Thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần hội đồng xét xử khi đã có quyết định xét xử

Việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần hội đồng xét xử khi đã có quyết định xét xử hiện còn những nhận thức khác nhau. Tác giả nêu lên một vài ví dụ trong thực tiễn giải quyết tố tụng, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

1.Quy định của pháp luật

Khiếu nại trong tố tụng dân sự được quy định tại Chương XLI (Điều 499 – Điều 515) BLTTDS năm 2015 và Thông tư 01/2020/TT-TANDTC ngày 18/6/2020. Quy định về giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự đã tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền lợi của đương sự khi cho rằng quyết định hoặc hành vi của cơ quan tiến hành tố tụng không đúng và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

1.1.Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng theo Điều 504 BLTTDS năm 2015 quy định như sau:“1. Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Thẩm phán… do Chánh án Tòa án… có thẩm quyền giải quyết…”.

1.2. Quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án theo Điều 56 BLTTDS năm 2015 quy định như sau: “1. Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán,… do Chánh án Tòa án quyết định… 2. Tại phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán,… do Hội đồng xét xử quyết định…”.

1.3. Quyết định việc thay đổi người tiến hành tố tụng khi giải quyết việc dân sự theo Điều 368 BLTTDS năm 2015 quy định như sau:

“1. Trước khi mở phiên họp, việc thay đổi Thẩm phán,… do Chánh án của Tòa án đang giải quyết việc dân sự đó quyết định…

2. Tại phiên họp giải quyết việc dân sự, việc thay đổi Thẩm phán,… được thực hiện như sau:

a) Trường hợp việc dân sự do một Thẩm phán giải quyết thì việc thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp do Chánh án của Tòa án đang giải quyết việc dân sự đó quyết định…;

b) Trường hợp việc dân sự do Hội đồng giải quyết việc dân sự gồm ba Thẩm phán giải quyết thì việc thay đổi thành viên Hội đồng, Thư ký phiên họp do Hội đồng giải quyết việc dân sự quyết định…”

Quá trình áp dụng các căn cứ, quy định của pháp luật giải quyết khiếu nại đối với vấn đề “Trước khi mở phiên toà” và “Tại phiên toà”, “Trước khi mở phiên họp” và “Tại phiên họp” còn có nhiều vướng mắc và quan điểm khác nhau.

2. Thực tiễn áp dụng pháp luật

2.1. Ngày 17/01/2020, TAND thành phố NT thụ lý giải quyết vụ án dân sự về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Minh P và bị đơn Nguyễn Trung H. Nguyên đơn ông P khởi kiện với nội dung: Buộc bị đơn ông H tháo dỡ công trình trên mảnh đất của ông P và trả lại đất cho ông P với diện tích 521m². Ngày 29/7/2021, Tòa án ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa sẽ được ấn định xét xử vào ngày 09/8/2021.

Ngày 05/8/2021, bị đơn ông Nguyễn Trung H có đơn khiếu nại yêu cầu thay đổi Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa vì cho rằng Thẩm phán vi phạm thời hạn giải quyết vụ án (Thời điểm này Thẩm phán đã ban hành Quyết định xét xử nhưng chưa mở phiên tòa).

2.2. Ngày 09/8/2021, vụ án được đưa ra xét xử (mở phiên tòa). Tại phiên tòa, nguyên đơn và bị đơn có mặt. Qua phần trình bày của bị đơn phát sinh tình tiết mới, xét thấy cần phải xác minh, thu thập, bổ sung tài liệu chứng cứ mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa nên căn cứ điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Trong và sau thời gian tạm ngừng phiên tòa phát sinh một trong những trường hợp khiếu nại như sau:

2.2.1. Trong thời gian tạm ngừng phiên toà theo khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015. Bị đơn ông Nguyễn Trung H có đơn khiếu nại yêu cầu thay đổi Thẩm phán – chủ toạ phiên toà .

2.2.2. Sau thời gian tạm ngừng phiên toà và lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục, HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015 và điểm 2 mục IV Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC. Trong thời gian này, bị đơn ông Nguyễn Trung H có đơn khiếu nại yêu cầu thay đổi Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa.

2.2.3. Sau thời gian tạm ngừng phiên toà và lý do tạm ngừng phiên tòa đã được khắc phục, HĐXX tiếp tục tiến hành phiên toà theo khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015 và điểm 2 mục IV Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020. Tại phiên toà này, bị đơn ông Nguyễn Trung H có đơn khiếu nại yêu cầu thay đổi Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa.

2.3. Đối với từng trường hợp khiếu nại thay đổi thẩm phán tại mục 2.1, 2.2 nêu trên thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về ai? Hiện nay tồn tại các quan điểm về thẩm quyền giải quyết khiếu nại như sau: 

Quan điểm thứ nhất: TAND thành phố NT căn cứ vào thời điểm khiếu nại là “Trước khi mở phiên tòa” hay “Tại phiên tòa” để xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Căn cứ vào Điều 504 BLTTDS năm 2015 quy định: “1. Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Thẩm phán… do Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự có thẩm quyền giải quyết”.

Áp dụng tương tự Điều 56 BLTTDS năm 2015, Điều 368 BLTTDS năm 2015 thì: “Trước khi mở phiên họp, phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán… do Chánh án Tòa án quyết định…” và Điều 219, khoản 3 Điều 141 BLTTDS năm 2015 về giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định: Thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự 1. Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định... 2. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định...”.

Đến ngày mở phiên tòa đã được coi là “tại phiên tòa” hay chưa? Tại điểm b Mục 3 Phần II Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến đã giải đáp như sau: “Phiên tòa bắt đầu bằng thủ tục “Khai mạc phiên tòa” (Điều 239 BLTTDS năm 2015). Do đó, đến ngày mở phiên tòa (được triệu tập) nhưng chưa khai mạc phiên tòa thì chưa coi là “bắt đầu phiên tòa”, chưa coi là “tại phiên tòa.     

Như vậy, đối với trường hợp khiếu nại tại mục 2.1, trong thời gian này đã ban hành quyết định xét xử nhưng chưa đến ngày mở phiên tòa mà đương sự có đơn khiếu nại thay đổi thành viên HĐXX thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về Chánh án.

Đối với trường hợp tại tiểu mục 2.2.1, đã được đưa ra xét xử tại phiên tòa nhưng trong quá trình phiên tòa diễn ra lại phát sinh thêm tình tiết mới buộc tạm ngừng phiên tòa, đương sự có đơn khiếu nại thay đổi Thẩm phán trong giai đoạn tạm ngừng phiên tòa thì không được coi là “tại phiên tòa” nên thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành viên hội đồng xét xử thuộc về Chánh án.

Đối với trường hợp tại tiểu mục 2.2.2, vì lý do tạm ngưng phiên tòa chưa được khắc phục nên Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Như vậy, vụ án đang trong quá trình tạm đình chỉ nên thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành viên hội đồng xét xử trong giai đoạn này thuộc về Chánh án.

Đối với trường hợp tại tiểu mục 2.2.3, bị đơn ông H có đơn khiếu nại ngay tại phiên tòa, sau thời gian tạm ngừng, tức là sau thủ tục khai mạc phiên tòa và đang trong quá trình xét xử thì được xem là “tại phiên tòa” nên thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành viên hội đồng xét xử trong giai đoạn này thuộc về Hội đồng xét xử.

Quan điểm thứ hai: Quan điểm này cũng là quan điểm của người viết. TAND thành phố NT căn cứ vào thời điểm khiếu nại là trước khi ra Quyết định xét xử hay sau khi ra Quyết định xét xử.

Đối với các ý kiến nêu tại mục 2.1, 2.2 (các tiểu mục 2.2.1, 2.2.2, 2.2.3) trên, thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa thuộc về Hội đồng xét xử. Vì khiếu nại thay đổi Thẩm phán nộp sau khi vụ án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử với thành phần HĐXX đã được thể hiện cụ thể, cả trường hợp khiếu nại trong thời gian và sau thời gian tạm ngừng phiên tòa thì xét về nguyên tắc thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thẩm phán thuộc về HĐXX, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh án.

Sở dĩ xác định như vậy là vì người viết áp dụng tương tự khoản 2 Điều 289 BLTTDS năm 2015 về việc Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án: “Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo … trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, … sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”. Hơn nữa, căn cứ vào khoản 1, Điều 56 của BLTTDS năm 2015 quy định: “Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán… do Chánh án Tòa án quyết định…”.

Theo quan điểm thứ hai, các trường hợp khiếu nại trong thời gian và sau thời gian tạm ngừng phiên tòa thì thời điểm đương sự nộp đơn khiếu nại thay đổi Thẩm phán là sau khi Tòa án đã ra quyết định xét xử, đã mở phiên tòa nhưng đang được tạm ngừng hoặc tiếp tục xét xử sau đó nên thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thẩm phán thuộc về HĐXX.

Như vậy, Toà án cần xem xét việc đương sự khiếu nại vào khoảng thời gian nào trong quá trình giải quyết vụ án. Nếu khiếu nại trước khi Toà án ban hành Quyết định xét xử thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về Chánh án, sau khi ban hành Quyết định xét xử thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về HĐXX mà không phụ thuộc vào trước hay tại phiên toà.

2.4. Thông qua các tình tiết thực tiễn nêu trên, Toà án gặp nhiều vướng mắc về việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần HĐXX nói riêng và thẩm quyền giải quyết khiếu nại nói chung. Pháp luật hiện hành tuy đã quy định và hướng dẫn thi hành nhiều vấn đề nhưng qua thực tiễn áp dụng cho thấy một số quy định về khiếu nại còn thiếu và không cụ thể nên phần lớn áp dụng tương tự pháp luật và giải quyết phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của từng cơ quan khác nhau. Để thống nhất về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn thêm đối với các vấn đề này.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, pháp luật cần có quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần hội đồng xét xử (Thẩm phán, Thư ký,…) khi đã có quyết định xét xử. Căn cứ vào việc khiếu nại trước hay sau khi ban hành Quyết định xét xử, người viết xin đề xuất theo hướng: Chánh án Toà án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần HĐXX trước khi ban hành Quyết định xét xử, HĐXX có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sau khi ban hành Quyết định xét xử.

Thứ hai, BLDS năm 2015 quy định về việc giải quyết khiếu nại, nhưng tới thời điểm hiện tại chưa ban hành biểu mẫu giải quyết, trước đây các Tòa án tự tạo ra mẫu nhưng đến khi Thông tư 01/2020 được ban hành thì một số Tòa án dựa vào mẫu số 10, 11 ban hành kèm theo Thông tư 01/2020 để làm cơ sở ra quyết định giải quyết khiếu nại. Vì vậy, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn về áp dụng biểu mẫu trong giải quyết khiếu nại trong tố tụng để việc áp dụng được thống nhất và tránh những sai sót nhất định.

Người viết đề xuất một số biểu mẫu và thủ tục giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần hội đồng xét xử (Đính kèm Phụ lục: mẫu 1, 2, 3, 4, 5).

 

 

 

PHỤ LỤC

Biểu mẫu giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần Hội đồng xét xử

 

  1. Chánh án Tòa án giải quyết khiếu nại thay đổi người tiến hành tố tụng:

- Mẫu 1: Thông báo thụ lý giải quyết đơn khiếu nại:

TÒA ÁN NHÂN DÂN.....(1)

 

 

Số: ...../...../TBTL-KN.(2)

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

             …....., ngày..... tháng ..... năm ….....

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC THỤ LÝ GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI

Kính gửi:

- Viện kiểm sát nhân dân ………….(3);                                                          

- ….(4)…….Địa chỉ: (5) ……… Nơi làm việc:(6) ……Số điện thoại: ………; số fax: ……………………; Địa chỉ thư điện tử: …….. (nếu có)

- Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án;

- Căn cứ Luật Khiếu nại tố cáo;

- Căn cứ Bộ Luật tố tụng dân sự;

- Xét: Đơn khiếu nại về …………………………(7) của …………………….(4); Địa chỉ: …………………..(5) theo đơn đề ngày ……………..(8) (công văn đến số……. (9)ngày ……………….(01)

           Ngày…..tháng……năm…….,Tòa án nhân dân…..đã thụ lý đơn khiếu nại số:…../….. (11)/TBTL-KN về việc(12)….….

Kèm theo đơn khiếu nại, người khiếu nại đã nộp các tài liệu, chứng cứ sau đây:(13)

1 ….

2 ….

Căn cứ vào Điều 507 của Bộ luật tố tụng dân sự, Toà án nhân dân thông báo cho (4)  …..được biết.

Nơi nhận:       

- Người khiếu nại;    

-Người bị khiếu  nại;                                                                                                                                                                                 

-Viện kiểm sát nhân dân...(3);                                                           

- Lưu hồ sơ khiếu nại.

                                CHÁNH ÁN

  (Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

 

 

 

 

Hướng dẫn sử dụng mẫu:

(1) Ghi tên Toà án ra thông báo thụ lý đơn khiếu nại. Nếu Toà án ra thông báo là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi rõ tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).  Nếu Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh, (thành phố) đó (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra thông báo (ví dụ: Số: 02/2020/TBTL-KN).

(3) Ghi tên Viện kiểm sát nhân dân cấp tương đương.

(4) Ghi họ và tên người khiếu nại.

(5) Ghi địa chỉ của người khiếu nại.

(6) Ghi nơi làm việc của người khiếu nại.

(7) Ghi nội dung khiếu nại.

(8) Ghi ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại.

(9) Ghi số công văn đến của đơn khiếu nại.

(10) Ghi ngày, tháng, năm nhận được đơn khiếu nại.

(11) Ghi số thụ lý giải quyết đơn khiếu nại.

(12) Ghi tóm tắt nội dung khiếu nại.

(13) Ghi các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khiếu nại.

 

02 mẫu giải quyết khiếu nại thay đổi người tiến hành tố tụng:

- Mẫu 2: Quyết định không thay đổi người tiến hành tố tụng:

TÒA ÁN NHÂN DÂN.....(1)

                               

Số:.../.....(2)/QĐGQ-KN

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

 …....., ngày..... tháng ..... năm ….....

 

QUYẾT ĐỊNH

KHÔNG THAY ĐỔI NGƯỜI TIN HÀNH T TỤNG

CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN …………………….(3)

-  Căn cứ vào …………………………….(4) của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Căn cứ vào hồ sơ vụ án ……………………(5) thụ lý số …../…..(6)/TLST-TLVA ngày …….(7) về việc ………………(8) giữa ………………………………………….(9);

 

*Xét thấy: Yêu cầu thay đổi ……………… (10)của ………………..(11) theo Đơn khiếu nại đề ngày ………….. (12)(công văn đến số ……… ngày ………..)(13)  là không có cơ sở theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH:

1. Không chấp nhận yêu cầu thay đổi ……………. (10) của ……………(11) đối với ………….. (10) được phân công giải quyết vụ án ……… (5) thụ lý số ……./….(6)/TLST-TLVA ngày …………(7) về việc ……………….. (8) giữa ……………..(9).

2. ………………(10) tiếp tục tiến hành giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm nêu trên theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

Nơi nhận:

  • Các đương sự;
  • Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp;
  • Lưu hồ tại Tòa án.

 

 

 

 

 

CHÁNH ÁN

(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

 

 

Hướng dẫn sử dụng mẫu:

(1) Ghi tên Toà án ra Quyết định không thay đổi người tiến hành tố tụng. Nếu Toà án ra Quyết định là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi rõ tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).  Nếu Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh, (thành phố) đó (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra Quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐGQ-KN).

(3) Ghi Chánh án Tòa án nhân dân ra Quyết định không thay đổi người tiến hành tố tụng.

(4) Ghi căn cứ điều luật giải quyết khiếu nại không thay đổi người tiến hành tố tụng.

(5) Ghi vụ án gì (ví dụ: dân sự, hành chính,…)

(6) Ghi số thụ lý vụ án bị khiếu nại.

(7) Ghi ngày, tháng, năm thụ lý vụ án.

(8) Ghi quan hệ tranh chấp của vụ án bị khiếu nại.

(9) Ghi đầy đủ tên của các đương sự tương ứng với tư cách đương sự trong vụ án.

(10) Ghi tên người tiến hành tố tụng bị đề nghị thay đổi (ví dụ: Thẩm phán Nguyễn Thị A,…).

(11) Ghi họ và tên của người khiếu nại.

(12) Ghi ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại.

(13) Ghi số công văn đến của đơn khiếu nại, ngày, tháng, năm nhận được đơn khiếu nại.

 

- Mẫu 3: Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng:

 

TÒA ÁN NHÂN DÂN.....(1)

                               

Số:.../...../QĐGQ……….(2)

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

 …....., ngày..... tháng ..... năm ….....


QUYẾT ĐỊNH

THAY ĐỔI NGƯỜI TIN HÀNH T TỤNG

                                           CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN …………………….(3) 

-   Căn cứ ………………(4) của Bộ luật tố tụng dân sự;

-  Căn cứ Quyết định số ………./………../QĐ-TA ngày … …………(5) của Chánh án Tòa án nhân dân …………(6) về việc phân công người tiến hành tố tụng;

 

*Xét thấy: Yêu cầu thay đổi ……………… (7)của ………………..(8) theo Đơn khiếu nại đề ngày ………….. (9)(công văn đến số ……… ngày ………..)(10)  là có cơ sở, thuộc trường hợp thay đổi …………(11) theo quy định tại …………………(12).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. …………………. (13) thay ………………….(7) giải quyết vụ án …………(14) thụ lý số …../…….(15)/TLST-….. ngày …./…./…. (16)về việc ………………(17) giữa ……………………..(18)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

Nơi nhận:

  • Các đương sự;
  • Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp;
  • Lưu hồ tại Tòa án.

 

 

 

 

 

CHÁNH ÁN

(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

 

 

Hướng dẫn sử dụng mẫu:

(1) Ghi tên Toà án ra Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng. Nếu Toà án ra Quyết định là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi rõ tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).  Nếu Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh, (thành phố) đó (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra Quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐGQ-KN).

(3) Ghi Chánh án Tòa án nhân dân ra Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng.

(4) Ghi căn cứ điều luật áp dụng giải quyết khiếu nại thay đổi người tiến hành tố tụng.

(5) Ghi số, ngày, tháng, năm ban hành Quyết định phân công người tiến hành tố tụng của vụ án bị khiếu nại.

(6) Ghi tên Tòa án ban hành Quyết định phân công người tiến hành tố tụng của vụ án bị khiếu nại.

(7) Ghi tên người tiến hành tố tụng bị đề nghị thay đổi (ví dụ: Thẩm phán Nguyễn Thị A,…).

(8) Ghi họ và tên của người khiếu nại.

(9) Ghi ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại.

(10) Ghi số công văn đến của đơn khiếu nại, ngày, tháng, năm nhận được đơn khiếu nại.

(11) Ghi người tiến hành tố tụng bị đề nghị thay đổi (ví dụ: Thẩm phán, thư ký,…)

(12) Ghi căn cứ điều luật áp dụng Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng.

(13) Ghi tên người tiến hành tố tụng được thay đổi (ví dụ: Thẩm phán Nguyễn Thị B,…).

(14) Ghi loại án đang được thụ lý giải quyết (ví dụ: Dân sự, …)

(15) Ghi số thụ lý vụ án bị khiếu nại.

(16) Ghi ngày, tháng, năm thụ lý vụ án.

(17) Ghi quan hệ tranh chấp của vụ án bị khiếu nại.

(18) Ghi đầy đủ tên của các đương sự tương ứng với tư cách đương sự trong vụ án.

 

  1. Hội đồng xét xử giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần Hội đồng xét xử:

- Mẫu 4: Biên bản hội ý về khiếu nại thay đổi thành phần Hội đồng xét xử:

TÒA ÁN NHÂN DÂN.....(1)

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

BIÊN BẢN HỘI Ý

Vào hồi... giờ...phút, ngày... tháng...năm...................................................

Tại:(2).......................................................................................................

Với Hội đồng xét xử(3) ……….gồm có:

Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông (Bà)................................................

Các Hội thẩmÔng (Bà).........................................................................

                          Ông (Bà)........................................................................

Tiến hành hội ý Yêu cầu thay đổi ………………(4) của ………………..(5) theo Đơn khiếu nại đề ngày ………….. (công văn đến số ……… ngày ………..) (6) trong vụ án dân sự thụ lý số…….…/….../………..-……..….(7) ngày…..tháng…..năm…..về (8)…………………………………………… giữa: Nguyên đơn………Bị đơn……Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan………….(9)

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, các quy định của pháp luật………..(10).

HỘI ĐỒNG XÉT XỬ THẢO LUẬN, BIỂU QUYẾT,

QUYẾT ĐỊNH NHƯ SAU(11)

..................................................................................................................

..................................................................................................................

Hội ý kết thúc vào hồi....... giờ....... phút, ngày....... tháng....... năm.

Biên bản hội ý đã được đọc lại cho tất cả thành viên Hội đồng xét xử cùng nghe và ký tên dưới đây.

 

THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

(Ký tên, ghi rõ họ tên)

 

 

 

 

 

 

 

THẨM PHÁN – CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 51-DS:

(1) Ghi tên Toà án tiến hành phiên hội ý và lập biên bản hội ý; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện X, tỉnh H). Nếu là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh, (thành phố) đó (ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh H).

 (2) Ghi địa điểm nơi tiến hành phiên hội ý (ví dụ: Tại phòng hội ý cảu Tòa án  nhân dân huyện S, thành phố H).

(3) Nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm thì ghi “sơ thẩm”; nếu Hội đồng xét xử phúc thẩm thì ghi “phúc thẩm”.

(4) Ghi yêu cầu thay đổi thành viên Hội đồng xét xử nào?

(5) Ghi họ tên người khiếu nại

(6) Ghi số công văn đến, ngày, tháng, năm nhận được đơn khiếu nại.

(7) Ghi số thụ lý vụ án bị khiếu nại.

(8) Ghi quan hệ tranh chấp của vụ án bị khiếu nại.

(9) Ghi đầy đủ tên của các đương sự tương ứng với tư cách đương sự trong vụ án.

(10) Ghi căn cứ pháp luật để hội đồng thảo luận, biểu quyết, quyết định

 (11) Ghi các ý kiến thảo luận, biểu quyết và quyết định của Hội đồng xét xử theo từng vấn đề của khiếu nại, nếu có ý kiến khác thì ghi rõ ý kiến của thành viên Hội đồng xét xử có ý kiến khác. 

 

 

- Mẫu 5: Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc đề nghị thay đổi thành phần Hội đồng xét xử:

TÒA ÁN NHÂN DÂN……..(1)

 

 

Số:....../......(2)/QĐGQ-KN

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

  ...., ngày...... tháng ...... năm……

QUYẾT ĐỊNH

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI THAY ĐỔI

THÀNH PHẦN HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

TÒA ÁN NHÂN DÂN..........................................(3)

Với Hội đồng xét xử gồm có:

Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông (Bà)................................................

Các Hội thẩmÔng (Bà).........................................................................

                          Ông (Bà)........................................................................

Căn cứ vào ….……………………………….(4) của Bộ luật tố tụng dân sự;

          Căn cứ đơn khiếu nại đề ngày…/…/… của ………………………….(5)

          Địa chỉ: ……………………………………………………………………

khiếu nại…………………………(6) trong giải quyết vụ án thụ lý  ……………………(7) về việc…….………(8) giữa ……………………..(9)

Căn cứ vào Biên bản hội ý…………………………..ngày…tháng.....năm…… đối với yêu cầu đề nghị thay đổi thành phần hội đồng xét xử trên

Xét thấy: (10)............................................................................................

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nội dung khiếu nại của ………………(5) về………………(6)

là ………………(11)

Điều 2. …………(12) Đề nghị thay đổi thành phần hội đồng xét xử

          ……………………………………………………………………..(13).

          Điều 3. ……………(14) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

         

Nơi nhận:

  • Các đương sự;
  • Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp;
  • Lưu hồ tại Tòa án.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Thẩm phán - Chủ tọa phiên toà

 (Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

Hướng dẫn sử dụng mẫu:

(1) Ghi tên Toà án ra Quyết định giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần hội đồng xét xử. Nếu Toà án ra Quyết định là Toà án nhân dân cấp huyện cần ghi rõ tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).  Nếu Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh, (thành phố) đó (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra Quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐGQ-KN).

(3) Ghi Tòa án nhân dân ra Quyết định giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần hội đồng xét xử.

(4) Ghi căn cứ điều luật áp dụng giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần hội đồng xét xử.

(5) Ghi số công văn đến, ngày, tháng, năm nhận được đơn khiếu nại. Ghi họ tên người khiếu nại

(6) Ghi tên người tiến hành tố tụng được thay đổi (ví dụ: Thẩm phán Nguyễn Thị B,…).

(7) Ghi số thụ lý vụ án bị khiếu nại.

(8) Ghi quan hệ tranh chấp của vụ án bị khiếu nại.

(9) Ghi đầy đủ tên của các đương sự tương ứng với tư cách đương sự trong vụ án.

(10) Xem xét, nhận định các căn cứ để đưa ra Quyết định giải quyết khiếu nại thay đổi thành phần hội đồng xét xử.

 (11) Ghi kết luận nội dung khiếu nại là đúng hoặc sai?

(12) Chấp nhận hay không chấp nhận khiếu nại thay đổi thành phần hội đồng xét xử.

(13) Ghi người bị khiếu nại tiếp tục tiến hành giải quyết vụ án trong trường hợp không chấp nhận khiếu nại hay ghi họ tên người được thay đổi trong hội đồng xét xử trong trường hợp chấp nhận khiếu nại.

(14) Ghi họ tên người được thay đổi trong hội đồng xét xử trường hợp chấp nhận khiếu nại. 

 

TANDCC tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc môi giới đất nền” - Ảnh: Hoàng Nguyên

NGUYỄN THỊ HỒNG NGỌC (TAND Tp Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)