TÌNH TIẾT TĂNG NẶNG TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

Xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại là một vấn đề mang tính pháp lý và thực tiễn hết sức mới mẽ tại Việt Nam. Do đó, nghiên cứu và làm rõ những quy định về xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại có ý nghĩa rất quan trọng.

        Pháp nhân thương mại là chủ thể chịu TNHS được quy định trong BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 so với BLHS năm 1999. Trong BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại. Việc Tòa án căn cứ vào các tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân chính là thể hiện sự nghiêm khắc hơn của pháp luật đối với hành vi phạm tội mà pháp nhân thương mại gây ra.

Theo quy định Điều 85 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại bao gồm:

“1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

“a) Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội;

b) Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;

e) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.”

+ Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội: Đây là hình thức phạm tội mà theo đó gữa các pháp nhân thương mại đã có sự bàn bạc, thồng nhất để cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội, quy định này giống như quy định về đồng phạm tại Điều 17 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

+ Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng: là quyết tâm thực hiện ý định phạm tội của pháp nhân thương mại, mặc dù khi chuẩn bị hoặc đang thực hiện hành vi phạm tội có sự can ngăn hoặc có những cản trở khác trong quá trình thực hiện tội phạm. Thể hiện sự quyết tâm phạm tội cao, thực hiện bằng được tội phạm. Điều này không phụ thuộc vào việc pháp nhân thương mại phạm tội có đạt được mục đích phạm tội hay không. Có trường hợp, pháp nhân thương mại phạm tội không đạt được mục đích vẫn có thể bị coi là cố tình thực hiện tội phạm đến cùng. Có trường hợp, pháp nhân thương mại phạm tội có quyết tâm phạm tội, nhưng lại không phải là cố tình thực hiện tội phạm đến cùng vì trong quá trình thực hiện tội phạm, pháp nhân thương mại đó không bị sự cản trở nào hoặc sự cản trở đó không đáng kể.

Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào quyết tâm thực hiện tội phạm và những cản trở mà pháp nhân thương mại phạm tội vấp phải. Nếu quyết tâm càng cao, cản trở càng lớn mà pháp nhân thương mại vẫn cố tình thực hiện tội phạm thì mức độ tăng nặng càng nhiều.

+ Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau

– Nếu tách ra từng hành vi phạm tội riêng lẽ thì mỗi hành vi đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập.

– Tất cả các hành vi phạm tội đó đều được quy định tại một điều luật cụ thể trong phần riêng BLHS, có thể cùng một khoản, có thể phạm tội ở các khoản khác nhau của cùng một điều luật.

– Các hành vi phạm tội đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chưa bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (như đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án…) và cùng bị đưa ra xét xử một lần trong cùng một vụ án (được tuyên trong một bản án).

– Nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản thì pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại.

+ Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm: Theo quy định tại Điều 53 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 Tái phạm, tái phạm nguy hiểm:

“1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.”

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội: Pháp nhân thương mại phạm tội phải có sự lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội mà không đòi hỏi lúc phạm tội đang có chiến tranh, đang trong tình trạng khẩn cấp, đang có thiên tai, dịch bệnh hoặc đang có những khó khăn đặc biệt khác. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội mà pháp nhân thương mại phạm tội không lợi dụng những sự kiện này để phạm tội thì không áp dụng tình tiết tăng nặng này.

+ Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.

– Dùng thủ tinh phạm tội là trường hợp khi phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội có những mánh khoé, cách thức kín đáo phức tạp và khó nhận ra.

– Khi thực hiện hành vi phạm tội pháp nhân thương mại nhằm trốn tránh, che dấu hành vi phạm tội khác.

Ngoài ra, các tình tiết đã được BLHS quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

TRẦN VĂN HÙNG