Quy định của pháp luật về nuôi con nuôi

Bài viết dưới đây tác giả bàn về một số quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

Từ xưa đến nay trong đời sống xã hội Việt Nam, việc nhận nuôi con nuôi đã tồn tại vì lòng từ tâm, thương người, muốn cưu mang, giúp đỡ những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn… Với quan niệm như vậy, việc nhận con nuôi, nhận cha mẹ nuôi đã được thực hiện khá rộng rãi trong đời sống nhân dân do đó có nhiều trường hợp nhận nuôi mà không có giấy tờ ràng buộc.

Ngày nay, pháp luật có quy định rõ ràng về nhận nuôi và con nuôi cũng như hệ quả của việc nuôi con nuôi tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Nuôi con nuôi năm 2010, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan đã quy định cụ thể các điều kiện để việc nhận nuôi con nuôi hợp pháp, cũng như về hậu quả pháp lý và thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi.

1.Nuôi con nuôi dưới góc độ xã hội và sinh học

 1.1.Góc độ xã hội

 Về mặt xã hội nói chung, con nuôi có thể được hiểu như sau: “Con không phải do cha, mẹ sinh ra nhưng được cha, mẹ nuôi như con đẻ”[1]. Khái niệm con nuôi được định nghĩa đầy đủ hơn như sau: “Con nuôi (con trai, con gái không do vợ, chồng trong một gia đình sinh ra, mà do nhận con của người khác về nuôi dưỡng, xem như con đẻ”[2]. Định nghĩa này thể hiện nội hàm của khái niệm con nuôi dưới góc độ xã hội học, chứa đựng những dấu hiệu cơ bản sau: Thứ nhất, con nuôi là người không phải do người đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc sinh ra, giữa hai bên không có quan hệ sinh thành. Thứ hai, là người được một người hoặc hai người là vợ chồng nhận làm con. Thứ ba, hai bên có quan hệ cha mẹ và con với nhau.

Như vậy, về mặt xã hội, con nuôi là con của người khác nhưng được một người hoặc hai người là vợ chồng nhận làm con và coi như con đẻ, nhằm thỏa mãn những nhu cầu, lợi ích nhất định của các bên.

1.2.Góc độ sinh học

 Dưới góc độ khoa học, quan hệ cha mẹ và con được hình thành trên cơ sở sinh đẻ, trong đó có sự di truyền gen từ thế hệ cha mẹ sang thế hệ con cái một cách gián tiếp, nhằm bảo đảm sự kế tục nòi giống, phù hợp với quy luật tự nhiên của quá trình tái sản xuất. Do đó, con đẻ, về nguyên tắc, bao giờ cũng mang huyết thống và gen di truyền của cha mẹ, do cha mẹ truyền lại và do cha mẹ sinh ra.

Ngược lại, con nuôi không có quan hệ huyết thống trực hệ với cha mẹ nuôi và không mang gen di truyền của cha mẹ nuôi. Trong một số trường hợp, người được nhận làm con nuôi có thể có quan hệ huyết thống với người nhận nuôi, như chú nhận cháu làm con nuôi, nhưng giữa họ không thể có quan hệ sinh thành. Nếu có quan hệ sinh thành  thì sẽ làm phát sinh quan hệ giữa những người cùng huyết thống về trực hệ, đó là quan hệ giữa cha mẹ đẻ và con, quan hệ giữa ông bà và cháu, mà không còn là quan hệ nuôi con nuôi nữa. Do đó, về nguyên tắc, một người không thể nhận con đẻ của mình (ngoài giá thú) làm con nuôi, cũng như ông bà không thể nhận cháu ruột trực hệ của mình làm con nuôi.

Từ sự phân tích trên cho thấy, dưới góc độ sinh học, con nuôi là người được một người hoặc hai người là vợ chồng nhận làm con và coi như con đẻ nhưng giữa hai bên không có liên hệ với nhau về mặt sinh học, không có quan hệ huyết thống với nhau hoặc tuy có quan hệ huyết thống với nhau trong phạm vi nhất định nhưng không phải là quan hệ huyết thống trực hệ và không sinh thành ra nhau.

 2.Pháp luật nuôi con nuôi ở Việt Nam hiện nay

 2.1.Điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi

Theo quy định tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì người được nhận làm con nuôi bao gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Bên cạnh đó luật cũng quy định một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

Việc nuôi con nuôi hướng tới đối tượng trước tiên là trẻ em, nên pháp luật quy định độ tuổi tối đa của người được nhận làm con nuôi. Những người ở độ tuổi này chưa có sự trưởng thành nhất định về thể chất và tinh thần, rất cần sự quan tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của người lớn. Mặt khác, quy định độ tuổi của người con nuôi như vậy cũng tương ứng với quy định của các ngành luật khác như luật lao động, luật dân sự. Như vậy, quy định về độ tuổi của người được nhận nuôi là tương đối phù hợp về mặt lí luận và thực tiễn.

2.2.Điều kiện đối với người nhận con nuôi

Cá nhân muốn nhận con nuôi thì phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010, cụ thể các điều kiện bao gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt.

Ngoài ra, trường hợp cha dượng nhận con riêng của vơ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng hai điều kiện cuối.

Trường hợp người Việt Nam đinh cư ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi thì ngoài các điều kiện nêu trên, người đó còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú. Bên cạnh đó, các điều kiện nhận nuôi con của người nước ngoài thường trú ở nước ngoài hay trường hợp nhận trẻ nước ngoài làm con nuôi cũng được quy định cụ thể tại Điều 28, Điều 40 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 cùng các luật khác có liên quan.

Thêm vào đó, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi cũng quy định cá nhân thuộc không được nhận con nuôi.

 2.3.Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi

 Việc nuôi con nuôi làm thay đổi căn bản tình trạng nhân thân của người nuôi và con nuôi, nên việc đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật hộ tịch. Đăng ký việc nuôi con nuôi là xác nhận một sự kiện hộ tịch. Tuy nhiên, do sự khác nhau về chủ thể nên việc áp dụng pháp luật để xác định các điều kiện con nuôi khác nhau, dẫn đến sự khác nhau về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, cần có sự phân biệt chủ thể để có thể thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi.

Theo Điều 9 Luật Nuôi con nuôi, cơ quan thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi được quy định cụ thể:

– Khi nhận nuôi trong nước: Ủy ban nhân dân (UBND) xã nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi;

– Khi nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài: UBND, Sở Tư pháp cấp tỉnh nơi thường trú của con nuôi;

– Khi công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài nhận con nuôi: Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, nơi thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi được hướng dẫn cụ thể tại  Điều 1 Nghị định 24/2019/NĐ-CP như sau:

– Trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi;

– Trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

2.4.Hệ quả pháp lí

 Việc nuôi con nuôi được đăng ký làm phát sinh quan hệ pháp luật cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và con nuôi. Quyền và trách nhiệm làm cha mẹ được chuyển giao một cách hợp pháp từ cha mẹ đẻ sang cha mẹ nuôi, bao gồm các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và về tài sản.

Quan hệ giữa người nuôi và người được nhận nuôi, theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật HNGĐ 2014 thì: “Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.”…

Điều 24 Luật Nuôi con nuôi quy định rất rõ về hệ quả của việc nuôi con nuôi như sau: “Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Cụ thể, cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con , tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội….

Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình… Qua quy định này có thể hiểu là giữa con nuôi với các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự… Quan hệ giữa người con nuôi trong gia đình cha mẹ nuôi bao gồm nhiều quan hệ khác nhau như: Quan hệ giữa con nuôi với cha đẻ, mẹ đẻ của người nhận nuôi; giữa con nuôi với các con đẻ của người nhận nuôi, giữa con nuôi với những người anh, chị, em ruột của cha nuôi, mẹ nuôi v.v..

Tuy nhiên, trong mối quan hệ với những thành viên này của gia đình cha mẹ nuôi, người con nuôi có được coi như con đẻ của người nhận nuôi hay không, có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như con đẻ của người nhận nuôi hay không là điều chưa được làm rõ qua quy định trên. Ví dụ: Giữa con nuôi với cha đẻ, mẹ đẻ của người nhận nuôi có được thừa kế tài sản của nhau hay không hoặc giữa họ có phát sinh quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng đối với nhau theo quy định tại Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2000 hay không? Những câu hỏi tương tự cũng có thể được đặt ra trong quan hệ giữa con nuôi của người nhận nuôi với những người con đẻ của người nhận nuôi, như giữa con nuôi với con đẻ của cha mẹ nuôi có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho nhau hay không? Theo ý kiến cá nhân, đây là nội dung quan trọng trong hệ quả pháp lí của việc nuôi con nuôi, có ý nghĩa thiết thực trong quan hệ nuôi con nuôi đồng thời cũng là vấn đề dễ xảy ra tranh chấp, do đó cần có quy định rõ ràng để có cơ sở pháp lí giải quyết khi có tranh chấp.

 2.5.Quyền thay đổi một số nội dung trong giấy khai sinh

Căn cứ  khoản 2, 3, 4 Điều 24 Luật Nuôi Con Nuôi quy định:

…“2. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.”

Theo quy định trên, việc nhận nuôi con nuôi không đương nhiên làm thay đổi họ, tên của con nuôi theo họ của người nhận nuôi. Theo quy định trên thì cha mẹ nuôi có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Tuy nhiên, nếu con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên, thì việc thay đổi họ, tên phải được sự đồng ý của người đó. Trường hợp, con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên không đồng ý việc thay đổi họ, tên của mình, thì con nuôi mang họ, tên cũ. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi mất năng lực hành vi chỉ cần có sự đồng ý và yêu cầu của cha, mẹ nuôi.

Đối với trẻ em được nhận nuôi là trẻ em bị bỏ rơi thì dân tộc được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi. Như vậy, nếu cha mẹ nuôi là dân tộc kinh thì con nuôi cũng là dân tộc kinh.

 2.6.Quan hệ giữa người được nhận nuôi với gia đình cha mẹ đẻ.

Theo khoản 4 Điều 24 Luật Nuôi Con Nuôi 2010 thì: “Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi”.

Như vậy, khi nhận nuôi con nuôi quan hệ giữa cha mẹ đẻ với con được nhận là con nuôi chấm dứt, pháp luật cũng quy định cụ thể về vấn đề nhân thân cũng như tài sản của con nuôi đối với cha mẹ nuôi.

Với quy định này, về nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ làm cha mẹ được chuyển từ cha mẹ đẻ sang cha mẹ nuôi kể từ ngày việc nuôi con nuôi được pháp luật công nhận. Cha mẹ đẻ không còn quyền cha mẹ đối với con đã cho làm con nuôi. Quy định này là cần thiết để tránh sự tranh chấp về quyền, nghĩa vụ làm cha mẹ giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi đối với con nuôi, khắc phục được điểm hạn chế của các quy định về hệ quả pháp lí của việc nuôi con nuôi trong các văn bản trước đây. Tuy nhiên, với quy định này thì không phải mọi quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con đều đương nhiên chấm dứt mà chỉ những quyền và nghĩa vụ nào được quy định rõ tại khoản 4 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi là chấm dứt thì mới chấm dứt. Điều đó cũng có nghĩa là về nguyên tắc, quan hệ pháp lí giữa cha mẹ đẻ và con đẻ đã cho làm con nuôi chấm dứt trước pháp luật khi việc nhận nuôi con nuôi có hiệu lực nhưng quan hệ thừa kế giữa người con đó với cha mẹ đẻ và gia đình huyết thống lại không đương nhiên chấm dứt, mà vẫn tồn tại, vì quan hệ thừa kế này không được liệt kê trong quy định trên là sẽ chấm dứt. Như vậy, người con đã cho làm con nuôi vẫn có quyền thừa kế theo luật đối với cha đẻ, mẹ đẻ và những người họ hàng huyết thống khác trong gia đình gốc như trước khi đi làm con nuôi và ngược lại, cha đẻ, mẹ đẻ và những người họ hàng huyết thống vẫn là người thừa kế theo luật của người được nhận làm con nuôi khi người này chết.

3.Một số ý kiến hoàn thiện quy định về hệ quả pháp lí của việc nuôi con nuôi

Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật nuôi con nuôi chưa rõ ràng, có thể dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau.

Việc nuôi con nuôi có làm phát sinh đầy đủ các quyền và nghĩa vụ giữa con nuôi với các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi hay không tuỳ thuộc vào việc nuôi con nuôi được xác lập theo hình thức nào: Nếu giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi không có thoả thỏa thuận gì khác thì việc nuôi con nuôi có hiệu lực làm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ giữa người con với cha mẹ đẻ và gia đình huyết thống đồng thời làm phát sinh đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con giữa cha mẹ nuôi với con nuôi giữa con nuôi với các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi như con đẻ của người nhận nuôi, kể cả quyền thừa kế. Ý chí của cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi là yếu tố quyết định hệ quả pháp lí của việc nuôi con nuôi và phải được pháp luật ghi nhận, có thể theo hai trường hợp như sau:

Thứ nhất, có sự thoả thuận tự nguyện giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi về các quyền và nghĩa vụ pháp lí giữa cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con nuôi cũng như giữa con nuôi với gia đình cha mẹ đẻ hoặc giữa con nuôi với các thành viên khác trong gia đình của cha mẹ nuôi về chấm dứt hoặc giữ lại toàn bộ hay một phần các quyền và nghĩa vụ pháp lí giữa các bên chủ thể có liên quan, thoả thuận này được lập thành văn bản có sự chứng kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc nuôi con nuôi.

Thứ hai, nếu giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi không có thoả thuận gì về các quyền và nghĩa vụ pháp lí giữa các bên sau khi quan hệ nuôi con nuôi được xác lập thì quan hệ giữa con đã cho làm con nuôi với cha mẹ đẻ và gia đình gốc huyết thống chấm dứt toàn bộ, kể cả quan hệ thừa kế đồng thời con nuôi được hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong gia đình cha mẹ nuôi, gồm cả quan hệ với các thành viên khác của gia đình cha nuôi, mẹ nuôi như con đẻ của người nhận nuôi, kể cả quyền thừa kế theo luật. Quy định như vậy vừa rõ ràng, vừa thể hiện sự tôn trọng quyền tự quyết gắn liền với nhân thân của các đương sự, đảm bảo sự tương thích với quy định của pháp luật các nước, do đó có tính khả thi và thống nhất khi thực hiện, áp dụng pháp luật.

Việc nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững giữa cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi thông qua việc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi các bên có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm trẻ em được yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường gia đình thay thế nhằm mục đích cơ bản và cao nhất là để bảo vệ trẻ em, bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi.

Sở Tư pháp Bình Dương trao Quyết định về việc cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài. Ảnh: Bảo Khuyên

[1] Bộ Tư pháp – Tạp chí Dân chủ và pháp luật (2001), Số chuyên đề về Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Hà Nội.

[2] Từ điển bách khoa Việt Nam (1995), Tập 1, Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội.

NGÔ HÀ CHI (Đại học Luật Hà Nội)