Hướng xử lý hợp đồng vi phạm hình thức bắt buộc theo Bộ luật Dân sự 2015

Trong lĩnh vực dân sự nói chung và hợp đồng nói riêng, tự do ý chí của các chủ thể luôn được tôn trọng, do đó, các bên chủ thể được quyền tự do lựa chọn hình thức hợp đồng khi giao kết. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nhà nước cho phép tự do hợp đồng một cách tuyệt đối mà trong những trường hợp luật có quy định thì các bên buộc phải tuân thủ theo hình thức đó, đây cũng là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới khi quy định về vấn đề này.

Thực chất, việc yêu cầu hình thức bắt buộc (HTBB) đối với hợp đồng phục vụ nhiều mục đích khác nhau như: để đảm bảo vấn đề chứng cứ; để đối kháng với người thứ ba hoặc là điều kiện có hiệu lực (ĐKCHL) của hợp đồng. Cũng từ mục đích đó mà chúng ta có hướng xử lý khi có sự vi phạm về HTBB đối với hợp đồng. Trong các HTBB của hợp đồng thì có HTBB là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng – tức là phải đảm bảo HTBB đó thì hợp đồng mới có hiệu lực; có HTBB không là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng – tức là không tuân thủ HTBB đó thì hợp đồng vẫn có hiệu lực (chỉ chịu những hậu quả pháp lý khác). Do đó, khi xử lý cũng phải căn cứ vào việc HTBB có phải là ĐKCHL của hợp đồng hay không để có hướng xử lý phù hợp.

1.Trường hợp hình thức bắt buộc không là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Hiện nay, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 không có quy định về hướng xử lý đối với giao dịch dân sự (GDDS) vi phạm HTBB không phải là ĐKCHL của hợp đồng. Khoản 1 Điều 129 quy định chế tài cho “Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu”. Tức là chế tài vô hiệu chỉ được áp dụng đối với GDDS vi phạm HTBB là ĐKCHL, còn nếu HTBB không phải là ĐKCHL của GDDS thì không được nhắc đến, trong khi thực tiễn các trường hợp vi phạm HTBB không là ĐKCHL của GDDS xảy ra rất nhiều. Điều này khiến cho các bên tham gia GDDS gặp khó khăn khi tìm kiếm hướng xử lý cho giao dịch vì các quy định liên quan đến từng loại GDDS được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật của nhiều ngành luật khác nhau và chưa có sự thống nhất.

Để khắc phục tình trạng đó, chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo quy định của các nước trên thế giới và tổng hợp hướng xử lý trong các văn bản pháp luật chuyên ngành của Việt Nam hiện hành để có hướng xử lý thống nhất cho các Toà án. Theo tác giả, TANDTC cần ban hành văn bản hướng dẫn, trong đó quy định cụ thể: Với những hợp đồng mà điều kiện về hình thức chỉ là yêu cầu HTBB chứ không phải là ĐKCHL thì hợp đồng sẽ không bị vô hiệu. Đây cũng là giải pháp mà một số quốc gia đã sử dụng như Cộng hoà Pháp: “Những hình thức yêu cầu với mục đích chứng cứ không ảnh hưởng tới điều kiện có hiệu lực của hợp đồng” . Quy định này đã phân biệt rõ ràng giữa hình thức của hợp đồng để làm chứng cứ và hình thức để có hiệu lực của hợp đồng.

Đồng thời, cần có hướng xử lý thống nhất đối với các vi phạm về HTBB, như: Đối với các hợp đồng mà pháp luật yêu cầu phải được xác lập bằng HTBB là văn bản, nếu các bên không tuân thủ thì hợp đồng vẫn coi như đã được xác lập bằng văn bản và có thể kèm theo chế tài phạt vi phạm hành chính. Một số trường hợp, nếu hợp đồng có nhiều “mức độ” về hình thức thì hợp đồng sẽ được tự động chuyển lên “mức độ” cao hơn tương tự như quy định của BLDS Đức: “Hợp đồng thuê một bất động sản với thời hạn hơn một năm phải được lập bằng văn bản. Khi có vi phạm về hình thức, hợp đồng có giá trị như hợp đồng không có thời hạn” (Điều 566) và Bộ luật Lao động Việt Nam 2012 .

2.Trường hợp hình thức bắt buộc là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Trong BLDS năm 2015, hướng xử lý khi hợp đồng vi phạm HTBB là ĐKCHL của hợp đồng được quy định tại Điều 129. Theo đó, khi hợp đồng vi phạm HTBB là ĐKCHL của hợp đồng thì vô hiệu, trừ trường hợp một hoặc các bên đã thực hiện được ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch (…). Sự thay đổi của Điều 129 BLDS năm 2015 này đã giải quyết được nhiều vấn đề bất cập của Điều 134 BLDS năm 2005 trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần trao đổi như sau:

Thứ nhất, về việc xác định hai phần ba nghĩa vụ của các bên trong giao dịch

Theo quy định của BLDS năm 2015 thì việc hợp đồng có bị tuyên vô hiệu hay không phụ thuộc vào việc các bên đã thực hiện được ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch hay chưa, nên bắt buộc phải xác định nghĩa vụ của các bên trong giao dịch là nghĩa vụ gì? định lượng ra sao? để từ đó xác định hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch mà các bên đã thực hiện. Trong khi việc xác định hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch không phải là việc đơn giản, dễ dàng, nhất là trong những trường hợp nghĩa vụ của hợp đồng là nghĩa vụ tổng hợp bao gồm nhiều hành vi của mỗi bên hoặc trường hợp nghĩa vụ của hợp đồng mang tính chất định tính.

Có tác giả cho rằng: Trong một số trường hợp rất khó để xác định được hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch là như thế nào: Ví dụ trong một giao dịch mua bán nhà bên bán đã giao nhà nhưng chưa giao giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu hoặc đã giao giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhưng chưa giao nhà khi được xác định là đã thực hiện được mấy phần của nghĩa vụ . Và định lượng hai phần ba được áp dụng cho một loại nghĩa vụ của mỗi bên hay cho toàn bộ các nghĩa vụ của một bên? Nếu chỉ căn cứ vào quy định của Điều 129 thì không có câu trả lời chắc chắn. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể theo hướng có lợi cho giao dịch và các bên chủ thể.

Theo tác giả, cần có văn bản hướng dẫn xác định hai phần ba nghĩa vụ của từng chủ thể là có thể áp dụng đối với toàn bộ nghĩa vụ hoặc mỗi nghĩa vụ riêng lẻ của các chủ thể, theo hướng phù hợp nhất với ý chí của các bên tại thời điểm giao kết, giúp cho giao dịch có hiệu lực. Tức là tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nếu yêu cầu hai phần ba của mỗi loại nghĩa vụ mà có thể giúp giao dịch có hiệu lực thì áp dụng, ngược lại, nếu việc áp dụng đối với toàn bộ nghĩa vụ sẽ giúp cho giao dịch có hiệu lực chứ không phải là đối với từng nghĩa vụ riêng lẻ thì hai phần ba được áp dụng với toàn bộ nghĩa vụ của mỗi bên trong giao dịch. Đồng thời, với những hợp đồng vi phạm HTBB là ĐKCHL liên quan đến nhà, đất, khó có thể xác định rạch ròi được nghĩa vụ của các bên thì hoàn toàn có thể xây dựng án lệ để có sự điều chỉnh thống nhất của TAND ở các địa phương.

Thứ hai, về hiệu lực của BLDS năm 2015 và giá trị của quyết định công nhận hiệu lực hợp đồng

Với hướng xử lý của BLDS năm 2015: “Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực” . Vậy, có thể hiểu rằng quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch do Tòa án ban hành sẽ thay thế được hoàn toàn cho thủ tục công chứng, chứng thực đối với những giao dịch này hay không?

Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn vấn đề này, theo tác giả, khi Toà án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch thì quyết định này nên thay thế được hoàn toàn cho các thủ tục công chứng, chứng thực của hợp đồng. Hướng xử lý như vậy sẽ giải quyết được những vướng mắc về thủ tục hành chính cũng như bảo đảm được quyền lợi của các bên chủ thể. Bởi lẽ, trong thực tế, việc các chủ thể không tuân thủ quy định về HTBB của GDDS trong nhiều trường hợp là do đối tượng của giao dịch là tài sản chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng hoặc lý do khác khiến chủ thể không đủ điều kiện để thực hiện quy định về HTBB chứ không phải đơn thuần là vì họ thiếu hiểu biết về các quy định pháp luật . Có tác giả còn nhận định: “Hiện nay, Nhà nước ta thực hiện chưa tốt công tác quản lý nhà, đất cũng như việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, thủ tục sang tên trước bạ qua nhiều khâu rườm rà… Vì vậy, việc thực hiện những quy định về hình thức đối với hợp đồng mua bán nhà rất khó khăn, phức tạp” . Trong những trường hợp này, nếu quyết định của Toà án có thể thay thế được cho yêu cầu về HTBB của hợp đồng thì sẽ có nhiều thuận lợi cho các chủ thể, như trong vụ việc sau:

“Ngày 13/01/2017 TAND huyện N ra quyết định gia hạn 01 tháng buộc ông Huỳnh L với vợ chồng ông A bà H; vợ chồng ông T, bà T đến Ủy ban nhân dân xã P tiếp tục thực hiện hợp đồng về hình thức, bên phía bị đơn vợ chồng ông A, bà H; vợ chồng ông T, bà T đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho hộ ông Huỳnh L; Nhưng phía bị đơn cho rằng cho phía bị đơn đã làm thất lạc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản gốc) nên không có để cung cấp cho phía nguyên đơn làm thủ tục chuyển nhượng hợp pháp và yêu cầu tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Huỳnh L với vợ chồng ông A, bà H, vợ chồng ông T, bà T hợp pháp theo quy định pháp luật.

Căn cứ Điều 696 BLDS năm 1995, Điều 692 năm BLDS năm 2005 quy định về hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ ngày đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định. Khoản 2 điều 129 BLDS năm 2015 quy định Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

Vì vậy, hộ ông Huỳnh L tiếp tục đến Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp diện tích 1.592m2 (hợp từ thửa 81; thửa 721 do phá bờ giữa nhập thành 01 thửa thuộc thửa 935) tờ bản đồ số 25, tọa lạc tại thôn P, xã P, Huyện N, tỉnh Ninh Thuận theo quy định của pháp luật khi bản án đã có hiệu lực pháp luật mà không cần phải có sự đồng ý của vợ chồng ông A, bà H, vợ chồng ông T, bà T và các thành viên trong hai hộ” .

Như vậy, trong vụ việc này các bên tham gia hợp đồng có mong muốn được tiếp tục thực hiện hợp đồng trên thực tế và vì có tình tiết: bị đơn làm mất giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất (bản gốc) không thể giao cho nguyên đơn để hoàn tất thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, các bên mong muốn Tòa án công nhận hiệu lực của giao dịch để tiến hành làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.

Thiết nghĩ, trong trường hợp này Toà án có thể cân nhắc giữa hai phương án:

Phương án 1: áp dụng quy định của BLDS 1995 hoặc BLDS năm 2005 để yêu cầu các bên hoàn tất thủ tục về hình thức của hợp đồng. Mà để có thể hoàn tất thủ tục đó thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản gốc nên vợ chồng ông A, bà H; vợ chồng ông T, bà T phải tiến hành thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, vì mảnh đất này đã được chuyển nhượng cho hộ ông Huỳnh L đang canh tác thực tế nên trước hết Toà án phải tuyên hợp đồng giữa các bên vô hiệu, buộc nguyên đơn trả lại đất còn bị đơn trả lại tiền, có tính đến lỗi của bị đơn trong việc làm thất lạc hồ sơ giấy tờ dẫn đến không làm được thủ tục chuyển nhượng đúng quy định về hình thức của hợp đồng, làm cho hợp đồng vô hiệu (theo Điều 137 BLDS năm 2005).

Sau khi giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu (khá phức tạp), được cấp giấy chứng nhận mới, nếu các bên muốn chuyển nhượng thì lại phải xác lập một hợp đồng mới đối với diện tích đất nói trên và kết quả cuối cùng cũng chỉ là nguyên đơn được sở hữu quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đã giao dịch mà thôi.

Phương án 2: Tòa án giải quyết vụ việc dựa trên quy định của khoản 2 điều 129 BLDS năm 2015, công nhận hiệu lực của hợp đồng, sau đó nguyên đơn sử dụng quyết định này của Toà án để thay cho hợp đồng được công chứng, chứng thực khi tiến hành thủ tục chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Đối với bản án này, bên cạnh việc Toà án đã áp dụng BLDS năm 2015 cho vụ việc xảy ra trước thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho các bên và liệu quyết định của Toà án có thay thế được cho hợp đồng được công chứng, chứng thực như trong khoản 2 Điều 129 hay không thì điều thú vị còn nằm ở chỗ: Toà án cho phép nguyên đơn được “tiếp tục đến Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp …theo quy định của pháp luật khi bản án đã có hiệu lực pháp luật mà không cần phải có sự đồng ý của vợ chồng ông A, bà H, vợ chồng ông T, bà T và các thành viên trong hai hộ”.

Rõ ràng, nếu như giải quyết theo phương án 1 thì sẽ không đúng nguyện vọng của các bên tham gia giao dịch là muốn hợp đồng có hiệu lực để tiếp tục thực hiện, cũng không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, nhất là nguyên đơn khi đã thực hiện việc canh tác ổn định trên phần đất nhận chuyển nhượng từ năm 2002. Ngoài ra, còn có thể phát sinh nhiều hệ quả phức tạp khác nếu hợp đồng bị tuyên vô hiệu như vấn đề bồi thường thiệt hại, thủ tục xin cấp lại giấy tờ,… sẽ tốn thời gian, chi phí và công sức của cả các bên trong hợp đồng cũng như cơ quan quản lý. Trong khi, theo phương án 2 thì lại giải quyết được những vấn đề đó một cách khoa học, hợp lý hơn.

Qua thực tiễn xét xử cho thấy, các Toà án có cách giải quyết khác nhau khi xử lý hợp đồng vi phạm HTBB, nên cần có sự hướng dẫn thống nhất để thuận lợi hơn trong quá trình áp dụng pháp luật, cụ thể:

– Về hiệu lực của BLDS 2015 trong việc giải quyết các vụ việc xảy ra trước khi BLDS 2015 có hiệu lực: có Toà án áp dụng thẳng quy định của BLDS năm 2015, có Tòa án thì áp dụng quy định của BLDS năm 2005 và khi thấy BLDS năm 2005 không khả thi đối với trường hợp thực tế thì mới áp dụng quy định của BLDS năm 2015. Mặc dù cả hai hướng giải quyết đó đều cho đến một kết quả nhưng điều này cho thấy chưa có sự thống nhất trong việc áp dụng quy định trong BLDS năm 2015. Do đó, TAND Tối cao cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc áp dụng quy định tại Điều 129 của BLDS năm 2015 trong việc giải quyết những GDDS vi phạm quy định về HTBB là ĐKCHL.

– Về giá trị của quyết định công nhận hiệu lực hợp đồng: Chưa có sự thống nhất áp dụng trong thực tiễn, có Toà án thì cho phép thay thế cho thủ tục công chứng, chứng thực và các giấy tờ khác có liên quan, có trường hợp thì không, do đó theo tác giả, TAND tối cao cần có văn bản hướng dẫn thống nhất về việc: Khi Toà án đã ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch thì quyết định đó sẽ được thay thế hoàn toàn cho các thủ tục công chứng, chứng thực để tạo điều kiện cho các chủ thể hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu, theo hướng này sẽ giúp các GDDS được ổn định, ít ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên, ít gây ra sự xáo trộn; tiết kiệm thời gian, công sức cũng như tránh được những rắc rối về thủ tục hành chính khi giải quyết hậu quả của GDDS vô hiệu.

Trên đây là một số trao đổi của tác giả về hướng xử lý hợp đồng vi phạm HTBB theo quy định của BLDS năm 2015, xin trao đổi cùng độc giả.

1. Điều 1173, BLDS Pháp năm 2016.
2.Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012: “Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng”.
3. Đỗ Văn Đại (chủ biên) (2016), Bình luận khoa học những điểm mới của BLDS năm 2015, Nxb Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Tr.155.
4. Khoản 2, Điều 129 BLDS năm 2015.
5.Bùi Ngọc Khánh Hoàng (2015), Hình thức hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành – Những bất cập và kiến nghị hoàn thiện, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh.
6.Nguyễn Văn Cường (2009), Khuyến nghị sửa đổi một số điều về giao dịch dân sự được quy định trong BLDS năm 2005, Toà án nhân dân, (08), tr. 07.
7. Bản án số 14/2017/DS-ST ngày 09/08/2017 của TAND huyện N, tỉnh Ninh Thuận về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

 

VĂN THỊ HỒNG NHUNG ( Trường Đại học An ninh nhân dân)