Quy định của pháp luật về việc thụ lý, giải quyết các vụ việc liên quan đến tài sản thi hành án tại Tòa án

Trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án thì phần lớn người phải thi hành án cố tình kéo dài việc thi hành án gây khó khăn cho các cơ quan Thi hành án dân sự, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên được yêu cầu. Một trong những nguyên nhân khiến việc thi hành án bị tồn đọng kéo dài là cơ quan thi hành án không thể xác định được phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của họ và người khác...

        I. Cơ sở pháp lý về quyền khởi kiện, yêu cầu liên quan đến tài sản phải thi hành án:

       Tại khoản 1 Điều 74 của Luật thi hành án dân sự năm 2014 quy định như sau:  “Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.”

          Tại Điều 75 của Luật thi hành án dân sự 2014 quy định như sau:

            “ 1. Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại Tòa án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì Chấp hành viên xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của Luật này.

Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết các việc quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật này và khoản 1, khoản 2 Điều này để thi hành án thì không phải chịu án phí, lệ phí Tòa án.”

Đồng thời tại khoản 12, 13 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

“12. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.”

Tại khoản 9 Điều 27 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

“Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự”.

        II. Trình tự, thủ tục tiếp nhận và giải quyết đơn đối với quyền khởi kiện, yêu cầu trong vụ việc dân sự liên quan đến tài sản thi hành án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

         1. Trình tự, thủ tục nhận đơn đối với quyền khởi kiện, yêu cầu

Thẩm phán phân công giải quyết đơn xem xét đối với đơn khởi kiện, yêu cầu cần phân biệt trình tự, thủ tục xử lý đối với các loại đơn như sau:

        Giống nhau:

 Việc nhận đơn được thực hiện theo thủ chung theo quy định tại tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Về thời hạn Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Quyết định của Thẩm phán sau khi xử lý đơn: Thẩm phán được phân công giải quyết đơn xem xét đơn có thể có một trong hai quyết định:

Một là: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn; thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, yêu cầu được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 193 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Trường hợp người khởi kiện, yêu cầu thực hiện đầy đủ theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ việc dân sự.

Hai là: Trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.

           Khác nhau:

Thời hạn xử lý đơn: Thời hạn xử lý đơn đối với đơn khởi kiện nhiều hơn thời hạn xử lý đối với đơn yêu cầu. Đối với đơn khởi kiện thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn và phải ra một trong những quyết định được quy định tại điểm a, b, c, d khoản 3 Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Như vậy thì tối đa Tòa án được xử lý đơn trong thời hạn 08 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện.

Đối với đơn yêu cầu: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 362 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu sửa đổi, bổ sung, hết thời hạn mà người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu thì trả lại đơn yêu cầu và tài liệu, chứng kèm theo.

Các quyết định sau khi xử lý đơn: Đối với đơn khởi kiện ngoài việc Thẩm phán được quyền ra một trong hai quyết định yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn hoặc trả lại đơn thì Thẩm phán có thể quyết định chuyển đơn cho Tòa án có thẩm quyền.

 Thủ tục thụ lý vụ án: Đối với đơn khởi kiện thì có thể tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

          2. Trình tự, thủ tục xử lý đơn đối với quyền khởi kiện, yêu cầu

Trình tự, thủ tục xử lý đơn đối với với vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 74 của Luật thi hành án dân sự 2014 về “Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án”:

Theo quy định tại Điều 74 của Luật thi hành án dân sự 2014 thì Chấp hành viên có quyền yêu cầu: “Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung” theo thủ tục tố tụng dân sự và Tòa án có trách nhiệm xem xét, thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Trước hết Thẩm phán được phân công xem xét xử lý đơn trước khi thụ lý, giải quyết phải yêu cầu Chấp hành viên giao các tài liệu liên quan đến quyền yêu cầu của mình như sau:

Thông báo của Chấp hành viên cho “Người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất” biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, trong đó ấn định thời hạn để họ thưc hiện là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ. Đồng thời Chấp hành viên cũng phải cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh cho việc mình đã gửi thông báo hợp lệ cho “Người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất” để làm căn cứ cho việc hết thời hạn quy định nhưng “Người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất” không tự thỏa thuận phân chia tài sản chung, không khởi kiện, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

 Cần lưu ý trường hợp“Nhiều người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất” thì việc thông báo phải hợp lệ cho tất cả những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất.

Sau khi hết thời hạn đã ấn định đối với “Người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất” là 30 ngày kể từ ngày họ nhận được thông báo hợp lệ nêu trên thì Thẩm phán cần tiếp tục kiểm tra xem Chấp hành viên đã thông báo cho “Người được thi hành án” về việc họ có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự, trong đó ấn định thời hạn để họ thực hiện là 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ. Đồng thời Chấp hành viên cũng phải cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh cho việc mình đã gửi thông báo hợp lệ cho “Người được thi hành án” để làm căn cứ cho việc thời hạn quy định nêu trên nhưng “Người được thi hành án” không khởi kiện, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Cần lưu ý trong trường hợp “Nhiều người được thi hành án” thì việc thông báo phải hợp lệ cho tất cả những người được thi hành án.

Sau khi Chấp hành viên đã ra đầy đủ các thông báo và cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh cho việc mình đã gửi các thông báo hợp lệ theo đúng thời hạn quy định của pháp luật như trên nhưng các đương sự không thực hiện đúng thời hạn quy định thì lúc này mới phát sinh việc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Như vậy Thẩm phán được xử lý đơn cần xem xét theo đúng trình tự nêu trên, trong quá trình xem xét nếu Chấp hành viên chưa cung cấp đủ các tài liệu trên. Thẩm phán đã ra thông báo hợp lệ về bổ sung nhưng không bổ sung theo yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện theo quy định tại Điều 193 và Điều 364 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Trình tự, thủ tục xử lý đơn đối với vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 75 của Luật thi hành án dân sự 2014 về “Giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án”:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật thi hành án dân sự 2014 trong trường hợp “Có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án” thì Chấp hành viên có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu, và Tòa án có trách nhiệm xem xét, thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Trước hết Thẩm phán cần xem xét xử lý đơn trước khi thụ lý, giải quyết, cụ thể Thẩm phán yêu cầu chấp hành viên giao các tài liệu liên quan đến quyền yêu cầu của mình như sau:

Thông báo của Chấp hành viên cho “Đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ đối với tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án” được quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó ấn định thời hạn để họ thực hiện là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ. Đồng thời Chấp hành viên cũng phải cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh cho việc mình đã gửi thông báo hợp lệ cho “Đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ đối với tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án” để làm căn cứ cho việc hết thời hạn quy định nhưng họ không khởi kiện tại Tòa án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp “Nhiều đương sự, nhiều người có tranh chấp về quyền của họ đối với tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án”  thì việc thông báo phải hợp lệ cho tất cả những đương sự, những người có tranh chấp về quyền của họ đối với tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án.

Thông báo của Chấp hành viên cho“Người được thi hành án” để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó. trong đó ấn định thời hạn để họ thực hiện là 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ. Đồng thời Chấp hành viên cũng phải cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh cho việc mình đã gửi thông báo hợp lệ cho “Người được thi hành án” để làm căn cứ cho việc hết thời hạn quy định nhưng họ không yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

Tương tự trên, cần lưu ý trong trường hợp “Nhiều người được thi hành án” thì việc thông báo phải hợp lệ cho tất cả những người được thi hành án.

Sau khi Chấp hành viên đã ra đầy đủ các thông báo và cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh cho việc mình đã gửi các thông báo hợp lệ theo đúng thời hạn quy định của pháp luật như trên nhưng các đương sự không thực hiện đúng thời hạn quy định thì lúc này mới phát sinh việc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu.

Như vậy Thẩm phán được phân công xử lý đơn cần xem xét theo đúng trình tự trên, trong quá trình xem xét giải quyết đơn nếu Chấp hành viên chưa cung cấp đủ các tài liệu, chứng cứ đầy đủ, Thẩm phán đã ra thông báo hợp lệ về bổ sung theo quy định tại Điều 193 và Điều 363 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nhưng không bổ sung theo yêu cầu thì thẩm phán giải quyết theo quy định tại Điều 193 và Điều 364 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

          3. Những vấn đề cần lưu ý trong quá trình thụ lý, giải quyết

Sau khi Chấp hành viên đã nộp đơn kèm theo việc cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ việc dân sự theo thủ tục chung.

Chấp hành viên khởi kiện, yêu cầu thuộc trường hợp miễn nộp án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí.

            Chỉ xác định tài sản theo phần chứ không xác định giá trị tài sản bằng số tiền cụ thể. Do đó Tòa án không cần thiết phải xem xét định giá tài sản.

  1.    III. Xác định trường hợp Chấp hành viên khởi kiện, yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

            1. Trường hợp Chấp hành viên khởi kiện theo quy định tại Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

            Khoản 12 và khoản 13 Điều 26 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định những vụ án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

“12. Tranh chấp liên quan đến tài sản cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.”.

Tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định về kê biên tài sản để thi hành án như sau:

1. Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự. Trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án; Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó…..”

Như vậy đối chiếu với các quy định trên hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 75 của Luật thi hành án dân sự 2014 là những tranh chấp được Tòa án thụ lý theo quy định tại  khoản 12 và khoản 13 Điều 26 của Bộ luật dân sự năm 2015. Tuy nhiên trong trường hợp này cần xác định Chấp hành viên không phải là người khởi kiện mà là đương sự hoặc người có tranh chấp vì bản chất của hai từ tranh chấp đã bao hàm sự mâu thuẫn về lợi ích, trong khi đó lợi ích trực tiếp của các vụ án liên quan đến tài sản cưỡng chế thi hành án thuộc về người thi hành án, người được thi hành án và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chứ không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Chấp hành viên hay Cơ quan thi hành án dân sự (trừ trường hợp Cơ quan thi hành án dân sự là đương sự trong vụ án). Nếu họ không đứng ra khởi kiện thì Chấp hành viên xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự.  

       2. Trường hợp Chấp hành viên là người yêu cầu trong việc dân sự theo quy định tại khoản 9 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

       Khoản 9 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: “Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự”.

 Đối với việc xác định hoặc phân chia việc sở hữu, quyền sử dụng tài sản mà không có tranh chấp thì được xác định là việc dân sự. Việc không tranh chấp ở đây có thể hiểu là tài sản đó có sự thống nhất, thỏa thuận giữa người phải thi hành án với người khác về việc thừa nhận tài sản đó không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người phải thi hành án mà thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người khác. Tuy nhiên người được thi hành án không đồng ý với thỏa thuận đó hoặc Cơ quan thi hành án dân sự nhận thấy thỏa thuận đó là trái quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến việc thi hành án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người thứ ba, của người được thi hành án thì Cơ quan thi hành án dân sự hướng dẫn các đương sự hoặc tự mình yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản để thi hành án.

Đối chiếu với trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật thi hành án dân sự 2014 thì có thể xác định trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung là việc dân sự và được Tòa án tiến hành thụ lý theo khoản 9 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

       Cần lưu ý thời điểm xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải trước khi kê biên tài sản chung.

       Ngoài ra theo quy định tại khoản 9 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì những yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự cũng là việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án.

        Đối chiếu với quy định tại tại khoản 2 Điều 75 của Luật thi hành án dân sự thì trường hợp khi có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu cũng là việc dân sự.

Nguyễn Thị Út, TAND huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng