Khó khăn khi áp dụng quy định dẫn giải người bị hại

Quy định pháp luật về dẫn giải người bị hại        

 Theo khoản 4 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định nghĩa vụ của bị hại là phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trong trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải.

Tại điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS 2015 lại quy định về biện pháp dẫn giải đối với người bị hại chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Như vậy có thể hiểu, chỉ khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập người bị hại để giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền mà họ từ chối hoặc không có mặt vì lý do chính đáng thì họ có thể bị dẫn giải.

Khó khăn, bất cập và kiến nghị

Dẫn giải đối với người bị hại là một quy định hoàn toàn mới so với BLTTHS năm 2003, đã khắc phục phần nào trường hợp người bị hại gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự cũng như hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm trong các vụ án cần phải trưng cầu giám định người bị hại.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết một số vụ án khác (như vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, …), Tòa án nhận thấy, cần thiết phải có mặt của người bị hại để làm rõ hành vi của bị cáo hoặc hành vi của bị hại có thể dẫn đến thay đổi tội danh của bị cáo hoặc có căn cứ để khởi tố một tội danh khác, … mà người bị hại lại cố tình không có mặt thì Tòa án không dẫn giải họ được. Đây là một vấn đề khó khăn, bất cập mà khó có thể thực hiện được.

Do vậy, chúng tôi kiến nghị sửa điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS 2015 như sau: “Dẫn giải có thể áp dụng đối với người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc trong trường hợp cần thiết phải có mặt người bị hại để làm rõ vụ án mà họ không có mặt vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”.

Trung úy BÙI THẾ MẠNH, Thư ký Tòa án quân sự Quân khu 2