Một số kinh nghiệm trong việc triển khai chức năng thanh tra công vụ tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Quyết định số 345/2016/QĐ-CA ngày 07/4/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã chính thức quy định và giao chức năng thanh tra công vụ và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh và thống nhất đơn vị tham mưu là Phòng Tổ chức Cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, cần được quan tâm để bảo đảm hoạt động hiệu quả.

Thanh tra công vụ, chống tham nhũng

Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019 được hiểu là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức và các quy định khác có liên quan. Trong hệ thống Tòa án nhân dân thì hoạt động công vụ chính là việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 2 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Khi tiến hành các hoạt động công vụ, cán bộ, công chức phải tuân theo những nguyên tắc Hiến định và luật định; trong khi đó chủ thể tiến hành các hoạt động công vụ là con người cụ thể (cán bộ, công chức có thẩm quyền), theo một quy trình nhất định; do đó, quá trình thực hiện khó tránh khỏi những thiếu sót, sai sót, thậm chí là vi phạm quy trình, quy định của pháp luật và có thể gây ra hậu quả tiêu cực, không mong muốn, nên việc thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động công vụ của cán bộ, công chức trong các Tòa án thuộc quyền quản lý là rất quan trọng và cần thiết.

Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Quyết định số 346a/2017/QĐ-TANDTC ngày 01/3/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về Ban hành Quy chế công tác kiểm tra trong Tòa án nhân dân; đặc biệt, lần đầu tiên tại Quyết định số 345/2016/QĐ-CA ngày 07/4/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, chính thức quy định và giao chức năng thanh tra công vụ và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh và thống nhất đơn vị tham mưu là Phòng Tổ chức Cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng.

Thực tiễn tại Gia Lai

Bám sát các quy định nêu trên, trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ được Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai quan tâm, đẩy mạnh, nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chế độ kỷ luật của công chức, người lao động trong hoạt động công vụ, duy trì trật tự kỷ cương, thái độ phục vụ đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dân liên quan đến các hoạt động của Tòa án. Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc chấp hành chế độ công vụ và hoạt động công vụ trong các cơ quan Tòa án thuộc quyền quản lý, theo phân cấp của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Qua công tác thanh tra kịp thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, xử lý nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, nâng cao chất lượng công tác của các Tòa án nhân dân trong tỉnh, góp phần xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh, đội ngũ công chức liêm chính, vô tư; đồng thời qua công tác thanh tra cũng phát hiện các vướng mắc về cơ chế, chính sách để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong hoạt động Tòa án.

Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Gia Lai hiện có 17 đơn vị Toà án nhân dân cấp huyện với 158 biên chế, gồm: 76 Thẩm phán trung, sơ cấp, 62 Thư ký Tòa án, 01 Thẩm tra viên chính, 19 chức danh khác và 46 lao động hợp đồng. Hàng năm các Tòa án phải giải quyết số lượng các vụ, việc phát sinh là rất lớn và liên tục gia tăng, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, nhạy cảm; với đặc thù công tác xét xử phần lớn các hoạt động của Tòa án, nhất là những chức danh tiến hành tố tụng vẫn diễn ra theo cách thức trực tiếp tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân, đương sự, nên đây là môi trường dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực; với quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác Tòa án, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án” được Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt có lộ trình thực hiện đến năm 2020; Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã triển khai có hiệu quả chức năng thanh tra công vụ và phòng, chống tham nhũng tại các Tòa án nhân dân trong tỉnh. Ngay sau khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký ban hành Quyết định số 345/2016/QĐ-CA ngày 07/4/2016, hàng năm Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đều chỉ đạo bộ phận tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức tiến hành thanh tra công vụ đối các Tòa án cấp huyện và các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tỉnh, mỗi năm thanh tra theo Kế hoạch từ 05 đơn vị Tòa án cấp huyện trở lên, thực hiện kiểm tra chuyên đề từ 02 đến 03 đơn vị trở lên, chú trọng kiểm tra án quá hạn luật định, án tạm đình chỉ; các Đoàn thanh tra đều do Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo; tính đến nay đã tiến hành thanh tra toàn bộ các đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện, một số đơn vị đã thực hiện thanh tra lần thứ hai với nhiều nội dung chuyên sâu gắn với xử lý trách nhiệm theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân.

Kết quả công tác thanh tra công vụ thể hiện, lãnh đạo các Tòa án nhân dân trong tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, đặc biệt là Nghị quyết của Ban cán sự đảng, Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án hàng năm; các Tòa án trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác để triển khai công việc, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng chức danh, chức vụ, về cơ bản phù hợp với năng lực, sở trường của từng cá nhân, từng vị trí công tác, gắn trách nhiệm công vụ đối với từng công chức, phối hợp thực hiện tốt các biện pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phần lớn công chức, người lao động các Tòa án nhân dân trong tỉnh đã chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa giao tiếp nơi công sở, đều thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, công vụ theo quy định, nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện đúng các Quy chế cơ quan; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, ứng xử có văn hóa, tiếp xúc làm việc với công dân đúng nơi quy định, thái độ hòa nhã, lịch sự, đúng mực, luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân; chấp hành tốt Quyết định số 1253/2008/QĐ-TANDTC ngày 18/9/2008 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Tòa án và Bộ quy tắc đạo đức, ứng xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân. Đặc biệt người đứng đầu đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của đơn vị mình phụ trách, thực hiện nghiêm các Quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ; chấp hành nghiêm túc và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật. Qua công tác thanh tra công vụ còn góp phần cảnh báo, ngăn ngừa sớm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra trong các Tòa án khi cán bộ, công chức, nhất là các chức danh Tư pháp thực thi công vụ. Bên cạnh đó, việc ban hành các kết luận thanh tra công vụ, đã kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, kiến nghị khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác, một số vi phạm có tính chất nghiêm trọng đã tiến hành kiểm điểm, xử lý kỷ luật để rút kinh nghiệm chung đối với các Tòa án trong tỉnh; từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tòa án, nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Những giải pháp cụ thể

Qua kinh nghiệm thực tiễn tại Tòa án hai cấp tỉnh Gia Lai, chúng tôi thấy rằng, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thanh tra công vụ trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

1.Trước hết phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chế độ công vụ và kỷ luật công vụ, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đặc biệt là Chỉ thị số 05/2020/CT-CA ngày 28/7/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong các Tòa án nhân dân; phải làm cho mỗi cán bộ, công chức, người lao động tự nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định, quy trình, quy chế trong hoạt động công vụ; chú trọng nâng cao đạo đức công vụ cho công chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ. Người đứng đầu trong các đơn vị Tòa án phải thực sự đề cao tính nêu gương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời nâng cao tính chịu trách nhiệm đối với hoạt động công vụ của công chức, người lao động thuộc quyền quản lý.

2.Phải xây dựng Kế hoạch thanh tra công vụ đảm bảo bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo và Kế hoạch của Tòa án nhân dân tối cao; bám sát nhiệm vụ chính trị công tác trọng tâm của các Tòa án để đảm bảo tính khả thi, đáp ứng được mục đích đã đề ra; Triển khai thanh tra trọng điểm một số lĩnh vực hoạt động của Tòa án, tập trung vào những khâu yếu; bảo đảm có sự phối hợp giữa các bộ phận chuyên môn trong Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện để tránh sự chồng chéo, gây khó khăn cho đối tượng thanh tra; đảm bảo thường xuyên theo dõi, tổng hợp, nhận định tình hình thực tiễn, đề ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác thanh tra công vụ. Việc lựa chọn nội dung và đối tượng thanh tra tránh dàn trải; kết hợp chặt chẽ với hoạt động kiểm tra nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tỉnh; chú trọng vào nhiệm vụ của các chức danh tư pháp như Thẩm phán và Thư ký Tòa án. Bên cạnh việc Thanh tra công vụ theo Kế hoạch cần tăng cường công tác thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên đề khi có căn cứ xác định đơn vị hoặc công chức, người lao động trong các Tòa án có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng để kịp thời xác minh, kết luận, chấn chỉnh và xử lý nếu có sai phạm.

3.Phải lựa chọn phương pháp tiến hành thanh tra phù hợp với tình hình thực tế của mỗi đơn vị, từng chức danh công chức; tập trung Thanh tra những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra trong công tác Tòa án, nhất là trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ, việc; bên cạnh đó, khi thành lập các đoàn thanh tra cần bố trí những công chức có trình độ chuyên môn tốt, có bản lĩnh, nhạy bén trong tiếp cận và xử lý vấn đề, Đoàn thanh tra phải có lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh tham gia, nếu có thể nên bố trí Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh làm trưởng Đoàn, vừa đảm bảo tính hiệu lực trong quá trình tiến hành thanh tra, vừa có thể xử lý ngay một số kiến nghị của đối tượng thanh tra theo thẩm quyền và theo phân cấp của Tòa án nhân dân tối cao.

4.Cần bám sát quy trình thanh tra, kiểm tra để tiến hành một cuộc thanh tra công vụ đảm bảo đúng trình tự, đảm bảo nguyên tắc và đạt chất lượng như yêu cầu đề ra khi xây dựng Kế hoạch; ngoài việc tuân theo quy định tại Quyết định số 346a/2017/QĐ-TANDTC ngày 01/3/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về Ban hành Quy chế công tác kiểm tra trong Tòa án nhân dân, cần phải bám sát quy định pháp luật thanh tra về tiến hành một cuộc thanh tra hành chính, được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Việc tuân thủ đúng quy định, quy trình sẽ đảm bảo tính pháp lý cho một cuộc thanh tra được tiến hành, nhất là những nội dung được đưa vào Kết luận thanh tra công vụ.

5.Cần ban hành, kiện toàn đầy đủ các Quy chế hoạt động trong các cơ quan Tòa án, nhất là minh bạch quy trình hoạt động về chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với tổ chức, cá nhân, đương sự; đa dạng các kênh tiếp nhận thông tin, phản ánh của tổ chức, cá nhân, nhất là các cơ quan báo chí, truyền thông, từ đó có biện pháp tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận, chấn chỉnh kịp thời, ngăn chặn từ sớm đối với những tiêu cực, nhũng nhiễu, không để phát sinh và gây hậu quả làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Tòa án nhân dân. Bên cạnh đó, cần kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với những tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong công tác, cũng như trong ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ được giao, củng cố niềm tin của nhân dân vào hoạt động Tòa án, vào công lý và công bằng xã hội.

 

PHẠM DUY LAM (Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai)