Hoàn thiện một số quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện

Tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp được Tòa án áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù khi có đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) mà xét thấy không cần buộc họ phải tiếp tục chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ. Tuy nhiên, nghiên cứu các quy định trên tác giả thấy rằng còn một số quy định của pháp luật vẫn còn chưa đầy đủ dẫn đến việc áp dụng pháp luật vào thực tế còn một số bất cập, vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện.

Tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp được Tòa án áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù khi có đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) mà xét thấy không cần buộc họ phải tiếp tục chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ. Quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện là chế định mới lần đầu tiên được quy định tại BLHS, Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và các văn bản hướng dẫn có liên quan, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và nhà nước ta đối với người phạm tội hiện đang chấp hành án. Đồng thời, khuyến khích người phạm tội tích cực học tập, cải tạo, chấp hành nội dung bản án, quyết định của Tòa án để sớm được trở về với gia đình, cộng đồng trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Người đang chấp hành  án sẽ được tha tù trước thời hạn có điều kiện khi đáp ứng đầy đủ các quy định tại khoản 1 Điều 66 BLHS và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 cùng điều luật. Trình tự, thủ tục về tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách được được quy định tại Điều 368 BLTTHS, Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Nghị quyết số 01) và Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC quy định phối hợp thực hiện quy định của BLTTHS 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện (TTLT số 04). Tuy nhiên, nghiên cứu các quy định trên tác giả thấy rằng còn một số quy định của pháp luật vẫn còn chưa đầy đủ dẫn đến việc áp dụng pháp luật vào thực tế còn một số bất cập, vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện.

1.Về tha tù trước thời hạn có điều kiện

Điều 66 BLHS và Nghị quyết 01 đã hướng dẫn chi tiết, cụ thể các điều kiện để người đang chấp hành án được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nhưng xét về kỹ thuật lập pháp vẫn còn thiếu sót và chưa đầy đủ, như đối với việc chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí quy định tại điểm d khoản 1 Điều 66 BLHS và được hướng dẫn tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 01 đã quy định:

–  Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền và án phí là đã nộp đầy đủ các khoản tiền phạt và án phí thể hiện ở các biên lai, chứng từ hoặc có quyết định miễn chấp hành hình phạt tiền, miễn nộp án phí của Tòa án.

–  Đã chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là một trong các trường hợp: Đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo bản án, quyết định của Tòa án; có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; có thỏa thuận bằng văn bản của bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại về việc không phải thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo bản án, quyết định của Tòa án được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Theo quy định tại Điều 26 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Khi ra bản án, Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án.”. Đặt vấn đề vào trường hợp nêu trên, đương sự được thi hành án nhưng vì một lý do nào đó mà không làm đơn yêu cầu thi hành án và đã hết thời hiệu yêu cầu theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự, thì đương nhiên khi này người đang chấp hành án sẽ không phải thi hành khoản nghĩa vụ dân sự trong bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên thì có được coi là đã chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại?

Theo tác giả trường hợp này phải được hiểu là đã chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường, theo nguyên tắc có lợi cho người chấp hành án. Bên cạnh đó, việc quy định có thỏa thuận bằng văn bản của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại cũng chưa thể hiện được hết nội dung của bồi thường thiệt hại, bởi lẽ, có những vụ án người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại không yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với mình nên Tòa án không xem xét giải quyết, nhưng bị cáo trong vụ án hình sự vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Chính vì thế, việc hướng dẫn của Nghị quyết số 01 chưa đầy đủ nội hàm của việc bồi thường thiệt hại, chưa đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác đối với quyền được bồi thường cũng như để cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét đến điều kiện này.

Vì lẽ đó, tác giả đề xuất bổ sung thêm vào điểm b khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 02 như sau: “Đã chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là một trong các trường hợp sau: … có thỏa thuận bằng văn bản của người được bồi thường dân sự trong bản án, quyết định của Tòa án hoặc đã hết thời hiệu thi hành án dân sự”.

2.Hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện

Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện mà cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách , thì Tòa án có thể hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành hình phạt còn lại chưa chấp hành. Bên cạnh đó, nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 của BLHS.

Đây là chế tài nghiêm khắc của pháp luật khi mà người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm một trong các nội dung quy định trên, đúng như tên gọi của điều luật tha tù trước thời hạn “có điều kiện”. Cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên đã được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 01. Tuy nhiên, nhà làm luật chỉ dự liệu trường hợp phạm tội mới trong thời gian thử thách, như vậy sẽ bỏ sót trường hợp khi người đó đang chấp hành thời gian thử thách mà phát hiện trước khi người đó đang chấp hành bản án hiện tại đã phạm vào một tội được quy định trong BLHS nhưng nay mới bị phát hiện và vẫn còn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xét xử sau khi đã có quyết định tha tù trước thời hạn. Do đó, nếu xuất hiện tình huống trên sẽ gây khó khăn cho việc tổng hợp hình phạt. Ví dụ: Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách, nay bị xét xử về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội phạm và hình phạt theo khoản 1 Điều 138 BLHS có mức cao nhất là cải tạo không giam giữ đến 01 năm . Nếu Tòa án xử mức án 01 năm cải tạo không giam giữ thì sẽ xuất hiện 02 quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Chuyển đổi hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn theo tỉ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển thành 01 ngày tù và tổng hợp với thời gian còn lại chưa chấp hành của bản án đã được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Quan điểm thứ hai: Người chấp hành án sẽ chấp hành đồng thời hình phạt cải tạo không giam giữ và chấp hành thời gian thử thách theo quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện do luật chỉ quy định phạm tội mới trong thời gian thử thách thì mới áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 66 BLHS.

Tương tự như trên thì khi phát hiện tội phạm trước khi có quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện nhưng bản án sau đó tuyên hình phạt chính là hình phạt tiền thì xử lý như thế nào? Có bắt họ quay trở lại chấp hành án không? Hay là phạt tiền và tiếp tục chấp hành thời gian thử thách? Việc thiếu quy định như trên sẽ gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi có sự việc xảy ra trên thực tế mà quy định của luật và hướng dẫn thì chưa cụ thể. Do đó, tác giả đề xuất quan điểm, nên sửa đổi đoạn 2 khoản 4 Điều 66 BLHS như sau: “Nếu người đó phạm tội mới trong thời gian thử thách hoặc bị xét xử về một tội phạm khác trước khi có quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án mới tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 của BLHS”

3.Rút ngắn thời gian thử thách cho người chấp hành án

Người được tha tù hạn có điều kiện khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 6 nghị quyết số 01 thì có thể được rút ngắn thời gian thử thách. Quy định trên góp phần khuyến khích họ tích cực phấn đấu, lao động, học tập để kết thúc thời gian thử thách, không những vậy khi kết thúc thời gian thử thách kéo theo việc sớm được xóa án tích, xóa đi những mặc cảm đối với xã hội. Tuy nhiên, quy định về rút ngắn thời gian thử thách đã được hướng dẫn nhưng còn bất cập, quy định chồng chéo nhau trong việc thực hiện.

3.1. Điều kiện rút ngắn thời gian thử thách

Tại điều 6 Nghị quyết số 01 quy định người được tha tù trước thời hạn có thể được rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện sau đây: 1) Đã chấp hành được ít nhất một phần hai thời gian thử thách; 2) Có nhiều tiến bộ được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành nghiêm pháp luật, các nghĩa vụ; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm và lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc… được cơ quan cấp tỉnh trở lên khen thưởng. Nếu như đáp ứng “đủ” các điều kiện này thì sẽ rất khó để người được tha tù trước thời hạn có điều kiện được xét rút ngắn thời gian thử thách, vì nếu xét theo ngữ nghĩa của từ “đủ” mà Điều 6 của Nghị quyết 01 quy định thì phải bao gồm việc lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc… và được cơ quan cấp tỉnh trở lên khen thưởng. Theo đó, tác giả đề xuất bỏ bỏ cụm từ “và lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc… được cơ quan cấp tỉnh trở lên khen thưởng” ra khỏi khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết. Còn nếu người người chấp hành án có dược thành tích nêu trên và được khen thưởng thì có thể được cơ quan đề nghị nâng mức xét rút ngắn cao nhất theo luật định để hội đồng xét giảm quyết định.

3.2. Mức rút ngắn thời gian thử thách

Trường hợp thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện còn lại dưới 03 tháng thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại, được quy định tại tại Điều 7 của Nghị quyết số 01, còn tại điểm a khoản 4 Điều 11 của TTLT số 04 quy định trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của Viện kiểm sát, Hội đồng quyết định chấp nhận toàn bộ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách. Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thời gian thử thách còn lại dưới 01 (một) tháng thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thết thời gian thử thách. Cùng một vấn đề nhưng hiện nay đang có hai văn bản hướng dẫn khác nhau, nên khi Hội đồng xét rút ngắn chấp nhận toàn bộ đề nghị xét rút ngắn và nhận thấy thời gian thử thách còn lại dưới 03 tháng, thì không thể ghi trong quyết định là “áp dụng một phần điểm a khoản 4  Điều 11 TTLT 04 và Điều 7 Nghị quyết số 01” Vậy nên, khi sửa đổi Luật Thi hành án hình sự nên quy định rõ điều kiện này trên trong luật để áp dụng pháp luật được thống nhất hoặc sửa đổi điểm a khoản 4 TTLT số 01 cho phù hợp với Nghị quyết số 01.

4.Kiểm sát tha việc thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện

VKSND cấp tỉnh có thẩm quyền kiểm sát lập hồ sơ, tham gia phiên họp xét tha tù, tham gia phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách, yêu cầu lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện… Riêng đối với trưởng  hợp hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì trình tự, thủ tục hủy quyết định được quy định tại khoản 10 Điều 368 BLTTHS và Điều 15 TTLT số 04, trong đó hồ sơ đề nghị hủy quyết định tha tù trước thời hạn được gửi đồng thời đến Tòa án và Viện kiểm sát có thẩm quyền, nhưng chỉ quy định về thời hạn Tòa án tiến hành mở phiên họp, mà chưa quy định cụ thể về thành phần của hội đồng xét hủy quyết định, Viện kiểm sát có tham gia không? Nếu có thì việc thông báo cho Viện kiểm sát tham gia phiên họp và những việc Kiểm sát viên cần làm khi tham gia phiên họp chưa được quy định.

Nếu chiếu theo biểu mẫu hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện số 02/HS (Ban hành kèm theo Công văn số 160/TANDTC-PC ngày 23 tháng 7 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao) thì có thể hiểu mặc nhiên là phiên họp có kiểm sát viên tham dự và trình bày phát biểu ý kiến. Tuy nhiên, theo ý kiến của tác giả cần quy định rõ trong luật đối với thành phần, trình tự, thủ tục tại phiên họp như đối với phiên họp xét tha tù trước thời hạn có điều kiện và phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách, bằng cách sửa đổi khoản 10 Điều 368 BLTTHS như sau: “ Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Tòa án phải mở phiên họp để xem xét, quyết định và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử kiểm sát viên tham gia. Thành phần, trình tự, thủ tục tại phiên họp như quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều này.

Ảnh minh họa: Báo Tổ quốc

PHẠM VĂN TUÂN (VKSND huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)