Quyền hạn của Tòa án khi phát hiện văn bản trái pháp luật

Trong quá trình xét xử vụ án, khi phát hiện thấy những văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì Toà án có quyền hạn “xử lý”. Tuy nhiên quyền hạn này của Tòa án quy định không thống nhất, gây khó khăn cho Tòa án.

1.Quy định khác nhau

Tòa án có một quyền hạn đặc biệt, được quy định tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân – LTCTAND ( Điều 2, khoản 7 ), Bộ luật Tố tụng dân sự – BLTTDS ( Điều 47, khoản 1, điểm h ;  Điều 221 ), Luật Tố tụng hành chính – LTTHC (Điều 37, khoản 1, điểm i; các điều   112, 113, 114 ) và Bộ luật Tố tụng hình sự – BLTTHS ( Điều 265).

Theo khoản 7 Điều 2, LTCTAND  thì trong quá trình xét xử vụ án, Toà án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức .

 Điều 265 BLTTHS cũng  quy định như LTCTAND.

 Điều 221 BLTTDS thì quy định Toà án còn kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên .

Tuy nhiên, LTTHC  lại chỉ quy định Toà án:  Kiến nghị với cơ quan,cá nhân có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Như vậy , cùng một vấn đề, 4 luật đã quy định khác nhau. LTCTAND  là luật gốc, các luật khác quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án đều phải tuân theo. Thế nhưng, chỉ có BLTTHS “nghiêm chỉnh chấp hành “.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng việc BLTTDS quy định mở rộng phạm vi văn bản quy phạm pháp luật Toà án có quyền hạn kiến nghị so với quy định của LTCTAND  là cần thiết, vì loại văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, có thể xảy ra phổ biến hơn là trái với Hiến pháp, luật… Cũng có thể chấp nhận được việc LTTHC không quy định Toà án kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, vì có thể coi những văn bản này là văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. 

Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật – LBHVBQPPL, đã quy định rõ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta. Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này, theo quy định của BLTTDS và LTTHC thì chỉ trừ  Hiến pháp còn từ luật trở xuống đến Nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND cấp xã, Toà án đều có quyền hạn phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, huỷ bỏ hoặc bổ sung. Nhưng theo BLTTHS thì Toà án chỉ có quyền hạn như quy định tại khoản 7 Điều 2 LTC TAND mà thôi.

 2.Chánh án Toà án thực hiện quyền hạn

Điều 221 BLTTDS quy định: Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, thì Chánh án Toà án đang giải quyết vụ án có văn bản đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi , bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 112 LTTHC  quy định (i) Chánh án Toà án cấp huyện có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống; đề nghị Chánh án Toà án cấp tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp tỉnh; báo cáo Chánh án Toà án cấp tỉnh đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương. (ii) Chánh án Toà án cấp tỉnh, Chánh án Toà án nhân dân cấp cao có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống; đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương.(iii) Chánh án Toà án nhân dân tối cao tự mình hoặc theo đề nghị của Chánh án Toà án cấp tỉnh, Chánh án Toà án nhân dân cấp cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương.

Điều 265 BLTTHS chỉ quy định  “Toà án phát hiện và kiến nghị” mà không quy định cụ thể ai thực hiện quyền hạn này . Vậy thực hiện việc kiến nghị này như thế nào ? Có thể hiểu đều do Chánh án TANDTC thực hiện được không ?

3.Việc xem xét, trả lời kiến nghị của Toà án  

Điều 221 BLTTDS và Điều 114 LTTHC quy định: ( i ) Đối với văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Hiến pháp,  luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên bị kiến nghị xem xét thì trong thời một tháng ( 30 ngày ) kể từ ngày nhận được kiến nghị của Chánh án Toà án, cơ quan đã ban hành văn bản đó phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho Toà án. Nếu quá thời hạn này mà không nhận được văn bản trả lời thì Toà án áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để giải quyết vụ án. ( ii ) Trường hợp kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật ( Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ).

Điều 265 BLTTHS thì chỉ quy định: Việc xem xét, trả lời Toà án về kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp (i) : Nếu trong thời hạn 30 ngày, cơ quan nhận được kiến nghị của Toà án trả lời rằng không đồng ý với kiến nghị đó thì Toà án sẽ giải quyết thế nào ? Có coi là trường hợp “không nhận được văn bản trả lời “ mà áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để giải quyết vụ án không ? Dường như cả ở trường hợp (i) và trường hợp (ii), luật đã quy định theo hướng kiến nghị của Toà án được chấp nhận. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì “ Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó…”.

Do đó, nếu đồng ý với kiến nghị của Toà án thì cơ quan nhận được kiến nghị phải ban hành văn bản mới sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị. Việc xây dựng và ban hành văn bản này bắt buộc phải tuân theo quy định của LBHVBQPPL và Nghị định số 34/2016/ NĐ-CP ngày 14-5-2016 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành LBHVBQPPL . Theo đó, trong vòng 30 ngày rất khó thực hiện được việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới sửa đổi , bổ sung văn bản bị kiến nghị . Trường hợp sửa đổi, bổ sung luật, nghị quyết của Quốc hội…thì thời gian có thể kéo dài hàng năm.

Cũng cần đề cập đến một khả năng là, trong quá trình soạn thảo, sau khi tiếp nhận các ý kiến góp ý và thẩm định lại đi đến kết luận là không cần sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật như Toà án đã kiến nghị. Tất cả những điều đó sẽ làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài và gặp nhiều khó khăn .

Đối với quy định của BLTTHS như nêu trên thì có thể thực hiện như quy định của BLTTDS và Luật TTHC được không ? Vấn đề này quả là chưa có lời giải đáp.

4.Áp dụng văn bản có giá trị pháp lý cao hơn để giải quyết vụ án

Như đã dẫn ở mục 3 ở trên, Điều 221 BLTTDS và Điều 114 LTTHC đã quy định ở trường hợp (i) cơ quan nhà nước nhận được kiến nghị của Toà án mà không có văn bản trả lời thì Toà án áp dụng văn bản pháp lý cao hơn để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định một trong những nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau : Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn . Trong trường hợp (ii), khi Toà án kiến nghị việc sửa đổi luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì việc xem xét sửa đổi, bổ sung sẽ được thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy pháp luật. Do đó, quy định ở hai điều luật này rõ ràng là không cần thiết .

5.Nên bãi bỏ

Từ những trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng các quy định tại khoản 7 Điều 2  TCTAND, Điều 221 BLTTDS, Điều 265 BLTTHS, Điều 114 LTTHC là không khả thi. Do đó, để tránh cho các luật thêm “nặng nề “ và có thể gây “ hoang mang” cho các Toà án khi gặp những trường hợp này trong quá trình giải quyết vụ án, nên bãi bỏ quy định tại các điều luật trên và những quy định liên quan đến các điều luật này như: Điều 47(k1, điểm h), Điều 214( k1, điểm e), Điều 215 (k3), Điều 259 và Điều 308(k6) BLTTDS ; Điều 37( k1,điểm i), các điều 111,112,113 và Điều 187 ( k1, điểm d) Luật TTHC ; Điều 281 (k1) BLTTHS ./.

NGÔ CƯỜNG (Nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT – TANDTC)