THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ VIỆC THU HỒI, HỦY BỎ GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ KIẾN NGHỊ

        Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD đất) được xác định là Quyết định hành chính theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 và tại khoản 1, 2 Điều 3 Luật tố tụng hành chính (hướng dẫn tại mục 1 phần I Giải đáp số 02/GĐ-TA ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao).

       Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất (có yêu cầu hủy GCNQSD đất) cũng như giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến đối tượng khởi kiện quyết định hành chính là GCNQSD đất thì có những bất cập liên quan đến hoạt động tố tụng của cơ quan ban hành GCNQSD đất (cụ thể là Ủy ban nhân dân huyện và tỉnh) với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong vụ án dân sự) và người bị kiện (trong vụ án hành chính).

          Theo quy định tại khoản 4 điều 57 của Luật tố tụng hành chính quy định quyền, nghĩa vụ của người bị kiện là “Sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện”. Đồng thời tại điểm e khoản 1 điều 143 của Luật tố tụng hành chính thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khi người bị kiện huỷ bỏ quyết định hành chính. Với quy định này thì trong quá trình giải quyết vụ án tài Tòa án, cơ quan đã ban hành GCNQSD đất có quyền hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho người sử dụng đất khi bị khởi kiện.

         Tuy nhiên, theo điểm d khoản 2 điều 106 của Luật đất đai năm 2013 quy định đối với trường hợp “Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.” Và khoản 3 điều 106 của Luật đất đai năm 2013 quy định “Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai”. Như vậy, trường hợp GCNQSD đất mà cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì trước khi thu hồi hoặc hủy bỏ bắt buộc phải qua thủ tục có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai mới được thu hồi, hủy bỏ.

        Thực tiễn xét xử tại Tòa án đối với những GCNQSD đất bị khởi kiện thì thường không có hoạt động thanh tra để kết luận mà Tòa án thu thập chứng cứ và quyết định. Do đó, với quy định này thì trong quá trình tố tụng tại Tòa án, cơ quan đã ban hành GCNQSD đất không thể hủy Quyết định hành chính là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thu hồi được nên thường chờ Tòa án tuyên hủy Quyết định ban hành GCNQSD đất rồi mới căn cứ vào bản án để thu hồi GCNQSD đất. Điều này đã dẫn đến mâu thuẫn, trong các quy định của pháp luật về quyền của cơ quan cấp GCNQSD đất khi tham gia tố tụng tại Tòa án.

          Kiến nghị và đề xuất

         Từ những quy định của pháp luật như đã phân tích trên, đối với những trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 điều 106 của Luật đất đai năm 2013 thì cơ quan đã ban hành GCNQSD đất không thể tự mình quyết định thu hồi hay hủy bỏ GCNQSD đất mà mình phát hiện bị sai. Do đó, cần phải có sự sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thu hồi, hủy bỏ GCNQSD đất để có sự đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật đất đai, Luật tố tụng hành chính và Bộ luật tố tụng dân sự nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động và quyền tự quyết định của cơ quan ban hành GCNQSD đất trong quá trình quản lý đất đai.

Lê Thanh Hải- Tòa án nhân dân huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam