sung quy định: Nếu bị cáo không mời luật sư, hội đồng xét xử sẽ đặt câu hỏi. Trong quá trình đối đáp tranh luận, không ngắt lời người dưới 18 tuổi, cho các em thời gian suy nghĩ về câu hỏi và đưa ra câu trả lời.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo sửa điểm đ khoản 2 điều 5 như sau: “Việc xét hỏi, tranh luận với bị hại là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu. Không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc và hạn chế tối đa việc để bị hại là người dưới 18 tuổi tham gia đối đáp. Tranh luận tại tòa của người dưới 18 tuổi có thể thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ ”.

Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO (Công ty luật TNHH Đức An)