Thủ tục rút gọn – vướng mắc và kiến nghị

Thủ tục rút gọn là một dạng đặc biệt của thủ tục tố tụng hình sự, trong đó có sự giản lược bớt một số khâu, một số thủ tục không cần thiết trong việc điều tra, truy tố, xét xử làm cho việc xử lý vụ án nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng thủ tục rút gọn trong BLTTHS còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được khắc phục.

Việc quy định thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện nay là nhằm tăng cường hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm; đẩy nhanh việc điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ án ít nghiêm trọng, có tính chất giản đơn, hành vi phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, chứng cứ rõ ràng. Chính vì vậy, mục đích của thủ tục rút gọn là nhanh chóng đưa những người phạm tội có tính chất nêu trên ra xét xử trước Tòa án, để tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí, của cơ quan tiến hành tố tụng, khắc phục tình trạng ứ đọng án. Tuy nhiên, thủ tục rút gọn vẫn yêu cầu phải tuân thủ các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự, bảo đảm không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; việc điều tra, truy tố, xét xử phải vô tư, khách quan; bảo đảm quyền bào chữa và quyền bình đẳng trước pháp luật.

1. Khó khăn, vướng mắc

Qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng thủ tục rút gọn trong BLTTHS còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, việc hiểu như thế nào là “Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” và “Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng” chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, nên nhận thức và áp dụng hai điều kiện này chưa thống nhất dẫn đến ngại áp dụng thủ tục rút gọn, sợ bị hủy án hoặc kiến nghị quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Còn có cán bộ của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chưa nhận thức đúng đắn về mục đích và ý nghĩa của việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án, còn mang tâm lý trì trệ trong giải quyết các vụ án hình sự.

Thứ hai, do số lượng vụ án, công việc của các cơ quan tiến hành tố tụng nhiều, phức tạp cần tập trung nhân lực và thời gian để giải quyết. Trong khi đó, áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án thời gian ngắn, không thể gia hạn được nên khó hoàn thành trong thời gian luật định. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng thường chọn giải quyết vụ án theo thủ tục chung dễ chủ động về mặt thời gian, không vi phạm thời hạn giải quyết vụ án.

Thứ ba, trường hợp Thẩm phán phân công xét xử vụ án ra quyết định “trả hồ sơ để điều tra bổ sung” thì Viện kiểm sát hay Tòa án ra quyết định hủy bỏ thủ tục rút gọn. Điều 458 quy định trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn, nếu một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 của Bộ luật này hoặc… trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Có quan điểm cho rằng, việc áp dụng thủ tục rút gọn được áp dụng ở giai đoạn điều tra, truy tố do đó nếu Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và tiến hành điều tra bổ sung theo thủ tục chung.

Theo quan điểm của tác giả, trong thời hạn 10 ngày qua nghiên cứu hồ sơ, Tòa án xét thấy cần phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung thì trước khi ra quyết định trả hồ sơ Tòa án phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, vì khi trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung cũng có thể Viện kiểm sát chấp nhận hoặc không chấp nhận. Nếu Viện kiểm sát cho rằng quyết định trả hồ sơ của Tòa án là không có căn cứ nên không chấp nhận và giao lại hồ sơ cho Tòa án xét xử theo thủ tục chung. Điều 277 BLTTHS quy định, đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải đưa vụ án ra xét xử. Do đó, trước khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung Tòa án phải ra quyết định hủy bỏ áp dụng thủ tục rút gọn chứ không phải Viện kiểm sát ra quyết định.

Thứ tư, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án. Như vậy, quy định này bắt buộc trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định xét xử Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án mà không được kéo dài thời hạn mở phiên tòa như xét xử theo thủ tục chung. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn rơi vào trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan Tòa án không thể mở phiên tòa trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định xét xử.

Thứ năm, khoản 5 Điều 457 BLTTHS quy định: Bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định và được Cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Vấn đề đặt ra là ở giai đoạn Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát để truy tố theo thẩm quyền, Viện kiểm sát xét thấy có đủ điều kiện nên ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Theo quy định tại khoản 3 Điều 459 thì thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố không quá 05 ngày.

Như vậy, khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn Viện kiểm sát giao quyết định này cho bị can, đồng thời cũng áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị can là 05 ngày. Đến ngày thứ 05 thì bị can khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, Viện kiểm sát có thời gian 03 ngày để giải quyết khiếu nại trên. Trong trường hợp, lệnh tạm giam (đã hết) đối với bị can phải xử lý như thế nào?

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Một là, tác giả đề xuất khi áp dụng thủ tục rút gọn ở mỗi giai đoạn tố tụng cần áp dụng thời hạn gia hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án để CQTHTT chủ động trong việc giải quyết vụ án.

Hai là, tác giả kiến nghị cơ quan chuyên môn cấp trên hướng dẫn thực hiện đối với trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan Tòa án không thể mở phiên tòa trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định xét xử.

Ba là, đối với trường hợp giải quyết khiếu nại quyết định thủ tục rút gọn đối với bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong các giai đoạn tố tụng, cần phải sửa đổi quy định về thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo để đảm bảo giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là ý kiến của tác giả, rất mong được sự quan tâm, đóng góp của cấp trên, đồng nghiệp và bạn đọc./.

 

TAND tỉnh Bắc Giang xét xử vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn - Ảnh: Phan Thị Diễm Hạnh

 

NGUYỄN TẤT TRÌNH (TAQS khu vực 1 Quân khu 5)