Hoàn thiện quy định về người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự trong tố tụng hình sự

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được quy định tại Điều 84 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, các quy định chưa được đầy đủ dẫn đến việc tham gia tố tụng của họ gặp nhiều khó khăn.

Vướng mắc

Thứ nhất, về thời điểm tham gia tố tụng trong vụ án hình sự của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự chưa được quy định trong bất cứ Điều luật nào của BLTTHS. Do đó sẽ gây khó khăn trong việc xác định thời điểm tham gia tố tụng của họ. Đồng thời, việc thiếu quy định về thời điểm tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự sẽ gây ra nhiều bất lợi đối với người được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp vì bị hại, đương sự cũng là những người tham gia tố tụng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự.

So sánh với quy định về thời điểm tham gia tố tụng của người bào chữa tại Điều 74 của BLTTHS, tác giả cho rằng cần xây dựng một quy định về thời điểm tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự để đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Thứ hai, về thủ tục đăng ký bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự cũng chưa được quy định trong BLTTHS hay văn bản dưới luật nào khác, đồng thời mẫu biểu khi làm thủ tục đăng ký cũng chưa được quy định do đó dẫn đến việc các cơ quan tố tụng thực hiện một cách tùy nghi khi làm thủ tục đăng ký cho người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

Thứ ba, về thủ tục tố tụng tại phiên tòa, theo quy định tại Điều 292 của BLTTHS thì mới chỉ quy định về sự có mặt của bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ. Cụ thể, nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Đây là quy định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự khi họ vắng mặt tại phiên tòa. Tuy nhiên quy định này chưa đề cập đến sự có mặt của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự dẫn đến cách hiểu là nếu người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vì không có căn cứ để hoãn phiên tòa. Việc không quy định về sự có mặt của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự theo tác giả là sự thiếu xót lớn và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của bị hại, đương sự.

Kiến nghị

Thứ nhất, để xác định thời điểm tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, tác giả đề nghị xây dựng thêm khoản 5 của Điều 84 BLTTHS, cụ thể:

“5.Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tham gia tố tụng khi đơn đăng ký bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận”.

Thứ hai, về thủ tục đăng ký bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, tác giả cho rằng có thể thực hiện thủ tục này tương tự như thủ tục đăng ký bào chữa của người bào chữa. Do đó, tác giả đề nghị xây dựng thêm khoản 6 Điều 84 BLTTHS, cụ thể:

“6. Thủ tục đăng ký bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được thực hiện như thủ tục đăng ký bào chữa”.

Thứ ba, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự khi tham gia phiên tòa, tác giả đề nghị sửa đổi Điều 292 BLTTHS, cụ thể:

“Điều 292. Sự có mặt của bị hại, đương sự hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

1.Nếu bị hại, đương sự hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.”

 

 Phiên tòa xét xử vụ án hình sự của Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 3 - Ảnh: LVC

                  

LÊ VĂN CƯỜNG (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 3)