MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ CẦN ĐƯỢC HƯỚNG DẪN ĐỂ NHẤT QUÁN VỚI BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015) và Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có hiệu lực thi hành. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy còn có những qui định không nhất quán giữa hai bộ luật này, cần có hướng dẫn để thống nhất thực hiện.

Bộ luật hình sự là luật nội dung, Bộ luật tố tụng hình sự là luật hình thức. Về nguyên tắc thì luật hình thức luôn phải phù hợp với luật nội dung, không được trái luật nội dung vì xét cho cùng thì luật hình thức để thực hiện quy định của luật nội dung. Khi mà luật nội dung có sửa đổi, bổ sung nhưng không sửa đổi, bồ sung luật hình thức thì tất yếu sẽ dẫn tới sự không nhất quán giữa hai bộ luật này ở một số quy định. Chúng tôi xin nêu một số quy định của BLTTHS thiếu sự nhất quán với BLHS, cần phải có sự sửa đổi, hướng dẫn để hiểu và áp dụng thống nhất trong nghiên cứu, lý luận trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự.

1) Về xác định nhiệm vụ của BLHS và BLTTHS.

Tại Điều 1 BLHS năm 2015 xác định “Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân…”

 Điều 2 của BLTTHS đặt nhiệm vụ “…bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước…”

 Như vậy, BLTTHS đã coi nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân lên trước nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước là không phù hợp với thứ tự cần bảo vệ của BLHS hay nói cách khác đó chính là giá trị của các mối quan hệ xã hội cẩn phải bảo vệ bằng pháp luật hình sự và đó là khách thể của tội phạm.

2) Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Khoản 2 Điều 2 BLHS quy định: Cơ sở của trách nhiệm hình sự.

“2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra với pháp nhân thương mại chứ không phải đối với mọi pháp nhân.

Tuy nhiên trong toàn bộ BLTTHS chỉ quy định là pháp nhân mà không quy định các trình tự, thủ tục tố tụng đối với pháp nhân thương mại là không phù hợp với khoản 2 Điều 2 của BLHS. Sai sót này cần phải được sửa đổi, bổ sung trong BLTTHS. Có thể sửa bằng cách bổ sung vào Điều 4 BLTTHS một giải thích “pháp nhân quy định trong Bộ luật này là pháp nhân thương mại”. Nếu chính xác hơn thì phải sửa tất cả các quy định về pháp nhân của BLTTHS thành pháp nhân thương mại.

3) Về giải thích từ ngữ (Điều 4)

BLTTHS bổ sung Điều luật này để giải thích một số từ ngữ sử dụng trong Bộ luật. Khoản 2 của Điều 4 không phải là giải thích từ ngữ mà quy định về cách gọi tắt của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Do vậy, tên của điều luật này còn phải bổ sung cho phù hợp.

4) Về trách nhiệm của cơ quan, Nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm (Điều 5)

– Khoản 6 “Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ”.

 Điều luật không nghiêm cấm hành vi can thiệp vào hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trong đó có Tòa án là chưa thể hiện đầy đủ quy định tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013. “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Nếu điều luật này quy định “Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, cản trở hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ” thì đầy đủ và đúng hơn.

5) Thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia (Điều 22)

Điều luật này đã bỏ quy định “Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán” vì cho rằng quy định này đã được thể hiện trong các nguyên tắc khác như “Tòa án xét xử tập thể”, “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

 Quy định thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia là một quy định của Hiến pháp, nhưng Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính vẫn giữ quy định “Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán”. Vì vậy, việc bỏ quy định này trong BLTTHS cần phải có sự hướng dẫn nhất quán về vai trò, vị trí của Hội thẩm trong xét xử các vụ án hình sự.

 6) Bị hại (Điều 62)

– Khoản 1 của Điều này bổ sung “cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.

Như vậy bị hại có thể là cá nhân và có thể là cơ quan, tổ chức (pháp nhân). Cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra cũng là nguyên đơn dân sự (Điều 63. Nguyên đơn dân sự).

 Vậy khi nào thì Tòa án xác định cơ quan, tổ chức đó là bị hại và khi nào là nguyên đơn dân sự? Đây là hai tư cách tham gia tố tụng khác nhau và họ có quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng hình sự khác nhau. Xác định sai tư cách tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, bản án, quyết định rất dễ lâm vào tình trạng hoặc có nguy cơ bị hủy cao.

 Rõ ràng, quy định chồng chéo giữa Điều 62 và Điều 63 sẽ tạo ra vướng mắc không nhỏ cho các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Tòa án. Vướng mắc này cần phải có hướng dẫn để thống nhất thực hiện.

 – BLTTHS sửa thuật ngữ người bị hại thành bị hại nhằm phù hợp với quy định cơ quan, tổ chức cũng được coi là bị hại. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ bị hại này không nhất quán ở những điều sau:

Một là: Không nhất quán với thuật ngữ mà BLHS sử dụng. BLHS vẫn quy định là người bị hại chứ không có điều nào là bị hại.

 Hai là: Ngay trong BLTTHS việc sử dụng thuật ngữ này cũng rất không nhất quán, chỗ thì sử dụng là bị hại, chỗ thì vẫn sử dụng là người bị hại, thậm chí việc sử dụng thuật ngữ sai, không đúng với quy định cụ thể của điều luật.

 Ví dụ: Khoản 1 Điều 155 “Khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi”. Đây là quy định về người đại diện của người dưới 18 tuổi thì phải sử dụng thuật ngữ người bị hại mới đúng. Một số quy định tương tự như ở khoản 4 Điều 320, khoản 5 Điều 321, khoản 6 Điều 421, khoản 4 Điều 423… phải sử dụng thuật ngữ người bị hại mới đúng vì đó đều là người dưới 18 tuổi hoặc khoản 5 Điều 62 phải là người bị hại mới đúng.

 Ngược lại, có quy định lại sử dụng thuật ngữ người bị hại không chính xác. Ví dụ tên Chương X “Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đối chất và nhận dạng”.

 Điều 188 của chương này quy định “Triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự”. Như vậy, giữa tên Chương và tên điều luật đã không nhất quán về việc sử dụng thuật ngữ. Lẽ ra tên chương này phải là lấy lời khai của bị hại mới đúng quy định của Điều 62 vì có thể là cơ quan, tổ chức và đó không phải là người bị hại mà là bị hại.

– Khoản 4 Điều 62. Bị hại có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải”.

Quy định này mâu thuẫn với điểm l khoản 1 Điều 4 về giải thích từ ngữ. Theo đó, dẫn giải chỉ áp dụng đối với người bị hại từ chối giám định, không có quy định cố tình vắng mặt như quy định ở khoản 4 Điều này. Như vậy, phải suy luận là nếu người bị hại cố tình vắng mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để giám định thì mới được áp dụng biện pháp dẫn giải, các trường hợp khác thì không được áp dụng biện pháp này.

7) Người tham gia tố tụng (Điều 55)

BLTTHS quy định có 20 diện người tham gia tố tụng hình sự, nhiều hơn 9 diện người tham gia tố tụng hình sự so với BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên, trong số 20 diện người tham gia tố tụng hình sự lại không có người thẩm định giá tài sản. Định giá tài sản và thẩm định giá tài sản là một trong những hoạt động của các cơ quan, có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm xác định chính xác giá trị tài sản. Đây là một chứng cứ quan trọng để xác định tội phạm, khung hình phạt. Khi Luật không quy định người thẩm định giá tài sản là người tham gia tố tụng hình sự thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không có quyền triệu tập người thẩm định gái tài sản và họ có quyền từ chối việc tham gia, kết luận thẩm định giá tài sản.

Tại Điều 383 BLHS năm 2015 đã căn cứ Luật hình thức và bỏ tội “từ chối kết luận thẩm định giá tài sản”.

8) Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa (Điều 73)

Kê biên tài sản (Điều 128) và phong tỏa tài khoản (Điều 129) là các biện pháp cưỡng chế liên quan trực tiếp đến quyền của bị can, bị cáo mà người bào chữa có nhiệm vụ baỏ vệ họ. Tuy nhiên, Điều 73, Điều 128 và 129 đều không quy định người bào chữa có quyền tham gia vào các hoạt động này của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Chúng tôi cho rằng cần có quy định này trong các điều luật nêu trên để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bào chữa thực hiện nhiệm vụ của mình.

Khoản 3 Điều 19 BLHS quy định “người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa”.

Lẽ ra BLTTHS phải thể hiện quy định này tại điểm g khoản 2 Điều 73 thì không tạo ra sự thiếu nhất quán giữa BLHS và BLTTHS.

9) Điều 85. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự

Điều luật không quy định về chứng minh tài sản, về khả năng thi hành án của người phạm tội là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 50 của BLHS. “2. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội”.

Rõ ràng đây là yêu cầu phải chứng minh, có chứng minh được thì Tòa án mới được áp dụng. Nếu hồ sơ vụ án không thực hiện việc chứng mình này thì quy định của Điều 50 rất khó thực hiện.

Trên đây là những bất cập giữa luật nội dung và luật hình thức cần có những hướng dẫn cụ thể để áp dụng trong thực tiễn khởi tố, truy tố, xét xử vụ án hình sự.


Xem thêm:

Luật đến từ đời sống

Tai sao người tham gia tố tụng nên biết những vấn đề này.

Ths.NGUYỄN QUANG LỘC