Hoàn thiện biện pháp xử lý vật chứng tại Điều 106 BLTTHS năm 2015

Quá trình áp dụng pháp luật về biện pháp xử lý vật chứng vẫn có nhiều nội dung luật chưa quy định cụ thể và chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền cho nên còn nhiều vướng mắc và cần được thống nhất.

Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ có tính truyền thống được BLTTHS ghi nhận bên cạnh các loại nguồn chứng cứ khác và giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Quá trình giải quyết vụ án, ngoài việc định tội danh, quyết định hình phạt, giải quyết vấn đề dân sự, một trong những vấn đề cũng vô cùng quan trọng đó là việc xem xét, giải quyết về việc xử lý vật chứng. Do đó, BLTTHS năm 2015 đã quy định rất cụ thể vấn đề xử lý vật chứng tại Điều 106 từ thẩm quyền, biện pháp xử lý vật chứng và giải quyêt vấn đề tranh chấp quyền sở hữu đối với vât chứng. Tuy nhiên, quá trình áp dụng pháp luật về biện pháp xử lý vật chứng vẫn có nhiều nội dung luật chưa quy định cụ thể và chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền cho nên thực tiễn áp dụng trong thực tế còn nhiều vướng mắc và cần được thống nhất.

 1.Biện pháp xử lý vật chứng

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 106 BLTTHS 2015:

“2. Vật chứng được xử lý như sau:  a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. 

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều này có quyền: a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; b) Trả lại vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án và thi hành án; c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy; d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì giao cho cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật ngay khi có kết luận giám định…”

Như vậy, về biện pháp xử lý vật chứng, BLTTHS năm 2015 đã kế thừa những quy định của BLTTHS năm 2003, đã cụ thể hóa, chi tiết hơn, bổ sung thêm những biện pháp xử lý mới trong từng trường hơp cụ thể:

– Đối với nhóm vật là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành có hai biện pháp xử lý có thể được áp dụng là tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tịch thu để tiêu hủy, trong trường hợp này cơ quan có thẩm quyền xử lý vật chứng khi căn cứ vào mục đích xử lý của từng biện pháp và giá trị của từng loại vật chứng. Biện pháp xử lý tịch thu nộp ngân sách nhà nước những vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, cấm lưu hành được áp dụng khi những vật này có giá trị làm lợi cho ngân sách Nhà nước mà nếu đem tiêu hủy những vật này thì sẽ gây ra sự lãng phí không cần thiết. Ngược lại, biện pháp xử lý tịch thu, tiêu hủy những vật chứng là công cụ, phương tiện phạm, vật cấm lưu hành sẽ được áp dụng khi những vật này không có giá trị và nếu để nó tồn tại thì có thể sẽ gây nguy hại cho xã hội. Chẳng hạn, vật chứng là ma túy các loại, văn hóa phẩm đồ trụy, tài liệu phản động…, thì sẽ bị xử lý bằng hình thức tịch thu, tiêu hủy.

– Đối với vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì được xử lý bằng biện pháp tịch thu sung quỹ Nhà nước. Tiền bạc, tài sản do phạm tội mà có là những tiền bạc, tài sản người phạm tội có được do thực hiện hành vi phạm tội mà không phải là do chiếm đoạt được của người khác. Ví dụ, tiền bạc, tài sản người phạm tội có được do buôn lậu, mua bán ma túy, kinh doanh trái phép, mua bán hàng giả… Bên cạnh đó, tiền bạc, tài sản do phạm tội mà có còn là tiền bạc, tài sản mà người phạm tội có được do chiếm đoạt tiền bạc, tài sản của người khác rồi sau đó dùng đầu tư vào lĩnh vực nào đó và có lợi nhuận. Ví dụ, một người chiếm đoạt tài sản là tiền rồi dùng tiền đó mua vé xổ số và trúng thưởng thì số tiền trúng thưởng xổ số đó cũng được xem là tiền bạc, tài sản do phạm tội mà có và sẽ bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước.

– Đối với vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Đây là những vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội được thu giữ, tạm giữ trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án hoặc cũng có thể là công cụ, phương tiện phạm tội. Những vật chứng này khi xét về giá trị kinh tế thì không có hoặc giá trị sử dụng cũng không còn nên sẽ được tiêu hủy.

– Đối với vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể bán theo quy định của pháp luật, trường hợp không bán được thì tiêu hủy, , tuy nhiên điểm mới của  điểm này là quy định thẩm quyền giải quyết có thể trong tất cả các giai đoạn của việc giải quyết vụ án hình sự, trong trường hợp không bán được thì được tiêu hủy, quy định này phù hợp với đặc thù của vật chứng là hàng hóa mau hỏng không để được lâu, đây là điểm mới của BLTTHS 2015 nhằm khắc phục được những hạn chế trước đây của BLTTHS năm 2003.

– Đối với vật, tiền là vật chứng của cá nhân, tổ chức thì trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng tới việc xử lý vụ án và thi hành án. Điểm b khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định “Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”. Đây là quy định tiến bộ nhằm khắc phục tình trạng chậm trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những người này, trong trường hợp việc trả không ảnh hưởng đến xử lý vụ án, thi hành án hình sự, do sự cố ý hay tắc tách, tùy tiện của cơ quan, người tiến hành tố tụng. Quy định này xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng khi xử lý vật chứng; khắc phục được hạn chế quy định tại ý 2 điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS năm 2003.

– Ngoài những biện pháp xử lý vật chứng đã nêu trên, điểm a khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định việc tài sản bị thu giữ, tạm giữ nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, xét thấy tài sản này không phải là vật chứng của vụ án thì trả lại cho chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp của tài sản đó. Trong BLTTHS năm 2003 vấn đề này không đưa vào biện pháp xử lý vật chứng ở Điều 76 mà được quy định tại Thông tư số 06/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998 hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Việc BLTTHS năm 2015 đưa nội dụng xử lý vật chứng đã khắc phục được những hạn chế mà BLTTHS năm 2003 gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật, ví dụ trong một vụ án cố ý gây thương tích, bị cáo dùng dao đâm thủng áo da (mới) của nạn nhân, làm nạn nhân bị thương nặng. Chiếc áo da được Cơ quan Điều tra thu thập coi là vật có giá trị chứng minh tội phạm; trước khi xét xử, bị cáo đã mua áo da khác trả cho nạn nhân; tại phiên tòa, bị cáo đề nghị được nhận lại chiếc áo da đã bị đâm thủng đó. Trường hợp này, nếu áp dụng BLTTHS năm 2003 thì Tòa án đã không có căn cứ pháp lý để giải quyết theo yêu cầu của bị cáo và cũng không có căn cứ để tuyên trả lại cho người bị hại, vì điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS chỉ nói đến việc trả lại tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội.

– Điểm mới trong vấn đề xử lý vật chứng mà BLTTHS năm 2015 quy định đó là: Đối với vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai bị thu giữ trong quá trình giải quyết vụ án thì sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật,quy định này phù hợp với thực tế hiện nay trong việc xử lý các vụ án liên quan đến các loại vật chứng này, khắc phục được hạn chế mà BLTTHS năm 2003 không quy định. Động vật hoang dã là vật chứng đặc biệt như các loại động vật quý hiếm, nguy cấp đòi hỏi sự quản lý của Nhà nước bằng các cơ quan quản lý chuyên môn, chuyên ngành như Kiểm lâm, Trung tâm bảo tồn… Thực vật ngoại lai là các nguồn gen được du nhập từ ngoài vào nước ta, các nguồn gen này có thể có lợi và có hại, đây là những loại vật chứng đặc biệt cơ quan tố tụng không có khả năng xử lý mà phải giao cho cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2.Những vướng mắc, bất cập

Qua nghiên cứu các nội dung của Điều 106 BLTTHS năm 2015, chúng tôi nhận thấy một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng trong thực tiễn như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định: Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật, trường hợp không bán được thì tiêu hủy. Hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng hoặc khó bảo quản bao gồm: Thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; hàng hóa dễ cháy, nổ (xăng, dầu, khí hóa lỏng và các chất dễ cháy, nổ khác) hoặc là các loại hóa chất… Đối với hàng hoá mau hỏng hoặc khó bảo quản, BLTTHS năm 2003 không quy định hình thức bán, đó là bán thông thường hay bán đấu giá theo thủ tục bán đấu giá tài sản. Trong thực tiễn giải quyết vụ án đối với loại vật chứng này có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc tự mình đánh giá hàng hóa đó là mau hỏng để tiến hành bán đấu giá, có cơ quan yêu cầu các cơ quan chuyên ngành vào thực hiện các nội dung trên, từ đó dẫn tới việc xử lý vật chứng không thống nhất, có lúc dẫn tới sai sót do đánh giá không chính xác vật có phải là mau hỏng hoặc khó bảo quản hay không.

Vấn đề đặt ra trong thực tiễn áp dụng pháp luật đó là: Vật chứng như thế nào thì được gọi là mau hỏng hoặc khó bảo quản? Cơ quan nào có thẩm quyền xác định? Việc bán đấu giá hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản do cơ quan nào tổ chức, cơ quan tố tụng tiến hành bán hay cơ quan tố tụng yêu cầu cơ quan chuyên ngành vào thực hiện quy trình bán đấu giá? Do BLTTHS không quy định rõ nội dung này, chúng tôi cho rằng việc xác định vật chứng có thuộc loại mau hỏng hay không phải tùy thuộc tính chất, đặc điểm, đặc tính của hàng hóa. Trường hợp hàng hóa bình thường, không phức tạp, mắt thường có thể nhận biệt được thì cơ quan tiến hành tố tụng xác định, còn trường hợp hàng hóa có tính chất phức tạp, phải tiến hành thử nghiệm hoặc lấy mẫu để giám định như hóa chất, các loại thuốc bảo vệ thực vật… thì cơ quan tiến hành tố tụng cần yêu cầu cơ quan chuyên ngành có chuyên môn nghiệp vụ xác định, vì việc xác định này đòi hỏi những người có trình độ chuyên môn, trình độ nghiệp vụ chuyên ngành, ngoài ra còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật chuyên ngành.

Ví dụ trong một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thụ tục hành chính quy định tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính quy định: Hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng bao gồm: Thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; Hàng hóa dễ cháy, nổ (xăng, dầu, khí hóa lỏng và các chất dễ cháy, nổ khác); Thuốc chữa bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật mà hạn sử dụng còn dưới 60 ngày theo hạn ghi trên bao bì, nhãn hàng; Thực phẩm đã qua chế biến và các loại hàng hóa khác mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày theo hạn ghi trên bao bì, nhãn hàng; Hàng hóa có tính chất thời vụ (hàng tiêu dùng theo mùa, phục vụ lễ, tết), hàng điện tử cao cấp (các loại máy tính bảng, điện thoại thông minh) và các loại hàng hoá, vật phẩm khác nếu không xử lý ngay sau khi có quyết định tạm giữ hoặc quyết định tịch thu sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng. Bên cạnh việc xác định hàng hóa là mau hỏng hoặc khó bảo quản thì việc xử lý loại vật chứng này, theo chúng tôi cũng phải xét ở hai trường hợp: Nếu hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thông thường thì cơ quan tiến hành tố tụng bán đấu giá, còn hàng hóa đặc biệt theo chuyên ngành vì dụ như các loại thuốc, các loại hóa chất thì Cơ quan tố tụng nên yêu cầu cơ quan chuyên môn thực hiện việc bán đấu giá đúng quy định với pháp luật tố tụng hình sự và phù hợp với pháp luật chuyên ngành.

Thứ hai, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm  2015 thì vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Việc BLTTHS năm 205 quy định việc tịch thu tiêu hủy vật chứng là cần thiết nếu vật chứng đó không còn giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đáng kể, nhưng hiện nay cũng chưa có quy định hoặc văn bản hướng dẫn như thế nào là “vật chứng không có giá trị hoặc giá trị sử dụng không đáng kể” để xử lý, do luật không quy định nên nhiều trường hợp cơ quan tố tụng đã tự xác định vật chứng không còn giá trị theo ý chí cá nhân để xử lý. Việc cơ quan tố tụng tự đánh giá không có căn cứ xác định  đôi lúc sẽ dẫn tới không chính xác, nếu việc đánh giá không cẩn thận, tỉ mỉ sẽ dẫn tới việc xử lý vật chứng tùy tiện, không đúng pháp luật.

Thứ ba, theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015: Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao ngay cho cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp, quy định này được hiểu đối với loại vật chứng này cơ quan tiến hành tố tụng không có thẩm quyền xử lý mà thẩm quyền xử lý đó là các cơ quan chuyên ngành được pháp luật quy định như cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Hải quan, cơ quan khác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn…, do đó Luật quy định sau khi có kết luận giám định thì cơ quan tố tụng phải giao ngày cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vật chứng là động vật hoang dã hoặc thực vật ngoài lai. Quy định này của BLTTHS năm 2015 đưa vào trong vấn đề xử lý vật chứng là rất phù hợp với các vụ án về môi trường hoặc vụ án khác liên quan đến thực vật ngoại lại.

Tuy nhiên qua nghiên cứu nội dung này chúng tôi nhận thấy việc quy định theo điểm d khoản 3 Điều 106 có nội dung chưa đầy đủ và hợp lý, ví dụ: trong vụ án về tội vi pham quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Điều 244 BLHS năm 2015 Cơ quan điều tra thu giữ một lượng lớn động vật rừng thuộc loại nguy cấp, quý, hiếm đang còn sống, qua trình xác minh, thu thập, bảo quản số vật chứng này xét thấy trường hợp này tạm giữ trong thời gian dài thì số động vật này sẽ chết cho nên cơ quan điều tra đã tiến hành giám định, sau khi có kết quả giám định, căn cứ vào điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 Thủ trưởng cơ quan điều tra đã tiến hành xử lý vật chứng này bằng việc bàn giao cho cơ quan Kiểm lâm để xử lý. Sau khi nhận số động vật hoang dã trên cơ quan kiểm lâm căn cứ vào thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để thả toàn bộ số động vật hoang dã đó về lại tự nhiên, vấn đề đặt ra ở đây trong trường hợp cơ quan tố tụng sau đó muốn tiến hành định giá tài sản về số động vật đó thì tiến hành như thế nào, động vật đã thả về rừng tự nhiên không thể thu hồi, việc không định giá được đã gây khó khăn cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Đây được xem là bất cập của điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS 2015.

Thứ tư, BLTTHS năm 2015 không quy định vấn đề xử lý đối với những vật chứng được xem làm tài sản đặc biệt mà BLTTHS năm 2015 chỉ quy định chung là trả lại ngay tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án. Tài sản đặc biệt theo chúng tôi hiểu, đó là: tranh, ảnh có giá trị nghệ thuật lớn, chim cảnh, cây cảnh có giá trị, các loại tác phẩm nghệ thuật khác như tượng điêu khắc, các dụng cụ âm nhạc có giá trị…

Vấn đề đặt ra trong thực tiễn đó là: Trong một số trường hợp cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án đã tiến hành trả lại những tài sản đặc biệt này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, sau đó cơ quan tố tụng xét thấy cần giám định hoặc định giá những tài sản này để phục vụ việc giải quyết án, quá trình giám định, định giá có trường hợp tài sản sau khi trả lại chủ sở hữu, chủ sở hữu làm hư hỏng hoặc tài sản bị người khác hoán đổi mà chủ sở hữu không biết dẫn tới việc giám định, định giá gặp khó khăc hoặc kết quả giám định, định giá không chính xác. Cho nên, theo chúng tôi đối với vật chứng là những tài sản đặc biệt thì cơ quan tố tụng không được trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp mà cần phải giao cho các cơ quan có chuyên môn bảo quản và quản lý loại vật chứng này để phục vụ tốt hơn trong quá trình giải quyết vụ án.

3. Một số đề xuất kiến nghị

Từ việc phân tích những điểm vướng mắc, bất cập trong vấn đề xử lý vật chứng theo quy định của BLTTHS năm 2015 vừa nêu trên, nhằm khắc phục những điều này, với mục đích hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật, chúng tôi đề xuất, kiến nghị một số nội dung cần hoàn thiện đó là:

Thứ nhất, về mặt pháp lý cơ quan có thẩm quyền cần phải ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn việc xử lý vật chứng vụ án hình sự theo BLTTHS 2015. Thời gian qua, việc xử lý vật chứng theo Điều 76 BLTTHS 2003 chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cho nên trong vấn đề xử lý vật chứng các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT để xử lý vật chứng. Tuy nhiên, thông tư này là hướng dẫn cho Điều 58 BLTTHS 1988, cho nên khi BLTTHS 2015 có hiệu lực thay thế nhiều nội dung trong Thông tư số 06 đã quá lạc hậu, không còn phù hợp.

Thứ hai, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn việc xác định vật chứng nào là vật không có giá trị sử dụng hoặc sử dụng không được; vật chứng là loại nào thì thuộc trường hợp mau hỏng hoặc khó bảo quản, trình tự thủ tục bán hoặc tiêu hủy theo trình tự thủ tực như thế nào; trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp từ chối nhận lại tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt thì căn cứ vào điều luật nào để xử lý vật chứng.

Thứ ba, điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS 2015 cần phải sửa đổi theo hướng bổ sung cụm từ “định giá” vào điều luật, theo đó điều luật sau khi sửa đổi phải có nội dung là: Vật chứng là động vật hoang dã hoặc thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định, định giá phải giao ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, Điều 106 BLTTHS năm 2015 cần bổ sung thêm trường hợp xử lý vật chứng đối với tài sản thuộc loại đặc biệt như tranh, ảnh nghệ thuật, tượng, vật điêu khắc có giá trị lớn… nội dung xử lý loại vật chứng này phải theo hướng giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành tạm giữ và quản lý để phục vụ việc giải quyết vụ án hình sự.

Tê tê buôn bán trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện (Ảnh EVN)

NGUYỄN NGỌC LĨNH (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)