Những thành tựu đổi mới nổi bật của hệ thống Tòa án, nhiệm kỳ 2016-2020

Trình bày tham luận Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Phó Vụ trưởng Vụ GĐKT II TANDTC Nguyễn Thị Hà đã nêu lên 10 thành tựu đổi mới nổi bật của hệ thống Tòa án nhiệm kỳ 2016-2020. Tạp chí xin giới thiệu phần chính của tham luận này.

Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp là: Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao, bảo đảm để Toà án là trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm.

Nhiệm kỳ 2016-2020 là nhiệm kỳ cuối của chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, có thể nói đây là những năm quan trọng của việc tiếp tục triển khai và tổng kết công tác cải cách tư pháp. Để tạo những chuyển biến mạnh mẽ mà trọng tâm là nâng cao chất lượng xét xử, với chủ đề hành động “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”; Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra nhiều chủ trương, quyết sách và giải pháp để tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống, từ đó đã đạt được nhiều thành tựu, chuyển biến tiến bộ về cả tổ chức và hoạt động của toàn bộ Hệ thống Tòa án, những thành tựu đổi mới nổi bật đó là:

Thứ nhất, chất lượng xét xử đã được nâng cao rõ rệt: Trong nhiệm kỳ 2016-2020, số lượng các loại vụ, việc mà hệ thống Tòa án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục gia tăng về số lượng và với tính chất ngày càng phức tạp, mặt khác Hệ thống Tòa án phải thực hiện việc tinh giản biên chế, tuy nhiên tỷ lệ giải quyết các loại án đạt tỷ lệ cao, chất lượng xét xử tiếp tục được đảm bảo và có nhiều tiến bộ; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp kết án oan người không có tội; việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật. Đặc biệt, việc tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế đã kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, thực hiện đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ; thể hiện vai trò vị thế của Tòa án án nhân dân trong công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Từ đó, công tác xét xử của Hệ thống Tòa án đã củng cố được niềm tin của nhân dân, người dân có niềm tin Tòa án là nơi thực hiện lẽ phải, sự công bằng và là cơ quan bảo vệ công lý.

Thứ hai, Thẩm phán là nhân vật trọng tâm trong hoạt động xét xử, gánh trên vai trọng trách nghề nghiệp rất vinh quang, nhưng yêu cầu về trách nhiệm cũng rất cao. Bên cạnh những áp lực, khó khăn thì họ luôn phải đối mặt với những cám dỗ, rủi ro và nguy hiểm. Muốn nâng cao chất lượng xét xử thì người Thẩm phán phải giữ gìn đạo đức và thạo nghề. “Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán” được ban hành đã quy định những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của Thẩm phán, từ đó nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người Thẩm phán, yêu cầu Thẩm phán khi xét xử từng vụ án phải thực hiện nhiệm vụ vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật; đòi hỏi các Thẩm phán phải luôn tự rèn luyện mình, giữ chuẩn mực đạo đức thanh liêm, chính trực, đưa ra những phán xét công minh.  

Thứ 3, Công tác đào tạo đội ngũ Thẩm phán, các chức danh tư pháp đã luôn được chú trọng, thể hiện qua việc thường xuyên mở các lớp đào tạo chức danh tư pháp. Công tác tập huấn và đối thoại trực tuyến định kỳ giữa Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp lần đầu tiên đã được triển khai thực hiện, có ý nghĩa thiết thực trong việc giải đáp những vướng mắc trong thực tiễn xét xử và tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật của Hệ thống Tòa án. Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm cũng đã lần đầu tiên được thực hiện đồng bộ trong toàn Hệ thống Tòa án, qua đó để các Thẩm phán nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm xét xử, tự đào tạo, học tập thông qua việc rút kinh nghiệm từ chính thực tiễn xét xử, giải quyết các loại vụ việc.

Thứ 4, Việc tổ chức thi tuyển chọn, thi nâng ngạch Thẩm phán, thành lập Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và việc thí điểm thi tuyển chọn các chức danh lãnh đạo quản lý cấp Vụ là một bước tiến mới, có ý nghĩa thiết thực trong việc chọn ra những cán bộ, công chức ưu tú để bổ nhiệm chức vụ quản lý và chức danh Thẩm phán. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả, chất lượng công tác xét xử mà còn tạo niềm tin của cán bộ công chức vào phương thức đánh giá, bổ nhiệm cán bộ công khai, minh bạch, công bằng, tạo cơ hội phát triển bình đẳng; là yếu tố khách quan đòi hỏi mỗi người cán bộ công chức luôn phải học hỏi, tự phấn đấu rèn luyện.

Thứ 5, việc đổi mới mô hình phòng xét xử, bố trí cơ sở vật chất trang thiết bị đầy đủ, hiện đại cho phòng xét xử, bố trí vị trí chỗ ngồi của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, đặc biệt là quy định về trang phục xét xử của Thẩm phán theo từng cấp đã tạo được sự uy nghiêm nơi công đường xử án, xứng đáng là nơi đưa ra những phán xét công bằng, công khai, minh bạch. Quy định về việc tổ chức phòng xét xử thân thiện khi xét xử các vụ việc gia đình và người chưa thành niên cũng đã đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và thể hiện sự tiến bộ phù hợp với xu thế chung của thế giới về bảo đảm và bảo vệ quyền của trẻ em, người chưa thành niên.

Thứ 6, phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã được chỉ đạo đổi mới theo hướng công tác xét xử phải đảm bảo nguyên tắc tranh tụng, các Thẩm phán đã nhận thức sâu sắc hơn tranh tụng là con đường đi đến công lý. Việc công khai Bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân đã thu hút sự quan tâm của nhân dân; qua đó thể hiện sự dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án, là giải pháp có ý nghĩa tích cực trong việc ngăn ngừa tiêu cực và đề cao trách nhiệm của Thẩm phán, tạo cơ chế để người dân tiếp cận công lý và giám sát hoạt động tư pháp.

Thứ 7, trong nhiệm kỳ qua, nhiều Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch đã được ban hành kịp thời để hướng dẫn áp dụng các đạo luật quan trọng. Đặc biệt, việc ban hành các tập Giải đáp nghiệp vụ và các văn bản thông báo kết quả giải đáp trực tuyến của Tòa án nhân dân tối cao đã có ý nghĩa trong việc hướng dẫn và áp dụng thống nhất pháp luật.

Đồng thời, lần đầu tiên việc phát triển án lệ đã được thực hiện, mở ra thời kỳ mới về phát triển án lệ, tạo điều kiện thiết thực cho các Thẩm phán học hỏi áp dụng trong việc đưa ra những phán quyết công bằng, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội. Qua đó công tác xét xử đã có nhiều chuyển biến tiến bộ, góp phần tạo nên hình ảnh một nền tư pháp dân chủ, tiến bộ, văn minh.

Thứ 8, sự ra đời của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một điểm sáng nổi bật trong công tác xây dựng thể chế pháp luật của Tòa án nhân dân, mang lại lợi ích to lớn cho người dân và xã hội. Quá trình phát triển đất nước cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi giải quyết các tranh chấp, mẫu thuẫn phát sinh trong xã hội. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông; hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân; đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. Đây cũng là một thành tựu, sự chuyển biến mạnh mẽ tiến bộ trong tư duy và hành động của Hệ thống Tòa án theo hướng xây dựng Tòa án và nền tư pháp “vì dân, do dân và của dân”.

Thứ 9, công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án được đẩy mạnh với việc xây dựng Trung tâm dữ liệu; phát triển các ứng dụng về hệ thống truyền hình trực tuyến tới các điểm cầu trong toàn quốc, xây dựng các trang thông tin điện tử; ứng dụng gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ qua mạng và bằng phương tiện điện tử… Việc triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận Toà án mà còn là những viên gạch đầu tiên, quan trọng để xây dựng Hệ thống Tòa án điện tử trong những năm tiếp theo.

Thứ 10, tháng 10/2020 vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng trụ sở làm việc mới tại số 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là một công trình mang tầm vóc thế kỷ, có sự giao thoa giữa kiến trúc cũ và kiến trúc mới, được các chuyên gia đánh giá sánh ngang với các nước trong khu vực và quốc tế, khẳng định vị thế cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.

Trải qua mỗi giai đoạn, mỗi nhiệm kỳ, Tòa án nhân dân đều ghi dấu ấn với những đổi mới tích cực, đạt những thành tựu mới, những kết quả nổi bật về tổ chức và hoạt động. Trong nhiệm kỳ 2016-2020, hệ thống Tòa án nhân dân mà người đứng đầu là đồng chí Chánh án đã thể hiện sự quyết tâm chính trị cao, kết hợp giữa lý luận khoa học với thực tiễn hoạt động tư pháp, công tác xét xử, đề ra những giải pháp thiết thực mang lại những kết quả tích cực, ghi những dấu ấn mới của một nhiệm kỳ với nhiều tiến bộ nổi bật. Tòa án nhân dân đã khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống chính trị, từng bước “Xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin”.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: BCL

Ths. NGUYỄN THỊ HÀ (Phó Vụ trưởng Vụ GĐKT II TANDTC)