Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm hoạt động và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên”

Ngày 11/6 TANDTC phối hợp với Liên minh Châu Âu EU, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Chương trình phát triển Liên hợp quốc UBNDP tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm hoạt động và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên”.

Tham dự Tọa đàm có ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC; ông Thomas Corrie, Tham tán – Phó ban Hợp tác – Phái đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam; bà Lesley Miler, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam; các chuyên gia trong nước và quốc tế; đại diện các cơ quan, tổ chức trung ương; các đơn vị thuộc TANDTC; các Thẩm phán, công chức của các TAND địa phương; đại diện các Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế

Ông Bùi Ngọc Hòa, Thẩm phán TANDTC phát biểu khai mạc Tọa đàm, nêu rõ: Trong thời gian qua, để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và thực hiện chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị, cùng với việc thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng về tư pháp như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.v.v. Theo các đạo luật này thì trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao, cấp tỉnh và cấp huyện có Tòa gia đình và người chưa thành niên. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ về tư pháp người chưa thành niên nói chung, chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nói riêng; trong đó, cùng với việc tiếp tục bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm là yêu cầu về bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên, với những quy định hết sức cụ thể.

Để triển khai các quy định nêu trên, thời gian qua Ban cán sự đảng, lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án các cấp, căn cứ vào quy định của pháp luật và nhu cầu thực tiễn, tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên (TGĐVNCTN) tại Tòa án mình. Bên cạnh đó, Lãnh đạo TANDTC cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chức năng tổ chức tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; triển khai thi hành các đạo luật về tư pháp người chưa thành niên. Bước đầu, hoạt động của các Tòa án trong công tác giải quyết các vụ việc này đã đạt hiệu quả, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Các đại biểu tham dự hội thảo – Ảnh Hùng Lan

Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa gia đình và người chưa thành niên, thực hiện Kế hoạch hoạt động số 2.6.2.2 về “Hỗ trợ tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của Tòa gia đình và người chưa thành niên tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp và các kinh nghiệm quốc tế, nhằm thúc đẩy tiến trình hình thành và tăng cường hiệu quả hoạt động của Tòa gia đình và người chưa thành niên” thuộc dự án Tăng cường tiếp cận pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do liên minh Châu Âu tài trợ năm 2019, Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm hoạt động và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên” được tổ chức, với những mục tiêu thiết thực.

Phát biểu tại Tọa đàm, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình bày tỏ mối quan tâm của toàn xã hội đối với những vụ án xâm hại trẻ em hiện nay, ghi nhận những kết quả tích cực của các Tòa án thành lập TGĐVNCTN; cảm ơn sự hợp tác giúp đỡ của các tổ chức quốc tế. Qua Tọa đàm này TAND có thể nhìn lại quá trình hình thành TGĐVNCTN, những thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết; bài học kinh nghiệm từ TGĐVNCTN tại TAND thành phố Hồ Chí Minh và TAND tỉnh Đồng Tháp, cũng như chia sẻ bài học kinh nghiệm quốc tế; nâng cao kiến thức, kỹ năng và nhận thức về tư pháp cho trẻ em, vai trò của TGĐVNCTN.

Theo chương trình, Tọa đàm diễn ra trong thời gian một ngày, có nhiều tham luận được đăng ký, tapchitoaan.vn sẽ lần lượt giới thiệu nội dung các tham luận này.

Kinh nghiệm tổ chức, hoạt động Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TAND TP Hồ Chí Minh

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Chánh án TAND Tp Hồ Chí Minh Ung Thị Xuân Hương cho biết một số kinh nghiệm giải quyết, xét xử các vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người chưa thành niên. Từ thực tiễn giải quyết, xét xử các vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người chưa thành niên (NCTN) tại TGĐVNCTN, TAND Thành phố Hồ Chí Minh thấy cần lưu ý một số vấn đề như sau để phát huy một cách hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Tòa chuyên trách này:

– Những người tiến hành tố tụng cần chuẩn bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong tiếp xúc với NCTN sao cho phù hợp với tâm lý của các em. Cần lưu ý xác định chính xác độ tuổi, tìm hiểu mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức, điều kiện sinh sống và giáo dục, nguyên nhân và điều kiện phạm tội của bị cáo là NCTN, từ đó có các phương thức tiếp xúc phù hợp, các biện pháp xử lý và áp dụng những hình phạt thỏa đáng đối với những đối tượng này.

– Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự có NCTN tham gia tố tụng cũng tương tự như việc nghiên cứu các vụ án hình sự khác nhưng cần lưu ý những quy định riêng đối với NCTN là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đảm bảo không có vi phạm trong thủ tục tố tụng, xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NCTN tham gia tố tụng.

– Tại phiên tòa, đặt câu hỏi đối với NCTN phải ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, nếu thấy họ chưa hiểu câu hỏi thì cần nhắc lại và có thể giải thích câu hỏi cho rõ hơn; không được tỏ thái độ gay gắt, nhằm giúp cho NCTN hiểu, bình tĩnh trả lời đúng câu hỏi một cách khách quan. Kết hợp xét hỏi đại diện gia đình, nhà trường nhằm xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội, động cơ, mục đích, hoàn cảnh phạm tội… của bị cáo chưa thành niên, từ đó Hội đồng xét xử có thể xác định biện pháp xử lý hình sự cho phù hợp.

– Cần chú ý cân nhắc để có thể áp dụng việc miễn hình phạt, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với những trường hợp có thể áp dụng. Nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp là giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng. Ngược lại, đối với hành vi phạm tội đối với người bị hại là NCTN, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.

Về xây dựng mô hình phòng xử thân thiện, đối với các phiên tòa xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự, người chưa đủ 16 tuổi không được vào phòng xử án trừ trường hợp được Tòa án triệu tập; quy định này thể hiện cần hạn chế việc người dưới 16 tuổi tham gia phiên tòa để không ảnh hưởng đến tâm lý của các em; việc tham gia tố tụng có thể thông qua người đại diện hoặc trước phiên tòa, Thẩm phán tiến hành ghi nhận ý kiến của các em. Riêng đối với vụ án hình sự, bị cáo hoặc người bị hại là NCTN buộc phải tham gia phiên tòa. Do đó, mô hình phòng xử thân thiện phát huy hiệu quả chủ yếu là trong các vụ án hình sự.
NCTN về thể chất và tinh thần phát triển chưa hoàn thiện, vì vậy, trong nhận thức và hành động của mình, NCTN còn hạn chế về kiến thức, không làm chủ được hành vi của mình, thường bị kích động, rủ rê, lôi kéo và bị người khác lợi dụng. Về mặt chủ quan, còn có thể thấy do NCTN chưa được trang bị đầy đủ kiến thức nên nhận thức không đầy đủ, thậm chí không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật. NCTN là đối tượng có nguy cơ bị xâm hại cao, dễ bị tổn hại do độ tuổi và hoàn cảnh, dễ phạm tội do nhận thức chưa đầy đủ. Do đó, trong việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật do NCTN thực hiện cần vừa đảm bảo việc trừng phạt nhưng ưu tiên giáo dục, răn đe nhằm cải tạo các em thành người lương thiện, có nhận thức đúng đắn và có ích cho xã hội.

TGĐVNCTN được thành lập với mục tiêu đảm bảo quyền trẻ em theo Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, đảm bảo rằng trong quá trình thực thi và áp dụng pháp luật thì quyền của NCTN không bị xâm phạm, kể cả trong trường hợp họ là đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. TGĐVNCTN là cơ quan tư pháp riêng biệt để thực hiện trình tự, thủ tục áp dụng riêng cho NCTN vi phạm pháp luật, xử lý NCTN phạm tội phù hợp với độ tuổi của các em. Việc xây dựng một hệ thống tư pháp thân thiện với NCTN không những là một hướng đấu tranh phòng, chống tội phạm có liên quan đến NCTN mà còn là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao địa vị pháp lý của NCTN là bị can, bị cáo khi tham gia tố tụng; phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về thủ tục tố tụng đối với NCTN được thể hiện trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các văn bản có liên quan mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện.

Mô hình phòng xử thân thiện loại bỏ sự sợ hãi, căng thẳng của NCTN, tránh trường hợp do sợ hãi mà NCTN cho lời khai không đúng, gây bất lợi cho mình, từ đó giải quyết nhanh chóng vụ việc, đúng người đúng tội; đề cao mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm ở lứa tuổi chưa thành niên hơn là một hình ảnh nghiêm khắc về sự trừng phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật tương tự do người đã thành niên gây ra.
Từ khi được thành lập cho đến nay, Tòa GĐ&NCTN đã xây dựng và dần hoàn thiện mô hình xét xử thân thiện đối với NCTN để phát huy ý nghĩa thực tiễn củ mô hình xét xử này, cụ thể như sau:

– Về cơ sở vật chất: Xây dựng phòng chức năng Giám sát tâm lý, hình thức phòng xét xử các vụ án được đổi mới theo hướng thân thiện với NCTN về cách sắp xếp chỗ ngồi của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng; Không sử dụng vành móng ngựa.

– Về nhân sự: Thành phần Hội đồng xét xử được tuyển chọn đảm bảo về năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, được bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức về tâm sinh lý của NCTN, kiến thức xã hội… bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ; Thành phần Hội đồng xét xử vụ án có bị cáo là NCTN phải có Hội thẩm nhân dân đang hoặc đã là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên.

– Về hình thức tổ chức phiên tòa xét xử bảo đảm ít tác động đến tâm lý và sự phát triển của NCTN và tôn trọng bí mật đời tư của họ: Không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác trong quá trình xét xử tại Tòa án, trừ trường hợp họ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý hoặc có việc làm tiêu cực hoặc có biểu hiện chống đối, gây mất trật tự tại phiên toà. Phương thức xét hỏi bị cáo là NCTN phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của bị cáo. Những lời giải thích về quyền và nghĩa vụ, thủ tục xét xử cũng như các câu hỏi đưa ra tại phiên tòa đơn giản, rõ ràng để đảm bảo cho NCTN và đại diện gia đình của họ có thể hiểu và trả lời đúng câu hỏi.

– Xét xử kín các vụ án do NCTN phạm tội gây ra để tạo thuận lợi cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ; Không tiến hành xét xử lưu động vụ án do NCTN gây ra, trừ trường hợp cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm.

HÙNG LAN