Một số vướng mắc, bất cập đối với quy định về án phí trong vụ án hình sự và kiến nghị hoàn thiện

Theo quy định tại các điều 135, 136 BLTTHS năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, thì án phí trong VAHS bao gồm: Án phí hình sự sơ thẩm, án phí hình sự phúc thẩm, án phí dân sự sơ thẩm trong VAHS và án phí dân sự phúc thẩm trong VAHS[1]. Thời gian quan, việc áp dụng các quy định về án phí trong VAHS đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập và cần hoàn thiện.

Án phí trong vụ án hình sự (VAHS) được quy định tập trung tại các điều 135, 136 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14). Nhìn chung, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 tương đối cụ thể, chi tiết, khắc phục hạn chế trong quy định tương ứng trước đây, tạo sự thuận lợi trong việc áp dụng, góp phần quan trọng tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng phải nộp án phí trong VAHS. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, quy định về án phí trong VAHS đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, đòi hỏi cần có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn giải quyết các VAHS.

Thứ nhất, BLTTHS năm 2015 chưa quy định bao quát trách nhiệm chịu các loại án phí trong vụ án hình sự

Mặc dù, khoản 2 Điều 135 BLTTHS năm 2015 quy định án phí trong VAHS gồm 04 loại: Án phí hình sự sơ thẩm, án phí hình sự phúc thẩm, án phí dân sự sơ thẩm trong VAHS, án phí dân sự phúc thẩm dân sự trong VAHS. Tuy nhiên, Điều 136 quy định về trách nhiệm chi trả chi phí tố tụng, lệ phí chỉ mới quy định nghĩa vụ chịu án phí hình sự của bị cáo, bị hại mà chưa quy định về trách nhiệm chịu án phí dân sự sơ thẩm trong VAHS, án phí dân sự phúc thẩm dân sự trong VAHS.

Bên cạnh đó, hiện nay, quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong VAHS, án phí dân sự phúc thẩm trong VAHS, chủ yếu được quy định dẫn chiếu sang quy định về án phí khi giải quyết vụ án dân sự (theo nghĩa rộng) kể cả theo thủ tục sơ thẩm, thủ tục phúc thẩm và được quy định tập trung tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

Do đó, để bao quát quy định về nghĩa vụ chịu các loại án phí trong VAHS, kiến nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 136 quy định dẫn chiếu về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong VAHS, án phí dân sự phúc thẩm dân sự trong VAHS như sau:

“2. Án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu theo quy định của pháp luật. Người bị kết án phải trả án phí theo quyết định của Tòa án. Mức án phí và căn cứ áp dụng được ghi rõ trong bản án, quyết định của Tòa án.

Trách nhiệm chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án”.

Thứ hai, chưa quy định bao quát về các chủ thể phải chịu án phí dân sự trong vụ án hình sự

Khi xét xử các VAHS, Tòa án giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có 02 vấn đề quan trọng là trách nhiệm hình sự đối với bị cáo (tội danh, hình phạt) và vấn đề dân sự trong VAHS (yêu cầu bồi thường thiệt hại, hoàn trả tài sản…). Tương ứng với nó, BLTTHS năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định án phí trong VAHS gồm án phí hình sự (sơ thẩm, phúc thẩm) và án phí dân sự (sơ thẩm, phúc thẩm). Trong đó, án phí hình sự chỉ có thể áp dụng đối với bị cáo, bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại có yêu cầu khởi tố VAHS; án phí dân sự trong VAHS có phạm vi chủ thể có nghĩa vụ chịu rộng hơn, gắn liền với yêu cầu và kết quả giải quyết của Tòa án bao gồm bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Tuy nhiên, một số quy định về án phí trong VAHS tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 lại chưa bao quát các chủ thể phải chịu án phí dân sự trong VAHS.

Một là, điểm đ khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định, bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo quy định của pháp luật không yêu cầu một số tiền hoặc tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể thì không phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 63 BLTTHS năm 2015, nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đồng thời, theo Điều 65 BLTTHS năm 2015, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến VAHS và họ có quyền đưa ra yêu cầu, phát biểu ý kiến, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Cho nên, bên cạnh bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 chưa bao quát nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Hai là, điểm f khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định, trước khi mở phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Tại phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp Tòa án đưa ra xét xử vụ án đó. Tuy nhiên, theo điểm g khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015, đương sự bao gồm: Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến VAHS mà không bao gồm bị hại. Trong khi đó, việc thỏa thuận bồi thường thiệt hại trong VAHS không chỉ diễn ra giữa đương sự với bị cáo mà còn có sự tham gia của bị hại. Cho nên, quy định tại điểm f khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 còn thiếu bị hại.

Để khắc phục bất cập này, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung các điểm đ, f khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 như sau:

đ) Bị hại, đương sự yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo quy định của pháp luật không yêu cầu một số tiền hoặc tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể thì không phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận”;

“f) Trước khi mở phiên tòa, bị hại, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Tại phiên tòa, bị hại, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp Tòa án đưa ra xét xử vụ án đó”.

Thứ ba, về nghĩa vụ chịu án phí của bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại trong trường hợp họ rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

Khoản 3 Điều 136 BLTTHS năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định, VAHS được khởi tố theo yêu cầu của bị hại mà sau đó bị đình chỉ do người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì người đã yêu cầu khởi tố phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.

Quy định này chưa hợp lý, bởi vì, mặc dù, bị hại có quyền yêu cầu khởi tố VAHS theo quy định tại Điều 155 BLTTHS năm 2015, tuy nhiên, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ khởi tố VAHS khi có căn cứ do BLTTHS năm 2015 quy định[2]. Đồng thời, sau khi vụ án được khởi tố, để bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ rút yêu cầu, thông thường có sự giải thích của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Trong đó, lý do được đưa ra để giải thích thường là giải tỏa mâu thuẫn giữa các bên, hàn gắn các mối quan hệ bị rạn nứt, hướng đến sự chung sống hài hòa giữa bị cáo, bị hại…[3]. Hơn nữa, chỉ khi nào đã có sự cảm thông, tha thứ cho bị cáo để bị cáo có điều kiện sửa đổi, khắc phục khuyết điểm thì bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại mới rút yêu cầu khởi tố. Nói chung, việc bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ rút yêu cầu khởi tố vừa có lợi cho bị cáo, vừa có lợi cho xã hội[4]. Tuy nhiên, thay vì khuyến khích bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại rút yêu cầu khởi tố thì pháp luật lại quy định trong trường hợp bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại rút yêu cầu khởi tố phải chịu án phí hình sự.

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật hiện hành và quy định trước đây về nghĩa vụ chịu án phí hình sự của bị hại trong trường hợp này không có sự thay đổi. Theo đó, quy định về nghĩa vụ chịu án phí hình sự của bị hại tại tại khoản 3 Điều 136 BLTHS năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 tương tự với quy định tại khoản 3 Điều 99 BLTTHS năm 2003 và khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án năm 2009. Trong khi đó, nghiên cứu sang tố tụng dân sự, pháp luật tố tụng dân sự quy định về nghĩa vụ chịu án phí của người khởi kiện khi họ rút đơn khởi kiện có sự thay đổi. Theo đó, BLTTHS năm 2004 quy định đương sự rút yêu cầu khởi kiện thì tiền tạm ứng án phí được xung vào công quỹ Nhà nước[5] nhưng BLTTHS năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011 và BLTTDS năm 2015[6] lại quy định đương sự rút yêu cầu khởi kiện thì tiền tạm ứng án phí trả lại cho họ. Mục đích của sự thay đổi này nhằm khuyến khích người khởi kiện rút đơn, hạn chế phát sinh tranh chấp, hàn gắn các mối quan hệ bị mâu thuẫn, rạn nứt, đỡ tốn thời gian, chi phí, nguồn nhân lực.

Với các phân tích trên, thiết nghĩ, để khuyến khích bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại tha thứ lỗi lầm của bị cáo, hàn gắn các mối quan hệ bị rạn nứt, đỡ tốn thời gian, chi phí, nguồn nhân lực của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 136 BLTTHS năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 như sau:

- “Đối với khoản 3 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “3. Trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nếu Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội thì bị hại phải trả án phí hình sự. Trường hợp vụ án bị đình chỉ khi có căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật này thì bị hại không phải chịu án phí hình sự”.

- Đối với điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14: “b) Bị hại đã yêu cầu khởi tố phải chịu án phí hình sự sơ thẩm trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại mà sau đó Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội. Trường hợp vụ án bị đình chỉ do người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì bị hại không phải chịu án phí hình sự”.

Thứ tư, về việc áp dụng các quy định về miễn nộp án phí hình sự trong vụ án hình sự

Quy định về án phí trong VAHS và trách nhiệm chịu án phí trong VAHS tại các điều 135, 136 BLTTHS năm 2015 tương đối khái quát, chưa cụ thể và không đề cập đến việc miễn nộp án phí trong VAHS.

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, mặc dù là văn bản dưới luật, lại quy định chi tiết, cụ thể, toàn diện về án phí, lệ phí Tòa án, tuy nhiên, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 cũng không quy định các trường hợp miễn nộp án phí được áp dụng cho những loại án, đối tượng nào. Chính vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền nên trong thực tiễn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về việc bị cáo, bị hại có yêu cầu khởi tố VAHS có được miễn án phí hình sự hay không.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi người bị kết án, bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án, thuộc trường hợp được miễn án phí thì vẫn được xem xét miễn án phí hình sự. Bởi vì, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định án phí hình sự có thể do Nhà nước chịu và khi người bị kết án, bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án rơi vào các trường hợp được miễn nộp án phí thì Nhà nước chịu khoản án phí hình sự. Cho nên, người bị kết án, bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án có thể được được miễn án phí hình sự[7].

Quan điểm thứ hai cho rằng, quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 là quy định chung về những trường hợp được miễn án phí; còn quy định tại các điều 23, 26, 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 là những điều quy định chi tiết cho những loại án cụ thể. Khi áp dụng pháp luật cần phải áp dụng quy định riêng để giải quyết cho từng loại án. Cho nên, để xem xét bị cáo, bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án có được miễn án phí hình sự hay không thì cần áp dụng Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Do Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định họ phải chịu án phí nên không có cơ sở miễn án phí hình sự cho bị cáo, bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án[8].

Về vấn đề này, tác giả cho rằng, án phí trong VAHS gồm án phí hình sự (sơ thẩm, phúc thẩm) và án phí dân sự (sơ thẩm, phúc thẩm) trong VAHS. Nếu như án phí dân sự (sơ thẩm, phúc thẩm) trong VAHS được tính như án phí dân sự khi giải quyết vụ án dân sự (theo nghĩa rộng) thì án phí hình sự có đặc thù riêng, nó thể hiện thái độ của Nhà nước đối với bị cáo hoặc người yêu cầu khởi tố VAHS. Khoản tiền của án phí hình sự phải nộp không phải để cấn trừ chi phí mà Nhà nước bỏ ra giải quyết vụ án mà nó chủ yếu mang tính tượng trưng, nhắc nhở người phạm tội tôn trọng pháp luật và người yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự, một loại trách nhiệm pháp lý cao nhất, của ai đó phải cẩn trọng trong việc yêu cầu. Vì lẽ đó, các BLTTHS năm 1988, 2003, 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về án phí trong VAHS đều quy định dứt khoát bị cáo, bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án phải chịu án phí hình sự mà không có sự loại trừ.

Một vấn đề đặt ra là vì sao Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 khi quy định về miễn án phí lại không quy định loại trừ việc miễn án phí hình sự dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau. Lý do có thể xuất phát từ án phí trong VAHS, không chỉ có án phí hình sự mà còn có án phí dân sự trong VAHS. Cho nên, khi bị cáo, bị hại chịu án phí dân sự trong VAHS mà thuộc trường hợp miễn án phí thì họ vẫn có thể được xem xét cho miễn án phí dân sự trong VAHS.

Hơn nữa, mặc dù quy định về miễn án phí trong các văn bản hướng dẫn các BLTTHS 1988, 2003 và 2015 được quy định từ rất lâu và tương tự nhau. Tuy nhiên, trong thực tiễn, khi bị cáo rơi vào các trường hợp miễn án phí thì Hội đồng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vẫn buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự.

Từ các phân tích trên, có thể khẳng định, bị cáo, bị hại có yêu cầu khởi tố VAHS không thuộc trường hợp được miễn án phí hình sự. Tuy nhiên, để có cách hiểu, áp dụng thống nhất, kiến nghị bổ sung vào Điều 136 BLTTHS năm 2015 khoản 5 với nội dung như sau:

“5. Người bị kết án, bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự chịu án phí hình sự theo các khoản 2, 3 Điều này thì không được miễn nộp án phí hình sự, giảm án phí hình sự”.

Thứ năm, về buộc chịu nghĩa vụ án phí dân sự trong vụ án hình sự

Bên cạnh quy định về án phí hình sự, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 còn quy định nghĩa vụ chịu án phí dân sự trong VAHS và dẫn chiếu đến việc áp dụng quy định về tính án phí dân sự (các điều 26, 27) để tính án phí dân sự trong VAHS. Đồng thời, việc tính án phí dân sự trong VAHS chủ yếu liên quan đến việc giải quyết vấn đề dân sự trong VAHS. Trong khi đó, vấn đề dân sự trong VAHS được hiểu là những tranh chấp liên quan đến những thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có liên quan đến hành vi phạm tội đã thực hiện nhưng không thuộc nội dung xử lý vật chứng và việc áp dụng biện pháp tư pháp trong VAHS. Vấn đề dân sự trong VAHS bao gồm: Đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường giá trị tài sản do tài sản bị chiếm đoạt, nhưng đã bị mất hoặc bị hủy hoại; buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng và đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; xử lý hậu quả trong trường hợp hợp đồng vô hiệu[9].

Tuy nhiên, trên thực tế, khi giải quyết vấn đề dân sự trong VAHS, Tòa án chủ yếu buộc nghĩa vụ chịu án phí dân sự liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm và tài sản). Đối những vấn đề khác (tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản bị chiếm đoạt vô hiệu; xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu, buộc hoàn trả lại tiền đã nhận; buộc trả lại tài sản chiếm đoạt…), hầu như Tòa án không đề cập đến nghĩa vụ chịu án phí dân sự[10]. Trong một số trường hợp, khi giải quyết vấn đề dân sự trong VAHS trùng với việc giải quyết biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng thì Tòa án thường áp dụng quy định về biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng để giải quyết mà không đề cập đến vụ án dân sự trong VAHS, từ đó, nghĩa vụ chịu án phí dân sự trong VAHS cũng không được đề cập đến[11].

Để khắc phục vướng mắc, hạn chế này, tác giả kiến nghị bổ sung vào điểm c khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 những trường hợp giải quyết vụ án dân sự trong VAHS, Tòa án phải buộc bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có liên quan đến yêu cầu và phán quyết của Tòa án phải chịu án phí dân sự trong VAHS như sau:

“c) Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 của Nghị quyết này.

Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự liên quan đến vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được giải quyết bao gồm: Đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt; Đòi bồi thường giá trị tài sản do tài sản bị chiếm đoạt, nhưng đã bị mất hoặc bị hủy hoại; buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; Đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng và đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; xử lý hậu quả trong trường hợp hợp đồng vô hiệu.

Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự trong vụ án hình sự trùng với việc xử lý vật chứng, áp dụng biện pháp tư pháp thì Tòa án vẫn buộc người có nghĩa vụ chịu án phí dân sự trong vụ án hình sự”.

Thứ sáu, về án phí dân sự trong vụ án hình sự khi trách nhiệm bồi thường phát sinh do người dưới mười tám tuổi phạm tội gây ra

Theo các điểm từ điểm c đến điểm g khoản 1 Điều 23, Điều 26, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, người có trách nhiệm bồi thường phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong VAHS. Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội dưới 18 tuổi thì trách nhiệm bồi thường có sự khác biệt so với trường hợp người phạm tội từ đủ 18 tuổi trở lên.

Theo Điều 586 BLDS năm 2015, người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Cho nên, khi giải quyết VAHS do người dưới mười tám tuổi thực hiện mà phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Tòa án sẽ buộc cha, mẹ của người phạm tội chịu nghĩa vụ bồi thường chính và buộc người phạm tội thực hiện nghĩa vụ bồi thường bổ sung phần còn thiếu (trường hợp người phạm tội từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi) hoặc ngược lại (trường hợp người phạm tội chưa đủ mười lăm tuổi). Tuy nhiên, khi buộc nghĩa vụ án phí dân sự sơ thẩm trong VAHS lại có 02 quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, Tòa án buộc người có trách nhiệm bồi thường chính phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong VAHS. Theo đó, người phạm tội phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong VAHS trong trường hợp khi phạm tội người phạm tội từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi; cha mẹ của người phạm tội phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong VAHS trong trường hợp khi phạm tội người phạm tội chưa đủ mười lăm tuổi.

Quan điểm thứ hai cho rằng, ai bồi thường thì người đó có nghĩa vụ chịu án phí dân sự trong VAHS. Trong trường hợp này, Tòa án chỉ tuyên trách nhiệm bồi thường dự kiến nên cả người phạm tội và cha mẹ của người phạm tội phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong VAHS. Bởi vì, Tòa án không thể biết người phạm tội hay cha, mẹ của người phạm tội có tài sản hay không.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất. Tuy nhiên, để áp dụng thống nhất, kiến nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với VAHS do người dưới mười tám tuổi thực hiện như sau:

“h) Trong trường hợp bị cáo là người dưới mười tám tuổi gây thiệt hại thì cha mẹ hoặc người giám hộ của bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp bị cáo chưa đủ mười lăm tuổi; bị cáo phải phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp bị cáo từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi”.

Như vậy, quy định về án phí trong VAHS của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 có vai trò quan trọng, tạo thuận lợi cho Tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết VAHS. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, quy định về án phí trong VAHS của pháp luật hiện hành còn một số vướng mắc, bất cập, cần có sự nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp./.

 Theo tcdcpl.moj.gov.vn

 

Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” Ảnh: Phạm Văn Triết

[1] Xem: Khoản 2 Điều 135 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 21 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

[2] Xem: Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về các căn cứ khỏi tố VAHS.

[3] Về vấn đề này, tác giả xin nêu lên vụ án cụ thể trong thực tiễn như sau: Ngày 23/5/2021, Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh A mở phiên tòa xét xử sơ thẩm VAHS đối với bị cáo Đinh Văn R bị Viện kiểm sát nhân dân huyện C truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Nội dung Cáo trạng thể hiện, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 14/9/2020, Đinh Văn R điều khiển xe mô tô biển số 67L1-341.00 chở ông Đinh Thanh H (chú họ của R) đến nhà ông Nguyễn Ngọc A, Trưởng ban Ban nhân dân ấp L hỏi lý do ông H không được cấp sổ hộ nghèo. Ông A giải thích nhưng R không đồng ý và lớn tiếng chửi ông A. Sau đó, R dẫn xe mô tô đi, thì bị A rút chìa khóa xe, yêu cầu R về trụ sở Ban ấp làm rõ vấn đề. Ngay lúc đó, R xô ngã xe mô tô, rồi nhặt 02 viên gạch ống dưới gốc cây gần đó, cầm trên hai tay. Khi đứng đối diện, cách ông A khoảng 03m, R dùng tay trái cầm 01 viên gạch ống ném về phía A trúng vào tay trái và vùng trán của ông A. R tiếp tục cầm viên gạch ống còn lại trên tay trái ném về phía ông A nhưng không trúng. A bỏ chạy và ném trả lại chìa khóa xe mô tô cho R. Do nhiều người dân can ngăn nên R nhặt chìa khóa, rồi điều khiển xe mô tô về nhà. Theo Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 389/20/TgT ngày 20/10/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh A, ông A tổn thương cơ thể do thương tích gây với tỷ lệ 03%. Tại phiên tòa, qua xét hỏi, do thấy bị cáo là người có học vấn thấp, thừa nhận sai trái nên Hội đồng xét xử đã giải thích quy định pháp luật và nêu lên cách thức xử sự mà bị cáo đáng lẽ ra phải thực hiện. Đồng thời, giải thích, thuyết phục ông A tha thứ cho bị cáo nhằm thể hiện sự rộng lượng của người thực hiện nhiệm vụ gắn với dân; hàn gắn rạn nứt để dễ dàng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân sau này được thuận lợi hơn. Do ông A tha thứ cho bị cáo và tự nguyện rút lại yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo nên Hội đồng xét xử sơ thẩm ban hành Quyết định số 01/2021/HSST-QĐ ngày 15/3/2021 đình chỉ vụ án, trong đó, ông A phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.

[4] Theo đó, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không phải thực hiện thêm các hoạt động tố tụng tiếp theo để giải quyết vụ án nên sẽ đỡ tốn thời gian, chi phí, nguồn nhân lực.

[5] Xem: Khoản 2  Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.

[6] Xem: Khoản 2 Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011 và khoản 3 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[7] Xem: Bùi Đức Độ, “Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn án phí hình sự không?”, https://baophapluat.vn/nguoi-thuoc-ho-ngheo-can-ngheo-duoc-mien-an-phi-hinh-su-khong-post337395.html, và Dương Tấn thanh, “Bị cáo, bị hại là người cao tuổi được miễn án phí hình sự sơ thẩm”, tại địa chỉ: https://www.tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/bi-cao-bi-hai-la-nguoi-cao-tuoi-duoc-mien-an-phi-hinh-su-so-tham.

[8] Xem: Đoàn Thị Tùng Linh, “Bị cáo, bị hại là người cao tuổi có được miễn án phí hình sự hay không http://vkscantho.vn/vkscantho/index.php/news/Trao-doi-nghiep-vu/Bi-cao-bi-hai-la-nguoi-cao-tuoi-co-duoc-mien-an-phi-hinh-su-hay-khong-3814/.

[9] Xem: Thái Chí Bình, Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về vấn đề dân sự trong VAHS, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 3/2014, tr. 59 - 73.

[10] Đối với vấn đề này, tác giả xin nêu vụ án cụ thể như sau: Nguyễn Tấn T mượn xe mô tô nhãn hiệu Sirena, kiểu dáng Dream màu nâu, biển số 67H8-1330 (trị giá 4.530.000 đồng) của ông La Công H rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt xe mô tô này. Sau khi có được tài sản, bị cáo T mang xe mô tô biển số 67H8-1330 bán cho Đoàn Thanh B với giá 2.500.000 đồng. Sau đó, T bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Về kết quả giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố L, tỉnh A tuyên bố T phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và áp dụng hình phạt đối với T. Về xử lý vật chứng, giao trả cho ông H xe mô tô biển số 67H8-1330 bị chiếm đoạt. Về trách nhiệm dân sự, buộc T bồi thường cho ông B 2.500.000 đồng. Về nghĩa vụ án phí, bên cạnh buộc bị cáo chịu án phí hình sự sơ thẩm, Tòa án còn buộc bị cáo chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền phải bồi thường. Trong trường hợp này, đáng lẽ Tòa án cấp sơ thẩm cần nhận định việc mua bán xe mô tô giữa T với ông B là vô hiệu và áp dụng các quy định về hợp đồng dân sự vô hiệu để tuyên bố hợp đồng mua bán vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Đồng thời, áp dụng quy định về án phí đối với hợp đồng dân sự vô hiệu và xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu tại khoản 3 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 để buộc T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong VAHS.

[11] Đối với vấn đề này, tác giả xin nêu vụ án cụ thể như sau: Ngày 30/12/2019, Lưu Hậu G thuê ghe gỗ biển kiểm soát AG-19312 của ông Nguyễn Thanh T đến khu vực cánh đồng lúa thuộc huyện H, tỉnh Đ để mua lúa. Do gặp khó trong việc mua lúa và được người tên B thuê chở pháo các loại về địa bàn thuộc tỉnh A và G hưởng lợi 3.000.000 đồng/chuyến nên G đồng ý. Khoảng 19 giờ ngày 31/12/2019, G nhận 22 bao màu trắng chứa 370 bịch nilon màu trắng, bên trong mỗi bịch chứa nhiều loại pháo. G cho xếp các bao lúa đã mua nằm ở mặt trên các bao đựng pháo rồi điều khiển ghe đến lò sấy lúa N ở ấp A, xã A, huyện C, tỉnh A. Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 03/01/2020, Công an huyện C kiểm tra, lập biên bản phạm tội quả tang đối với G về hành vi vận chuyển pháo thuê để hưởng lợi. Theo Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn, vật được chứa trong các bao thu giữ từ G, được gửi đến giám định là pháo nổ có tổng khối lượng 343,2 kilôgam. G bị truy tố và xét xử về tội “Vận chuyển hàng cấm” theo điểm c khoản 3 Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đối với ghe gỗ biển kiểm soát AG-19312, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (quy định về xử lý vật chứng) và khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (quy định về biện pháp tư pháp) trả lại ghe gỗ biển kiểm soát AG-19312 cho ông T mà không đề cập giải quyết vấn đề dân sự trong VAHS và không buộc bị cáo chịu án phí dân sự trong VAHS theo các điều 26, 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

ThS. THÁI CHÍ BÌNH (Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang)